1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Truyện - Chân dung

Việc làm nhỏ ý nghĩa lớn

26/10/2020
Mùa hè năm 2019, em Nguyễn Nguyệt Linh đã gửi thông điệp đến 40 trường học trên địa bàn Thành phố Hà Nội với hi vọng trường học đừng thả bóng bay vào ngày khai giảng hoặc hạn chế số bóng bay để bảo vệ môi trường. Lời kêu gọi của em đã truyền cảm hứng và “đánh thức” người lớn nâng cao nhận thức về môi trường và thực hiện ngày khai giảng không bóng bay.

Nguyệt Linh tại lễ khai giảng không bóng bay của trường Marie Curie
 

Thời điểm viết bức thư gây hiệu ứng đó, Nguyệt Linh đang học lớp 6 trường Marie Curie. Nhiều năm liền em là học sinh tiêu biểu của trường, từng đoạt giải Nhất lứa tuổi 7 - 9 trong cuộc thi Tìm kiếm đại sứ văn học Ireland (dịch truyện King Puck), được Đại sứ Ireland tại Việt Nam trao chứng nhận. 

 

Cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, Nguyệt Linh vẫn còn là một cô bé ngây thơ thích đọc sách, nghe nhạc, nhảy hiphop, vẽ đàn với những ước mơ thay đổi theo thời gian như hướng dẫn viên du lịch hay trở thành một người giải cứu động vật quý hiếm hoặc một nhà khảo cổ… Linh tham gia nhiều hoạt động, sự kiện, đến hầu hết các bảo tàng ở Hà Nội, đến nhiều địa danh nổi tiếng, tham gia các khóa học để có thể hiểu và giới thiệu được cho du khách về văn hóa, lịch sử và địa danh của Hà Nội. Em còn tìm hiểu về các làng nghề truyền thống, quay 1 clip trực tiếp giới thiệu về mặt trăng, tham gia một số hoạt động thiện nguyện… 

 

Nguyệt Linh chia sẻ trước khi viết bức thư này em đã xin 1 số ảnh từ chuyến đi xuyên việt của thầy Hùng (thầy giáo dạy nhiếp ảnh), dùng  kiến thức đã được học từ 1 khóa làm phim của trung tâm Innovakid để dựng thành 1 clip dài 5 phút nhằm tuyên truyền về việc hạn chế rác thải nhựa, sau đó Linh gửi clip này cho cuộc thi Dream and Do Contest và đạt giải Ba. Tiếp theo, em tham gia khóa học làm phim của trung tâm TPD, viết kịch bản về chủ đề rác thải nhựa và cùng các bạn hoàn thành 1 phim ngắn về chủ đề này.

 

Trong bức thư của Nguyệt Linh gửi đến 40 trường học  Nguyệt Linh viết: "Con biết là hằng năm khi bắt đầu khai giảng, nhà trường thường cho các lớp thả bóng bay lên trời. Sau những thông tin con tìm thấy được thì bóng bay được làm từ nilon tức là nhựa, và khi thả bóng bay các chú chim hay động vật khác nuốt vào, nó có thể bị chặn đường ruột và dẫn đến chết đói. Còn khi bóng bay rơi xuống đất hoặc biển thì những chú rùa biển và các sinh vật biển sẽ bị nhầm với sứa. Ruy băng và dây buộc bóng có thể khiến chúng mắc kẹt và dẫn tới cái chết". Với thông điệp: "Thả bóng bay lên trời: Bay cao ước mơ của các học sinh - giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển", bức thư đã nhận được lời khen ngợi của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cũng đã biểu dương Nguyễn Nguyệt Linh vì việc làm ý nghĩa và đáng được nhân rộng này.

 

Đây không phải là lần đầu tiên Nguyệt Linh kêu gọi hành động vì môi trường. Trước đó, em từng dự thi chương trình mang tên Green Leader với bài viết "Trẻ em nói không với rác thải nhựa". Trong đó, Linh sử dụng những hình ảnh phản ánh thực trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra. Những con số thống kê như: Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nhất thế giới; mỗi gia đình Việt thải ra môi trường hàng chục triệu túi nilon mỗi ngày, hay Hà Nội chính là nơi "dẫn đầu" cả nước về rác thải khiến người xem phải suy nghĩ.

 

Cũng chính vì “ý tưởng đẹp” này của Nguyệt Linh mà lễ khai giảng năm học 2019 - 2020 tại trường Marie Curie, Hà Nội mang tên “LỄ KHAI GIẢNG NGUYỆT LINH” để ghi nhận thông điệp tuyệt vời của em!

 

Sau sự kiện viết thư đến các trường học để bảo vệ động vật, Nguyệt Linh lại tiếp tục thực hiện những ước mơ của mình, viết bài về việc bảo tồn động vật hoang dã để đăng báo. Em đã cùng các bạn mình lọt vào vòng 12/30 đội từ khắp nơi trên cả nước để trình bày ý tưởng của mình trong cuộc thi Tìm kiếm giải pháp quốc gia do Unicef và trường UNIS Hà Nội đồng tổ chức. Trong cuộc thi này Nguyệt Linh cùng các bạn chọn chủ đề về biến đổi khí hậu và môi trường và giải pháp đưa ra là chiến dịch Change yourself để thay đổi nhận thức về biến đổi khí hậu và môi trường ở thế hệ trẻ. 

 

Tiếp đó là hàng loạt hoạt động của Nguyệt Linh như: Góp tiếng nói trong video clip về biến đổi khí hậu của Unicef nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Trái đất (tháng 4/2020); Góp tiếng nói trong video Phát động chiến dịch Trái tim xanh kêu gọi chống bạo lực phụ nữ và trẻ em của Unicef và tham gia lễ phát động tại trụ sở của Unicef (tháng 6/2020); Tham gia hoạt động của tổ chức Actions for Climate Change and Biodiveristy với tư cách là là Đại sứ học sinh và tham gia mini – project về Đa dạng sinh học trong đô thị (tháng 6/2020); Vào đầu tháng tám năm nay Nguyệt Linh tiếp tục tham gia Diễn đàn thanh niên và phát triển bền vững của tổ chức Thế hệ xanh…

 

Một việc làm ý nghĩa nữa của Nguyệt Linh cũng đã được Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã Việt Nam (SVW) ghi nhận, đó là sau khi đến thăm SVW  ở rừng Cúc Phương, Nguyệt Linh có mối quan tâm đặc biệt đến bảo tồn động vật hoang dã và loài tê tê. Em nhận các sản phẩm của SVW như áo, túi để bán tại trường học và khu nhà ở để gây quỹ cho loài tê tê và tuyên truyền về hoạt động bảo tồn động vật hoang dã. Tổng số tiền Nguyệt Linh gây quỹ và gửi cho SVW đến nay là 5.600.000 đồng. 

 

Chị Lê Hoàng Minh Nguyệt - mẹ Nguyệt Linh cho hay, những hoạt động trên của Linh hầu hết liên quan đến vấn đề môi trường chính là do cách giáo dục của gia đình.  Với mong muốn con hiểu biết các vấn đề xã hội, hình thành ý thức và tinh thần trách nhiệm, sống gần gũi với thiên nhiên, gia đình luôn cho con tham gia các sự kiện, các chuyến đi, các trải nghiệm để hình thành nét tính cách này. Chính vì vậy, hành động gửi thư của con không phải là bằng chứng cho thấy con có khả năng gì đặc biệt trong lĩnh vực môi trường, bởi một bạn nhỏ cũng cần phải biết các vấn đề xã hội.

 

Với tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường, sau khi nhận được lá thư của Nguyệt Linh, nhiều trường học còn có thư trả lời và thực hiện hưởng ứng. Với trường Marie Curie nơi em học tập nhà trường đã kịp thời biểu dương việc làm ý nghĩa của em và phát động phong trào: Không dùng bìa nilon bọc vở, vận động các gia đình giáo viên và học sinh thay toàn bộ cốc, thìa, ống hút nhựa bằng ống hút giấy… nhằm hưởng ứng phong trào sống xanh. Với những thành tích đó Nguyệt Linh đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi thư khen và Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2019.

 

Câu chuyện về Nguyễn Nguyệt Linh đã góp phần không nhỏ nhằm bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã. Qua đó, cho thấy một học sinh nhỏ bé nhưng lại có góc nhìn thật trong trẻo, có ý nghĩa lớn lao trong cuộc sống hôm nay.

Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/viec-lam-nho-y-nghia-lon_262637.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)