1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Truyện - Chân dung

Những nhà văn từng là chiến sĩ quân báo

12/01/2022
Nhân dịp sách Nhà văn Việt Nam hiện đại tái bản (in lần thứ V, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2020), chúng tôi tìm thấy trong tổng số 1596 nhà văn Việt Nam thời hiện đại có 5 nhà văn từng là chiến sĩ quân báo: Vũ Bằng, Lê Đình Kỵ, Hồ Sĩ Vịnh, Vương Trọng và Khổng Minh Dụ. Thông tin về cuộc đời và sáng tác của các nhà văn từng là chiến sĩ quân báo, chúng tôi đều trích dẫn từ cuốn sách trên.
Những nhà văn từng là chiến sĩ quân báo
 
* Vũ Bằng (3/6/1913 - 7/4/1984): Tên khai sinh Vũ Đăng Bằng (bút danh khác: Tiêu Liêu, Vịt Con, Thiên Thư, Lê Tâm, Vạn Lý Trình, Hoàng Thị Trâm); quê quán: làng Lương Ngọc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Trước 1945, gia đình sống ở Hà Nội, cha mất sớm, mẹ có tiệm sách ở phố Hàng Ngang, đời sống vì thế không đến mức tùng tiệm. Vũ Bằng từng học Trường THPT Anbe Xarô (Lyce’e Albert Sarraut), tốt nghiệp Tú tài Pháp; có năng khiếu văn chương từ nhỏ, 16 tuổi đã có truyện đăng báo. Năm 1935, ông thành lập gia đình với bà Nguyễn Thị Quỳ (người Thuận Thành, Bắc Ninh). Cuối năm 1946, Vũ Bằng cùng với gia đình tản cư về nông thôn với tinh thần thời đại “tản cư là yêu nước”. Vào khoảng giữa năm 1948, Vũ Bằng trở về Hà Nội, đóng vai người “dinh-tê” (rentrer - vào trong). Thực ra đó là vỏ bọc mà Vũ Bằng đã khéo léo tạo ra theo yêu cầu của tổ chức, kể từ đó ông tham gia hoạt động cách mạng (đến 1952, chính thức hoạt động trong mạng lưới tình báo quân đội, bí danh X10). Có một giả thiết cho rằng, đúng vào thời kỳ Vũ Bằng vào vai “trí thức trùm chăn” khéo léo nhất thì bất ngờ “chạm trán” Nam Cao ở một vùng nông thôn cách Hà Nội không xa. Sau này, nhiều người phỏng đoán chính Vũ Bằng là nguyên mẫu của nhân vật nhà văn Hoàng trong tác phẩm Đôi mắt (truyện ngắn, 1948) của Nam Cao. Dẫu sao cũng chỉ là phỏng đoán, song cái lý, cái tình của câu chuyện văn chương thú vị này khá thuyết phục. Năm 1954, theo phân công của tổ chức, Vũ Bằng đã mạnh bước ra đi, để lại sau lưng gia đình, người thân và công việc làm báo, viết văn mà mình tận hiến nhiều năm trời, trong vai người di cư vào Nam hoạt động tình báo. Sau 1975, Vũ Bằng vẫn không trở ra Hà Nội được vì rất nhiều lý do, trong đó có vấn đề danh phận cá nhân (do khó khăn trong công tác nên các quan hệ bí mật bị đứt gãy, chưa kịp xác minh). Mười lăm năm sau, Tổng cục II, Bộ Quốc phòng mới có giấy xác nhận (số 67/XN, ngày 1/3/2000) quá trình hoạt động tình báo của Vũ Bằng từ 1952 đến 30/4/1975. Năm 2010, Hội Nhà văn Việt Nam có quyết định công nhận Vũ Bằng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2007, nhà văn Vũ Bằng được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Ông mất ngày 7/4/1984 tại TP. Hồ Chí Minh. Di sản văn chương của nhà văn Vũ Bằng khá đồ sộ (khoảng 30 tác phẩm), trong đó nổi bật: Một mình trong đêm tối (tiểu thuyết, 1937), Truyện hai người (tiểu thuyết, 1940), Cai (hồi ký, 1942), Thương nhớ mười hai (ký, 1960), Miếng ngon Hà Nội (ký, 1955), Bốn mươi năm nói láo (ký, 1960), Miếng lạ miền Nam (ký, 1960), Khảo về tiểu thuyết (1951-1955), Vũ Bằng toàn tập (4 tập, 2006).
 
Những nhà văn từng là chiến sĩ quân báo
 
* Lê Đình Kỵ (4/4/1923 - 24/10/2009): Tên khai sinh Lê Đình Kỵ; quê quán: xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông từng chia sẻ về gia cảnh: “Cha tôi là nông dân, có học qua chữ Nho. Mẹ tôi tảo tần vất vả sớm hôm. Tuổi thơ tôi khá thiệt thòi vì trong nhà không có sách vở thiên thư gì”. Trước năm 1945, Lê Đình Kỵ tốt nghiệp Tú tài Triết học. Năm 1945, Lê Đình Kỵ tham gia khởi nghĩa ở Hội An, tích cực làm công tác bình dân học vụ và thông tin tuyên truyền. Chàng thanh niên xứ Quảng, như thế hệ ngày ấy, đã hăng hái gác bút nghiên theo nghiệp nhà binh trong vòng ba năm (1949 - 1951). Thời gian trong quân ngũ, Lê Đình Kỵ đã từng giữ chức Tiểu đoàn phó quân báo Liên khu V (gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai). Đây là quãng đời sôi động và nhiều biến cố đối với Lê Đình Kỵ. Nhưng với đồng nghiệp, dẫu thân hay sơ, sau này rất ít người tỏ tường. Trong vòng 1000 ngày ấy, viên sĩ quan trẻ Lê Đình Kỵ, với chức vụ Tiểu đoàn phó quân báo đã sống, làm việc như thế nào, quả thật là một bí mật cá nhân, đôi khi người ruột thịt cũng ít biết. Nhưng theo suy nghiệm thông thường thì, 1000 ngày trong lực lượng quân báo là một trang đời rất nhiều biến cố, nhiều tình huống gay cấn, hấp dẫn và lý thú với một thanh niên ưa hoạt động, xê dịch và dấn thân như Lê Đình Kỵ. Sau khi rời quân ngũ, trong khoảng thời gian 1952 - 1954, ông dạy ở Trường Trung học Lê Khiết - một ngôi trường rất nổi tiếng (thành lập từ 1945). Đầu 1955, Lê Đình Kỵ tập kết ra Bắc, dạy học ở trường cấp 3 Nguyễn Trãi, Hà Nội; từ 1958 -1980 là giảng viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; từ 1980 - 1990, giảng viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh. Ông mất ngày 24/10/2009 tại thành phố mang tên Bác. Nhà giáo Lê Đình Kỵ được phong học hàm Giáo sư, 1984; danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, 1988; nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, 2001.
 
Trong suốt 32 năm giảng dạy và nghiên cứu ở bậc đại học (1958 - 1990), nhà khoa học - nhà văn Lê Đình Kỵ đã xuất bản 14 tác phẩm nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, tiêu biểu: Phương pháp nghệ thuật, Đường vào thơ, Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du, Thơ Tố Hữu, Thơ mới những bước thăng trầm, Nghiên cứu phê bình văn học...
 
Những nhà văn từng là chiến sĩ quân báo
 
* Hồ Sĩ Vịnh (sinh 10/11/1933): Tên khai sinh Hồ Sĩ Vịnh (viết với các bút danh khác: Hiếu Giang, Đông Thanh); quê quán: phường Đông Thanh, thị xã Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Từ 1947 đến 1950, quân báo viên tại huyện đội Gio Linh (Quảng Trị); từ 1953 - 1955, học trung học phổ thông ở Quảng Trị, Hà Tĩnh; từ 1956 - 1959, học khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; từ 1959 - 1963, nghiên cứu sinh tại khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow mang tên Lomonosov; 1963-1971, nghiên cứu viên Viện Văn học (Ủy ban KHXH Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam); 1972 - 1984, nghiên cứu viên Viện Nghệ thuật (Bộ Văn hóa); 1984 - 1986, nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án Tiến sĩ Ngữ văn (1985) tại Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov; 1986 - 1996, Tổng biên tập tạp chí Văn hóa nghệ thuật (Bộ Văn hóa). Ông vinh dự nhận chức danh Giáo sư, 2002; Viện sĩ Viện Hàn lâm nghệ thuật phương Đông, Cộng hòa Liên bang Nga, 2002.
 
Cũng giống GS.NGND Lê Đình Kỵ, GS.TS Hồ Sĩ Vịnh gần như không nói/ viết về quãng thời gian 4 năm ông làm quân báo thời kháng chiến chống Pháp, có lẽ đó là lĩnh vực công tác đặc biệt, như người ta nói “sống để dạ chết mang đi”. Tôi nghĩ nếu hai giáo sư viết hồi ký văn học thì những năm tháng làm quân báo của họ sẽ là những trang sách sinh động, phong phú, hấp dẫn độc giả.
 
GS.TS Hồ Sĩ Vịnh đã xuất bản 20 đầu sách chuyên về các vấn đề văn hóa - văn học Việt Nam và thế giới, tiêu biểu: Puskin, M. Gorki với văn nghệ dân gian, Lênin và sự hình thành người nghệ sĩ kiểu mới, Văn hóa văn học, một hướng tiếp cận, Văn hóa Việt Nam trong tiến trình đổi mới, Về bản lĩnh văn hóa Việt Nam, Tiêu chí danh nhân văn hóa Thăng Long, Toàn cầu hóa và văn hóa nghệ thuật, Hành trình của thơ... Nhà văn Hồ Sĩ Vịnh đã nhận tặng thưởng (loại B) của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, 2013, tác phẩm Toàn cầu hóa và văn hóa nghệ thuật.
 
Những nhà văn từng là chiến sĩ quân báo
 
* Vương Trọng (sinh 1/8/1943): Tên khai sinh Vương Đình Trọng (viết với các bút danh khác: Dương Nguyên, Đồ Nghệ); quê quán: xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An; tốt nghiệp khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1965; từ 1966 - 1970, công tác tại Cục II, Bộ Tổng tham mưu; 1970 - 1972, giảng dạy tại trường Văn hóa, Bộ Quốc phòng; từ 1972 - 1973, học lớp Bồi dưỡng sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam; từ 1974 đến khi nghỉ hưu (2007), công tác tại tạp chí Văn nghệ quân đội; quân hàm Đại tá.
 
Vương Trọng được đánh giá là một trong những nhà văn có nhiều đóng góp vào văn học và thơ ca Việt Nam hiện đại, đặc biệt thời kỳ Đổi mới (từ 1986). Nhà văn đã xuất bản 28 tác phẩm thơ và trường ca, tiêu biểu: Khoảng trời quê hương,  Những ngày xa,Về thôi nàng Vọng Phu, Đảo chìm, Lời Trái đất, Ngoảnh lại, Hơi thở rừng hồi, Năm ngắn ngày dài, Hà Nội của tôi, Mẹ ngồi sưởi nắng, Tuyển tập thơ Vương Trọng, Đa thanh và phản biện... Ông còn là tác giả của các tập sách nghiên cứu, phê bình văn học như: Vầng sáng hỏa châu, Cùng lính trẻ đọc thơ, Đố Kiều và khảo luận, trao đổi...
 
Nhà văn Vương Trọng đã nhận nhiều giải thưởng văn học: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1993, 1996); Giải thưởng Văn học nghệ thuật Bộ Quốc phòng (1986, 1994, 2004, 2009, 2019). Năm 2007, nhà văn vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. 
 
Những nhà văn từng là chiến sĩ quân báo
 
* Khổng Minh Dụ (sinh ngày 21/1/1943): Tên khai sinh Khổng Minh Dụ (viết với bút danh khác - Thái Dương); quê quán: xã Tân Hồng, huyện Ba Vì, Hà Nội; nhập ngũ năm 1961 (F.335- QKTB); từ 1965 về Cục II (tình báo quân đội); từ 1965 - 1975 đi chiến trường B (Nam Bộ); từ tháng 12/1075, chuyển ngành sang Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an); từ 1976 - 1980, học Trường nghiệp vụ Bộ Công an; 1978 - 1980, học Trường Cao cấp chính trị Nguyễn Ái Quốc; năm 1985, học tại Học viện An ninh Liên - Xô (trước đây); đã kinh qua chức vụ Cục trưởng Cục An ninh Văn hóa - Tư tưởng (Bộ Công an); quân hàm Thiếu tướng.
 
Nhà văn Khổng Minh Dụ bắt đầu sáng tác văn học từ năm 1970. Ông viết thơ, văn xuôi, các tác phẩm đều hướng tới tái hiện những ngày chiến đấu và trưởng thành trong bão lửa chiến tranh của bản thân, đề cao vẻ đẹp sáng trong của tình quân dân trong sự nhiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đoàn kết xây dựng đất nước thời hòa bình, tôn vinh vẻ đẹp lý tưởng của người chiến sĩ - anh bộ đội Cụ Hồ và người chiến sĩ công an nhân dân với tinh thần vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Các tác phẩm tiêu biểu: Miền quê yêu dấu, Trong tiếng sóng biển xa, Bí ẩn của ký ức, Nỗi niềm ai tỏ, Những người ở ngôi nhà mật, Những khoảng đời bí ẩn... (văn xuôi); Nối dài thương nhớ, Màu nhớ, Lặng thầm, Thơ tình một thuở, Nỗi niềm và đồng đội... (thơ). 
 
Nhà văn Khổng Minh Dụ đã nhận nhiều giải thưởng văn học: Giải thưởng truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ quân Giải phóng miền Nam, 1972; giải thưởng Cây bút vàng của Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an, 1998; Giải thưởng văn học (1995 - 2005) của Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an; Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu của UBND tỉnh Bến Tre, 2013.

NHN

https://nguoihanoi.com.vn/nhung-nha-van-tung-la-chien-si-quan-bao_270594.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)