1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Truyện - Chân dung

Gặp tác giả bức tranh ''Người đi tìm hình của nước''

26/05/2021
Cũng từ lời của bài thơ: Người đi tìm hình của nước, đến ý tưởng vẽ tranh về Bác khi ra đi tìm đường cứu nước tại bến Nhà Rồng cách đây110 năm. Tôi tìm đến anh, họa sỹ Nguyễn Quốc Thắng tại tư gia trong hẻm đường ven Hồ Tây.

“Đất nước đẹp vô cùng

Nhưng Bác phải ra đi

Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác!

Khi bờ bãi dần lui, làng xóm khuất,

Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre...”

( Trích bài thơ: Người đi tìm hình của nước - Chế Lan Viên)

Khi bức tranh : “Người đi tìm hình của nước” do anh sáng tác đăng trên mạng xã hội được nhiều bạn bè, đồng nghiệp tán dương, động viên. Họa sỹ Ngô Xuân Khôi thốt lên: “Tranh đẹp quá anh Thắng ơi!” PGS.TS Thu Hằng, Viện trưởng viện báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên Truyền Hà Nội khen: “quá đẹp!” Đạo diễn, Nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Nghiêm Nhan, công tác tại VTV chia sẻ: “ Rất mới về đề tài quen. Bác Hồ vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sỹ, chúc mừng họa sỹ Quốc Thắng vẽ tranh đẹp, bố cục khỏe, hiện đại và mới mẻ”. Rất nhiều Họa sỹ tên tuổi bạn đồng môn dành cho anh những lời khen, anh đã truyền được tình cảm của mình vào bức tranh khi vẽ chân dung Bác, người thanh niên Nguyễn Tất Thành ngoài 20 tuổi, cương nghị, rắn chắc tràn đầy sức sống và niềm tin khi bước lên con tàu để bôn ba tìm đường cứu nước, đằng sau là hình ảnh non sông đất nước...

Bức tranh "   Người đi tìm hình của nước"   là chân dung Bác, do họa sỹ Nguyễn Quốc Thắng phác họa.

Sinh năm 1954 tại Hà Nội, Họa sỹ Nguyễn Quốc Thắng học vẽ tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, sau đó làm giáo viên môn Mỹ thuật tại Sở Lao Động thương binh và xã hội Thành phố Hà Nội, tham gia minh họa truyện, thơ trên Tạp chí Văn nghệ Quân Đội, anh cũng đã tham gia nhiều triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội Mỹ thuật Hà Nội, là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Cũng vì lẽ đó, nên vẽ là niềm đam mê cháy bỏng của anh.

Anh tâm sự: Bản thân tôi cũng sinh nhật vào tháng 5 và trong những ấn tượng hồi ức về Bác Hồ trở về trong tôi rất rõ, rất sống động, cộng với gợi ý của một người bạn “hãy vẽ về người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước”, tôi rất xúc động với chủ đề này. Để họa lên bức tranh đó, tôi đã tìm tư liệu, thời điểm Bác ra đi không có cái ảnh nào, tôi phải đọc nhiều tư liệu liên quan, cộng với thời còn vẽ minh họa cho Tạp chí Văn Nghệ Quân đội, tôi đã tập trung vẽ rất nhanh, cả chỉnh sửa lấy tư liệu trong vòng 3 ngày là hoàn thiện bức chân dung Bác và sau đó chia sẻ trên mạng xã hội.

Họa sỹ Nguyễn Quốc Thắng, vẫn miệt mài chỉnh sửa để hoàn thiện bức tranh.

Đánh giá của độc giả về bức vẽ Bác Hồ thời thanh niên là thành công, qua những chia sẻ và đánh giá đó tôi cảm thấy vui, mặc dù sau đó thì vẫn tiếp tục chỉnh sửa, vẫn tiếp tục phát hiện p đi đến tác phẩm hoàn chỉnh hơn. Về cơ bản, cái cảm xúc ban đầu của tôi về hình ảnh Bác Hồ lên tranh một cách chân thực, tuổi trẻ đăm đắm nghĩ về Tổ quốc, nghĩ về dân tộc và tìm cách tìm đường cứu nước đến một điều tốt đẹp hơn. Một số bạn nhận xét trong ánh mắt của Bác chất chứa nỗi buồn, ẩn sâu trong đó vẫn toát lên sự hăm hở tìm kiếm và có quyết tâm cao của tuổi trẻ.

Tôi dùng bố cục chung đó là bố cục ngẫu nhiên, nhưng cũng phản ánh được những điều cần nói. Một con tàu không phải là con tầu mới, đưa người thanh niên này đến vùng trời mới. Phía bên phải nhân vật là con tàu, phía bên trái nhân vật là bến Nhà rồng ký ức về quê hương. Hình ảnh sống động của quê hương sẽ in sâu vào đôi mắt Bác trong nhiều năm trời, đó là bến cảnh Nhà Rồng và dòng sông Sài Gòn. Tôi chắt lọc, từng cố gắng chọn không đưa quá nhiều tư liệu, ngoài cái chân dung. Chân dung người như chúng ta đều hiểu, bắt buộc là phải giống, bắt buộc phải nhìn nhận ra nhân vật, ánh mắt, một vài sợi tóc bay trong gió…

Từng chi tiết được họa sỹ tỉ mẩn, tạo nên bức tranh có hồn và chân thực nhất.

Và đặc biệt, mô tả khi Bác lên tàu, hành lý của Người là một cái tay nải, tôi cũng cố gắng mô tả cho giống như những điều tôi biết thế. Tàu viễn dương rất là cao, phải có cầu thang, cầu tàu để bắc lên, nhưng mỗi bước chân tiến về phía trước, bước lên trên cao đều được chuyển động trong nếp trang phục trong gió. Đặc biệt lòng bàn tay nắm chặt như một quyết tâm, nghị lực, chuyến đi mang tính mục đích cao. Người thanh niên ấy đã xác định rất rõ, nắm chặt bàn tay để thể hiện quyết tâm, mặc dù trước mặt anh là chân trời rất xa lạ. Tôi đã cố gắng nghĩ rằng mình đang “trực họa” để thể hiện đủ cung bậc cảm xúc. Thật sự cũng rất may mắn, như là một “nhân duyên” ví dụ khi vẽ vầng trán Bác tôi phải buông bỏ bức ảnh cũ để đưa hết cảm xúc của mình vào cây cọ trong quá trình vẽ chân dung của Bác.

Đấy là tất cả những điều tôi muốn nói đến trong bức tranh này. Thực ra, trong những năm đầu khi bước chân vào mỹ thuật, hội họa tôi cũng đã có dịp được vẽ về Bác. Thời kỳ mà Bác bắt đầu rời Việt Nam trên cầu tàu ở bến Nhà Rồng để lên tàu của Pháp. Lúc đó thì thực ra là không hề có tư liệu. Chỉ có một số bức chân dung nhưng không nhiều. Tôi đã cố gắng chọn lấy bức chân dung hợp với cái góc nhìn, hợp với bố cục và đặc biệt cho phép tôi được miêu tả kỹ ánh mắt của Bác, thể hiện tính cách con người, dù còn rất trẻ nhưng trong lòng người thanh niên ấy đầy trách nhiệm đối với non sông đất nước, với dân tộc.

Từ bến cảng Nhà Rồng, trên con tàu Amiral La Touche De Tréville, người thanh niên “Văn Ba” xin làm phụ bếp đã rời tổ quốc, bắt đầu hành trình 30 năm đi tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi, đi khắp những đất tự do, những trời nô lệ, những con đường cách mạng... Trên hành trình gian nan vất vả ấy, Người đã đến với Lê-nin. Và để rồi sau hành trình đó, ngày 2/9/1945, Bác Hồ (người thanh niên năm ấy) đã chính thức tuyên bố khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước toàn thế giới bằng bản bản Tuyên ngôn độc lập - Đánh dấu một kỷ nguyên độc lập và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tuyên ngôn độc lập trở thành một văn kiện chính trị - pháp lý và thấm nhuần sâu sắc các giá trị nhân văn của thời đại mới đề cao dân chủ và tự do, công bằng và bình đẳng xã hội.

Bức tranh: “Người đi tìm hình của nước” đang được giới họa sỹ quan tâm, Họa sỹ Nguyễn Quốc Thắng dự kiến trao tặng lại Bảo tàng Báo chí Việt Nam – Hội Nhà báo Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, để bức tranh được bảo quản nơi trang trọng./.

Theo Mai Chí Dũng/Doanh nghiệp & Thương hiệu

http://doanhnghiepthuonghieu.vn/gap-tac-gia-buc-tranh-nguoi-di-tim-hinh-cua-nuoc-p31391.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)