1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Hà Nội
  4.  › 
  5. Tin tức Hà Nội

Hồ Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

05/11/2019
Hồ Hoàn Kiếm dài 50m, rộng 7m. Từ giữa phố Cầu Gỗ đến giữa phố Đinh Tiên Hoàng, cạnh Nhà hát múa rối Thăng Long (xưa là rạp chiếu bóng hòa nhạc Philharmonique).

Hồ Hoàn Kiếm dài 50m, rộng 7m.

 Từ giữa phố Cầu Gỗ đến giữa phố Đinh Tiên Hoàng, cạnh Nhà hát múa rối Thăng Long (xưa là rạp chiếu bóng hòa nhạc Philharmonique).

Đây nguyên là đất thôn Hương Mính (Hàng Chè), tổng Hữu Túc, huyện THọ Xương cũ.

Thời Pháp thuộc phố này có tên là phố rạp Phi-lác-mô-ních (rue de la Philharmonique). Năm 1949 đổi tên phố Hồ Hoàn Kiếm. Các lần đổi tên sau vẫn giữ nguyên tên này.

Nay thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm.

Có thuyết cho rằng vào một thời xưa, sông Cái đổi dòng dịch sang phía đông nên những chỗ thấp nhất của lòng sông cũ trở thành hồ ao. Hồ Hoàn Kiếm, còn gọi là hồ Gươm, là một trong những ao hồ đó.

Ban đầu hồ có tên là Lục Thủy  vì nước hồ có màu xanh quanh năm (nay vẫn xanh như vậy). Tới thời Lê Thái Tổ (1428 – 1433) hồ mới có tên là Hoàn Kiếm. Truyền thuyết kể rằng Lê Thái Tổ trước ngày khởi nghĩa chống quân Minh đã từng bắt được một thanh gươm. Với thanh gươm ấy ông đã dẹp yên giặc Minh. Sau khi lên ngôi, một hôm ngự thuyền dạo chơi trên phố này, thấy có con rùa to nổi lên trên mặt nước, ông rút gươm ra trỏ thì rùa liền đớp lấy và lặn đi. Ông ra lệnh tát hồ để tìm gươm, cho đắp một cái bờ ngăn hồ làm hai để tiện cho việc tát nước, nhưng không thấy! Do đó, hồ có tên là “Trả lại gươm” (Hoàn Kiếm). Lại có thuyết cho rằng từ đời Lê trung hưng (cuối thế kỷ XVI trở đi) thường dùng hồ này làm nơi luyện thủy quân, dàn chiến thuyền ra hai phần hồ để diễn tập, do đó hồ có tên là hồ Thủy Quân.

Đến đời chúa Trịnh Giang (1729 – 1740) thì hai phần hồ đã có tên gọi riêng là Tả Vọng và Hữu Vọng. Trịnh Giang còn cho xây cung Khánh Thụy ở bên phía tây hồ, xây đinhg Tả Vọng trên gò Rùa làm nơi hóng mát.

Đến thời Trịnh Doanh, đã cho đắp một quả núi ở bờ phía đông hồ gị là Độc Tôn để kỷ niệm chiến công đánh thắng Quận Hẻo ở vùng núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Sau này, Lê Chiêu Thống đã đốt phủ chúa Trịnh và bắt phá đi mọi công trình xây dựng có liên quan tới nhà chúa. Thế là cung Khánh Thụy và đình Tả Vọng không còn nữa. Sang đầu thế kỷ XIX một ngôi chùa được lập trên nền ngôi đền ở trên núi Ngọc, gọi là Ngọc Sơn tự. Trước chùa có một lầu chuông khá cao. Năm 1843, người ta bỏ lầu chuông đi, đổi chùa ra đền gọi là Ngọc Sơn từ, thờ Văn Xương. Năm 1864 Nguyễn Văn Siêu đứng ra sửa sang lại danh thắng này. Trên núi Độc Tôn ông xây một cái tháp mà đình là hình cái bút lông, gọi là Tháp Bút, trên thân tháp mặt phía bắc có khắc ba chữ Tả thanh thiên (viết trên trời xanh). Mặt phía nam khắc một bài văn có tên là “Bút tháp chí” nói lên sự tích núi Độc Tôn và ý nghĩa việc xây ngọn tháp này. Qua Tháp Bút tới một cửa cuốn gọi là Đài Nghiên, vì trên nghiên có khắc một bài minh do Nguyễn Văn Siêu soạn viết theo lối chữ “lệ” có niên đại là năm Giáp Tý 1864. Nội dung bài minh này về mặt triết học nêu công dụng của cái nghiên mực.

Tiếp sau Đài Nghiên là cầu Thê Húc (có nghĩa là nơi đậu ánh nắng mặt trời). Qua cầu tới cổng đền có tên là Đắc Nguyệt lâu (lầu được trăng). Tiếp đó là ba nếp nhà: bái đường, nếp thờ Văn Xương, Quan Vũ và Lã Tổ, nếp thờ Trần Hưng Đạo. Trước mặt ba nếp này là Trấn Ba Đình (đình trấn sóng). Trên cột đình có khắc đôi câu đối:

Kiếm hữu dư linh quang nhược thủy

Văn tông đại khối thọ như sơn

Nghĩa là:

Kiếm sót khí thiêng ngời tựa nước

Văn cùng trời đất thợ như non

Còn hồ Hữu Vọng cứ bị lấp dần, tới giữa thế kỷ XIX đã thành làng xóm, nay là khu vực các phố Ngô Quyền, Phan Chu Trinh, Hàn Thuyên, Hàng Chuối.

Hồ Hoàn Kiếm ngày nay, với diện tích khoảng trên 10ha, là một thắng cảnh của Thủ đô.

Theo TĐĐP Hà Nội/Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)