1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tản văn - Tùy bút

Ấm lên cùng mùa xuân

17/02/2022
Ấm lên cùng mùa xuân
Khẽ chạm mùa xuân - Ảnh: Nguyễn Đức Toàn
 
Xét đến cùng, dù ở góc độ nào, tác phẩm nghệ thuật cũng là nơi chứa đựng sự hồi tưởng; và, thực tại (khách thể) chẳng qua là duyên cớ làm sống lại hồi ức, thúc đẩy cảm xúc mẫn cảm trong tâm hồn, chớp lấy và biểu cảm một cách chân thực khoảnh khắc của cái đẹp. Do vậy, sự tinh tế và chân thành gắn với nghệ thuật không nằm ở bề mặt của sự biểu hiện, mà được giấu bên dưới nó, ngoài nó, tạo cho tác phẩm khoảng rỗng mờ ảo, rộng hay hẹp. Chính khoảng rỗng này là thước đo khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ và giá trị nghệ thuật của tác phẩm; đồng thời là sợi giây kết nối sự đồng cảm giữa người sáng tác và người cảm thụ. Khoảng rỗng của tác phẩm cũng là nghệ thuật của sáng tạo, bởi nó có giới hạn và có những chỉ dấu cho sự nhận biết. Điều đó có nghĩa, cái đẹp chỉ đồng hiện khi có sự đồng điệu của tâm hồn; rằng, sự nhận chân giá trị bất kể một tác phẩm nghệ thuật nào đều dành cho tất cả, nhưng không phải là số đông và dần mờ đi theo thời gian. 
 
Tương tự với các bộ môn khác, văn chương cũng là tập hợp sự hồi tưởng một cách nghệ thuật dưới dạng ngôn từ, loại phương tiện cho phép tạo ra độ rỗng có trường không gian lớn hơn, mờ ảo hơn, từ đó khác biệt rõ rệt về chất. Tức là, độ rỗng của văn chương, ngoài khả năng kích thích hoài niệm, luôn dẫn người đọc đến hứng thú vượt thoát quá khứ và cả hiện tại, mở rộng biên độ hình dung dưới dạng khát vọng. Biên độ đó được mở rộng hay không còn phụ thuộc vào tài “phù phép” - tổ chức ngôn từ ở mức/ cấp nào của lao động nghệ thuật. 
 
Nghệ thuật nói chung, văn chương nói riêng, nếu chỉ kích thích hoài niệm mà không tích cực tham gia kích hoạt khát vọng thì khó có thể khơi dậy lòng trắc ẩn, cái nhu cầu thường trực chờ cơ hội bùng phát và giao thoa. Sự giải phóng năng lượng để tăng khả năng tiếp biến ở người đọc đòi hỏi lao động văn chương luôn hướng tới ý thức tạo nên biên độ độ rỗng tác phẩm. Bởi, văn chương không có nhiệm vụ kể nguyên cái nhìn thấy, mà cảm xuyên vào bên trong để biểu tả các mối quan hệ và liên hệ ràng buộc, vốn là thuộc tính khiến khách thể ấy tồn tại trong sự vận động chung. Cũng bởi, như phát biểu của nhà thơ Italia Salvatore Quasimodo (1901 - 1968), Nobel 1959: “Thi sĩ là tổng số những “trải nghiệm” đa dạng của con người trong thời đại của anh ta” - người tích tụ nhiều thặng dư, trở thành năng lượng và động lực của sáng tạo nghệ thuật. 
 
Trong quá trình lao động, nhà văn biến cải ngôn từ, từ chỗ là công cụ được cấp những chỉ dấu dẫn đường cho người đọc khám phá độ rỗng của tác phẩm, nơi chứa đựng những hoài niệm và chăng sợi dây nối với khát vọng, làm nhòa đi khoảng cách của cái gọi là thời gian. Do vậy, trong văn chương, thời gian không minh bạch, hành động cũng như chuyển động không tuần tự trong quá trình vận động; trái lại không gian được mở ra nhiều chiều cho vận động đi đúng quỹ đạo của mục đích. Nghiên cứu nhóm từ trong tiếng Việt, ngay từ năm 1934, bảo vệ luận văn lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Sorbonne (Paris,Pháp), Nguyễn Văn Huyên (1905 - 1975) đã cho rằng: “ngữ pháp và logic bị bỏ lại trong những tập hợp đối xứng, của ý và hình ảnh” và “Văn xuôi tiếng Việt trước hết là một văn xuôi nghệ thuật… người ta tìm kiếm tiết tấu và sự hài hòa… Câu của nhà văn cần phải có nhịp điệu đạt được một tổng thể âm vang, hài hòa, uốn lượn và sinh động”. Ý kiến này cấp một thông điệp, rằng ngôn ngữ của mỗi dân tộc đều mang đặc trưng và sắc thái biểu cảm riêng. Cái bản sắc ấy khó có thể, nếu không muốn nói là không thể, trộn lẫn, hòa tan vào nhau, cho dù giao lưu văn hóa, nổi bật là ngôn ngữ, luôn có xu hướng thâm nhập, tiếp thu. Không phải đọc thông, viết thạo một ngoại ngữ nào đó, nhà văn đã đủ khả năng hội nhập văn chương thế giới và đạt đỉnh cao. Thành tựu của các nhà văn lớn từ xưa đến nay, dù ở bất kỳ dân tộc nào, đều chứng minh điều đó là xác thực.
 
Ngôn ngữ là phương tiện biểu cảm, hơn nữa còn là phương tiện phát ngôn của nhà văn. Do đó, nó không phải là thứ phương tiện đơn thuần. Dưới sự “phù phép” của nhà văn, hệ thống cấu trúc ngôn từ của anh ta truyền tới người đọc, trực tiếp và gián tiếp, những tri nhận thế giới xung quanh và thời đại qua màng lọc thẩm mỹ, in dấu ấn quá trình tích lũy và chuyển hóa thành cảm xúc cá nhân. Sự tiếp nhận và thẩm định của người đọc là thước đo tri thức, tình cảm, thái độ của tác giả đối với ngôn ngữ dân tộc, cũng như giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Đối với người cầm bút, quỹ từ vựng mới chỉ là điều kiện cần, sử dụng quỹ đó như thế nào để khoác cho ngôn ngữ cái áo nghệ thuật là cả một vấn đề lớn: viết cái gì không quan trọng, mà viết cái đó như thế nào mới là quan thiết. Viết cái gì đó như chính nó thì không cần đến văn chương. Nhưng cũng chẳng đáng quan tâm khi ngôn ngữ bị nhào nặn đến mức rối rắm, tắc tị trong sự đánh đố mơ hồ. Alain rất chính xác và tinh tế khi nhận xét: “một suy nghĩ không nghệ thuật thì gần như lúc nào cũng lang thang”.
 
***
Sự luân chuyển mùa trên hành tinh trái đất đã được tạo hóa định vị. Cái bất biến ấy bị phá vỡ bởi chính cảm thức luôn biến dịch ở con người. Cũng bởi, mùa xuân chứa đựng độ rỗng của cái đẹp, ở mức nào là tùy thuộc vào sự nhận biết/ góc nhìn của mỗi người và ở thời khắc khác nhau. Không một ai thỏa mãn với nhận định: mùa xuân này vẫn như những mùa xuân xưa. Có rất nhiều lý lẽ để biện minh cho cái nhìn biến chuyển ấy. Và, tâm trạng ấy luôn luôn đúng. Chính điều đó thúc giục người ta tìm kiếm cách biểu tả những trắc ẩn, mong chóng giải phóng nó để tiếp tục nạp năng lượng mới. 
 
Hơn bất kỳ thời đoạn nào, trong thời đại lên ngôi của khoa học công nghệ, của tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, loài người lại phải đương đầu, chịu đựng cú sốc choáng váng bởi quy mô hoành hành của vi rút Covid-19 và các biến chủng của nó, kéo dài tang thương và khủng hoảng toàn diện suốt hai năm qua trên phạm vi toàn cầu. Hàng loạt vấn đề với những câu hỏi hóc búa đặt ra ở khắp các lĩnh vực, len lỏi ở những chỗ đứt gãy của các chuỗi quan hệ, đòi hỏi sự tập trung cao độ của trực giác để tìm ra câu trả lời hữu ích. 
 
Đại dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn phức tạp. Song, xuân nay tiết trời đã ấm lên, đã chín dần những trăn trở, để mau kết thành những đóa hoa trên cánh đồng chữ nghĩa, biểu đạt không chỉ cảm xúc mà lớn hơn là khắc đậm trực giác mẫn cảm về cuộc sống cần thiết phải khác, phải mới, đem lại sự an toàn cho ngày mai bình yên, thịnh vượng.
 
Trước thềm tờ lịch rơi nghiêng
Sương giăng đẫm cỏ. 
 
Biếc Giêng ấm cành
Chuông chùa giữ nhịp, điểm canh
Gót hồng chầm chậm nối xanh 
hương trời…
 
Tiếng chim lích chích hoà tiếng lộc non nảy mầm gọi ta tỉnh thức đón nhận cái cựa mình khẽ khàng mà dứt khoát của đất trời trong ánh sáng giao hòa của buổi bình minh còn đẫm hơi sương tỏa hương ấm áp của mùa xuân. Xuân sang như bao độ sao vẫn ngỡ ngàng trước sức vươn của muôn loài làm đổi thay vạn vật. Sắc màu chuyển động huyền ảo trong nắng gió mơn man tràn khắp phố phường, đồng bãi, vương nhành hoa ngọn cỏ, in đáy mắt em sâu thẳm ước mơ và khát vọng…
NHN
https://nguoihanoi.com.vn/am-len-cung-mua-xuan_271172.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)