1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Pháp luật

Than Uyên – Lai Châu: Dân tái định cư thủy điện Bản Chát khốn khổ chờ hỗ trợ chuyển đổi việc làm

29/04/2021
Sau sự kiện người dân “đại náo” trụ sở UBND huyện Than Uyên để đòi quyền lợi, những tưởng các cơ quan đoàn thể địa phương sẽ giải quyết tận gốc vấn đề, mang lại niềm tin cho đồng bào các dân tộc trong diện bị thu hồi đất. Thế nhưng khi tiếp xúc với một bộ phận những con người này, sự bức xúc vẫn hiển hiện lên từng khuôn mặt…

Vừa qua, tạp chí Môi trường & Xã hội nhận được đơn đề nghị của hơn 164 hộ gia đình đang khởi kiện UBND huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu để yêu cầu địa phương này thực hiện chi trả tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm và một số quyền lợi khác.

Trong đơn nêu rõ: “Đối với thủy điện Bản Chát, xác định đây là trường hợp thu hồi đất theo quy định tại khoản 1 điều 38 Luật Đất đai 2003 nên trình tự thủ tục phải tuân thủ quy định tại điều 130 Nghị định 181/2014/NĐ- CP của chính phủ; Nghị định 69/2009/NĐ-CP hướng dẫn bởi điều 20, điều 22 Thông tư 14/2009 của Bộ Tài nguyên & Môi trường.

Dự án thủy điện Bản Chát, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đã làm ảnh hưởng đến đất đai, tài sản của người dân nhưng chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư chưa đảm bảo. Cụ thể còn thiếu chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và đào tạo việc làm theo quy định tại Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Thủ tướng Chính phủvà khoản 5 điều 2 Quyết định 16/2010/QĐ- UBND ngày 09/08/2010 của UBND tỉnh Lai Châu”.

Sau khi nhận được Đơn đề nghị, nhóm PV Tạp chí Môi trường& Xã hội đã có buổi làm việc trực tiếp với các hộ dân. Qua lời kể của họ thì việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và đào tạo việc làm là sự tiến bộ, có ý nghĩa nhân văn cao cả, giúp đỡ bà con các dân tộc sớm ổn định kế sinh nhai. Người dân khi nhìn vào chính sách này đều “khấp khởi mừng thầm” vì được chăm lo chu đáo...

Nhưng thực tế thì lại không phải thế:

Anh Vàng Văn N. (Đội 1,xã Phúc Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) nói : “Trước ông Phan Bá Quyết ( chủ tịch UBND huyện Than Uyên thời điểm trước –PV ) vào tuyên truyền  suất tái định cư là 700 triệu, trong đó chi ra để san ủi mặt bằng, làm cống rãnh thoát nước, hạ tầng.Còn các hộ tự nguyện là người ta sẽ cấp cho khoản tiền ấy. Hiện tại các hộ đi “tự nguyện” chưa được đồng nào, còn các hộ trong diện “tập trung, bắt buộc” thì nhận được rồi…”

Cũng theo anh N, đến thời điểm hiện tại chưa nhận được tiền hỗ trợ chuyển đổi việc làm nên nhiều người bỏ sang Trung Quốc đi làm thuê.

Anh Lò Văn Tiêm (Trưởng bản Mớ, xã Phúc Than, huyện Than Uyên, Lai Châu ) chia sẻ với Phóng viên: “Nói chung là đời sống của bà con còn thiếu thốn rất nhiều, hiện tại 116 hộ nhưng vừa trước tết năm nay ( 2021 –PV ) mới có mấy chục hộ được hưởng nước sạch, bên thôn của tôi có 70 hộ nhưng cũng chưa có nước sạch sử dụng, trước Dự án có đầu tư cho bà con nhưng chỉ sử dụng được 1 năm xong xuống cấp, hư hỏng. Từ 2014 đến nay bà con tự kéo hoặc đi xin nhau thôi.”

Ở bản Mớ, nhiều người phải vượt biên đi kiếm ăn, bỏ lại những nếp nhà xơ xác.

Cũng theo anh Tiêm, khi chuyển về nơi ở mới này thì hầu như bà con phải mua lại đất với giá trị cao hơn giá trị đền bù khoảng 4- 5 lần, nhiều hộ không đủ tiền để mua nơi ở mới. Việc bố trí đất cho bà con sản xuất không có, chuyển đổi nghề nghiệp không có nên có những hộ chỉ dựng được cái nhà. “Mà nhà ấy mua được là do bà con bù cả tiền hoa màu, cây cối, xong được cái nhà là cũng hết sạch vốn liếng luôn…” anh Tiêm nói, giọng nghẹn ngào rưng rưng.

Nhiều người không có thu nhập, sống lay lắt.

Về vấn đề này, “Theo Quyết định số 834/QĐ-TTg ngày 18/6/2009, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho UBND tỉnh Lai Châu là Chủ đầu tư DA bồi thường, di dân, tái định cư; nguồn vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và UBND tỉnh Lai Châu được phân bổ hơn 1,7 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, số tiền chi trả cho việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất để thực hiện DA đầu tư và xây dựng các khu, điểm tái định cư là nguồn vốn của EVN, các hộ nhận đất ở tái định cư được cân đối giá trị đất ở đầu đi và đầu đến theo quy định. Thế nhưng, UBND tỉnh Lai Châu giao cho Ban Quản lý (BQL) DA Xây dựng cơ bản & Hỗ trợ bồi thường di dân tái định cư huyện Tân Uyên, BQL DA di dân tái định cư Thủy điện Huội Quảng, Bản Chát (BQL DA huyện Than Uyên) thực hiện xác định đơn giá đất ở, tính toán và quyết định giá trị đất ở giao cho các hộ tái định cư là chưa đúng theo quy định của pháp luật” Theo Thanh tra Chính phủ.

Ngoài những vấn đề trên, người dân còn đặt nhiều dấu hỏi cho việc quyết toán dự án này. “Con đường Mường Mít – Than Uyên có từ trước đến giờ, hiện trạng vẫn không hề thay đổi nhưng họ lại vẽ ra cái dự án “cải tạo, mở mới đường từ thị trấn Than Uyên đến Mường Mít” dài 13,8 km, quyết toán 38 tỉ đồng vào chung Dự án Thủy điện !?” Người dân bức xúc nói.

Sau khi ghi nhận vấn đề, nhóm PV Tạp chí Môi trường & Xã hội đã có buổi làm việc với ông Đỗ Mạnh Cường, phó giám đốc BQL Dự án huyện Than Uyên.

Ông Cường cho biết: “Chúng tôi xin khẳng định là toàn bộ quá trình thu hồi đất phục vụ dự án Thủy điện Bản Chát là hoàn toàn đúng theo quy định của Pháp luật. Sự việc đều phải nghe hai chiều. Điều người dân nói có thể chưa chính xác. Chúng ta phải hiểu là các văn bản pháp luật luôn đi kèm với nhau. Quyết định số 16/2010/QĐ-UBND ngày 9/8/2010 là áp dụng theo quyết định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 là áp dụng chung cho tất cả các dự án. Còn quyết định số 11/2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lai Châu là theo quyết định 02/ 2007/QĐ-TTg ngày 9/1/2007 của Thủ tướng chính phủ…”

Thế nhưng cả quyết định 02 và quyết định 11 đều áp dụng cho Thủy điện Sơn La vậy thì liên quan gì đến thủy điện Bản Chát, Huội Quảng ? Về vấn đề này, theo ông Cường, sở dĩ quyết định của Thủy điện Sơn La nhưng áp dụng sang Thủy điện Bản Chát vì ngày 27/12/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công văn số 2096/TTg-CN cho phép thực hiện cơ chế chính sách về di dân, tái định cư các công trình thủy điện Bản Chát, Huội Quảng như Dự án thủy điện Sơn La.

Cũng theo ông Cường, ngay sau khi người dân chưa đồng tình với phương án bồi thường thì UBND tỉnh Lai Châu đã có văn bản số 65/UBND-TĐC ngày 2/2/2012 để trình thủ tướng chính phủ cho phép tính chi phí hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của chính phủ. Đến ngày 10/4/2012, văn phòng Chính phủ đã có văn bản do phó chủ nhiệm Văn phòng khi đó là ông Văn Trọng Lý truyền đạt lại ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải (tại thời điểm năm 2012 –PV): UBND tỉnh Lai Châu thực hiện việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho hộ dân bị thu hồi đất thực hiện các dự án thủy điện Huội Quảng, Bản Chát theo quy định tại quyết định số 02/2007/QĐ- TTg ngày 9/1/2007 của Thủ tướng chính phủ về bồi thường , hỗ trợ và tái định cư Dự án thủy điện Sơn La và các quyết định của Thủ tướng chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư các dự án thủy điện Bản Chát, Huội Quảng.

Còn về vấn đề liên quan đến phản ánh của người dân về Dự án đường Mường Mít- Than Uyên, ông Cường cho biết thời điểm ấy mình chưa làm nên không nắm rõ hồ sơ. “mà quy định giao hồ sơ thì chỉ có cơ quan nhà nước, thời gian thực hiện đã quá lâu nên giờ phải tìm lại, đơn vị thi công nhiều quá nên cũng không nhớ hết được…”

Liên quan đến vấn đề này, nhóm PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Văn Minh Nam (Văn phòng luật sư Minh Nam - Đoàn luật sư tỉnh Lào Cai) cho biết:

          Để làm rõ vấn đề này cần hiểu rõ nguyên tắc áp dụng các văn bản quy phạm Pháp luật được quy định trong Luật ban hành các băn bản quy phạm Pháp luật. Theo đó là nguyên tắc văn bản cấp dưới không trái với văn bản cấp trên, nếu các văn bản quy định về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có giá trị pháp lý cao hơn, áp dụng văn bản theo hướng có lợi...

          Các Quyết định thu hồi đất của UBND huyện Than Uyên đối với thủy điện Bản Chát - Huội Quảng được ban hành năm 2011 đối với các hộ dân sống trong lòng hồ thủy điện phải di chuyển chỗ ở, thì đấy là thời điểm để tính thời hiệu áp dụng của các văn bản Pháp luật hiện hành tại thời điểm đó.

          Theo quy định tại điều 29 Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính Phủ, được bổ xung bởi điều 22 Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính Phủ về bồi thường hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Theo đó, người bị thu hồi đất ngoài việc được bồi thường bằng tiền, bằng đất ở cùng loại còn được hỗ trợ từ 1,5 đến 5 lần theo giá đất ở cùng loại bị thu hồi. Chính phủ còn quy định thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình địa phương để quy định mức bồi thường hỗ trợ cho phù hợp.

          Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã  quy định tại khoản 5 điều 2 Quyết định 16/2010/QĐ-UBND ngày 09/8/2010 là hỗ trợ bằng 03 lần giá đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất thu hồi nhưng không quá hạn mức giao đất nông nghiệp.

          Như vậy, việc chi trả đối với hộ gia đình được tiến hành từ năm 2011 phù hợp với hiệu lực về thời gian ghi trong quyết định, do vậy phải được áp dụng đầy đủ; mặt khác, quyết định còn nêu có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký, tức là có hiệu lực phát sinh kể từ ngày 19/8/2010. Quyết định này đã có hiệu lực và không trái với các văn bản cấp trên, đồng thời là văn bản pháp quy nên việc áp dụng là hoàn toàn có cơ sở pháp lý.

          Quyết định 02/2007/QĐ-TTg ngày 09/01/2007 của Thủ tướng theo thủy điện Sơn La là Quyết định hành chính cá biệt, không phải là văn bản quy phạm Pháp luật, nó chỉ được áp dụng 01 lần cho dự án thủy điện Sơn La cho đến khi kết thúc dự án thì hết hiệu lực. Như vậy trong mọi trường hợp không thể áp dụng cho dự án thủy điện tại tỉnh Lai Châu, nhất là thời điểm thu hồi đất tại thủy điện Bản Chát đã có Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính Phủ có giá trị pháp lý cao hơn, có chính sách hỗ trợ có lợi hơn cho người dân và được áp dụng trong toàn quốc. Do vậy không thể vì bất cứ lý do gì mà không áp dụng Nghị định 69 và Quyết định 16 của tỉnh cụ thể hóa mức bồi thường hỗ trợ tại tỉnh Lai Châu. Do không được áp dụng nên khoản hỗ trợ chuyển đối nghề nghiệp gấp ba lần giá đất nông nghiệp không được chi trả cho người dân bị thu hồi đất gây thiệt hại lớn cho họ. Số tiền hỗ trợ đó không hề nhỏ để giúp người nông dân có điều kiện trang chải cuộc sống, làm vốn kinh doanh, đi học nghề hoặc nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để canh tác.

          Trượng hợp Thủ tướng chính phủ muốn áp dụng quyết định cá biệt để áp dụng tại Thủy điện bản chát tương tự như thủy điện Sơn La (Về hình thức) thì các bộ ngành liên quan phải xây dựng Quyết định mới áp dụng phù hợp với Thủy điện Bản Chát và phù hợp với hệ thống văn bản quy phạm Pháp luật tại thời điểm thu hồi đất. Đương nhiên tại thời điểm đó phải có nội dung phù hợp với Nghị định 69/2009 sẽ có khoản hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tránh thiệt thòi cho người dân.

Không có bất cứ quy định Pháp luật nào cho phép áp dụng Quyết định cá biệt của tỉnh này cho tỉnh khác có nội dung trái với Nghị định tại thời điểm áp dụng.

          Trong các căn cứ của Quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt bồi thường của UBND huyện đối với các hộ dân, trong các biên bản họp dân, giải thích với dân đề thể hiện cơ chế chính sách áp dụng, căn cứ pháp lý để áp dụng là Nghị định 69 của Chính phủ và Quyết định 16 (nêu trên) của tỉnh, nên người dân đòi hỏi áp dụng các điều khỏan đó để có lợi hơn cho họ là có cơ sở. Nếu BQLDA nói áp dụng chung cho các dự án thì tại sao không áp dụng cho dự án này để vừa nhẹ thân, vừa đúng Pháp luật, vừa không bị nhân dân khiếu kiện kéo dài?

          Người dân biết được các quyết định này (Quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt bồi thường của UBND huyện) thông qua tiếp cận tài liệu chứng cứ tại tòa án hành chính năm 2020 tại tòa, người dân chưa bao giờ được bàn giao, chưa được niêm yết theo quy định, do đó quan điểm của tôi thì vẫn còn thời hiệu để yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của Pháp luật….

Môi trường và Xã hội

https://moitruongvaxahoi.vn/than-uyen-lai-chau-dan-tai-dinh-cu-thuy-dien-ban-chat-khon-kho-cho-ho-tro-chuyen-doi-viec-lam-282450690.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)