1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Lý luận - Phê bình

Quê hương Nhị Khê trong thơ Nguyễn Trãi

15/04/2022
Từ trung tâm Thủ đô Hà Nội, theo Quốc lộ 1, đi về phía Nam độ 16 km là đến làng Nhị Khê, nay thuộc xã Nhị Khê, huyện Thường Tín.
Quê hương Nhị Khê trong thơ Nguyễn Trãi
Khung cảnh làng Nhị Khê xưa. 
 
Từ trung tâm Thủ đô Hà Nội, theo Quốc lộ 1, đi về phía Nam độ 16 km là đến làng Nhị Khê, nay thuộc xã Nhị Khê, huyện Thường Tín. Tại đầu làng Nhị Khê có quán Phượng, quán Rồng. Quán Rồng gắn với truyền thuyết ngày khánh thành trùng tu đình Nhị Khê năm 1565 có thuyền của vua từ kinh đô Thăng Long về dự lễ. Trước Quán Phượng là cổng làng Nhị Khê, dân gọi cổng Quốc. Trên vòm cổng đắp nổi bốn chữ: Như kiến đại tân. Đó là các chữ trong sách cổ như một lời chào thân thiện đối với khách đến làng, được dân làng coi là khách quý (đại tân).
 
Nằm bên dòng sông Tô thơ mộng, từ lâu, Nhị Khê là đất tụ cư của nhiều dòng họ nổi tiếng: họ Lương, họ Nguyễn, họ Lều… Nét tinh hoa của một làng khoa bảng được thể hiện tinh tế trên các chữ ở cổng làng. Cuối thế kỷ XIV, khi ông ngoại là quan Tư đồ Trần Nguyên Đán và mẹ là Trần Thị Thái mất, Nguyễn Trãi lúc đó mới 6 tuổi từ Kiệt Đặc, Chí Linh chuyển về sống với cha là Nguyễn Ứng Long tại Nhị Khê. Cảnh sắc quê hương, từ ruộng đồng, quán xá, sự cần cù của người dân quê đã tác động sâu sắc đến tâm hồn và sự hình thành nhân cách của Nguyễn Trãi. Tại Nhị Khê, Nguyễn Trãi, hiệu Ức Trai được cha rèn cặp. Năm 1400, lúc 20 tuổi ông đỗ Thái học sinh và sau đó làm quan dưới triều Hồ. Lúc này, Nguyễn Ứng Long đổi tên là Nguyễn Phi Khanh.
 
Bạn về thăm Nhị Khê, đi qua cổng Quốc vài chục mét là đến nhà thờ Nguyễn Trãi. Trước sân nhà thờ là tượng Nguyễn Trãi thảo Bình Ngô đại cáo do nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo thực hiện. Sử cũ kể rằng, vào năm Quang Thuận thứ 5 (1464), vua Lê Thánh Tông đã xuống chiếu ca ngợi công lao Nguyễn Trãi: danh vọng của ông vang lừng trong bốn bể, mưu lược của ông rõ rệt dưới hai triều. Trong bài Ngự chế trong tập Quỳnh uyển cửu ca, nhà vua đã hết lời ca ngợi các bậc công thần cùng đức Lê Thái tổ khai sáng triều Lê sơ. Về Nguyễn Trãi, nhà vua viết: Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo. Nghĩa: Tấm lòng Ức Trai sáng đẹp tựa sao Khuê. Dịp này, nhà vua còn sai tìm họa sĩ giỏi ở kinh đô vẽ chân dung Nguyễn Trãi theo trí nhớ và lời kể của các quan trong triều. Bức chân dung vẽ trên lụa, hiện đặt tại gian thờ chính, thể hiện ông với nét mặt trầm tư, dịu hiền, thoáng một chút buồn và mái đầu trắng bạc. Đặc biệt là đôi mắt với cái nhìn sâu thẳm, ánh lên niềm yêu đời. Ngoài di vật quý vừa nêu, tại nhà thờ còn lưu nhiều hoành phi, câu đối, biển gỗ khắc chữ sơn son thếp vàng. Đáng chú ý có bức Khai quốc nguyên huân (Người có công đầu mở mang đất nước); Bình Ngô khai quốc (Dẹp giặc Ngô, mở nước). Đặc biệt còn có bức Bình dị cận dân, gợi cho chúng ta hình ảnh một Nguyễn Trãi sống giản dị, gần dân. 
Quê hương Nhị Khê trong thơ Nguyễn Trãi
 
Cũng trong năm 1464, Lê Thánh Tông còn sai Trần Khắc Kiệm đi tìm thơ văn Nguyễn Trãi. Ông đã bỏ ra hơn 10 năm mới thu thập được 100 bài thơ, biên thành ba tập. Thế rồi bộ sách của Trần Khắc Kiệm cũng mất. Người có công làm lại việc của Trần Khắc Kiệm chính là Dương Bá Cung.
 
Dương Bá Cung (1795 - 1868), hiệu Cấn Đình, người Nhị Khê, đỗ cử nhân đời Minh Mệnh, làm quan đến Đốc học tỉnh Biên Hòa. Ông dành trí lực, đi khắp trong Nam ngoài Bắc sưu tầm thơ văn Nguyễn Trãi. Việc làm xong, ông đóng các tác phẩm thành tập lấy nhan đề là Ức Trai di tập. Năm 1969, Viện Sử học đã tổ chức biên dịch và Nhà xuất bản Khoa học Xã hội đã in Nguyễn Trãi toàn tập. Dựa vào nguồn tư liệu vô cùng phong phú này chúng ta hiểu hơn những tư tưởng lớn của Nguyễn Trãi: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân; ông là người đề xuất và thực hiện kế sách tâm công làm nản lòng quân giặc. Qua cuộc kháng chiến trường kỳ chống quân Minh, ông hiểu rõ sức mạnh to lớn của nhân dân. Tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1437), vua Lê Thái Tông sai Nguyễn Trãi thẩm định nhã nhạc, ông tâu rằng: “Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần vâng theo chiếu chỉ thẩm định nhã nhạc, không dám không hết lòng. Song học vấn sơ sài, nông cạn sợ trong áng thanh luật khó làm cho được hài hòa. Dám mong Bệ hạ rủ lòng yêu thương và chăm nuôi muôn dân khiến cho trong thôn cùng xóm vắng, không có một tiếng hờn giận oán sầu. Đó tức là giữ được cái gốc của nhạc vậy”.
Trong 15 năm sống ở quê cha, Nguyễn Trãi thương yêu và hiểu rõ nỗi vất vả của người dân quê, bản thân và gia đình ông cũng vậy:

Ao cạn vớt bèo cấy muống
Trì thanh phát cỏ ương sen
Khi đã làm quan trong triều, ông vẫn đau đáu nhớ quê:
Quê cũ nhà ta thiếu của nào?
Rau trong nội, cá trong ao
Đây là việc của Nguyễn Trãi sau giờ học:
Một cày một cuốc thú nhà quê
Áng cúc lan chen vãi đậu kê
Cuộc sống thường ngày của ông thật giản dị:
Cơm ăn chẳng quản dưa muối
Áo mặc nài chi gấm thêu
Cảnh nhà:
Mưa ngừng, ếch rộn ao chuôm
Hoa rơi, tổ én bùn thơm vách nhà
Xuân này, trong nắng xuân ấm áp, chúng ta cùng về Nhị Khê, thăm mảnh đất đã sinh ra người anh hùng dân tộc, Danh nhân Văn hóa Thế giới - Nguyễn Trãi. Qua dấu xưa tích cũ, chúng ta nghĩ về tâm tình của một người thấm nhuần đạo lý cha ông Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày. Qua thơ văn và tư liệu sử vẫn giúp những người hôm nay thấy: 
Xóm sông ai bảo nghèo nàn
Quanh nhà xanh nảy mỡ màng dâu gai. 
Và Nguyễn Trãi kia rồi:
Tỉnh rồi, dắt trẻ bước ra
Gặp người câu chuyện chỉ là nông tang
Ôn lại chuyện muôn năm cũ, cứ ngỡ là chuyện của hôm qua. Tư tưởng Bình dị cận dân của Nguyễn Trãi vẫn từng ngày đồng hành cùng dân tộc. 
NHN
https://nguoihanoi.com.vn/que-huong-nhi-khe-trong-tho-nguyen-trai_272107.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)