1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Lý luận - Phê bình

Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Yên Giang: Một đời bền bỉ "khơi dòng"

17/02/2022
Nói đến văn hóa dân gian của vùng đất cổ xứ Đoài và trấn Sơn Nam Thượng có lẽ không thế không nhắc đến nhà nghiên cứu Yên Giang. Ông được ví von là cuốn từ điển sống về văn nghệ dân gian đất Hà Tây. Gặp ông trong một chiều cuối năm, nghe ông kể chuyện xưa chuyện nay lại càng cảm phục hơn một tấm lòng luôn đau đáu với vốn cổ của cha ông...
Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Yên Giang: Một đời bền bỉ
Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Yên Giang qua ký họa của họa sĩ Nguyễn Văn Chuốt.
 
Duyên nghiệp từ những vần thơ
 
Nhà nghiên cứu Yên Giang tên thật là Nguyễn Sán, sinh năm 1942 ở làng Yên Lộ - một làng quê bên dòng sông Hát Giang, xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức nay là phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP. Hà Nội. Ông nội ông từng là Tổng sư tổng Trúc Sơn, huyện Chương Mỹ, còn bố từng là ông đồ Nho dạy học ở trong làng. Thuở ấu thơ, cậu bé Nguyễn Sán đã được tắm mình trong những điệu ca trù, chèo, tuồng nơi mái đình Yên Lộ. Chẳng thế mà trong bài thơ Mái đình làng Yên ông đã viết:
 
Tôi là con của làng Yên
Tuổi thơ xưa mải mê trên sân đình
Hội làng cờ biển lung linh
Tính trời, nết đất nuôi mình lớn lên
 
Thời học ở trường THPT Thường Tín, Nguyễn Sán từng nhiều lần đạt giải trong các cuộc thi thơ do Ty Văn hóa Hà Đông phát động. Đây cũng chính là cơ duyên đưa ông đến với ngành văn hóa sau này.
 
Nhà nghiên cứu Yên Giang nhớ lại: “Sau khi tốt nghiệp THPT, dù thi đỗ Đại học Sư phạm Hà Nội nhưng vì hoàn cảnh gia đình thời đó, nên ước mơ đi học tiếp của tôi đành gác lại. Biết tôi có chút năng khiếu văn chương mà sớm phải lăn lộn với cuộc sống, cậu bạn đã giới thiệu tôi đi thuyết minh cho triển lãm “Thành tựu nông nghiệp tỉnh Hà Đông” do Ty Nông nghiệp phối hợp với Ty Văn hóa tổ chức. Một hôm đang đánh xe bò đưa triển lãm về trưng bày ở huyện Chương Mỹ thì tôi nhận được thư của nhà viết kịch Quách Vinh lúc ấy là Phó Ty Văn hóa Hà Đông. Thư viết ngắn gọn:“Chú về ngay, Ty có việc cần”. Thời điểm đó tôi đang chuẩn bị tinh thần cho chuyến đi xây dựng miền Tây Bắc, nhưng bức thư bất ngờ ấy đã làm thay đổi cuộc đời tôi”. 
 
Đó là năm 1961 cũng là năm Yên Giang được nhận vào Ty Văn hóa Hà Đông. Ông bảo, có lẽ chính những bài thơ thuở học trò mà ông được nhà viết kịch Quách Vinh (thành viên BGK cuộc thi thơ) biết tới. “Nếu lúc ấy bác Vinh không rộng lòng, cởi mở thì có lẽ cuộc đời tôi đã sang trang khác” - nhà nghiên cứu Yên Giang bùi ngùi kể lại.
 
Những dặm dài không mỏi
 
Nhớ về “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” nhà nghiên cứu Yên Giang chẳng thể nào quên những con đường mình đã qua, những làng quê mình đã tới. Hồi mới vào ngành văn hóa ông làm ở Phòng tiết mục sân khấu, mỗi năm tổ chức vài chục hội diễn, liên hoan văn nghệ, vậy nên ông có thơ rằng: “Đem thân về với phong trào/ Dù mưa dù nắng chỗ nào cũng đi”. 
 
Qua những lần đi tổ chức hội diễn, Yên Giang ngày càng tỏ tường hơn về kho diễn xướng dân gian truyền thống của Hà Tây từ hát ca trù, hát trống quân, hát dô đến tuồng, chèo, cải lương... Ngoài việc chủ trì các trại viết kịch cho tác giả cơ sở, ông còn sáng tác nhiều vở chèo ngắn và bài hát chèo cho đội chèo cơ sở biểu diễn. Nhiều vở chèo của ông đã được in sách phục vụ cho công tác tuyên truyền như: Khi giặc đến nhà, Âm thanh miền đất mới, Khi hạt thóc lên đường, Vàng của đồng chiêm, Cạm bẫy phấn son...; có đôi vở diễn cùng nhiều bài hát chèo còn được phát trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam.
 
Có một kỷ niệm mà nhà nghiên cứu Yên Giang nhớ mãi đó là những ngày tháng cùng Đoàn Văn công xung kích Hà Tây vào phục vụ tuyến lửa Trường Sơn (8/1971 - 5/1972). Với chiếc ba lô con cóc, vành mũ tai bèo và màu rêu quân phục cùng hành trang là sáo, nhị, trống, đàn, ông cùng các nghệ sĩ hòa mình vào khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”… 
 
Sau này chuyển sang Phòng văn hóa quần chúng, rồi Phòng sáng tác xuất bản, Yên Giang vẫn như con ong cần mẫn chắt chiu “mật ngọt” từ di sản của cha ông. Ông còn miệt mài đèn sách theo học hệ tại chức khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (từ 1975 - 1979). Nhà nghiên cứu Yên Giang chia sẻ, Hà Tây là một vùng đất cổ nên trữ lượng về văn hóa, văn nghệ dân gian rất phong phú đa dạng. Để sưu tầm, nghiên cứu và lan tỏa văn hóa văn nghệ dân gian của vùng đất cổ này, ông đã rong ruổi trên chiếc xe đạp cọc cạch khắp các “thôn cùng, xóm vắng” của tỉnh Hà Đông, Hà Sơn Bình rồi Hà Tây sau này. 
 
Chính từ những chuyến đi ấy mà Yên Giang được tắm mình trong dòng suối mát lành của văn hóa dân gian, hiểu rõ hơn mạch nguồn văn hóa dân gian nơi vùng đất cổ. Chẳng vậy mà nhắc tới văn hóa dân gian xứ Đoài và trấn Sơn Nam Thượng ông vanh vách như đọc bài thơ đã thuộc. Từ tên đất tên làng, kho tàng văn học dân gian, diễn xướng dân gian đến lễ hội cổ truyền, di tích văn hóa, ẩm thực dân gian… 
 
Bền bỉ “khơi dòng”
 
Gắn bó với ngành văn hóa từ thuở mười tám, đôi mươi, đảm trách nhiều cương vị: Trưởng phòng sáng tác xuất bản Sở VHTT Hà Tây, ủy viên thường trực Hội VHNT Hà Tây, ủy viên BCH Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, Chi hội trưởng Chi hội văn nghệ dân gian Việt Nam cơ sở Hà Tây, Hà Nội (1996 - 2020) nhà nghiên cứu Yên Giang đã miệt mài, bền bỉ khơi dòng chảy văn hóa dân gian ở mảnh đất mình gắn bó. Nhìn vào những ấn phẩm đã xuất bản của Sở VHTT Hà Tây và Hội Liên hiệp VHNT Hà Tây mà ông là một thành viên trong ban biên soạn thì rõ. Nào Ẩm thực dân gian Hà Tây, Địa chí Hà Tây, Di sản văn nghệ dân gian Hà Tây, Kho tàng văn học dân gian Hà Tây; nào Câu đối cổ Hà Tây, Chương Mỹ xưa và nay, Thường Tín đất danh hương… Khi Hà Tây sáp nhập với Hà Nội, ông cũng góp mặt trong nhiều ấn phẩm của Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội trên cương vị thành viên ban biên soạn và đồng tác giả. Có thể kể tới: Chợ Hà Nội xưa và nay, Ẩm thực Thăng Long - Hà Nội, Hội làng Thăng Long - Hà Nội, Dấu xưa chuyện cũ Thăng Long - Hà Nội, Tục hay, lệ lạ Thăng Long - Hà Nội... Và còn 3 tập sách (về Văn học, Nghệ thuật, Phong tục - Lễ hội) trong bộ 12 tập Bách khoa thư Hà Nội do Thành ủy Hà Nội xuất bản, đặc biệt là cuốn sách in riêng mang tên Tục tắt đèn đêm hội Giã La
 
Lật giở những trang sách trong ấn phẩm in riêng này, bao ký ức một thời lại ùa về trong ông. Ông nhớ những hội làng mùa xuân năm xưa ở Khê Thượng, Khánh Xuân, Yên Lộ, Sơn Đồng, Cầu Đơ…; nhớ tục bó mo, tắt đèn, nghiềm quân và thi dựng cây xôi mỗi mùa lễ hội; nhớ cả những làng văn, làng nghề năm xưa mình đã tới, nào ren Hạ Mỗ, tương Cự Đà, rối nước làng Gia (Ra) và cả những giáo phường ca trù ở Thượng Mỗ, Đồng Trữ, Phượng Cách… Ông cũng không quên nhắc đến những nghệ nhân của mảnh đất Hà Tây xưa dẫu họ đã đi xa nhưng những thủ thỉ, tâm tình về vốn cổ của ông cha vẫn như vọng về từ quá khứ…
 
Ở tuổi 80, khi đôi mắt không còn được tinh tường, đôi chân cũng không còn nhanh nhẹn như xưa, nhưng tình yêu với văn hóa dân gian của nhà nghiên cứu Yên Giang dường như vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Ông bảo, vẫn đang tập trung hoàn thiện bản thảo những tập sách mà mình ấp ủ đó là: Tuyển tập Vốn cổ của cha ông, tập chèo Vận đỏ, tập sách Văn chương truyền miệng tục mà thanh, Diễn xướng ca trù Hà TâyDiễn xướng trống quân Hà Tây cùng tập thơ Gặp lại Súy Vân.
 
Say mê làm việc, âm thầm cống hiến và chẳng hề muốn nổi danh - đó là điều mà ai đã gặp Yên Giang đều dễ dàng cảm nhận. Nhưng nhìn vào các công trình, những tập sách thì thấy rõ những đóng góp của ông thật xứng đáng để tôn vinh. Và tôi, khi viết những dòng cuối bài báo này, lại nhớ những lời ông đau đáu: “Làng quê Hà Nội hôm nay đời sống được điện khí hóa, đồng ruộng được thủy lợi hóa, đường sá được bê tông quá… đó thực sự là một sự đổi thay lớn. Nhưng sẽ bền vững hơn khi những truyền thống văn hóa vẫn được bảo tồn và phát huy, vẫn là mạch nguồn dạt dào trong đời sống và tâm thức của cộng đồng”.
https://nguoihanoi.com.vn/nha-nghien-cuu-van-nghe-dan-gian-yen-giang-mot-doi-ben-bi-khoi-dong_271181.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)