1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Lý luận - Phê bình

Hà Nội trong thơ Trần Kim Hoa

25/05/2022
Nhà báo Trần Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội. Cho đến nay chị đã in 5 tập thơ, gồm: “Nơi em về”, NXB Thanh Niên, 1990; “Quá khứ chân thành”, NXB Hội Nhà văn, 1998; “Lối tầm xuân”, NXB Văn học, 2003; “Họa mi năm ngoái”, NXB Văn học, 2006; “Bên trời”, NXB Hội Nhà văn, 2020.
Hà Nội trong thơ Trần Kim Hoa
 
Nhà báo Trần Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội. Cho đến nay chị đã in 5 tập thơ, gồm: “Nơi em về”, NXB Thanh Niên, 1990; “Quá khứ chân thành”, NXB Hội Nhà văn, 1998; “Lối tầm xuân”, NXB Văn học, 2003; “Họa mi năm ngoái”, NXB Văn học, 2006; “Bên trời”, NXB Hội Nhà văn, 2020.
 
Từ tập thơ đầu tiên (in chung) đến tập thơ thứ hai cách nhau 8 năm; tập thứ ba cách tập thứ hai 5 năm; 3 tập sau thời gian được rút ngắn hơn. Kể ra như vậy là Kim Hoa “quá lười” công bố tác phẩm nhưng bù lại các tập thơ đã xuất bản đều chất lượng. 
 “Bên trời” gồm 88 bài là tập thơ mới nhất đưa Trần Kim Hoa đến “thành tựu”, giành Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020. “Phần lớn bài hay, không có bài nào đuối” là nhận xét của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, lúc công bố trao giải.
 
 Nhà thơ Trần Kim Hoa gốc Hà Tĩnh, nhưng cả đời gắn bó với Hà Nội. Có lẽ đó cũng là một trong các nguyên nhân chị viết nhiều về Hà Nội, thơ chị đăm đắm Hà Nội. Trong tập thơ “Bên trời” có 9 bài thơ viết về Hà Nội, được chị đặt vị trí trang trọng đầu tập thơ.
 
“Hà Nội tôi mơ” là bài thơ xếp thứ tư trong loạt bài này. Nhân vât trữ tình “tôi” mơ, không phải điều chưa đến. Thi phẩm như một bức tranh thủy mặc, tái hiện lại Hà Nội những năm 70 của thế kỷ trước. Đó là thời đất nước còn chưa thống nhất, những chàng trai Hà Nội vẫn chia tay phố lên đường vào Nam theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc: “Hà Nội tôi mơ/ mẹ tiễn anh qua lối hoa đào nở/ ga Hàng Cỏ đoàn tàu lăn bánh/ Ngày Bắc đêm Nam phấp phỏng phố phường”. 
 
Hà Nội trong thơ Trần Kim Hoa
 
Bố Trần Kim Hoa vốn là người lính biên cương, ở một tỉnh miền núi phía Bắc, sau đó về quê làm đám cưới với một thôn nữ và sinh ra chị. Năm 1973, bố chị xung phong vào chiến trường miền Nam, mấy mẹ con Trần Kim Hoa lại “quảy tráp” về quê. Khi đó chị bảy tuổi. Có lẽ vì thế, Trần Kim Hoa càng ám ảnh bởi những cuộc chia ly, thời chiến. Hà Nội những năm chiến tranh đó dù luôn cảnh giác nhưng bình thản đến đáng yêu:
...
Tôi nhớ người con gái cất bước về nhà chồng
Bịn rịn thềm rêu giọt nắng
Hà Nội đầu thập kỷ bảy mươi không ai ra đường áo trắng
Mũ rơm sơ tán ngoại ô
(Hà Nội tôi mơ)
 
Trần Kim Hoa chia sẻ: “Hà Nội là một đề tài đầy sự hối thúc, quyến rũ đến như mắc nợ vậy. Sau gần 30 năm gắn bó, quãng năm 2009 - 2010, tôi mới thật sự ưng ý khi viết được “Hà Nội tôi mơ”, với câu kết: “Nhĩ Hà chở ngàn năm trên ngọn sóng hoa văn/ Cổ Ngư dệt chiều thu thảo...” bởi những ám ảnh từ câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan và bởi Hà Nội - Tràng An nơi lưu giữ hồn cốt Thăng Long - Đông Đô, của từng ngọn heo may, từng viên gạch, từng nét rêu phong, đẹp trong từng ngọn sóng...”.
Hà Nội là vậy. Với Hà Nội, hoàn cảnh nào cũng dễ chồng lấn nhiều giấc mơ, dự cảm. “Hà Nội trong nhiều giấc mơ/ trai tráng trở về sạm đen khói súng/ phố đỏ cờ hoa mẹ mừng rơi lệ/ Hồ Tây chan chứa gió reo”; và “Hà Nội tôi mơ/ cá lội bến trong, phù sa bến đục/ phố, làng kề vai/ bách thảo trút vàng ngày cũ...”. Hiện thực cuộc sống trong “Hà Nội tôi mơ”, những năm tháng chiến tranh trong giấc mơ của “tôi” - nhân vật trữ tình của nhà thơ Trần Kim Hoa đầy

đủ gam màu thi ca. 
chầm chậm xích lô hoa
và em bước xuống từ bức tranh huệ trắng
áo dài bông thêu cỏ may
gói lụa thấp thoáng chiều dĩ vãng
nhẹ nhõm cây tì bà
(Phố)
 
Đọc khổ đầu của bài thơ “Phố”, không ai không nghĩ đến Hà Nội 36 phố phường, nhớ những con đường vàng lá, nồng nàn hoa sữa, lay phay nắng mùa đông hắt lên hoài niệm. Thế nhưng, Hà Nội gắn bó giữa kinh thành và ngoại ô, giữa quá khứ và hiện tại, giữa hôm nay và ngày mai, trong chiều kích sinh thái, kết nối: “ngoại ô xích lại gần/ phố già nua vọng tiếng cười son trẻ/ mẹ ngồi đan áo/ tờ thư năm cũ úa vàng...”.
...
cửa ô trầm ngâm choàng khăn rêu cũ
phố Phái xô lệch hoàng hôn
ly cà phê khuấy chậm
giọt thời gian rơi bạc tháp đồng hồ
 
chuỗi cườm sáng ngoại ô nhẫn nại
Hà Nội trổ cầu vào nghìn năm
chảy về đông dòng phù sa nghìn tuổi
ngô non phơ phất nhớ nguồn
(Bờ vai nghìn năm nhớ)
 
Trần Kim Hoa có nhiều bài thơ ca ngợi Hà Nội, một Hà Nội bây giờ, có sớm mai lộng gió, có những chiều bát ngát trắng mây bay... - những quang cảnh thời nào cũng có, nhưng cũng không thiếu những chi tiết của thời ta sống. Quá trình đô thị hóa, tiến tới văn minh đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Hóa ra “đường tới thành phố”, không phải sau một “cuốc xe”, một “chuyến bay” mà đó là một hành trình dài của văn hóa. Để có Hà Nội xanh, sạch, đẹp, sinh thái phải có con người văn hóa, với tư cách là chủ thể của không gian sống. Đô thị thông minh phải có con người thông minh, nếu không sẽ “va đập” sinh ra nhiều hệ lụy. Báo chí, các thể loại văn học như ký, truyện ngắn... đã nói nhiều đến những bất cập, lo lắng... hiện thực trong thơ, dẫu đã được thanh lọc qua tâm hồn, vẫn không khó nhận diện:
Hà Nội nửa phố nửa làng
phố nửa Á nửa Âu
bữa cơm chiều ngày một thưa
quán cà phê chật ních
đêm hiếm khi gặp ánh trăng ngần
...
Hà Nội đầu thế kỷ hai mốt
như người đẹp bước ra từ tiệm làm đầu
tóc nhiều màu nhưng mắt cứ là đen
(Có thể ngày mai)
 
Thơ Trần Kim Hoa, tinh tế, đầy sương khói, những trăn trở về Hà Nội, được giấu kín, gieo vào lòng người đọc những rưng rức. Kinh tế thị trường làm “khuôn mặt” phố biến đổi nhanh chóng, đại gia, nhà giàu, tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều, nhưng còn đó biết bao nhiêu vấn đề xã hội tắc đường, kẹt xe, ngập úng; bao số phận, kiếp người còn lam lũ. “Hà Nội gió mùa đông bắc/ những con phố phong phanh/ ta và em như khăn mỏng”.
...
ngày không bắt đầu bằng mặt trời
mưa li ti cám dỗ
hàng cây chiều qua hớn hở
sáng nay so vai
ngã tư chiều qua hớn hở
sau một đêm trong hơi nước như đàn kiến bơi...
(Gió mùa đông bắc)
...
Thế nhưng, tình yêu Hà Nội, không vì thế thay đổi. Dẫu “Hà Nội thủng thẳng vỉa hè/ Hà Nội kẹt xe từ bảy giờ sáng” nhưng “Hà Nội của người đi xa se sắt nhớ/ chợ Bắc Qua mê mệt tiếng người”, (Bờ vai nghìn năm nhớ). Đọc những câu thơ này của Trần Kim Hoa dễ gợi nhớ đến câu hát: “...Giờ ra đi mới thấy lòng tiếc nuối/ Những kỷ niệm một thời nông nổi/ Cứ thôi thúc hoài khắc khoải nơi trái tim”, (Hà Nội và tôi, nhạc Lê Vinh, thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường). Hà Nội mộc mạc mà lắng đọng, hào hoa mà gần gũi.
 
Hà Nội luôn còn những tầng sâu văn hóa, ký ức khiến người ta cứ mãi rung động, mong muốn được khám phá. Từng mảng rêu xanh ở đây cũng không giống ở nơi khác, thâm nghiêm hơn, chất chứa hơn, với bề dày những vết tích, những chuyện kể, những lai lịch, những thương đau và vật lộn...Vì thế, những câu thơ về Hà Nội của Trần Kim Hoa chứa những tầng của cảm xúc: “phố mới thềm xuân mưa náo nức/ ướt bờ vai rộng nghìn năm...” (Bờ vai nghìn năm trước); “nghìn năm, rồi nghìn năm nữa/ vẫn sớm mai này, Đồng Xuân...” (Vẫn sớm mai này).
NHN
https://nguoihanoi.com.vn/ha-noi-trong-tho-tran-kim-hoa_272453.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)