1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Thiết yếu
  4.  › 
  5. Làm ăn

Định vị thương hiệu – góp phần đưa nông sản cất cánh

08/08/2022
Chỉ 10 năm trước đây Việt Nam thu hút đầu tư FDI bởi nguồn lao động dồi dào và giá rẻ, 10 năm sau đó những lợi thế ấy đã đi qua, chúng ta buộc phải lựa chọn những thế mạnh khác để hội nhập và nâng cao giá trị sản phẩm sản xuất. Một trong những hướng đi đó là xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu càng mạnh, sản phẩm có giá trị càng lớn.
Gạo ST25. Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet
Gạo ST25. Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển thương hiệu nông sản

Việt Nam nổi tiếng với thị phần xuất khẩu lúa gạo, cà phê, sắn… thuộc top đầu thế giới, tiếp đó là các mặt hàng có giá trị cao như các sản phẩm từ gỗ, thuỷ sản, tiêu, hạt điều, rau quả, cao su… cũng có đóng góp lớn vào tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa và GDP nước ta.

Năm 2019, gạo ST25 đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới tại Hội nghị gạo thế giới diễn ra tại Manila- Philippines. Nhờ danh hiệu gạo ngon nhất thế giới mở đường, vừa qua, gạo ST25 đã vượt qua hơn 600 tiêu chuẩn kỹ thuật thành công thâm nhập vào thị trường Nhật Bản – một thị trường được đánh giá có yêu cầu cao bậc nhất khu vực châu Á. Việc chinh phục được thị trường “khó tính” này sẽ mở ra cơ hội mới cho gạo Việt Nam tiến xa hơn, đi rộng hơn trên bàn đổ thế giới và vị thế gạo Việt Nam nói chung cũng được nâng cao.

Cùng với gạo còn có hạt điều, cà phê, các sản phẩm từ gỗ, may mặc cũng từng bước tạo được vị thế riêng nhờ những nỗ lực xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia thông qua các cuộc xúc tiến thương mại của các bộ, ban, ngành, địa phương.

Những vết “dằm” của thương hiệu Việt

Năm 2021 đánh dấu những nỗ lực trong thành công đưa quả thanh long xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản, quả xoài xuất khẩu vào Mỹ, vải thiều đi EU… Dù vậy, Việt Nam vẫn còn những vết “dằm” thương hiệu như phở, nước mắm, cà phê… đang được xuất khẩu vào thị trường quốc tế nhưng đứng dưới tên thương hiệu của quốc gia khác.

Điển hình là phở ăn liền có mặt trên kệ hàng ở siêu thị Mỹ, EU được sản xuất bởi doanh nghiệp Thái Lan, cùng lúc đó doanh nghiệp Việt vẫn đang loay hoay trong việc xây dựng thương hiệu riêng để rồi, món ăn được xem như “quốc hồn, quốc tuý” của chúng ta đang được xuất khẩu dưới tên một quốc gia khác.

Tương tự, thương hiệu nước mắm Phú Quốc và cà phê Buôn Mê Thuột rơi vào tay các công ty nước ngoài hay một số doanh nghiệp Mỹ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo ST25 của Việt Nam là gạo ngon nhất thế giới 2019 tại Mỹ…

Mới đây, trả lời phóng viên về thương hiệu nông sản Việt Nam, ông Marko Walde, Trưởng Đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam có sản phẩm nông sản đa dạng, rất ngon và khẳng định người Đức rất thích nó, song, “tôi chỉ thấy những sản phẩm nông sản của Việt Nam được nhập khẩu vào Đức dưới tên một quốc gia khác hoặc nhãn hiệu khác mà không phải Việt Nam”, ông Marko Walde nói.

Thương hiệu là chìa khoá giúp sản phẩm cất cánh

Thương hiệu không phải những điều viển vông, những thứ xa vời, thương hiệu chính là giá trị vô hình giúp mâm cơm của người nông dân thêm những cá, những thịt, giúp con trẻ thêm bộ quần áo mới.

Trước đây và cả bây giờ, những chuyến xe chở dưa hấu, thanh long vẫn xếp hàng dài chờ thông quan cửa khẩu. Xe hàng quay đầu, ngập tràn các phố của Thủ đô la liệt những dưa hấu, thanh long giải cứu, bán chẳng kịp đành chặt bỏ cho trâu bò ăn hay để chín thối dưới các gốc cây. Trâu bò cười, người nông dân khóc. Thế nhưng chỉ đến vụ mùa sau lượng cung lại vượt số lượng cầu, lại những bài toán được mùa mất giá, giải cứu.... Nhưng ngược trở lại vấn đề nếu được xây dựng thương hiệu, được ký kết hợp đồng tiêu thụ, được quy hoạch vùng chăn nuôi, vùng sản xuất tập trung có thể những sản phẩm nông sản ấy sẽ được sản xuất có kế hoạch, bao tiêu đầu ra.

Gần đây nhất, Tập đoàn TH đã đầu tư 620 tỉ đồng để sở hữu dây chuyền sản xuất tương ớt, tương cà, cháo tươi dinh dưỡng, cơm ăn liền từ nguyên liệu tươi hiện đại của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản … Ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch Tập đoàn TH cho biết, dự án bắt đầu xây dựng từ tháng 5/2020 và dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2023 với mục tiêu góp phần giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp tỉnh Thái Bình.

Phần lớn các sản phẩm nước ta có nguồn gốc từ nông lâm thuỷ sản, việc xây dựng thương hiệu phải xuất phát từ chính người nông dân, tuyên truyền xây dựng thương hiệu phải mang tính đại chúng để người dân thấy được giá trị thương hiệu mang lại, qua đó từng bước mới thay đổi được thái độ, nhận thức của người dân với bài toán thương hiệu.

Với sứ mệnh kết nối và chung tay xây dựng thương hiệu những năm qua, Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam đã góp phần tạo dựng được uy tín, niềm tin với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, chương trình không chỉ lan toả và kết nối nét đẹp văn hoá con người, đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế mà thông qua đó còn lan toả được các nét đẹp thương hiệu, khuyến khích các doanh nghiệp, người sản xuất, nông dân theo đuổi giá trị sản phẩm bền vững.

https://doanhnghiepthuonghieu.vn/dinh-vi-thuong-hieu-gop-phan-dua-nong-san-cat-canh-644008945-p41035.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)