1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Xã hội

'Lơ là' về phòng vệ thương mại, doanh nghiệp Việt nhiều nguy vấp ngã trước cửa EU

22/08/2020
Các nước nhập khẩu tăng cường áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, trong khi việc nắm bắt thông tin, sự quan tâm của doanh nghiệp Việt Nam về vấn đề này còn hạn chế.

Ngành gỗ Việt đang đối diện với sự gia tăng các vụ điều tra phòng vệ thương mại khi xuất khẩu. Ảnh: I.T.

Chia sẻ trong Hội nghị tập huấn về công tác phòng vệ thương mại sáng 21/8, ông Phan Khánh An, Phó Trưởng phòng Pháp chế, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong khi nguy cơ ngày càng gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại, việc nắm bắt thông tin, mức độ hiểu biết của doanh nghiệp Việt Nam về vấn đề này còn hạn chế.

Ông An cho biết, theo một khảo sát gần đây, có tới 15,09% doanh nghiệp không biết gì về phòng vệ thương mại; 63,21%  doanh nghiệp có nghe nói nhưng không biết rõ; 19,81% doanh nghiệp từng tìm hiểu sơ sơ. Chỉ có 1,89% doanh nghiệp đã tìm hiểu tương đối kỹ.

Theo ông Phan Khánh An, trong khi Hoa Kỳ liên tục áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu thì đối với thị trường EU, nguy cơ để sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tương đối thấp. Vụ việc gần đây nhất mà EU áp dụng phòng vệ với hàng xuất khẩu của Việt Nam là mặt hàng mũ giày cách đây 10 năm.

“Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng không thể lơ là trong vấn đề này để có thể đảm bảo mục mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu với EU, tận dụng tốt nhất các lợi thế mang lại từ EVFTA đã có hiệu lực từ ngày 1/8 vừa qua”, ông Phan Khánh An nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, cho biết, trong quá trình đàm phán, Việt Nam cũng đã nhận định được những mặt hàng xuất khẩu sang EU có nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như dệt may, da giày, nông lâm thủy sản để các doanh nghiệp có sự chuẩn bị, ứng phó khi có các vấn đề phức tạp xảy ra.

Để bảo vệ hoạt động sản xuất chân chính, giữ uy tín khi xuất khẩu, các doanh nghiệp cần chủ động nắm thông tin liên quan đến phòng vệ thương mại. Ảnh: I.T.

Theo số liệu từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), năm 2020, Việt Nam phải ứng phó với 27 vụ việc phòng vệ thương mại. Tính đến hết tháng 3/2020, có 22 vụ việc chống lẩn tránh thuế do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, các vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại trong những năm gần đây có chiều hướng gia tăng với những diễn biến phức tạp.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh Việt Nam thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là EVFTA, việc các nước nhập khẩu sẽ gia tăng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất nội địa của họ là điều không tránh khỏi.

Các chuyên gia cũng cho biết, doanh nghiệp Việt cũng sẽ phải đối mặt với việc cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến các biện pháp trả đũa trực tiếp, đặc biệt là các biện pháp phòng vệ thương mại gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ… làm nảy sinh các vấn đề liên quan đến lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp...

Theo bà Giang, doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài bằng cách không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Nếu bị điều tra phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, tránh để hành vi của một vài doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Bà Giang cũng cho biết, Cục Phòng vệ thương mại sẽ kết hợp với các cơ quan liên quan trong và ngoài nước để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời cũng như bày tỏ quan điểm phản bác các lập luận thiếu căn cứ, vi phạm quy định WTO của nguyên đơn khởi kiện hay cơ quan điều tra nước ngoài.

Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu

https://doanhnghiepthuonghieu.vn/lo-la-ve-phong-ve-thuong-mai-doanh-nghiep-viet-nhieu-nguy-vap-nga-truoc-cua-eu.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)