1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Văn hóa

Vận dụng sáng tạo đường lối phát triển văn hóa của Đảng (*)

17/12/2021
Với bề dày truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị và sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc trọng trách trong xây dựng và phát huy sức mạnh văn hóa dân tộc trong tiến trình hội nhập, phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Vận dụng sáng tạo đường lối phát triển văn hóa của Đảng (*)
 
Trong 35 năm đổi mới, Đảng bộ Hà Nội đã liên tục có sự đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, thành phố luôn đặc biệt quan tâm việc cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Trung ương về phát triển văn hóa, xây dựng con người. Đến nay, trải qua 8 kỳ đại hội kể từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới, nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa, con người trong xã hội được Đảng bộ Thành phố kế thừa và phát triển qua từng giai đoạn. Đại hội XVII Đảng bộ Hà Nội nhiệm kỳ (2020 - 2025) tiếp tục khẳng định nhận thức toàn diện hơn về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội, Đại hội nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm: “Chú trọng phát triển văn hóa Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng; Thành phố vì hòa bình, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, ý thức tôn trọng pháp luật; giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển; coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô bền vững”; và xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ là: “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô”. 
 
Cụ thể hóa các quan điểm mới về phát triển văn hóa, con người Việt Nam được đặt ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng thời khắc phục những hạn chế, yếu kém, bám sát tình hình thực tiễn của Thủ đô, Thành phố Hà Nội tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp vừa đảm bảo đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa có tính căn cơ, lâu dài trên tinh thần đổi mới sáng tạo, có tính đột phá, với những nhóm nội dung trọng tâm sau:
 
Một là: Nâng cao nhận thức về văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Việt Nam của toàn xã hội, trước hết là của cán bộ, đảng viên, các tổ chức Đảng, chính quyền của thành phố. Đồng thời, thấu suốt quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa, con người là sự nghiệp lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, thận trọng; luôn tìm tòi, đổi mới tư duy phát triển vừa đảm bảo giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, vừa thúc đẩy và đặt đúng vai trò chủ thể của người dân, các cơ quan, tổ chức, người thực hành văn hóa trong xây dựng và phát triển văn hóa; khẳng định con người vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là mục tiêu và trung tâm trong chính sách phát triển của Thủ đô. 
 
Hai là: Định vị tầm nhìn rộng để hoạch định chiến lược phát triển văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; đồng thời, đảm bảo bố trí nguồn lực đầu tư phù hợp, tạo cơ chế thuận lợi thu hút nguồn lực xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển, để Thủ đô Hà Nội xứng đáng là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, nhất là thúc đẩy mạnh mẽ việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng “Thành phố sáng tạo”- Một động lực mới, thương hiệu mới được cộng đồng quốc tế ghi nhận năm 2019, gắn với mục tiêu phát triển Thủ đô với tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tập trung rà soát, bổ sung điều chỉnh Quy hoạch và chiến lược phát triển văn hóa Hà Nội phù hợp với giai đoạn phát triển mới; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” - 1 trong 2 Nghị quyết Chuyên đề quan trọng được Thành ủy (khóa XVII) xác định, gắn với phát triển và hoàn thiện thị trường văn hóa trên địa bàn Thủ đô.
 
Ba là: Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nhân văn và sáng tạo trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng thôn làng, khu dân cư, tổ dân phố, trường học, cơ quan, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Coi trọng xây dựng, thực hành văn hóa chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các quy định của Đảng về nêu gương và tinh thần Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII,  XIII)... Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện 2 quy tắc ứng xử của thành phố; khuyến khích xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân mang bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội; thúc đẩy đưa các mô hình văn hóa gia đình, cộng đồng, trường học, nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đi vào thực chất, có hiệu quả, tạo sức lan tỏa xã hội cao. 
 
Hoàn thiện cơ chế, chính sách đảm bảo bao phủ và sử dụng hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến cơ sở; khuyến khích phát triển, khai thác hiệu quả các không gian văn hóa sáng tạo của cộng đồng; đầu tư kiến tạo các công trình văn hóa mới tiêu biểu, có không gian cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô thời kỳ mới… Phát triển đồng đều và từng bước thu hẹp khoảng cách về thụ hưởng văn hóa, tinh thần giữa các vùng, địa phương, các giai tầng xã hội trên địa bàn của thành phố.
 
Bốn là: Tiếp tục kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa mới trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, lan tỏa hơn nữa giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, con người Hà Nội nhằm bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu Hà Nội, truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, gương mẫu về đạo đức, lối sống, có khát vọng đổi mới sáng tạo, có ý chí vươn lên của mỗi người dân Thủ đô.
 
Năm là: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đảm bảo hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Tập trung xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ làm công tác văn hóa từ thành phố tới cơ sở; hoàn thiện chính sách về trọng dụng, phát huy nhân tài; tuyển chọn đào tạo và gửi đào tạo ở các quốc gia tiên tiến nhằm hình thành đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa, văn nghệ sĩ giỏi thuộc nhiều lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài của Thủ đô. Đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị truyền thống, lịch sử, sức mạnh văn hóa con người Hà Nội bắt kịp xu thế phát triển của thời đại, nhất là bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.
 
Vận dụng sáng tạo đường lối phát triển văn hóa của Đảng (*)
 
Tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển văn học, nghệ thuật Thủ đô nhằm sáng tạo những tác phẩm có giá trị cao, tạo dấu ấn về tư tưởng và nghệ thuật. Chăm lo phát triển phong trào văn hóa, nghệ thuật quần chúng; nâng cao chất lượng hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của thành phố. Phát huy trí tuệ, tâm huyết, sáng tạo của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ Thủ đô. Có chính sách đãi ngộ phù hợp đối với nghệ nhân, văn nghệ sĩ… và khuyến khích trao truyền, sáng tạo các giá trị văn hóa truyền thống, hình thành các giá trị văn hóa mới. Phối hợp, khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa, đội ngũ văn nghệ sĩ của Trung ương trên địa bàn thành phố.
 
Sáu là: Phát huy tối đa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô các nước, quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; những “thương hiệu” quốc tế được vinh danh: “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”; cùng với tinh thần chủ động và sáng tạo trong hội nhập quốc tế về văn hóa để đưa Hà Nội trở thành địa điểm hấp dẫn về giao lưu, hợp tác, quảng bá và tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao có uy tín trong nước và quốc tế. Triển khai xây dựng mạng lưới “Sáng kiến Hà Nội” để thu hút, tập hợp, phát huy tâm huyết, trí tuệ và tình yêu Hà Nội của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, doanh nhân, cộng đồng… ở trong nước cũng như quốc tế tham gia đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế tham gia phát triển văn hóa, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam và Thủ đô Hà Nội. 
 
Có thể nói, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Nội thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Một trong những điểm mới về văn hóa ở Thủ đô là, từ năm 2017 đến nay, Thành phố Hà Nội đã triển khai Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan của thành phố và Quy tắc ứng xử nơi công cộng, nhằm lan tỏa thông điệp, khẳng định văn hóa ứng xử phản chiếu chiều sâu văn hóa tinh thần của con người Hà Nội, thể hiện chất văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Việc ban hành những quy tắc ứng xử văn hóa với mục tiêu là điều chỉnh các hành vi lệch chuẩn, để văn hóa công sở, văn hóa nơi công cộng nói chung và văn hóa ứng xử nói riêng thực sự trở thành một nét đẹp đặc trưng của người Hà Nội, để Thủ đô trở thành nơi đáng sống, đáng làm việc và cống hiến. 
 
Một minh chứng dễ thấy, biểu hiện sinh động nhất có thể thấy ngay từ những thách thức chưa từng có tiền lệ trong đại dịch Covid-19, đó là một “phép thử“, là một lần “kiểm chứng”  sức sống và sự tốt đẹp trong văn hóa ứng xử Hà Nội. Có những thời điểm, Hà Nội là địa bàn có nhiều ổ dịch, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao nhất nước, nhưng Hà Nội đã vững vàng vượt qua đại dịch, không chỉ một lần, nhất là những áp lực, thách thức rất lớn trong nỗ lực phòng, chống, kiểm soát, thích ứng linh hoạt với làn sóng đại dịch lần thứ tư. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, tinh thần đoàn kết, vì cộng đồng, lòng yêu nước, tình yêu Hà Nội, bản lĩnh, trí tuệ, trách nhiệm, những giá trị nhân văn sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã được phát huy hiệu quả rõ rệt. Điều đó thể hiện ở chủ trương, hành động, những chính sách đặc thù của thành phố; những nỗ lực không ngừng nghỉ chăm lo cho sự  an toàn, tính mạng cho người dân; là sự tâm huyết, trách nhiệm, hy sinh thầm lặng của các lực lượng tuyến đầu chống dịch; những hành động tương thân tương ái, nghĩa cử cao đẹp ở các tầng lớp nhân dân, từ các bậc phụ lão đến những em bé được lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng…
 
Không chỉ vậy, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, Hà Nội cùng cả nước”, trong các đợt dịch gần hai năm qua, Hà Nội luôn sẵn sàng, chủ động hỗ trợ không chỉ các tỉnh, thành phố trong nước gặp khó khăn bằng nhân lực và kinh phí, trang thiết bị y tế... mà còn với tinh thần quốc tế ấm áp, nghĩa tình đã dành tặng nhân dân Thủ đô La Habana (Cu Ba), nhân dân Lào những món quà ý nghĩa. Có thể thấy, trong thời khắc khó khăn của công cuộc chống dịch, những phẩm chất tốt đẹp của người Hà Nội lại tỏa sáng. Và điều đó góp phần tô điểm thêm cho nét đẹp văn hóa Hà Nội, góp phần tạo nên sức mạnh mềm của Thủ đô Hà Nội. Và sức mạnh ấy chính là nguồn lực, động lực tinh thần to lớn khơi dậy tình yêu Hà Nội, niềm tự hào, ý chí, khát vọng vươn lên của mỗi người dân, sẵn sàng cống hiến, chung tay xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh. 
 
Những năm sắp tới, đồng thời với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hà Nội, sự nghiệp phát triển Thủ đô luôn gắn liền với sự đồng lòng, chung sức của cả nước. Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, Hà Nội cùng cả nước”, Hà Nội mong muốn tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; sự giúp đỡ của các Bộ, Ban, ngành Trung ương, các địa phương, bạn bè trong và ngoài nước. Hà Nội mong muốn và đề nghị Trung ương cho chủ trương, Quốc hội sớm thông qua việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô gắn với điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, tạo thể chế, môi trường thuận lợi để Hà Nội phát huy hiệu quả các nguồn lực, tạo bước phát triển đột phá trong giai đoạn mới, để Hà Nội hòa nhịp cùng cả nước, chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
——————————
 
(*) Trích tham luận Đảng bộ Hà Nội quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo đường lối phát triển văn hóa của Đảng do Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trình bày tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
- Đầu đề do tạp chí Người Hà Nội đặt.
Người Hà Nội
https://nguoihanoi.com.vn/van-dung-sang-tao-duong-loi-phat-trien-van-hoa-cua-dang_270593.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)