1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Văn hóa

Thú chơi chữ và chơi tranh ngày Tết của người Hà Nội

01/02/2021
Lưu giữ nét văn nhân - Ảnh: Bùi Đăng Thanh
 
1.Trong văn hóa truyền thống của người Việt xưa, tục treo câu đối trong nhà ngày xuân là một thú vui tao nhã thể hiện trí tuệ và nghệ thuật chơi chữ của người sử dụng câu đối. Những câu đối treo trong ngày Tết thường mang ý nghĩa tốt đẹp và đôi khi nhắc nhở con người ta về những điều tốt đẹp, về đạo đức, về lối sống, về cách hành xử hàng ngày, về ước mơ, mong ước một năm mới vui vẻ, hạnh phúc, làm ăn phát đạt, thành công. Cũng bởi thế thú chơi câu đối Tết được đánh giá như tinh hoa của nguồn cội, là món ăn tinh thần ngày Tết.
 
Người Hà Nội vốn đã có thói quen chơi tranh, xin chữ ngày Tết. Để trang hoàng nhà cửa đón Tết, mỗi gia đình treo câu đối đỏ trong nhà để mang ý nghĩa cầu may mắn, bình an và thành công trong năm mới.
 
Xưa, nếu dân ở các vùng miền khác muốn xin chữ hay đôi câu đối thì chỉ có cách tìm đến nhà các ông đồ trong vùng, nhưng Hà Nội lại có một chợ ông đồ ở phố Hàng Bồ. Phố Hàng Bồ ngoài bán giấy, bút, ngày giáp Tết còn bán câu đối, chữ đã viết sẵn trên giấy điều.
 
Bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, ở hè phố này đã xuất hiện các ông đồ trải chiếu đợi khách thuê viết câu đối, hoặc bán những chữ đã viết sẵn trên giấy hồng điều. Ai không thích mua câu đối viết sẵn thì chỉ trình bày tâm tư, nguyện vọng và mong muốn trong năm mới của gia đình, các ông đồ này sẽ tìm cho câu đối, chữ nghĩa phù hợp. Ngày Tết khách đến nhà chơi, ngồi uống rượu, thưởng trà và bình chữ, bình câu đối là một cái thú.
 
Phong tục xin và mua câu đối ngày Tết dường như đã trở thành nét đẹp của người Hà Nội, với mong muốn hy vọng tất cả những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với mình và với gia đình của mình. Treo câu đối trong nhà cũng chính là lời chúc, niềm hy vọng mà người treo muốn gửi gắm, đó cũng là một nét đẹp văn hóa cần được giữ gìn và phát huy.
 
Ngày nay Hội chữ Xuân được tổ chức thường niên tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, với mong muốn tiếp nối truyền thống quý báu của dân tộc. Hội chữ Xuân đã khẳng định được thương hiệu, trở thành "sân chơi" bổ ích góp phần lan tỏa tình yêu thư pháp cũng như các giá trị văn hóa lâu đời khác.
 
2. Bên cạnh thú chơi câu đối, mỗi dịp Tết đến xuân về, người Hà Nội còn có thú chơi tranh Tết. Trong các loại tranh Tết Việt Nam, có lẽ đa dạng và độc đáo nhất là tranh dân gian. Đây là loại tranh không trau chuốt cầu kỳ nhưng lại mang đậm tính dân tộc. Có nhiều dòng tranh dân gian khác nhau, nhưng lâu đời và nổi tiếng hơn cả là tranh Đông Hồ (Hà Bắc cũ), tranh Hàng Trống (Hà Nội), tranh Kim Hoàng (Hà Tây), tranh Nam Hoành (Nghệ An), tranh làng Sình (Huế). Cùng với những thăng trầm của lịch sử, có dòng tranh phát triển mạnh mẽ nhưng cũng có những dòng tranh theo thời gian mai một đi, giờ chỉ còn trong ký ức. 
 
Người Hà Nội xưa có phong tục treo tranh Tết nên cứ gần ngày Tết phố Hàng Trống lại tấp nập người đến chọn tranh. Ở phố Hàng Trống cũng có nhiều người làm tranh dân gian, nhưng chủ yếu là vẽ tranh thờ (hổ, rồng, thần, thánh...). Họ làm bằng kỹ thuật kết hợp đường nét in đen từ bàn khắc gỗ với việc tô màu phẩm bằng tay. Nghệ nhân vẽ tranh dùng bút màu quét phẩm nước, tạo nên những gam màu đậm nhạt lung linh. Tranh Tết thường gửi gắm thông điệp tốt đẹp, cầu chúc cho gia chủ một năm phát tài phát lộc, vạn sự như ý. 
 
Mấy năm trở lại đây phong trào vẽ con giáp được các họa sĩ trẻ hưởng ứng rầm rộ mỗi dịp Tết đến. Tranh vẽ con giáp, tranh Tết cũng được các họa sĩ Việt Nam vẽ trên mọi chất liệu, trên các bưu thiếp chúc Tết hoặc bìa báo xuân, tranh trong báo xuân. Ít ai ngờ phong trào này từng được khởi đầu từ hơn nửa thập kỷ trước từ chính danh họa Bùi Xuân Phái. Ông thường hào hứng đón xuân bắt đầu bằng những tấm thiệp vẽ con giáp để tặng người thân, bạn bè mỗi dịp Tết đến, xuân về. Có những năm, họa sĩ vẽ cả chồng bưu thiếp, để sẵn trong ngăn kéo để làm quà mừng năm mới cho những người thân quý. Những bức tranh con giáp có dòng chữ "Chúc mừng năm mới" được họa sĩ vẽ là tặng phẩm mang ý nghĩa với nhiều người.
 
Người theo đuổi đề tài vẽ con giáp quy mô nhất là danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Nguyễn Tư Nghiêm chuyên sáng tác về mười hai con giáp. Ông còn chuyên chú cho dòng tranh này tới độ vẽ màu sắc của con giáp theo ngũ hành. Việc vẽ con giáp được đẩy lên thành truyền thống vẽ tranh Tết hàng năm, được các thế hệ họa sĩ khác nhau nối dài cho tới tận ngày nay và càng ngày phong trào càng rầm rộ.
 
Đặc biệt, khi đời sống vật chất ngày càng ổn định, quan niệm "ăn Tết" chuyển dần sang "chơi Tết" thì cách chơi tranh ngày Tết cũng phong phú, đa dạng hơn. 
 
Người Hà Nội
http://nguoihanoi.com.vn/thu-choi-chu-va-choi-tranh-ngay-tet-cua-nguoi-ha-noi_264128.html
 

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)