1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Văn hóa

Thần Độc Cước

11/09/2020
(Thành hoàng làng Vẽ, phường Đông Ngạc, quận bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội)

Đình Vẽ làng Đông Ngạc thờ 3 vị Thành hoàng: Thiên thần Độc Cước, Địa thần Bản Thổ và Nhân thần Lê Khôi 

 

Thần Độc Cước là Hỏa Quan Tiên (nghĩa đen là Roi Lửa), Sơn Tiêu Đại Thánh. Thần hiển linh ở quận Nam, nước Bắc. Trước đây, có một thầy tu ở Tây Vực đến giáo hóa dân ta, đã dừng thuyền ở cửa Triều Khẩu  (tên nôm là Cửa Trào) nay thuộc huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Trong thời gian lưu lại đây, ông đã dựng đền thờ vị Sơn Tiêu này.

 

Tại bãi biển Sầm Sơn, trên ngọn núi cheo leo sát bờ biển thuộc xã Trường Lộc, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa cũng có đền thờ thần Độc Cước. Tương truyền sau một đêm mưa to, gió lớn, sáng ngày dân bản xã lên núi Sầm Sơn thấy một dấu chân người khổng lồ (dài một trượng 5 phân, rộng 5 tấc). Dân xã lập đền thờ. Lại có thuyết nói thần họ Cao tên tự Độc Cước, là một vị thiền sư đời Lý. Theo “Báo Cực truyện”, các thiền tăng chỉ đứng một chân để giảng đạo, rồi biến hóa. Dân lập đền thờ tại nơi có vết chân để lại. 

 

Đầu thế kỷ XV, làng Đông Ngạc (tên Nôm là làng Vẽ), huyện Từ Liêm có Phan Phu Tiên (hay Phan Phù Tiên), đỗ Thái học sinh từ năm 1396, đi làm quan ở châu Hoan, khi đi qua đến Triều Khẩu có ghé vào đền nghỉ lại. Trong lúc thư nhàn, ông có đọc thầm một câu thơ “Mộc khách giải ngâm thi” của Tô Đông Pha, có ý châm biếm thần Độc Cước. Đến đêm, Phan Phu Tiên mộng thấy thần Độc Cước hiện lên nghiêm giọng quát hỏi: “Nghe câu thơ ông đọc ban ngày có ý trào lộng. Nhưng ông có biết chăng ở xứ Giang Nam có một con hồ ly luôn luôn biến ảo hình chất, và thường mượn danh thế của ta, làm hại dân chúng. Ta đã tâu lên thượng đế, và đã giết nó rồi. Thượng đế sai ta quản lĩnh từ phía Mân Việt trở về Nam, tiếp tục tiêu ma trừ quỷ để bảo vệ hài nhi và dân chúng. Nay ông lại có ý bảo ma quỷ ở Chiết Giang chăng?”.

 

Phan Phu Tiên giật mình tỉnh dậy, dựng tóc gáy, tạ tội và xin với thần được rước bát hương về thờ ở làng mình nằm tại phía Nam sông Nhĩ Hà, tức làng Vẽ bây giờ. 

 

Thần Độc Cước do Phan Phu Tiên thỉnh về làng Vẽ, được dân làng lập làm Thành hoàng làng. Từ đó, ma quỷ được trừ, dân không phải khổ vì bệnh tật, thuyền buôn đến bến sông tấp nập. Dân gặp tai ương đến đền cầu đảo đều linh ứng.

 

Trong thần phả làng Vẽ ghi tên thần là thần Độc Cước, còn tại sao lại có tên này, không thấy có lời giải thích. Thần phả chép rằng: Vị thượng đẳng thần có rất nhiều công tích với triều đình nên được phong chức Bình chương, và đã từng trị nhậm ở hai châu là châu O và châu Hoan. Nhưng lạ thay khi thần ở châu O thì châu Hoan đói kém, khi thần ở châu Hoan thì châu O lại lâm vào cảnh loạn lạc. Để có thể trị nhậm được hai nơi, giúp dân chống đói, trị loạn, nên cuối cùng, thần phải xé đôi mình ra, để mỗi nơi người trị nhậm ở một châu, vì thế mới gọi là thần Độc Cước (một chân).

 

Từ lâu, người làng Vẽ thường gọi vị thượng đẳng thần bằng một cái tên đơn giản là thần Độc Cước. Nhưng sắc phong của triều Lê còn giữ tại đình, mỹ tự phong cho thần được viết rất dài là: Cương Nghị Siêu Dũng Cường Quả Thuần Chính Độc Cước Chi Thần. 

 

Đình thờ thần Độc Cước tại làng Vẽ, phường Đông Ngạc quận Bắc Từ Liêm, đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/than-doc-cuoc_262564.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)