1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Văn hóa

Phục dựng điện Kính Thiên: Vẫn... không thể vội vàng

22/06/2021
Kể từ ngày các nhà khảo cổ học đặt nhát cuốc đầu tiên khai quật khảo cổ học khu vực Hoàng thành Thăng Long Hà Nội tính đến nay đã tròn một thập kỷ. Tuy nhiên, đợt khai quật năm 2019 và đầu năm 2021 được chú ý nhiều nhất với diện tích khai quật lên tới 1.000m2 và những hố khảo cổ nằm ngay bên dưới nền chính điện Kính Thiên. Nhiều dấu tích của Kinh thành Thăng Long một thời đã hé lộ, song ý tưởng phục dựng Điện Kính Thiên dường như vẫn còn khá mơ hồ.
Phục dựng điện Kính Thiên: Vẫn... không thể vội vàng
Khai quật khảo cổ nền Điện Kính Thiên năm 2021
 
“Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”
 
Cuộc khai quật dưới nền chính điện năm 2019 mở 1 hố khai quật và 3 hố thám sát tại phía Đông Bắc nền điện Kính Thiên với tổng diện tích gần 990m2. Ngay từ lần đầu này, các nhà khảo cổ học đã khẳng định, Hoàng thành Thăng Long nói riêng và Kinh thành Thăng Long nói chung là một khu di tích rộng lớn, phong phú và phức tạp, việc nhận diện kiến trúc Hoàng thành vì thế không thể “một sớm một chiều”. 
 
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu năm 2019 đã cho những nhận thức mới cùng những giá trị mới trong việc đi tìm dấu tích chính điện xưa. Cụ thể là việc phát hiện cống nước gạch kiên cố thời Đại La đã chứng minh cho giả thiết khu vực trung tâm của thành Đại La vẫn là ở trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Nhận định này rất quan trọng để tìm hiểu quy mô thành Đại La, từ đó đối chiếu tìm hiểu quy mô thành Thăng Long thời Lý. Ngay cả các kiến trúc, di vật thời Đinh - Tiền Lê, thời Lý, thời Trần phân bố ở khu vực sau nền điện Kính Thiên, chứng tỏ tính chất trung tâm, tương đồng với toàn bộ khu vực 18 Hoàng Diệu và Vườn hồng. Như tượng rồng bằng đất nung thời Lý kích thước lớn cho thấy có thể có kiến trúc quy mô lớn, quan trọng thời Lý ở đây. Rồi than tro xuất hiện nhiều gợi đến việc sử sách chép về các cuộc chiến tranh vào cuối thời Trần thế kỷ 14 khiến Kinh thành nhiều lần cháy thành tro bụi. Thời Lê sơ có 2 dấu tích bó nền, 1 dấu tích kiến trúc có móng cột, phản ánh thời Lê sơ xây dựng nhiều công trình quan trọng. Kiến trúc có móng cột chạy theo hướng Bắc - Nam có thể là kiến trúc kiểu hành lang tương tự ở phía Tây Đoan Môn đã phát hiện năm 2013 - 2014. Điều này gợi ý về không gian kiến trúc chính điện thời Lê sơ ở phía sau nền điện Kính Thiên có phần thu hẹp lại hơn so với phần phía trước. Thời Lê Trung hưng hình thành tổ hợp kiến trúc có móng cột lớn phía Tây và kiến trúc sân vườn phía Đông. Có khả năng đây là kiến trúc 5 gian 2 chái nằm trên trục Ngự đạo thẳng tới Đoan Môn - Kính Thiên, là kiến trúc “cổng” của một khu cung điện khác trong khu vực trung tâm. Mà theo thư tịch cổ và bản đồ cổ thì sau chính điện là khu điện Cần Chánh. Vậy nếu đúng là kiến trúc cổng thì đây là di tích đánh dấu sự bắt đầu của khu vực kiến trúc quan trọng thứ hai trên trục trung tâm: khu vực điện Cần Chánh - nơi làm việc của hoàng đế và triều đình Lê Trung hưng…
 
Phục dựng điện Kính Thiên: Vẫn... không thể vội vàng
Di vật khảo cổ học khu vực Điện Kính Thiên
 
Cuộc khai quật đầu năm 2021 trên diện tích hơn 1.000m2 phía Đông Bắc nền điện Kính Thiên như thêm bằng chứng cho những giả thiết mở ra từ năm 2019. Các nhà khoa học nhìn nhận, cuộc khai quật tiếp tục làm xuất lộ tầng văn hóa dày 4,5m, có đầy đủ các lớp văn hóa từ thời Đại La đến thời Nguyễn. Điều đó nói lên tính thống nhất của tầng văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong toàn bộ khu vực đã được giới nghiên cứu xác định một cách tương đối về vị trí và quy mô của Hoàng thành Thăng Long và thành Hà Nội tại khu vực trung tâm của quận Ba Đình ngày nay. GS.TSKH Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đánh giá: “Trong hố khai quật xuất lộ từ sớm đến muộn. Dấu tích móng cột sỏi thời Lý lần này xuất lộ nhiều và có dấu hiệu của kiến trúc móng cột kê nổi và kê chôn chân cột như ở khu vực 18 Hoàng Diệu, cho thấy sự phân bố của kiến trúc Thăng Long thời Lý ở khu vực chính điện. Đối với thời Trần, có sự xuất hiện của dấu tích kiến trúc tròn -  kiểu kiến trúc đã xuất lộ ở gần Đoan Môn, chùa Báo Ân. Có ý kiến gợi ý đây là một tiểu cảnh trong hoàng cung thời Trần, cũng có ý kiến cho đây là dấu tích tâm linh để thực hiện một nghi lễ cúng tế nào đó thời Trần”. 
 
Đối với thời Lê sơ, PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam nhận định: “Di tích kiến trúc nhiều gian gợi sự phân bố của không gian chính điện ở đây và dấu tích này cho thấy sự thu hẹp lại so với không gian phía trước chính điện. Thêm vào đó, ngày càng có thêm các di vật quý giúp tìm hiểu chi tiết cấu trúc của kiến trúc thời Lê sơ. Còn đối với thời Lê Trung hưng, lần khai quật này các dấu tích tiếp tục mở rộng lên phía Bắc với dấu tích móng tường bao, cống nước, ngòi nước, đường đi, so với hố đào năm 2019 chỉ thiếu vắng dấu tích bồn hoa. Vườn hoa tiếp tục xác định rõ hơn ranh giới bởi có một bức tường lớn ngăn cách vườn hoa với khu vực kiến trúc trung tâm cùng thời ở phía Tây. Gần Hậu Lâu phát hiện một móng nền kiến trúc lớn nằm dưới móng nền Hậu Lâu thời Nguyễn, gợi ý về 1 dấu tích kiến trúc lớn thời Lê Trung hưng nằm dưới móng Hậu Lâu. Dấu tích các móng cột lớn năm 2019 và dấu tích nền móng này có liên quan đến dấu tích điện Cần Chánh thời Lê - Nguyễn...”
   
Đúng như nhận định của PGS.TS Tống Trung Tín, cuộc khai quật năm 2021 tiếp tục làm giàu có thêm tư liệu cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu cấu trúc của chính điện Kính Thiên. So sánh chung, có thể bước đầu đoán định không gian thu hẹp ở vị trí này có thể là không gian của điện Cần Chánh, một phần trong tổng thể không gian chung của khu vực chính điện. Đó là một không gian có thể hiện sự giao lưu văn hóa, nhưng cũng thể hiện rõ những nét đặc trưng riêng của văn hóa Việt Nam.
 
Vẫn… không thể vội vàng
 
10 năm khai quật khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long, nhưng đã gần 20 năm Hà Nội ấp ủ ý tưởng phục dựng điện Kính Thiên. Việc nghiên cứu vẫn cần mẫn theo lộ trình cẩn trọng, chậm rãi, nên gần 2 thập kỷ đã qua, bóng dáng chính điện vẫn thấp thoáng trong ý tưởng khiến không ít người nóng lòng. Ngay trong cuộc hội thảo báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực Chính điện Kính Thiên năm 2021 được tổ chức mới đây, các nhà khoa học không ngại ngần bày tỏ nỗi trăn trở về hành trình phục dựng chính điện. TS. Nguyễn Văn Sơn - nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội thẳng thắn: “Với cách làm hiện nay thì cuối thế kỷ cũng không xong”. TS. Nguyễn Tiến Đông - Viện Khảo cổ học thì cho rằng nếu cầu toàn thì 20 năm nữa cũng không xong: “Nếu cứ khai quật mãi, nghiên cứu mãi sẽ đi đến kết quả khảo cổ học có thể in thành sách. Nhưng chúng ta không cầu toàn được, bởi làm sao biết được hình dáng điện Kính Thiên thời Lý Trần. Chỉ có thể phục dựng được từ thời Lê sơ, còn điện chính thời Lý Trần phải để con cháu 100 năm nữa làm”. 
 
Thực tế, Hà Nội đã thể hiện quyết tâm khi đưa ra lộ trình cụ thể trong Đề án Phục dựng điện Kính Thiên: Giai đoạn 1 (năm 2020 - 2025) hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở; giai đoạn 2 (2025 - 2030) triển khai thực hiện dự án phục dựng điện Kính Thiên. Đây là một thuận lợi, cũng là động lực cho các nhà khoa học đẩy nhanh quá trình phục dựng chính điện. Ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cũng cho biết, gần đây cả Chính phủ và Thành phố Hà Nội đều thể hiện ý chí muốn tập trung vào phục dựng điện Kính Thiên: “Đề án cũng như quy hoạch Chính phủ đã phê duyệt, trong đó có kế hoạch xây dựng điện Kính Thiên. Các nhà khoa học nên có đề án để chạy theo chương trình, kế hoạch trung hạn 5 năm của Chính phủ để làm luôn. Nếu không tranh thủ ngay trong kế hoạch trung hạn lần này thì phải 5 năm nữa mới lại có cơ hội…”.  
 
Nỗi trăn trở và sự hối thúc tiến độ là vậy, song con đường đi tìm vóc dáng chính điện vẫn cần cẩn trọng, không thể vội vàng. Bài học nhãn tiền đã có trong việc Trung Quốc phục dựng cung Đại Minh, sau khi khai quật khảo cổ học mới phát hiện phục dựng sai. Ông Nguyễn Văn Hảo - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam bày tỏ: “Khảo cổ học cũng như các ngành khoa học khác, kết quả khai quật nhiều khi không theo ý muốn của người thực hiện. Thế nên, người khai quật khảo cổ cần xác định rõ mục đích của mình rồi mới bắt tay thực hiện. Muốn phục dựng được điện Kính Thiên phải tìm thấy những dấu tích thuộc về mặt bằng kiến trúc của điện Kính Thiên hoặc những dấu tích liên quan đến điện Kính Thiên mới có thể làm được. Chứ phục dựng điện Kính Thiên hay không gian điện Kính Thiên mà không có những dấu tích của chính điện thì quả là gian khó”. TS. Phạm Quốc Quân - nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam thì bày tỏ: “Khảo cổ học mới chỉ là giai đoạn nghiên cứu bước đầu để xác định về kiểu cách, kiến trúc, nội thất, cách bày trí, quy mô điện Kính Thiên. Qua đó mới xác định được không gian văn hóa của điện cũng như của toàn khu vực liên quan tới di sản. Khi có được thông tin dữ liệu lịch sử đầy đủ lúc đó mới tới bước xác định hình dáng phục dựng điện theo thời kỳ nào?”. Quả là đề cập tới việc phục dựng điện Kính Thiên không chỉ đề cập một cách đơn giản là làm theo hình dáng, quy mô, kiến trúc của một điện đơn thuần. Ở đây là cả một thời kỳ lịch sử, một giai đoạn văn hóa dân tộc, do đó, việc nghiên cứu, đánh giá, xác định mô hình phục dựng phải rất thận trọng, không thể dựng lên một thứ “na ná điện Kinh Thiên” được.
 
Có lẽ, PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nói đúng, cần làm lúc này là thúc đẩy việc thành lập một bộ phận nghiên cứu việc khôi phục điện Kính Thiên bao gồm các nhà khoa học, các chuyên gia tư vấn, đồng thời tiếp tục làm các khai quật khảo cổ và tìm trong tư liệu lịch sử của Việt Nam cũng như nước ngoài phục vụ việc phục dựng điện Kính Thiên. 
Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428, đời vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời vua Lê Thánh Tông. Điện được xây dựng trên núi Nùng, ngay trên nền cũ của cung Càn Nguyên Thiên An thời Lý, Trần.
Thời Pháp thuộc, vào cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp phá bỏ hành cung Kính Thiên và xây dựng trụ sở chỉ huy pháo binh tại đây. Ngôi nhà này được gọi là nhà Con Rồng (hay còn gọi là Long Trì), do phía trước và sau đều có rồng đá chầu.
Sau ngày 10/10/1954, khi quân ta vào tiếp quản Thủ đô, khu vực này trở thành nơi làm việc của Bộ Quốc phòng.
Năm 2004, Bộ Quốc phòng bàn giao lại một phần diện tích khu vực trung tâm (trục chính tâm) Thành cổ Thăng Long - Hà Nội cho UBND TP Hà Nội quản lý. Điện Kính Thiên là di tích trung tâm trong tổng thể các di tích của khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/phuc-dung-dien-kinh-thien-van-khong-the-voi-vang_266918.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)