1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Văn hóa

Ở nơi xa, lòng càng da diết nhớ...

02/02/2021
Với mỗi người con đất Việt nơi xứ người, hình bóng của quê hương luôn vọng về trong tâm tưởng, nhất là trong những ngày Tết đến xuân về. Năm nay, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều người con xa xứ đã không thể trở về với quê hương. Cũng bởi thế mà nhắc đến Tết Việt nơi xứ người, lòng họ lại càng da diết nhớ…
Nhà thơ Cẩm Thơ 
(Paris, Pháp):
 
Vợi đi phần nào nỗi nhớ quê hương
 
Sang quê chồng tại Paris (Pháp) cuối năm 1986, nhưng đến tháng 1/1987 tôi đã bay về Việt Nam ăn Tết vì nhớ quê không chịu được. Tiếp đó, trong suốt thời gian con gái đầu lòng của tôi còn nhỏ, năm nào gia đình tôi cũng về Việt Nam dịp Tết Nguyên đán. 
 
Tôi may mắn là có được một người chồng rất thông cảm với nỗi niềm xa quê của vợ, anh lại rất hiểu biết về đời sống văn hóa và tình cảm, tinh thần, cội rễ của tôi. Hơn nữa, vì làm nghề điện ảnh và nghe nhìn, chưa từng vào biên chế của một công ty nào, nên cứ về được thăm quê hương là tôi về. Năm nào không về được, tôi lại xót xa nhớ không khí, mùi vị của ngày Tết. Nhớ buổi chợ Tết. Nhớ mùi bếp lửa và nồi luộc bánh chưng. Nhớ khói hương khói trầm, nhớ trời mưa xuân, nhớ tiếng pháo giao thừa. Nhớ màu đỏ của hoa đào, của hạt dưa, của phong bao mừng tuổi. Nhớ những buổi lên chùa, những lần đi tảo mộ với các bà các bác... 
 
Những năm đón Tết tại Pháp, cả nhà tôi thường đến dự buổi chiêu đãi của Hội Việt kiều và của Đại sứ quán Việt Nam tại Paris. Đó cũng là dịp để gặp gỡ, trao đổi bằng tiếng Việt với những người quen biết, xem chương trình ca múa nhạc bằng tiếng Việt do anh chị em Việt kiều, thanh thiếu niên, sinh viên người Việt, lai Việt... biểu diễn. 
 
Khi cha mẹ đã qua đời, tôi bỗng nhiên muốn tự làm bữa cơm đầu năm cho chồng con và bạn bè. Cứ vào ngày cuối tuần đầu tiên sau Tết là tôi tổ chức một bữa tối cho trên dưới ba chục người. Những món cơ bản như: xôi, chè, nem, gà luộc, gà nướng, nộm, miến... tôi đều tự làm còn thịt quay và bánh chưng thì mua thêm.
 
Gần đây, có nhiều thời gian hơn, tôi tham gia đón Tết với một nhóm bạn. Họ là những cặp vợ Việt, chồng Pháp, và một vài cặp "thuần Việt". Cứ xong Tết dương lịch là chúng tôi lại lập nhóm, lên thực đơn, chia nhau làm các món. Vậy nên bữa tiệc nào cũng vô cùng phong phú, đẹp đẽ và ngon tuyệt vời. Không khí ngày Tết nơi xa xứ của chúng tôi rất lộng lẫy, tưng bừng, ấm áp. Người lớn, kể cả các chàng rể "Tây" đều xúng xính trong những chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam đủ màu sắc. Các cháu nhỏ sau khi được lì xì của bố mẹ thì cùng hát với chúng tôi bài "Tết đến rồi"...
 
Chia sẻ với nhau những khoảnh khắc như thế, vào những dịp như thế, chúng tôi thấy vợi đi phần nào nỗi nhớ thương quê hương, nhưng cũng là để nhắc nhau, nhắc con cháu không bao giờ xa rời văn hóa dân tộc mình, không xa rời tình cảm đối với đất nước, non sông mình.  
 
Dịch giả Giáp Văn Chung 
(Budapest, Hungary):
 
Nhớ Tết quê trong tâm tưởng 
và hoài niệm
 
Sắp đến ngày Tết, là con dân Việt xa quê có lẽ ai ai cũng đều hướng về nguồn cội, về quê cha đất tổ thân yêu. Ai cũng muốn, trong những ngày đầu xuân, được trở về thắp cho tổ tiên nén hương thơm thảo để nhớ tới các bậc tiền nhân, để được gặp gỡ ông bà, cha mẹ, xóm giềng, bè bạn, hay nói đơn giản là để “ăn một cái Tết” với gia đình, họ hàng, xóm mạc. Người có điều kiện về “ăn Tết” ở Việt Nam thì háo hức mong ngóng từng ngày, có khi ngó đi ngó lại xem hộ chiếu có còn hạn không vào dịp Tết, rồi lo đặt mua sẵn vé máy bay, lo sắm quà cáp, áo quần cho người thân ở quê nhà. Những người ở lại “ăn Tết” ở xứ người thì thong thả hơn. 
 
Dân Việt, dẫu ở xứ người, nhà nào cũng thường có một ban thờ. Nhà có người lớn tuổi thì thường hương khói gia chủ vẫn thắp, vẫn khấn vái đủ từ Tết ông Công, ông Táo qua ba ngày Tết, cũng cúng tối ba mươi, cúng giao thừa đến khi hóa vàng ngày ba ngày bảy. Mâm cỗ Tết, thường chỉ sắp một lần chiều ba mươi hay mồng một, cũng đầy đủ và đẹp mắt chẳng kém ở quê hương. Có khi gia chủ còn mời bè bạn đến dự cùng chung vui Tết. Có điều mâm cao cỗ đầy đấy, nhưng có khi cũng chỉ người lớn nâng ly chúc tụng, thưởng thức với nhau. Lũ trẻ, nhất là những đứa sinh ra ở xứ người, chưa chứng kiến không khí Tết trong nước, có khi chỉ ngồi qua loa một lúc cho vừa lòng cha mẹ. 
 
Tết Tân Sửu 2021 năm nay, cộng đồng người Việt ở hải ngoại nói chung và ở châu Âu nói riêng đứng trước một hoàn cảnh mới, một thử thách mới chưa từng có. Đại dịch Covid-19 đang bùng phát trên diện rộng, với quy mô lớn, ở hầu hết các nước châu Âu, chưa thấy hồi kết. Chính phủ nhiều nước đã ban bố các quy định nghiêm ngặt về phòng dịch, nhiều quốc gia đã phát lệnh giới nghiêm, việc đi lại giữa các nước gần như đình trệ, nền kinh tế toàn cầu chao đảo. Việc làm ăn, kinh doanh, buôn bán của bà con người Việt cũng đứng trước những khó khăn, thử thách cực kỳ lớn. Đã có nhiều bà con ta dương tính với virus chủng mới, nhiều người đang vật lộn với dịch bệnh quái ác này, và cũng đã có nhiều người vĩnh viễn nằm lại ở xứ người. Các chuyến bay đường dài hầu như đã bị hủy bỏ, chưa biết khi nào mới mở trở lại. Hầu hết bà con không thể về vui Tết trên quê nhà, dù đau đáu nỗi quê hương, dù những ngày áp Tết lại càng da diết nhớ. Tôi cũng nằm trong cảnh ngộ chung ấy, chỉ biết nhớ về Tết quê trong tâm tưởng và hoài niệm. Xin chúc mọi gia đình Việt xa quê đón một cái Tết Việt giản tiện, ấm áp, an lành. 
 
 
Chị Trần Thủy 
(Giessen, Germany) 
 
Mong tìm lại những hồi ức 
ấm áp tuyệt vời
 
Chiều mồng hai Tết năm ấy, khi gió nồm đã làm lá bàng ửng đỏ ngoài hiên, mùi Tết vẫn còn ngầy ngậy ấm nồng, hoa đào rưng rưng vươn mình đón sợi nắng xuân đang về trong se lạnh, tôi xách vali xa gia đình theo chồng đi đoàn tụ.
 
Chiếc máy bay từ từ cất cánh rồi vút lên không trung, cả một vùng quê cứ nhỏ dần, mất hút... chợt rưng rưng tiếc nuối, quê hương ơi xa lắm thật rồi...
 
Thời gian với bước chân vội vã đã cuốn tôi vào bao vất vả mưu sinh nơi xứ người, để khi năm mới sang tôi bỗng giật mình thảng thốt. Mười ba năm, tôi chưa về quê ăn Tết, mùi Tết chỉ còn trong âm thầm hoài niệm của người con vẫn mải miết tha hương.
 
Tôi nhớ như in cái Tết đầu tiên giữa căn phòng quạnh quẽ. Chồng tôi đi làm vắng, chỉ có mình tôi ngồi lắng nghe tiếng tích tắc từ chiếc kim đồng hồ chầm chậm điểm từng phút giao thời. Tuyết phủ trời Âu trong một màu trắng bạc. Không có bánh chưng, không đào, không quất. Mâm cơm cúng đơn sơ tôi sửa soạn thắp hương được bày ra mà tôi nuốt không nổi. Những giọt nước mắt cứ lặng lẽ rơi, như cào cấu tâm can cho thỏa nỗi nhớ nhà, nhớ cô con gái bé bỏng vẫn ở với bà ngoại trong thời khắc gia đình nơi nơi đoàn tụ. 
 
Bật internet lên xem mà nghẹn lòng, thấy xuân đã tràn ngập trên mọi nẻo đường. Đào, mai vươn mình khoe sắc, pháo hoa rực rỡ trên bầu trời, nhà nhà quây quần bên mâm cơm tất niên thịnh soạn. 
 
Cho đến khi tôi chuyển đến thành phố khác, cộng đồng người Việt ở đây tuy không nhiều nhưng liên hệ mật thiết. Giao thừa năm đó tôi thấy rất vui vì có Tết.
 
Tối 30, công việc xong xuôi, vợ chồng con cái ăn mặc thật đẹp để đi dự hội. Một sân khấu trang hoàng rực rỡ nổi bật dòng chữ "Chúc mừng năm mới", cây đào tượng trưng mang lại một không khí xuân thật ấm áp. Những bài hát về Tết vang lên khiến lòng mình nao nao, chộn rộn. Mỗi người góp một chút nên mâm cỗ đón giao thừa rất phong phú. Các cháu nhỏ nắm tay nhau nhận phần quà và bao lì xì từ ban tổ chức. Tiếng sâm banh nổ vang, tiếng chúc mừng năm mới kéo mọi người gần gũi hơn. Ai cũng rạng rỡ hân hoan như đang được đón Tết trên quê mẹ, được đắm mình trong không khí giao thừa. 
 
Tết lại sắp đến, nhưng cái Tết năm nay buồn nhiều hơn vui. Châu Âu đang mất kiểm soát vì dịch bệnh, lòng người vô cùng hoang mang lo lắng. Chỉ mong sao có một làn gió lành, cuốn đi hết ưu phiền cho nhân loại, trả lại cho đời cuộc sống bình yên. Và nhất định tôi sẽ trở về ăn Tết ở quê hương, để tìm lại những hồi ức ấm áp tuyệt vời, mà tôi đã vô tình bỏ quên trong bộn bề xa xứ.
 
Người Hà Nội
http://nguoihanoi.com.vn/o-noi-xa-long-cang-da-diet-nho_264142.html
 

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)