1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Văn hóa

Nón Làng Chuông - Nét đẹp làng nghề Việt

04/08/2020
Sở hữu vẻ đẹp thanh tao, với hình ảnh chiếc nón lá chao nghiêng trong gió, làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội) bao đời nay nổi tiếng với nghề làm nón lá truyền thống. Nón làng Chuông thanh thoát, nhẹ nhành, tôn thêm vẻ yêu kiều của người phụ nữ. Chính vì vậy, mà nón làng Chuông xuất hiện trên suốt chiều dài của dải đất hình chữ S, thân yêu.

Ở Việt Nam, hình ảnh chiếc nón đã hiện diện từ lâu trong đời sống hàng ngày của người dân và trở thành một phần cuộc sống của người Việt. Làng nghề khâu nón lá truyền thống tại xã Phương Trung có từ rất lâu đời, nổi tiếng với những chiếc nón đẹp, thanh mảnh. Cũng từ nơi đây, những chiếc nón lá dùng che nắng, che mưa, đồng hành cùng các mẹ, các chị trên khắp mọi nẻo đường của tổ quốc, từ khi nào không hay.

Người làng Chuông vốn là những con người người lao động cần cù, chăm chỉ, thân thiện và rất mến khách. Với bàn tay khéo léo và tình yêu nghề, họ đã gửi gắm tình cảm của mình vào những chiếc nón lá xinh xắn, bền chắc không chỉ phục vụ cho đời sống sinh hoạt hàng ngày của người Việt mà còn tô điểm thêm cho nét đẹp đặc trưng của người làng Chuông.

Nón thành phẩm trước khi đưa ra thị trường, tại làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội

Nghệ nhân Lê Thị Thiệu (sinh năm 1967),người làng Chuông, xã Phương Trung chia sẻ: “Với nghề làm nón thì những người cao tuổi trong làng vẫn cố gắng truyền nghề cho lớp trẻ để duy trì nghề, tuy vất vả nhưng vẫn cố gắng giữ nghề, mặc dù nghề này chỉ mang lại kinh tế cho gia đình một cách eo hẹp. Chắc ít ai biết được rằng để làm nên chiếc nón, những người thợ đã phải bỏ ra khá nhiều công sức và thời gian. Người thợ bình thường phải mất nửa ngày, thậm chí cả ngày cho các công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi sự khéo léo cùng bí quyết riêng.”

Lá lụi là nguyên liệu chính làm nên nón Chuông. Lá lụi được đem về vò trong cát rồi phơi nắng cho đến khi màu xanh của lá chuyển sang màu trắng bạc. Sau đó người thợ dùng mảnh vải bọc vào lưỡi cày hơ trên than củi sao cho nhiệt độ vừa phải để là lá cho phẳng mịn, công đoạn này đòi hỏi người thợ phải cẩn thận, giữ cho nhiệt độ vừa phải để chiếc lá không bị giòn, rách. Nón làng Chuông có 16 lớp vòng (hay còn gọi là vành, được làm từ thân cây nứa vót nhỏ), giúp nón có độ bền chắc nhưng vẫn mềm mại. Vòng nón sau khi được hoàn thành sẽ được xếp vào khuôn, sau đó thợ làm nón xếp từng lá vào vòng nón, ở giữa là một lớp mo tre và một lớp lá nữa được phủ bên ngoài, một cách cẩn trọng.

Những người thợ khâu nón lá làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội

Tiếp đó là công đoạn khâu. Đây là một công đoạn rất khó, đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ. Bởi nếu không cẩn thận sẽ làm hỏng lá và công việc phải quay lại từ đầu. Người  khâu nón được ví như một người thợ thêu. Với đôi bàn tay thoăn thoắt, khéo léo, kết hợp nhịp nhàng theo từng mũi kim của người thợ, các múi nối sợi móc được dấu kín, khiến khi nhìn vào chiếc nón chỉ thấy mũi khâu tăm tắp, chặt chẽ, khi soi lên mặt trời không thấy kẽ hở. Su khi chiếc nón được khâu xong, người thợ hơ bằng hơi diêm sinh để cho màu nón trở nên trắng hơn và giúp nón không mốc.

Nét đẹp độc đáo mà làng Chuông vẫn còn lưu giữ được đến ngày nay là phiên chợ chính, được họp mỗi tháng 6 phiên, vào các ngày mùng 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch và chỉ bày bán một thứ hàng duy nhất là nón.  Nón lá làm càng cầu kỳ thì càng được giá. Trung  bình một chiếc nón được bán với giá khoảng 40.000 đến 70.000 đồng. Ngoài ra, loại tốt nhất, đẹp nhất sẽ có giá hơn 100.000 đồng.

Vốn là một vùng thuần nông, nghề làm nón lá truyền thống của làng Chuông được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đặc biệt là phụ nữ – họ vừa có thể lo việc đồng áng vừa quán xuyến tốt việc nhà và có nguồn thu nhập hàng ngày từ nghề làm nón này. Cái đặc biệt của nghề làm nón lá là có thể tranh thủ làm việc mọi thời gian rảnh rỗi trong ngày. Ngày nay, các bậc cao niên trong làng vẫn luôn chú tâm truyền dạy nghề cho con cháu. Mỗi chiếc nón đong đầy tình cảm, lòng đam mê của nhiều thế hệ đã dày công gìn giữ nghề của cha ông.

Nghệ nhân Lê Thị Thiệu, làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội

Chiếc nón lá từ bao đời nay đã gần gũi, quen thuộc đối với người phụ nữ Việt Nam, từ người nông dân đến các thiếu nữ nơi đô thị. Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, những chiếc nón vẫn theo các bà, các mẹ, các chị hằng ngày không chỉ che mưa, che nắng mà còn tạo nên vẻ duyên dáng đặc sắc, trở thành nét văn hóa của dân tộc Việt, làm ngỡ ngàng bao du khách nước ngoài.

Những nét đẹp truyền thống mang đậm bản sắc Việt, đang dần phai nhạt bởi tốc độ công nghiệp hóa, kéo theo công nghệ hiện đại, len lỏi vào đời sống. Nét dịu dàng, yêu kiều và đằm thắm của chiếc áo dài thắt đáy lưng ong, kết hợp với chiếc nón lá, đang xuất hiện thưa dần. Đó là nỗi lòng của các nghệ nhân ở mỗi làng nghề, lo lắng cho sự mai một đó. Để duy trì nét văn hóa riêng có của mỗi làng nghề, sự hy sinh để bảo tồn giá trị văn hóa của các nghệ nhân thật đáng trân trọng biết bao. Để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống độc đáo, riêng có của các vùng miền, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước và các cấp chính quyền, cũng như sự chung tay của người dân địa phương để gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của Việt Nam.

Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu

https://doanhnghiepthuonghieu.vn/non-lang-chuong-net-dep-lang-nghe-viet.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)