1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Văn hóa

Mùa xuân và những nhà văn tuổi Sửu

02/02/2021
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà thơ Lê Thị Mây và nhà thơ, dịch giả Lê Minh Châu đều là những văn nghệ sĩ tuổi Sửu đã ghi dấu ấn trong lòng công chúng với nhiều tác phẩm giá trị. Xuân mới, xin chia sẻ với bạn đọc đôi điều về những văn nghệ sĩ tài hoa này.
 
Người viết ký bằng thơ
 
“Rằng sông buồn tự thuở xưa 
Vầng trăng mộng mị bây giờ là anh…” 
(Gửi cho người) 
 
Thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường là như thế. Nhưng, hồn thơ của ông dồn tất cả cho thể ký. “Bóng” hai câu thơ trên đây hiện diện và lẩn khuất, chảy tràn trong mỗi trang bút ký của một tác gia từng trải, đem đến những bức phác họa sống động của thực tại hòa quyện với tiềm thức dày dặn suy tư từ một trái tim luôn thổn thức. Ông viết: “Hình như khi xây dựng nên đô thị của mình, người Huế không bộc lộ cái ham muốn chế ngự thiên nhiên theo cách người Hy Lạp và La Mã, mà chỉ tìm cách tổ chức thiên nhiên trở thành một kẻ có văn hóa để có thể tham dự một cách hài hòa vào cuộc sống của con người, cả bên ngoài và bên trong” (Hoa trái quanh tôi). 
 
Theo tôi, đây là một nhận định hoàn toàn đúng. Ông khái quát sâu sắc tâm thế văn hóa không chỉ của người Huế mà chung của người Việt Nam. Nhận định này là “cốt lõi” của phong cách bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường. Chính vì vậy, tác giả bút ký Đời rừng tin tưởng: “- Có lẽ thiên nhiên Việt Nam cũng có sức sống dẻo dai giống như con người Việt Nam”.
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh ngày 9/9/1937 (Đinh Sửu). Quê ông ở Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị. Nhưng cuộc đời ông gắn bó với Huế sâu nặng: “Cùng với mọi nhu cầu của con người hiện đại, có lẽ người Huế vẫn giữ riêng trong tâm hồn mình bản chất của một nhà thơ đồng nội” (Hoa trái quanh tôi). Tâm hồn ông thuộc về nhịp điệu của sự thăng trầm, không phân biệt không gian và thời gian.
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường dành cho sông Hương tình cảm chan chứa hồn thơ và kiến văn lịch lãm. Trong bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông, ông tâm sự: “… chính sông Hương và thành phố của nó vẫn gợi cho tôi, như một vang bóng trong thời gian, hình tượng của cặp tình nhân lý tưởng của Truyện Kiều: tìm kiếm và đuổi bắt, hào hoa và đam mê, thi ca và âm nhạc, và cả hai cùng gắn bó với nhau trong một tình yêu muôn thuở”. Ông triển khai cái tình “gắn bó” ấy trong những bút ký đầy gợi cảm, khiến người đọc khó lòng bứt khỏi dòng suy tư hướng về cái đẹp và cái thiện.  
 
Bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường là loại thơ - văn xuôi có tính cá thể, đứng vững trên vùng đất rất riêng tư, mà bất cứ một giọng điệu nào cùng thể loại đều không thể trộn lẫn. Bởi: “Dù năm dù tháng em ơi/ Tim anh chỉ đập một đời/ Nhưng trái tim mang vĩnh cửu/ Trong từng giọt máu đỏ tươi” (Dù năm dù tháng).
 
Và, cũng bởi Hoàng Phủ Ngọc Tường “đã chọn bút ký là thể loại văn xuôi tiêu biểu… (là) duy nhất và không thể thay thế được”.
 
Mùa xuân và những nhà văn tuổi Sửu
 
Nỗi buồn cất vào thơ
 
Lê Thị Mây tên khai sinh là Phạm Thị Tuyết Bông, sinh ngày 4/2/1949 (Kỷ Sửu), tại Bảo Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình. Quê bà ở Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị. Lê Thị Mây đã xuất bản 19 tập thơ, 4 trường ca và 12 tập văn xuôi. Thời kháng chiến chống Mỹ, Lê Thị Mây từng tham gia lực lượng TNXP.
 
Chiến tranh đã để lại thương tổn và mất mát cho người thiếu nữ trước khi tròn hai mươi tuổi. Và, chính nỗi buồn do chiến tranh đem lại, Lê Thị Mây đã biến nước mắt của mình thành những áng thơ giàu tâm sự, lên án chiến tranh cũng như tỏ bày khí phách vượt khổ đau của một người phụ nữ gánh trên vai tố chất thi sĩ. 
 
Lê Thị Mây viết: “Cây liễu dịu dàng em xin/ Mi đen rợp buồn anh cảm động/ Cỏ dịu dàng em xin/ Tóc ấm mềm khi xa anh còn ấm/ Suối dịu dàng em xin/ Cánh tay ru anh ngã vào khi nhớ” (Dịu dàng). Những khổ thơ hai câu thật da diết mỗi khi tiếng “xin” cất lên, xoáy vào, cứa vào lòng người đọc. Mỗi tiếng “xin” ấy thức tỉnh lòng nhân ái của bất kỳ ai đã từng giáp mặt với bom đạn, đã từng bị chiến tranh cướp đi tình yêu đôi lứa…, để rồi không bao giờ còn nữa giấc mơ hoàn thiện cuộc đời… Chính người phụ nữ gánh nỗi đau ấy cho thấy: “Mỗi ban mai nảy lá/ Nở sinh hai con người/ Và trái đất lại trẻ/ Trong tình yêu muôn đời” (Tình yêu). Niềm tin ấy không đơn giản, bởi đó là tiếng lòng của người trong cuộc, của người biết cuộc đời có số phận: “Chạy song song với số phận mỗi người/ Có giới hạn chỉ trái tim nhận rõ/ Nên đất đai vô giá dưới mặt trời” (Giới hạn). Nữ thi sĩ đã chỉ ra giá trị của số phận cũng như giá trị của đất đai khi cả hai được ánh mặt trời soi rọi, ấy là lúc giới hạn không còn lằn ranh.     
 
Trong hành trang sáng tạo của nữ thi sĩ, bài thơ Những mùa trăng mong chờ được đánh giá là một trong những thi phẩm hay nhất trong thời chống Mỹ. Lê Thị Mây kín đáo giấu nỗi đau riêng tư, đẩy ý thơ ra trường ánh sáng tươi mát, dịu ngọt: “Mai lại tiễn xa nhau/ Vầng trăng cong chẽn lúa/ Ðêm đêm chín ngàn sao/ Rỏ vào tim giọt lửa”.  
 
Lê Thị Mây dành trọn đời mình cho thơ. Bà xứng đáng ghi tên mình vào danh sách những cây bút nữ xuất sắc nhất của làng thơ Việt thế kỷ XX. Tôi trân trọng những câu thơ trong bài Tình yêu của Lê Thị Mây: “Từ bao giờ anh đến/ Cát mềm không dấu chân/ Chỉ khí trời và lửa/ Và mây trôi tần ngần/…/ Sao rắc đầy lên mặt/ Cây vặn dáng lưng thon/ Chỉ khí trời và lửa/ Và vòng tay ôm tròn”. Một tình yêu trong khát khao mộng mị mà lấp lánh trữ tình hiện thân…
 
Mùa xuân và những nhà văn tuổi Sửu
 
 
“Hòn sỏi nhỏ nhoi”      
 
Tự bạch về nghề, nhà thơ Tạ Minh Châu viết: “Thơ tôi - hòn sỏi nhỏ nhoi, găm dưới những bàn chân trần trụi quê đồi”. Tạ Minh Châu sinh ngày 13/12/1949 (Kỷ Sửu), là người con của quê hương Thuỵ Vân, Việt Trì, Phú Thọ. Những câu thơ sau đây cho thấy “hòn sỏi” Tạ Minh Châu là thế nào: “Em về dóm bếp thổi cơm/ Vén cho mép lửa vừa ôm đáy nồi/ Vần cơm biết mấy vòng đời/ Má em hết chút nhọ rồi đó em” (Bếp lửa). Các chữ “dóm”, “vén”, “vần” và “nhọ” đều không mấy lạ nhưng lại rất đằm, rất đắc. Và, thật “bay”, thật chắc ở câu “Vén cho mép lửa vừa ôm đáy nồi”. Một quan sát tinh tế. Một biểu cảm rất thơ.
 
Tốt nghiệp đại học, sau đó bảo vệ luận án tiến sĩ cũng ở Warsawa, Tạ Minh Châu có 50 năm gắn bó với đất nước Ba Lan. Từ năm 1986, Tạ Minh Châu đã lần lượt dịch và cho xuất bản nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng của các nhà văn Ba Lan. Đặc biệt, người yêu thơ Việt Nam được đọc thơ của nữ thi sĩ W. Szymborska ngay sau khi bà đoạt Giải thưởng Nobel 1996, qua bản dịch của Tạ Minh Châu. Ông đã được Bộ Văn hóa Ba Lan tặng huy chương Vì sự nghiệp văn hóa do có công truyền bá văn học Ba Lan. Ông cũng là người có công gây dựng, góp phần đặt nền móng thành lập Hội Người Việt Nam đoàn kết và hữu nghị tại Ba Lan. 
 
Tạ Minh Châu từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Ba Lan và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Xa Tổ quốc quê hương, thơ Tạ Minh Châu nặng tình, nặng nghĩa. Ông nói với chính mình: “Một dòng sông chảy đến cạn mình/ Cây bàng trụi trơ cho sân trường sẫm đỏ/ Một khoảng trống hòa tan nghìn ngọn gió/ Chiếc sáo diều lặng chao bóng đêm” (Viết cho ngày sinh của mình). 
 
Và, trong bài Đi ngược hoàng hôn, tôi ấn tượng với những câu thơ: “Cánh cò sang ngang/ Dòng sông vàng sóng lúa/ Chiều/ Bồng bênh/ Tiếng gọi gà dải lụa/ Vấn hờ bờ tre xanh”, bởi đó là những hình ảnh rất đỗi nên thơ của miền đồi lượn sóng trung du. Thật đẹp khi tác giả “biến” tiếng gà thành “dải lụa”, để “vấn hờ” (chứ không phải quấn, không phải quàng) lên bờ tre, như bà, như mẹ vấn tóc trước khi chít khăn hình mỏ quạ. 
 
“Thơ - hòn sỏi nhỏ nhoi” Tạ Minh Châu không nằm dưới bàn chân trần trụi mà ẩn trong vỉa trầm tích, chứa đựng sự giàu có của tiềm năng…  
 
Người Hà Nội
http://nguoihanoi.com.vn/mua-xuan-va-nhung-nha-van-tuoi-suu_264141.html
 

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)