1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Văn hóa

Làng nghề Bật bông Đông Quang – Dấu ấn một thời

19/06/2021
Những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, xã Đông Quang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình từng là “công xưởng” sản xuất Chăn gia công lớn nhất tỉnh, cung cấp các sản phẩm chăn, mền, theo đặt hàng của Nhà nước. Do đó, hầu hết các gia đình tại địa phương đều gắn bó với công việc “giữ ấm mùa đông” và trở thành nghề chính của người dân trong thời kỳ bao cấp kinh tế.

Nghề bật bông thực chất là nghề làm chăn, đệm; bật bông là cách gọi nôm na của người dân, dựa trên công đoạn đánh tơi bông chuẩn bị làm chăn, đây là công đoạn đầu tiên trong quá trình sản xuất chăn, đệm, nhưng quan trọng nhất đối với một chiếc chăn thành phẩm. Trao đổi với Ông Đỗ Xuân Đài, một trong những người thợ đã tham gia sản xuất chăn, đệm, ông nhớ lại: “Thời kỳ đó, người người, nhà nhà trong xã đều gắn bó với nghề làm chăn bông; hàng ngày, những chiếc xe chở bông tấp nập đổ về xã, mọi người tập trung thành từng nhóm, để thực hiện các công đoạn làm chăn. Phổ biến nhất thời kỳ đó là làm chăn 3kg và 2.5kg, hiếm lắm mới có chăn loại 5kg. Cứ một tạ bông sẽ làm được khoảng 300 đến 400 chiếc chăn”. “Tuy làm ra chăn thật đấy, nhưng dân trong xã còn nghèo nên cũng chẳng có chăn mới mà đắp; chăn sau khi làm xong lại được chuyển đi ngay”, ông Đài chia sẻ.

Ông Đỗ Xuân Đài, thợ bật bông tại xã Đông Quang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình

Để làm ra một chiếc chăn bông thành phẩm, phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ đánh tơi bông, bật bông, cho tới chần chăn… ban đầu vỏ chăn chỉ đơn giản là những mét vải thô sẫm màu, sau được cải tiến với họa tiết con Công, hay hoa văn rực rỡ, được nhiều người ưa chuộng. Cứ như thế, nghề bật bông theo người Đông Quang suốt những năm tháng làm ăn kinh tế tập thể, cho đến khi chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần, nghề bật bông mới dần mai một. Đầu những năm 90 của thế kỷ 20, Nhà nước dừng đặt hàng chăn, đệm, người Đông Quang lại đem nghề đi khắp nơi để kiếm sống.

Hàng ngày, dân địa phương thường chia nhau thành hai người một tốp; sáng sớm, các tốp thợ lai nhau bằng xe đạp, đèo theo cần bật bông, tỏa đi các địa phương để kiếm việc; có những tốp đi kiếm việc trong huyện, cũng có những tốp đi khắp các huyện trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Thời điểm đó, nhu cầu sử dụng chăn bông của người dân còn cao, nên thợ bật bông có đủ thu nhập để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, do sợi bông đắt và khá hiếm, nên đa phần người dân thuê thợ gia cố lại những chiếc chăn đã cũ, chăn hỏng, hay bổ sung thêm bông cho những chiếc chăn quá mỏng. Chăn làm mới, thường chỉ những nhà có “của ăn của để”, hay những nhà tự trồng được bông mới có cơ hội sử dụng.

Chiếc chăn bông từng được coi là một vật dụng quý giá trong gia đình, không chỉ để giữ ấm cơ thể trong những đêm đông giá lạnh, mà còn là sự sung túc, đủ đầy của người sở hữu nó. Vì vậy, chăn bông đã trở thành món quà cưới dành cho các đôi uyên ương, là tấm lòng hiếu thảo của con cháu gửi biếu ông bà, cha mẹ. Do đó, người thợ bật bông những năm đầu của thập niên 90 rất được trân trọng. Thường thì mỗi chiếc chăn bật, người thợ phải mất một ngày mới làm xong, khẩn trương thì ngày được hai chiếc, do đó bữa trưa thợ bật bông thường được chủ nhà mời cơm, thiết đãi như khách quý trong nhà.

Trẻ nhỏ rất thích thú theo dõi những công đoạn làm chăn, bên cạnh ánh mắt hiếu kỳ, là cả sự ngưỡng mộ dành cho những con người “dệt nên hơi ấm”. Tuy nhiên, bước sang những năm 2000, các loại chăn mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam, chăn bông mất đi vị trí độc tôn của nó, nhường chỗ cho các loại chăn len, chăn dạ, chăn nỉ. Cũng từ đây, nghề bật bông ở xã Đông Quang đã dần mai một theo tháng ngày. Đến nay, nghề bật bông đã hoàn toàn vắng bóng trong đời sống của người dân nơi đây. Dấu ấn hiện nay, là dụng cụ bật bông mà một số ít các bác thợ trong xã còn giữ lại, làm hồi ức về quãng đời bôn ba, nay đây mai đó kiếm sống của mình.

Giờ đây, chăn bông ít được sử dụng, nghề bật bông không còn là câu chuyện của xã hội hiện đại, nhưng trong ký ức về những “mùa đông bao cấp” của người từng gắn bó, từng bươn trải với nghề, chăn bông vẫn là một kỷ vật đáng nhớ, bởi nó đã từng mang lại cuộc sống cho con người Đông Quang trong suốt thời kỳ khó khăn của đất nước.

Theo Đỗ Hiếu/Doanh nghiệp & Thương hiệu

http://doanhnghiepthuonghieu.vn/lang-nghe-bat-bong-dong-quang-dau-an-mot-thoi-p31875.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)