1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Văn hóa

Kỷ niệm 35 năm thành lập báo Người Hà Nội

01/05/2020
Lời tòa soạn: Năm 2020, báo Người Hà Nội bước sang tuổi 35. Trong suốt chặng đường hơn 1/3 thế kỷ, Người Hà Nội đã từng bước chuyển mình, dần khẳng định được chỗ đứng trong làng báo Thủ đô cũng như trong lòng độc giả. Góp vào bước trưởng thành của tờ báo hôm nay, không chỉ có các thế hệ cán bộ phóng viên của báo mà còn cả những cộng tác viên trên khắp cả nước. Trong mốc son đặc biệt kỷ niệm 35 năm ngày thành lập, xin được giới thiệu với độc giả những chia sẻ của những nhà văn, nhà báo - những cộng tác viên thân thuộc đã đồng hành, gắn bó với Người Hà Nội trong suốt những năm qua.


Nhà văn LÊ PHƯƠNG LIÊN
 

Năm 1974 được nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn và nhà thơ Chu Hà kết nối dẫn dắt, tôi đã trở thành hội viên Hội Văn nghệ Hà Nội (tiền thân của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội hiện nay). Ngày ấy trụ sở Hội Văn nghệ Hà Nội là một văn phòng trong tòa nhà Sở Văn hóa Hà Nội - 47 Hàng Dầu. Khi đó tôi đã là tác giả của hai cuốn sách thiếu nhi của NXB Kim Đồng (Những tia nắng đầu tiên - 1971 và Khi mùa xuân đến 1974) và đang là giáo viên toán lý của Trường cấp II Yên Sở, Thanh Trì, Hà Nội. Được nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn đặt bài viết cho tập Sáng tác Hà Nội số kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô, tôi mừng lắm bởi ấn tượng về ngày 10/10/1954 trong ký ức của tôi rất sâu đậm, dù năm 1954 tôi mới là một đứa trẻ 3 tuổi. Thuở đó tập Sáng tác Hà Nội làm việc cùng trong văn phòng của Hội.

Tôi mang bài viết tay vui mừng đến gặp gỡ nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn và các cán bộ của Hội, ngày ấy nhà báo dịch giả Trần Minh Tâm, nhà nhiếp ảnh Đỗ Huân… người nào cũng lịch lãm trò chuyện thân ái cùng tôi. Bài báo đầu tiên viết riêng cho tập Sáng tác Hà Nội (tiền thân của tờ báo Người Hà Nội) mãi là một kỷ niệm trong sáng trong ký ức của tôi. Dẫu là một giáo viên bận rộn chuyên môn, tôi cũng tranh thủ thời gian viết cho Sáng tác Hà Nội. Truyện ngắn Kỷ niệm về một người đã đi xa của tôi đã đăng trong tập Sáng tác Hà Nội  vào năm 1976 và cũng đã được Hội Văn nghệ Hà Nội tặng thưởng.

Thời gian trôi qua, năm 1980 tôi về công tác tại NXB Kim Đồng. Từ đó tôi bề bộn công việc biên tập của cơ quan và công việc gia đình, nuôi dạy các con trong thời bao cấp gian khổ nên ít có thời gian dành cho việc sáng tác. Năm 1987, tờ báo Người Hà Nội tổ chức cuộc thi Kỷ niệm 15 năm Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, là người đã sống trải qua 12 ngày đêm máy bay B52 của không lực Hoa Kỳ ném bom đánh phá Thủ đô Hà Nội, tôi mạnh dạn viết bài tham gia. Thật vui truyện ngắn Đêm tan của tôi đã được báo Người Hà Nội in và được giải thưởng của cuộc thi ngày ấy.

 

 

Trong những năm tháng tôi đã “xa Hà Nội” trở thành cán bộ của một cơ quan Trung ương, đi khắp hai miền Nam Bắc, miền biển, miền núi và ra cả thế giới, nhưng  tình cảm gắn bó da diết với Hà Nội vẫn canh cánh trong lòng. Nếu có dịp nào thư thả tôi lại về với Người Hà Nội. Năm 1991, truyện ngắn Rừng thu của tôi đã in trên báo Người Hà Nội. Đây là một truyện ngắn viết về một kỷ niệm thơ mộng của tôi ở trong rừng nước Đức. Về sau truyện ngắn đã được tuyển chọn vào các tuyển tập, được in đi in lại nhiều lần trong các tập truyện ngắn của NXB Kim Đồng, NXB Thanh niên, NXB Văn học, nhưng tôi không bao giờ quên truyện ngắn này được in đầu tiên ở báo Người Hà Nội.

 

Năm 2016, một ngày cuối năm, thật bất ngờ bạn Đặng Thủy biên tập viên của báo Người Hà Nội đã tìm đến nhà tôi để phỏng vấn viết bài. Khi đó tôi đã nghỉ hưu, thôi tất cả mọi chức vụ và công việc ở NXB Kim Đồng tâm hồn tôi thảnh thơi, thế là những cảm hứng sáng tác bị cất giữ nhiều năm lại bừng lên. Tôi đồng ý với bạn Đặng Thủy sẽ viết thường xuyên cho báo Người Hà Nội. Vốn là người viết thành công truyện vừa cho thiếu nhi, tôi chuyển sang viết truyện ngắn, tản văn, bài báo có các chủ đề như: sách thiếu nhi, văn hóa đọc, đời sống người Hà Nội… Viết báo, viết ngắn đòi hỏi một sự nỗ lực tìm tòi lao động nghệ thuật khác hẳn truyện dài. Khi gửi bài rồi được in tôi rất vui mừng cho dù nhuận bút không cao. Niềm vui được chia sẻ tình cảm suy nghĩ với công chúng là niềm vui lớn nhất.

Thế là cuộc gặp gỡ tìm lại người bạn cũ báo Người Hà Nội với tôi là cuộc trở về tri kỷ tri âm. Viết văn với tôi bây giờ không còn vì ham muốn lợi danh. Viết bây giờ như một cuộc đi tìm lại bản thể của mình trước mọi xoay vần của thế sự. Đó là một cuộc đi tìm đến tận nơi bản chất Người Hà Nội của chính mình. Cảm ơn báo Người Hà Nội - một cõi đi về. Xin mượn tiêu đề bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để bầy tỏ niềm tri ân với tờ báo của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội.

 


Nhà văn BÙI VIỆT THẮNG
 

Tháng 12/1973, tôi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, gần một năm sau thì nhận quyết định ở lại trường làm giảng viên. Sinh cơ lập nghiệp ở Thủ đô từ bấy đến nay tính ra đã tràn nửa thế kỷ. Tôi vẫn thường phân bua với mọi người rằng, do cơ duyên mà mình thành cư dân Hà Nội (“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”). Tôi cũng đã có thời gian dài sống xa đất nước nên thấu hiểu nỗi nhớ quê hương. Nói đúng ra là nhớ Hà Nội hơn là quê mình (xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh). Câu thơ của Nguyễn Đình Thi luôn đọng lại trong ký ức của tôi, dù ở đâu, khi nào “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” (Đất nước).

 

Làm giảng viên ở Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, chính thức từ 1975 đến nay, cũng đã được 45 năm. Thôi thì việc dạy học khỏi phải nói tới vì đó là “nghề”. Nhưng lại phải nói tới cái “nghiệp” văn của bản thân chút ít. Như ai đó nói, danh phải chính ngôn mới thuận, nên tôi đã vào Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội - những sân chơi văn hóa lành mạnh, rất bổ ích với người làm nghề văn. Từ ngày nhận sổ hưu (11/2011), có thời gian tự do nên tôi bắt đầu cộng tác với một số báo chuyên văn học nghệ thuật (VHNT), hay có trang VHNT, trong đó có báo Người Hà Nội. Phải nói lại điều này, như là một tâm cảm: đôi khi mình cộng tác với báo nào đó, ban đầu là do tình cảm với một ai đó. Ví như đã lâu tôi cộng tác với báo Nhân Dân cuối tuần là do nhà thơ Lê Quang Trang làm cầu nối. Nhà thơ với tôi là đồng môn, đồng nghiệp (sau này ông làm Tổng biên tập báo Đại đoàn kết). Với báo Người Hà Nội thì nhà thơ Bùi Việt Mỹ là người “níu kéo” tôi. Độ đó (khi ông làm Tổng Biên tập), một bận ông gọi điện cho tôi và chia sẻ: “Trang VHNT của báo Người Hà Nội cần có sự tham gia của các nhà lý luận phê bình văn học có uy tín hiện nay như: Vũ Nho, Lê Thành Nghị, Bùi Việt Thắng, Trần Đăng Suyền, Nguyễn Hữu Sơn, Lưu Khánh Thơ,... Mong nhà văn cộng tác với chúng tôi!”. Một lời mời chân tình như thế không thể không đền đáp. Tiếp sau là các cộng sự của ông Tổng Biên tập, như các nhà báo Hồng Thinh, Đặng Thủy, là nhân tố quan trọng kiến thiết mạng lưới cộng tác viên (điều kiện sống còn của báo chí). Như vậy tôi mới viết cho báo Người Hà Nội chưa lâu.

Nhưng mật độ xuất hiện thì không thể nói là ít. Trên báo Người Hà Nội, mấy năm qua tôi đã viết về các nhà văn gốc Hà Nội, đã đành, lại cũng quan tâm viết về các nhà văn viết hay về Hà Nội. Có thể kể đến những trưởng lão làng văn như: Vũ Bằng, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, đến những nhà văn hiện đại/ đương đại gắn bó với Hà Nội như: Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Xuân Khánh, Lê Văn Ba, Ma Văn Kháng, Hữu Thỉnh, Lê Minh Khuê, Nguyễn Huy Thiệp, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trung Sỹ,... Tôi cũng mở rộng địa bàn, viết về cả những nhà văn mọi miền đất nước như: Trần Thị Ngọc Mai (Hà Tĩnh), Nguyễn Thế Quang (Nghệ An), Vũ Thanh Lịch (Ninh Bình),... Tôi cũng viết giới thiệu những tên tuổi mới như “Hiện tượng Phạm Quang Long”, “Tiếng thơ Ngọc Lê Ninh”, Nguyễn Trọng Luân, Trương Đức Giáp,  “Đón đợi văn trẻ”, về văn học Thủ đô 10 năm (2008-2018) sau khi Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính,... Tuy thời gian cộng tác chưa dài với báo Người Hà Nội, nhưng trong thâm tâm tôi và văn giới đều thấy ngòi bút của mình đã thực sự tâm huyết với Thủ đô, với báo Người Hà Nội.

 

Quá trình cộng tác với báo Người Hà Nội, tôi đã quên hẳn đi vấn đề được đãi ngộ về tài chính, vì từ đầu đã xác định tinh thần cống hiến của cư dân Thủ đô cho tờ báo nhà. Nay mai, Người Hà Nội sẽ như thế nào sau quy hoạch báo chí, tôi không rõ nhưng tấm lòng của các nhà văn, trong đó có tôi, với báo Người Hà Nội thì không hề suy suyển. Tình cảm của tôi với báo Người Hà Nội tựa như mối tình đầu thuở thanh xuân.

 

Tết Canh Tý năm 2020, do bận việc riêng nên tôi không viết báo Tết như mọi năm. Nhưng tôi vẫn chắt chiu thời gian viết cho ba tờ báo của Hà Nội trong đó có báo Người Hà Nội. Năm 2019 tôi cũng vinh dự nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội cho tác phẩm Hà Nội từ góc nhìn văn chương (Tiểu luận - Phê bình văn học, NXB Hà Nội, 2019). Nhiều bài trong tác phẩm này đã đăng tải trên báo Người Hà Nội thời gian qua.

 

Nói có một tình yêu Hà Nội là... vì như thế và... hơn thế!

 


Nhà báo NGUYỆT THU


Viết bằng tình yêu

 

20 năm làm báo, có những quãng lặng để ngoái đầu nhìn lại, tôi chợt nhận ra báo Người Hà Nội với mình như thể một mối lương duyên. Có duyên, nên bước trên ngả đường nào của cuộc đời cầm bút, thì cơ hội tương ngộ, tương phùng vẫn cứ đến một cách ngọt lành.

 

Tôi vẫn nhớ như in những ngày sắp tốt nghiệp đại học cách đây hơn 20 năm. Mẹ “vẽ đường” cho tôi: “Hay là mẹ xin cho về làm ở báo Người Hà Nội nhé?”. Gật đầu không cần suy tính thiệt hơn, bởi được làm đúng nghề đã học còn gì bằng, nhất là với một đứa dám bỏ cơ hội vào những trường đại học thuộc hàng “top hit” thời đó để chọn bằng được khoa Báo chí. Nhưng có lẽ duyên chạm môi, mà phận chưa đến, nên ngôi nhà mà tôi đặt chân đầu tiên trên con đường làm báo không phải là Người Hà Nội ở phố Nam Cao. Song cái tên đầy chất văn chương và phong thái người Thăng Long nghìn năm văn hiến thì đã ở trong tim từ dạo đó…

 

Tôi đi bên lề Người Hà Nội trong vai đồng nghiệp làm mảng văn hóa xã hội, trong cả vai bạn đọc trung thành của tờ báo. Tôi yêu nó, không chỉ bởi cái tên Người Hà Nội “chất lừ” ấy, mà còn vì những cái tên đã định vị trong giới văn chương báo chí luôn “ngự” trên những trang viết se sắt lòng. Nào là Tô Hoài, Ma Văn Kháng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi… nào là Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Trần Anh Thái… nào là Nguyễn Trọng Tạo, Sương Nguyệt Minh, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Phấn… Ngay cả trang bìa cũng lưu dấu những “cây cọ” minh họa sáng ngời trong làng nghệ thuật như Lê Huy Quang, Lương Xuân Đoàn, Đỗ Phấn… Những trang báo từ độ còn in trên giấy chưa trắng như bây giờ, trong cảm nhận của riêng tôi, luôn ẩn chứa một tâm hồn và phong thái Hà Nội: Một chút lãng tử, một chút kiêu kỳ, nhưng tinh tế, nhân hậu và bao dung. Đúng như văn hóa người Hà Nội bao thập kỷ qua, luôn tiếp biến, dung hòa và lan tỏa trong bao thế hệ người Hà Nội, cả những người từ miền quê khác về Thủ đô học tập, làm ăn, sinh sống rồi trở thành người Hà Nội hôm nay.

 

Có duyên nên tương ngộ, tương phùng. Duyên đến không phải bằng lời mời hoa mỹ, mà bằng sự không dám chối từ… vì yêu. Sau chặng đường dài đứng bên lề Người Hà Nội, tôi đã đồng hành cùng các đồng nghiệp nơi đó trên từng số báo ra hàng tuần với bút danh Nhật Anh, dù không thuộc đội hình chính thức. Đúng ngày, đúng hẹn, đúng số chữ… cho những chuyên mục ra đời và những bài viết lảng bảng hồn Hà Nội. Càng viết thấy càng yêu, càng viết càng thấy như mình đã là “một người nào đấy” thuộc về Người Hà Nội. Có lần, nhà báo Đào Xuân Hưng - nguyên Tổng biên tập Người Hà Nội nói đùa: “Chị ấy làm vì yêu Hà Nội chứ chưa hẳn là vì yêu Người Hà Nội. Nhưng yêu Hà Nội là đủ và quý cho Người Hà Nội rồi!”. Đúng là thế, không hiểu và yêu Hà Nội, làm sao yêu và đồng hành được với Người Hà Nội chứ!!! 

 

Có thể trong buổi kinh tế thị trường, báo chí tự chủ kinh tế, Người Hà Nội phần nào nhạt tiếng giữa thị trường báo chí trong nước, nhưng tờ báo vẫn đậm màu trên con đường đã chọn, vẫn là một góc sâu xa, ân tình và đầy ưu ái của giới làm văn học nghệ thuật ở Hà Nội.     

 

Như một đời người, đời sống của một tờ báo cũng vậy, không tránh khỏi những thăng trầm, trường đoạn. Nhưng tôi luôn tin rằng trong dòng chảy của báo chí Việt Nam, dù đi qua bão giông, thăng trầm nào đi nữa, Người Hà Nội vẫn luôn mang trong nó dáng dấp yêu kiều và phong nhã của đất và người Thăng Long - Hà Nội.

 

Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/ky-niem-35-nam-thanh-lap-bao-nguoi-ha-noi_259001.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)