1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Văn hóa

Huyên náo Tam Chúc - Bài 2: Tham vọng khổng lồ?

01/08/2019
Thật ra chùa Tam Chúc là 1 trong 6 phân khu thuộc khu du lịch quốc gia Tam Chúc tại tỉnh Hà Nam. Một tham vọng rất lớn đã được đặt ra giữa nhà đầu tư và chính quyền địa phương, đó là phải có 1.000 phòng khách sạn trong khu Tam Chúc cùng các hạng mục khủng khác.

Trong điện vừa thi công vừa để du khách vào tham quan

Phát triển quá nóng

Ngay từ khi chùa Tam Chúc khổng lồ chưa xây xong, sự tò mò của mọi người đã khiến nơi đây náo nhiệt. Các cơ quan thống kê của Hà Nam đánh giá, từ ngày có chùa Tam Chúc, lượng khách đổ về quá đông. Hướng dẫn viên đi với chúng tôi thông tin: “Vào mùa xuân năm 2019, kẹt đường dài hàng chục cây số dẫn vào Tam Chúc, các dịch vụ phục vụ đều không đạt yêu cầu của khách, cảnh chen lấn, xô đẩy đã diễn ra”.

Ông Tạ Đình Quyền, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Nam, cho biết: “Năm 2018, tỉnh đón 1.289.000 lượt khách, tổng thu du lịch đạt 296 tỷ đồng; riêng 6 tháng đầu năm 2019 lượng khách đổ về tăng đột biến 1.620.300 lượt, tổng doanh thu đạt 370 tỷ đồng. Trong số này, lượng khách về Tam Chúc là hơn 1,2 triệu lượt. Chúng tôi phấn đấu đến năm 2030, khu du lịch Tam Chúc trở thành khu du lịch quốc gia như Kế hoạch 2689 của UBND tỉnh ban hành ngày 20-8-2018”.

Thực tế, cái tên Tam Chúc hiện là đề tài nhắc đến rất nhiều đối với không chỉ người dân Hà Nam mà còn đối với du khách vùng đồng bằng Bắc bộ và một số tỉnh phía Nam. Lượng khách tăng nóng đột biến ấy cũng thể hiện qua dự đoán của Kế hoạch 2689 vào năm 2025 là đón khoảng 3,7 triệu lượt khách, thu 1.700 tỷ đồng, năm 2030 đón khoảng 6 triệu lượt khách, thu vào gần 3.000 tỷ đồng, khách quốc tế khoảng 750.000 lượt.

Nhưng chính vì phát triển nóng này mà một hạng mục trong khu du lịch quốc gia Tam Chúc đã vi phạm xây dựng, đó chính là sân golf Kim Bảng. Dự án có 198,24ha, Công ty CP golf Trường An làm chủ đầu tư với 36 hố và các công trình phụ trợ có tổng mức 1.000 tỷ đồng, hiện đã vận hành 18 lỗ. Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Chu Hồng Uy đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP golf Trường An vào ngày 16-4-2019.

Theo quyết định xử phạt, chủ đầu tư đã tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng như: Xây dựng các lỗ golf; đường giao thông đối ngoại; trạm xử lý nước thải; nhà câu lạc bộ; nhà bảo dưỡng và các công trình phụ trợ. Bộ Xây dựng phạt 50 triệu đồng có tính các tình tiết tăng nặng về vi phạm hành chính nhiều lần và yêu cầu tháo dỡ toàn bộ công trình trong 60 ngày, yêu cầu chủ đầu tư làm các thủ tục cấp phép xây dựng. Tuy nhiên hiện sân golf vẫn hoạt động, trao giải.

Phễu hút tiền

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đứng sau dự án Tam Chúc là “đại gia” Xuân Trường ở Ninh Bình, đơn vị này từng xây chùa Bái Đính với kỷ lục lớn nhất Đông Nam Á. Chúng tôi đã tìm đến Bái Đính ở Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình để trải nghiệm các dịch vụ ở đây trước khi tìm đến Tam Chúc. Thực tế, Bái Đính như một sự thăm dò của “đại gia” này với phương cách kinh doanh có yếu tố chùa chiền gắn với các địa chỉ du lịch hoặc danh thắng xung quanh.

Năm 2004, Xuân Trường khởi công xây dựng khu du lịch Tràng An - chùa Bái Đính (Ninh Bình) trên diện tích 700ha với 20 hạng mục. Các tài liệu cho thấy, 20 hạng mục này có cả vốn nhà nước, hiện đã hoàn thành 10 hạng mục. Tại Tam Chúc, qua trải nghiệm dịch vụ, sự khuếch đại kích thước chùa đã tạo nên sức hút rất lớn với khách tham quan, bước đầu đưa lại lợi ích không nhỏ cho doanh nghiệp Xuân Trường. Đơn vị này tuyên bố, bỏ ra 11.000 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước gồm: đường, cống thoát nước, trồng cây…, còn các hạng mục xã hội hóa khác do Xuân Trường thực hiện.

Ao sen trong khuôn viên Tam Chúc

Để hỗ trợ cho Tam Chúc, tại Kế hoạch 2689 cũng dành ưu ái hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng giao thông như nâng cấp quốc lộ 21A đoạn từ Ba Chồm đến cầu Đồng Sơn, nâng cấp tỉnh lộ 74 đoạn qua khu du lịch Tam Chúc tới địa phận Hà Nội, xây dựng tuyến T3 nối Tam Chúc đến quốc lộ 1A, xây dựng mới tuyến Tam Chúc đi chùa Hương.

Đặc biệt sau năm 2030, kế hoạch 2689 nêu rõ: “Nghiên cứu kết nối giao thông với các tuyến đường bộ cao tốc như đường vành đai 5 vùng thủ đô Hà Nội, đường Hồ Chí Minh (giai đoạn sau năm 2030), nghiên cứu đầu tư tuyến Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính điều chỉnh phù hợp với khả năng, thẩm quyền của địa phương tạo nên tuyến du lịch văn hóa tâm linh, kết hợp với các điểm danh thắng trong khu vực”.

Công trường bên trong Tam Chúc

Một chuyên gia kinh tế (giấu tên) đánh giá: “Đây là những hệ thống giao thông đối ngoại nên nhà nước phải bỏ tiền ra đầu tư nhằm tạo dòng khách về Bái Đính, Tam Chúc, chùa Hương. Nếu nhà đầu tư bỏ tiền ra sẽ được tính vào sự đầu tư của họ và nó được gọi tên là con đường tâm linh mà bấy lâu nay báo chí đã lên tiếng. Chi phí cho các cung đường này không phải là nhỏ, khoảng 25.000 - 30.000 tỷ đồng. Khi mọi con đường được hình thành, kế hoạch kinh doanh này sẽ rất hoàn hảo vì người Việt năm nào cũng hành hương, nhất là vùng đồng bằng sông Hồng, cứ mỗi người đến khu vực Bái Đính - Tam Chúc, sau này nếu chùa Hương được kết nối nữa thì một đồng cũng không thể thoát khỏi cái phễu hút tiền”.

Nhiều vấn đề phải bàn

Bên trong chùa Tam Chúc mới, sự đồ sộ được trầm trồ đến huyên náo. Sau cổng tam quan nội là vườn cột kinh lớn nhất thế giới với mức thiết kế 1.000 cột đá cao 12m, mỗi cột nặng 200 tấn, cùng 36 quả chuông, đây đang là công trường xây dựng rất nguy hiểm nhưng đơn vị khai thác vẫn để cho du khách, trẻ em vào trong công trình đang thi công.

Vườn cột kinh chưa có thẩm định an toàn nhưng không có biển cảnh báo, trẻ con vào chơi

Cụ Đình Lương ở Diễn Vạn (Diễn Châu, Nghệ An) ra tham quan, nói: “Những cột đá này có cột xong, có cột chưa xong, nó quá khổng lồ, lại là công trường, vậy mà để khách đi vào rất nguy hiểm”.

Trên điện Pháp Chủ, nhiều thợ thầy mắc giàn giáo để cưa xẻ gỗ lắp đặt hàng khối các chi tiết trong điện với tiếng cưa, tiếng đục cùng lúc đón du khách tham quan. Về nguyên tắc, công trường đang xây dựng chưa được phép đón khách và phải có biển cánh báo, nhưng tuyệt nhiên không có bất cứ biển báo nào. Ngược lại, bàn ghi công đức trong điện vẫn hoạt động.

Nhiều hòm công đức được đặt trong các điện ở chùa Tam Chúc

Trong kế hoạch 2689 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, Bùi Quang Cẩn ký, giao nhiệm vụ cho Sở VH-TT-DL: “Phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn ban quản lý Khu du lịch quốc gia Tam Chúc xây dựng đề án thu phí, lệ phí các dịch vụ, báo cáo UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh quyết định”.

Tuy nhiên theo ông Đinh Trung Hiếu, Phó phòng Du lịch tỉnh Hà Nam, hiện chưa có ban quản lý khu du lịch nên chưa thể tham mưu xây dựng đề án này. Riêng vé xe điện, hướng dẫn viên, bãi đỗ ô tô, xe máy, du thuyền được ông Hiếu giải thích là cách thu đối ứng của doanh nghiệp nhằm trả lương nhân viên trong bộ máy của họ. Đến đây có thể hiểu, vì sao tất cả vé du khách rời khỏi Tam Chúc đều bị thu lại!

Nhiều hạng mục thi công dang dở

Theo ông Hảo, Phó giám đốc Sở TNMT tỉnh Hà Nam, chùa Tam Chúc chỉ mới giai đoạn giải phóng mặt bằng

Nhiều công trình trong chùa Tam Chúc đang xây dựng dang dở

Còn việc cấp phép xây dựng chùa, ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Nam nói: “Dự án Tam Chúc gồm nhiều hạng mục, có cả hạ tầng như đường, kè, cấp nước, nạo vét sông Ba Sao và các công trình khác. Dự án bắt đầu từ năm 2006, mình đang cho anh em rà soát để báo cáo UBND tỉnh”.

Bụi mù trong đường khuôn viên Chùa Tam Chúc

Về nguồn vốn hạ tầng xây dựng bao nhiêu tiền, ông Đỗ Văn Thuận phụ trách Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Nam nói, ông không hề hay biết gì. Trong lúc, cơ quan này quản lý các nguồn lực đầu tư công vào khu du lịch Tam Chúc.

Minh Phong/Báo Sài Gòn Giải Phóng

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)