1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Văn hóa

Hội làng năm Tý

27/02/2020
Hội làng năm Tý

Lễ rước kiệu ở hội làng Hạ Lôi, xã Mê Linh.

Xuân Canh Tý năm 40 đầu Công nguyên, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược Đông Hán. Trưng Trắc làm vua 3 năm (40 - 43).

Trưng nghĩa tiếng Việt cổ là Tô Rương, chỉ người thủ lĩnh.

Hội làng Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh mở vào mồng 6 tháng Giêng âm lịch.

Có về thăm hội Hạ Lôi

Tháng Giêng mồng sáu cho tôi đi cùng

(Ca dao)

Sáng mồng 6 tháng Giêng, sau khi tế 3 tuần rượu, trống chiêng nổi 3 hồi 9 tiếng, sửa soạn cuộc “Rước kiệu hội đồng”. Dẫn đầu đám rước là hàng dài cờ hội. Ba kiệu xuất phát từ sân đình theo thứ tự: kiệu ông Thi Sách, kiệu bà Trưng Trắc, kiệu bà Trưng Nhị tiến từ đền về đình.

Kiệu ông Thi Sách do 32 chàng trai khiêng, kèm theo với 32 người dự bị. Họ đều mặc đồng phục nghi lễ: áo dài đen, quần trắng, thắt lưng màu ra ngoài, buộc múi bên sườn trái, đầu chít khăn lượt. Kiệu Hai Bà do các cô gái khiêng, cũng với một số lượng như vậy, với đồng phục là áo dài tứ thân nâu, xống (váy) đen, hai vạt thắt lưng màu buộc ra sau, đầu chít khăn màu.

Đám rước từ từ chuyển động rực rỡ màu sắc, trong tiếng trống chiêng, dàn nhạc vang động, cùng đồ bát bửu, lỗ bộ uy nghi. Qua cửa Tam quan tới đường cái làng gọi là đường Trống Quân thì kiệu ông Thi Sách dừng lại để kiệu Hai Bà lên trước. Tục này gọi là “giao kiệu”, một hành động lễ nghĩa theo phong tục “nội gia huynh đệ, ngoại quốc quân thần” (trong nhà là anh em, ngoài xã hội việc nước là vua tôi).

Từ sân ra cửa Tam quan được coi là “trong nhà”, kiệu Thi Sách đi trước còn ra đường là việc quốc gia, Hai Bà Trưng là vua, ông Thi Sách là dân nên kiệu chồng đi sau kiệu vợ - vua Bà Trưng Trắc. Hội Hai Bà Trưng còn diễn ra ở nhiều nơi như: hội đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ), hội đền Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng), hội đền Phú Mỹ, Kiều Mai (quận Nam Từ Liêm)…

Xuân Giáp Tý ngày 12 tháng Giêng năm 544, Lý Bí khởi nghĩa đánh bại quân nhà Lương, xây điện Vạn Thọ (phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai) đặt tên nước ta là Vạn Xuân, lên ngôi hiệu Lý Nam Đế. Có 3 cách gọi (Bôn, Bí, Phần) Bôn là dũng sĩ, Bí là rực rỡ còn Phần là to lớn. Lý Bí cho xây “Tô Lịch Giang Thành”  bên sông Tô sau này là Kinh đô Thăng Long - Hà Nội rồi chùa Trấn Quốc bên Hồ Tây…

Truyền thuyết kể rằng, Lý Bí (Lý Nam Đế) sinh năm 542 mồ côi cha mẹ từ nhỏ, vốn ở Châu Giã, nay thuộc xã Tiền Phong, huyện Phổ Yên (Thái Nguyên) nhưng về Hoài Đức sống với ông chú ruột. Một hôm có vị pháp sư đi qua, ngắm đứa trẻ và biết sau này sẽ làm nên nghiệp lớn. Ông liền nói với người chú, xin cho cậu bé đến ở chùa. Cậu được đưa vào sống ở chùa Linh Bảo (Thị trấn Trạm Trôi) trên quê hương Hoài Đức. Từ đây, người con yêu nước và có chí đã lớn lên, dựng cờ khởi nghĩa, lấy căn cứ suốt từ Phủ Hoài lan ra vùng Sơn Tây, Tống Bình (Hà Nội). Lực lượng phát triển nhanh chóng đủ sức giành lại giang sơn. Ông lên ngôi Hoàng đế, lấy tên nước là Vạn Xuân, khẳng định chủ quyền dân. Dù Lí Bí có là người anh hùng của dân tộc Việt Nam thì với mảnh đất Hoài Đức vẫn để lại một dấu ấn riêng, dân chúng ở nhiều làng mở hội như Đại Tự, Đức Giang, Di Trạch.

Đặc sắc có hội đình Giang Xá ở thị trấn Trạm Trôi. Sau khi tế khai hội hướng về Lý Nam Đế các hoạt động diễn ra ở quanh khu vực sân đình và ở cạnh giếng làng vào dịp trước sau ngày 12 tháng Giêng.

Hội vật: Các đô vật ở trong thôn và các đô vật ở thôn khác đều có thể đến thi tài. Hội vật thường diễn ra 3 ngày chọn ra những đô vật giải Nhất, giải Nhì, giải Ba.

Tổ tôm điếm: Chơi ở sân bên đình gồm có 5 người chơi bài tổ tôm và 1 trung quân ở giữa, có hát cô đầu để vận hát vào quân bài làm vui cho ngày hội. Chơi hết ván bài có thưởng của làng: giải Nhất (chi nẩy), giải Nhì (thập hồng), giải Ba (kính cụ). Người dân bảo rằng: Nếu năm nào “Ù chi nẩy” thì làng làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa.

Ngoài hội vật còn có các trò chơi dân gian khác như chọi gà, cờ người, cò bỏi, bắt vịt. Phần hội đặc biệt hấp dẫn hơn với phần thi làm bánh bác (bánh chưng dài), bánh dày. Bánh  gia đình nào ngon nhất, dẻo nhất sẽ được chọn để tế giã tại đình.

Phần hội diễn ra từ 3 đến 5 ngày, thu hút đông đảo người dân các vùng tới như Canh, Diễn, Trôi, Nhổn. Từ già trẻ gái trai lớn bé đều tham gia vào hội làng. Ngày cuối cùng tế giã rước kiệu thánh và rước vàng mã từ đình về đền, làm lễ hóa vàng mã tại đền lễ tạ và kết thúc hội. Dân gian còn truyền lại những điều kiêng kỵ ở đây: Không nuôi trâu trắng vì thánh đã nuôi trâu trắng, kiêng không gọi tiếng bí các loại bí đỏ, bí đao mà gọi là bầu đỏ, bầu xanh. Và ngày giỗ cúng một mâm cơm chay có bát canh “bầu” xanh nấu gừng.

Về hội đình Giang Xá còn được thưởng thức loại bánh chưng “Tày” đặc sắc (bánh không vuông mà dài cuộn tròn), hạt nếp được nhuộm gấc hồng, đi vào câu ca:

Cho dù chồng rẫy vợ chê

Bánh chưng Giang Xá lại về với nhau…

Ăn trước thì bảo người sau

Già ăn trẻ lại, gái mau có chồng.

Văn Hậu/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/hoi-lang-nam-ty_257273.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)