1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Văn hóa

Giá trị của văn hóa làng và phát triển du lịch Thủ đô

07/11/2021
Giá trị của văn hóa làng và phát triển du lịch Thủ đô
Xóm quê - Ảnh: Hữu Nền
 
Làng quê -  Tài nguyên, tiềm năng du lịch phong phú
 
Địa bàn Thủ đô Hà Nội ngày nay gồm Kinh đô Thăng Long cũ và nhiều huyện của ba trong “Tứ trấn” bao quanh (Kinh Bắc/ xứ Bắc, Sơn Nam/ xứ Nam và Sơn Tây/ xứ Đoài) vào đầu thế kỷ XIX(1). Các làng quê khá đa dạng về loại hình. Theo cảnh quan địa lý, có làng trung du - đồi gò, làng đồng bằng, làng ven sông đất bãi. Theo nghề nghiệp hay cơ sở kinh tế, có làng nông nghiệp (đồng chiêm và đồng mùa, làng bãi), làng nghề, làng chài… Theo đặc điểm xã hội và văn hóa có làng khoa bảng, làng công giáo… Mỗi loại hình làng có cơ sở tồn tại cùng những đặc điểm riêng, trong đó có một số mặt nổi trội, rất dễ phân biệt với các làng đồng dạng về tiêu chí phân định. Đấy chính là sự đa dạng về bề ngoài của làng Việt. Các làng trung du - đồi gò, làng ven sông đất bãi nổi lên với cảnh quan mộc mạc, thanh bình. Các làng nghề lại hiện lên với nhịp sống sôi động, sự miệt mài lao động của những người thợ để tạo ra những sản phẩm thiết thân của cuộc sống, những sản phẩm tinh xảo, mang tính thẩm mỹ cao. Các làng khoa bảng lại phô lộ những di tích gắn với các dòng họ có truyền thống học hành, đỗ đạt, các danh nhân khoa bảng. Làng ở các vùng cũng có những nét hấp dẫn riêng. Làng quê xứ Đoài nổi bật với những ngôi đình cổ, có niên đại sớm thuộc diện nhất nhì Bắc Bộ. Làng xứ Bắc lại trầm mặc bên những ngôi chùa cổ kính, u tịch.
 
Trong quá trình hình thành và phát triển, các làng quê trên địa bàn Hà Nội đã tạo lập được các giá trị văn hóa, ngoài những nét chung của toàn vùng Bắc Bộ và vùng tứ trấn, mỗi làng có những nét riêng theo loại hình làng, tùy điều kiện lịch sử ra đời và tồn tại. Theo mẫu chung, các thành tố cơ bản của văn hóa làng, về phương diện vật thể là hệ thống các di tích (đình, đền/ miếu, chùa, văn chỉ, nhà thờ các dòng họ, nhà thờ danh nhân…), các ngôi nhà cổ… Về phương diện phi vật thể là các phong tục tập quán tiêu biểu, các hội làng với các trò diễn, các cuộc thi tài, như hội Gióng ở Phù Đổng (huyện Gia Lâm), đền Sóc (huyện Sóc Sơn), hội rước vua (làng Nhội, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh), hội kén rể (làng Đường Yên, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh), hội múa mo (làng Sơn Đồng, huyện Hoài Đức)... Một số làng có vốn văn nghệ dân gian độc đáo, như chèo tàu ở Gối (Tân Hội, huyện Đan Phượng), ca trù (làng Lỗ Khê, huyện Đông Anh); hay có nghệ thuật rối nước, như: Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh), Phùng Xá (huyện Thạch Thất), Đồng Vàng (huyện Phú Xuyên)... Một số làng, vùng có truyền thống thượng võ, hội vật trở thành hội lớn, như Quế Dương (huyện Hoài Đức)… Mỗi làng mỗi vẻ, để không chỉ những người sinh ra và lớn lên tại đó yêu mến, gắn bó và tự hào, mà còn thu hút các du khách đến khám phá. Đó là tiền đề cho việc phát triển “Du lịch đồng quê” từ nhiều năm nay. Nhiều làng quê đã trở thành điểm du lịch cần đến, hoặc là điểm quan trọng trong tuyến du lịch, như Bát Tràng (huyện Gia Lâm), các làng thuộc xã Đường Lâm (huyện Ba Vì)… Một số công ty du lịch đã thực hiện các tuyến du lịch làng nghề, tuyến du lịch tâm linh (các làng gắn với các chùa danh tiếng), du lịch sinh thái (các vùng quê thuộc huyện Ba Vì). Mỗi tuyến du lịch có những nét hấp dẫn riêng. Du lịch sinh thái đưa khách về với thiên nhiên, với cảnh đồng quê thanh bình, kết hợp với trải nghiệm các công việc của nhà nông. Du lịch làng nghề giúp du khách thấy được nhịp sống làng nghề, những công đoạn cơ bản và những sản phẩm của nghề, kết hợp mua sắm và có thể tham gia trải nghiệm một số khâu sản xuất. Du lịch tâm linh đưa du khách về với các di tích đầy ắp những huyền thoại về các vị thần, thánh, tiên, Phật, ngoài việc cầu bình an, cầu tài, cầu lộc còn được chiêm ngưỡng vẻ huyền mỹ của các mảng kiến trúc và điêu khắc. 
 
Một số nhà nghiên cứu đã đề xuất tuyến du lịch các làng khoa bảng, với đối tượng chủ yếu là học sinh phổ thông và sinh viên đại học, nhất là sinh viên khối khoa học xã hội và nhân văn. Làng khoa bảng có truyền thống học hành, nhiều người đỗ đạt cao qua các kỳ thi của Nhà nước phong kiến.  Tại đây các di tích thờ cúng (đình, chùa, đền - miếu, văn chỉ, nhà thờ các dòng họ và nhà thờ các danh nhân khoa bảng) rất đậm đặc và bề thế hơn so với các loại làng khác, do có nhiều người đỗ đạt, làm quan, có điều kiện đóng góp tiền của cho gia đình, dòng họ, làng xã xây dựng nên. Bên trong mỗi di tích còn chứa đựng nguồn di văn Hán Nôm, gồm bia, chuông, khánh, hoành phi, câu đối, gia phả, sắc phong (phong thần và phong chức tước), trướng văn… trong đó nhiều di văn được soạn thảo bởi các danh nhân khoa bảng của làng, nhiều người đã đi vào lịch sử đất nước, không chỉ là niềm tự hào của gia đình, dòng họ, làng xã mà còn là biểu tượng của cả một huyện, một tỉnh. Tham quan các làng khoa bảng là dạng du lịch tổng hợp, cả du lịch văn hóa và du lịch sinh thái, bởi các làng khoa bảng thường có một vị thế, cảnh quan địa lý, cấu trúc làng xóm tương đối độc đáo dưới cái nhìn phong thuỷ của các bậc đại khoa. Ở Thủ đô Hà Nội, có nhiều làng khoa bảng đến nay vẫn giữ được tương đối khá những nét truyền thống, như Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm), Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), Phú Thị, Bát Tràng (vừa là làng nghề, làng văn) thuộc huyện Gia Lâm… Điều đáng lưu ý là xưa kia đã hình thành những vệt làng có truyền thống rất học hành, đỗ đạt, nên có thể xây dựng được tuyến du lịch làng khoa bảng, liên kết các làng của Thủ đô với các làng khoa bảng ở các tỉnh kề cận.
 
Giá trị của văn hóa làng và phát triển du lịch Thủ đô
Làng cổ Đường Lâm nhìn từ trên cao. (Nguồn: Zing)
 
Thách thức trong bảo tồn để phát triển du lịch
 
Trải qua biến thiên của thời gian, tác động của chiến tranh, thiên tai và sự thay đổi quá nhanh của điều kiện sống trong vài thập niên trở lại đây, nhiều giá trị của văn hóa làng đã bị mai một, thay đổi hoặc “biến dạng”. Số làng quê còn giữ được đồng bộ những nét cổ kính để có thể hút khách du lịch đến, không còn nhiều, có thể kể được vài làng, như làng Lại Yên (huyện Hoài Đức) - một làng cổ còn đủ đình, bốn ngôi chùa, quán, ba lăng đá thế kỷ XVIII, cổng làng…, soi bóng bên con đầm rộng, được bảo vệ với quy ước rất nghiêm ngặt và đã được khai thác cho hoạt động giải trí, du lịch; làng Yên Sở (huyện Hoài Đức), làng Bát Tràng (huyện Gia Lâm), một số làng ở huyện Ba Vì… Đấy là hệ quả của việc du lịch, nhất là du lịch đồng quê xuất hiện muộn, nên không có quy hoạch, bảo vệ, giữ gìn. Vào cuối những năm 1990, các làng Cự Đà (huyện Thanh Oai), xã Hòa Mục (nay là phường Trung Hòa thuộc quận Cầu Giấy) còn mang vẻ đẹp tổng thể, “mê hồn”, nhiều nhà khoa học đề nghị cần có hướng bảo tồn để nghiên cứu, bảo tồn và phục vụ phát triển du lịch. Tuy nhiên, ý kiến này không được thực hiện, nên giờ đây, không gian kiến trúc làng đã bị “băm nát”. Một số làng được đưa vào phát triển du lịch, điển hình là làng cổ Đường Lâm - ngôi làng cổ đầu tiên được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia, được đưa vào khai thác du lịch, nhưng đã bộc lộ mâu thuẫn giữa yêu cầu về “không gian sống” của chủ nhân những ngôi nhà cổ với việc bảo tồn các ngôi nhà đó, mâu thuẫn giữa quyền lợi của cư dân với cơ quan quản lý, khai thác làng cổ để phát triển du lịch. 
 
Đã từng có một số dự án về việc lập mới các mô hình làng Việt (làng đồng chiêm, làng đồng mùa…) để phục vụ nghiên cứu và phát triến du lịch. Tuy nhiên, ý tưởng này xem ra rất khó thực hiện, vì không chỉ liên quan đến quỹ đất, nguồn tài chính…, mà quan trọng nhất là các điều kiện để duy trì cuộc sống đích thực của những “ngôi làng” đó. Vì vậy, không gì bằng phát triển du lịch đồng quê trên cơ sở bảo tồn những làng tương đối tiêu biểu, còn giữ được tương đối những nét “cổ truyền”, duy trì và nuôi dưỡng chúng, bằng cách điều hòa lợi ích của cộng đồng dân cư với Nhà nước, với các cơ quan khai thác du lịch. 
......................................................
 
(1) Trấn Sơn Nam Thượng: toàn bộ tỉnh Hà Đông trước năm 1965.
Trấn Sơn Tây: tức tỉnh Sơn Tây trước năm 1965, một phần huyện Đông Anh.
Trấn Kinh Bắc (Bắc Ninh): huyện Gia Lâm; các huyện Kim Anh, Đa Phúc/ nay là huyện Sóc Sơn; huyện Đông Ngàn/ nay là một phần huyện Đông Anh).
 
Người Hà Nội

https://nguoihanoi.com.vn/gia-tri-cua-van-hoa-lang-va-phat-trien-du-lich-thu-do_270200.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)