1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Văn hóa

Đồng Cổ Đại vương

10/12/2020
(Thành hoàng làng Nguyên Xá, xã Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội)
Miếu Đồng Cổ (Nguyên Xá)
 
Thần phả chép: Vương là thần núi Đồng Cổ (ở Thanh Hóa, tục gọi núi Khả Phong).
 
Khi xưa, Lý Thái Tông còn là thái tử, phụng mệnh vua cha, đem quân đi đánh Chiêm Thành (1020), đến Trường Châu đóng quân tạm nghỉ. Canh ba đêm ấy, trong cõi mung lung, ông chợt thấy một dị nhân, thân cao 8 thước, mày râu cứng nhọn, mặc chiến bào, tay cầm binh khí, đến trước cúi đầu tâu rằng: “Tôi là thần núi Đồng Cổ, nghe tin thái tử cất quân đánh phương Nam, tôi xin theo giúp để phá giặc lập chút công nhỏ”.
 
Thái tử vỗ tay khen ngợi rồi tỉnh dậy luôn. Hôm sau tiến quân trên đất Chiêm, trận ấy quả nhiên đại thắng. Khi khải hoàn về qua Trường Châu, thái tử bèn sai quân gia sửa sang lễ tạ, rồi rước về kinh đô, để giữ nước hộ dân. Đang chọn đất khắp nội ngoại thành, chưa biết nên lập đền ở chỗ nào cho tốt lành thì đến đêm, thái tử lại thấy thần báo mộng: “Xin lập đền ở bên hữu, trong đại thành, sau chùa Thánh Thọ”. Thái tử theo lời, cho hưng công xây dựng, không bao lâu đền dựng xong.
 
Đến khi Thái Tổ mất (1028), thái tử lên nối ngôi, tức vua  Lý Thái Tông. Đêm mộng thấy thần nhân đến báo rằng: “Ba vị vương em vua mưu làm phản, định đem giáp binh đến, nhà vua kịp đề phòng!”. Vua thức dậy, còn chưa tin, đến sáng mới thấy việc xảy ra như lời thần báo. Danh tướng Lê Phụng Hiểu đã chém kẻ bất trung, dẹp yên phản loạn. Vua rất lấy làm lạ, xuống chiếu phong thần làm Thiên Hạ Minh Chủ gia tước Đại vương.
 
Tại Thanh Hóa, nhớ công âm phù của thần, vua cho xây dựng đền thờ thần Đồng Cổ ở chân núi Tam Thai (làng Đan Nê, huyện Yên Định). Đến nay, sau bao biến đổi, đền vẫn còn cổng xây bằng đá; miếu hình vuông xây hai tầng tám mái. Trong miếu có bức hoành “Bản miếu Đồng Cổ” và “Hồng Bàng duy vận”. Năm 1899, miếu được trùng tu, các quan sở tại đã cho khắc bia trên vách núi nói sự tích, cùng ghi danh những người công đức sửa miếu.
 
Trước đây, hằng năm, vua Lý Thái Tông tổ chức hội thề ở đền Đồng Cổ. Trong hội thề, các quan đại thần đều có mặt, đúng giờ phút thiêng liêng, chích máu ở ngón tay hòa vào bát rượu để uống và đồng thanh đọc lời thề: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần linh tru diệt”. 
 
Đến đời Trần Thái Tông, năm Kiến Trung thứ 2 (năm 1226) theo lệ cũ, hằng năm cứ đến ngày mùng 4 tháng 4 tiến hành hội thề long trọng. Vị quan nào đến chậm đều bị phạt. Năm Trùng Hưng thứ nhất (1285), sắc phong là Linh Ứng đại vương; năm thứ 4 (1288) gia phong hai chữ Chiêu Cảm; năm Hưng Long thứ 21 (1313), gia phong hai chữ Bảo Hựu. Sang đời Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ nhất (1460) phong Đồng Cổ Điện Chủ Minh Vương. 
 
Trên đất Hà Nội, đền thờ thần Trống Đồng có ở đường Bưởi, phường Bưởi, quận Tây Hồ. Đình làng Văn Trì, đình Nguyên Xá, đình Ngọa Long nay thuộc phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm cũng thờ thần Trống Đồng.
 
Vào dịp cuối xuân sang hè, trong hai ngày mùng 4 và mùng 5 tháng 4 âm lịch, các làng trên đều mở hội. Xưa kia, vào sáng ngày mùng 4, Văn Trì còn có lệ cử người ra đình Đồng Cổ ở Bưởi tế giao hữu. Đặc biệt, tại đình Văn Trì, khi làm lễ có nghi thức “tế mao huyết” (chôn một ít tiết và lông con vật tế thần), sau đó mới đọc lời thề và đọc chúc văn.
 
Đình Nguyên Xá hiện còn lưu giữ được 11 đạo sắc phong thần. Đình đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
 
Người Hà Nội
http://nguoihanoi.com.vn/dong-co-dai-vuong_263544.html
 

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)