1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Văn hóa

Đống Băng - Uông Tá Đại Vương

14/11/2020
(Thành hoàng làng Viên Nội, xã Vân Nội, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội)
Lễ hội đình làng Viên Nội 
 
Viên Nội xưa thuộc tổng Tuân Lề, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên nay thuộc Vân Nội, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội).
 
Thần tích do Đại học sĩ Nguyễn Bính  soạn (năm 1572) và Quản giám bách thần Nguyễn Hiền chép (1740) rằng: 
 
…Thục Phán nghe tin Hùng Duệ Vương đã già có tới 20 người con trai, song các hoàng tử đều đã quy tiên, không có ai nối dõi nên muốn nhường ngôi cho con rể là Tản Viên Sơn Thánh. Họ Thục thừa cơ làm loạn, liền sắm khí giới, tinh binh hàng vạn chia đường xâm chiếm nước Văn Lang. Hùng Duệ Vương rất lo lắng cho Sơn Thánh đến để hỏi kế sách. Sơn Thánh tâu:
 
- Uy đức của bệ hạ tràn khắp biển cả, trời có lòng phụ giúp, bách thần sơn thủy phụ trợ chở che, vậy bệ hạ lo gì? Thần xin đi đánh dẹp giặc Thục, không quá một ngày, giặc cướp sẽ bị dẹp tan.
 
Nhà vua bèn cho dựng đàn cầu đảo đất trời, linh thần sơn thủy, sau đó tiễn Sơn Thánh cầm quân đi dẹp giặc Thục. Trên đường đi, cờ xí rợp trời, gió thổi thuyền lướt, chiêng trống vang rền. Chỉ trong một ngày quân đã tiến tới địa đầu trang Viên Nội, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, đạo Bắc Ninh (xưa gọi là Bắc Giang). Đến đây Sơn Thánh thấy hai cụ già dung mạo dị kỳ đang tắm  ở đầm lớn (Vân Trì). Hai cụ nhìn thấy Sơn Thánh đều mỉm cười rồi lên bờ đến một gò, tức Khu Đống và biến mất. Thấy thế Sơn Thánh nói với binh sĩ: “Quái lạ, đây hẳn là ngôi miếu”. 
 
Thế rồi lệnh cho dừng lại đóng quân. Sơn Thánh ngẩng đầu lên nhìn thấy có các chữ “Thủy… tối linh”. Đêm ấy Sơn Thánh nghỉ ở đó xem hư thực thế nào. Khoảng cuối canh ba, Sơn Thánh đang mơ màng, bỗng thấy hai cụ già, áo quấn quanh mình, lưng đeo đai ngọc, hình dáng dị kỳ, dung mạo cổ quái, từ đường Đống đi lại tự xưng là anh em, con của Lạc Long Quân họ Hùng làm quan Thủy thần sau đó xưng tên là Đống Băng và Uông Tá, cùng thưa:
 
- Trời đất đã an bài, mỗi phương trời đã định. Nghe nhà vua sai đi đánh dẹp. Có nhà vua ấy, tất có bề tôi này, anh em tự nguyện xin đi đánh giặc…
 
Nói xong, hai anh em liền bước xuống thuyền rồng rồi bay lên không trung biến mất. 
 
Sơn Thánh tỉnh giấc, biết là thần báo mộng xuống phù giúp, nên hôm sau đem quân đi dẹp quân Thục. Khi đến chân núi Sóc, Sơn Thánh cùng tướng sĩ luận bàn, vạch kế sách tấn công, bỗng thấy quân Thục trùng trùng điệp điệp bao vây bức ép bốn mặt. Triều đình không biết làm thế nào để phá vây cứu viện. Sơn Thánh hô lớn: 
 
- Trời hãy giúp ta cho quân đánh nhau với quân Thục một trận. 
 
Thế rồi Sơn Thánh đem quân xuất chiến. Khi ngẩng đầu lên thấy một vạt mây đen, trong đó có hai người áo quần kỳ lạ, màu sắc sặc sỡ, cưỡi ngựa đỏ từ trên mây bước xuống. Thuồng luồng nhảy nhót ứng hiện, long xà ảnh động, sao Đẩu rơi; sông lạnh, thần mở chiến trận, hổ báo hồn kinh, sấm rền biển cả. Quân Thục sợ hãi, Sơn Thánh phá được vòng vây của giặc. Quân Thục đại bại, Sơn Thánh chém được 9 tướng giặc và vài vạn người. Từ đó thiên hạ thái bình, nước nhà vô sự. 
 
Lại nói hai vị thần Đống Băng, Uông Tá còn phù trợ Sơn Tinh thời vua Hùng thứ 18, lại hiển linh phù trợ Diệu La công chúa thời kỳ Hai Bà Trưng năm 40 - 43 sau Công nguyên.
 
Truyền thuyết kể: Viên Nội xưa kia là tiền đồn quan trọng của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, nơi các tướng lĩnh đầu quân tụ hội, trong đó có nhị vị đại tướng quân là Đống Vĩnh và Chung Bảo. Hai ông đã cùng Diệu La công chúa chiêu mộ và luyện quân  giúp Hai Bà Trưng đánh  giặc. Hiện ở Viên Nội còn các xứ đồng mang tên những dấu tích xưa như: Quần Lưu, Quần Chối, Quần Từa, Quần Nội, Quần Giang…
 
Sau khi chiến thắng quân giặc, hai ông về đóng quân tại rừng Am Thông và hóa tại đây ngày 7 tháng Giêng. Hiện Xóm Giữa còn dấu tích hai ngôi mộ được nhân dân giữ thờ phụng. 
 
Trong trận quyết chiến với quân giặc, thế ta yếu, quân giặc mạnh, bà Diệu La công chúa khẩn cầu thần Kim Quy đến giúp. Vừa cầu xong bỗng trên bầu trời làng Viên Nội có một đám mây bay đến, liền đó xuất hiện một đàn “Xà giảo” khoang đen trắng và quả “Ngọc cầu”. Bà cùng binh lính xung trận. Quả “Ngọc cầu” lăn đến đâu, đàn “Xà giảo” tiến theo tới đó, quân ta thừa thắng xông lên. Quân giặc khiếp vía kinh hồn, quân ta chiến thắng vẻ vang.
 
Các triều vua đã ban sắc phong cho hai thần:  Đống Băng Phổ Tế Hộ Quốc Hiển Ứng Âm Phù Anh Linh Đại Vương; Uông Tá  Phổ Tế Hộ Quốc Hiển Ứng Âm Phù Anh Linh Đại Vương.
 
Hiện trong gia đình còn lưu giữ được 3 đạo sắc phong sớm nhất là niên hiệu Gia Long thứ 9 (1810),…
 
Xưa kia dân làng hằng năm mở hội từ ngày mùng 8 tháng Giêng đến ngày 16 tháng Giêng. Đồ cúng là cỗ chay, lợn đen, xôi rượu, bánh trôi, bánh chưng, đấu vật, đặc biệt có trò cướp cầu  “Ông Quả” (Ngọc Cầu) để diễn lại trận đánh xưa. 
 
Khi đọc văn tế phải kiêng tên húy của thần: Đống đọc là Đương; Vĩnh là Vính; Uông là Uổng; Diệu là Giáo; La là Lư…
 
Đình Viên Nội được UBND Thành phố Hà Nội xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa ngày 19/1/2012. 
 
Người Hà Nội
 
http://nguoihanoi.com.vn/dong-bang-uong-ta-dai-vuong_263267.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)