1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Văn hóa

Đề xuất UNESCO bảo vệ nghề làm tranh dân gian Đông Hồ

24/04/2020
Mới đây, hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” đã được hoàn tất để gửi tới UNESCO với đề xuất đưa làng nghề vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể khẩn cấp cần được bảo vệ.

Tranh dân gian Đông Hồ là một di sản văn hóa quý giá của dân tộc. Giữ gìn, tôn vinh, phát triển nghề làm tranh dân gian Đông Hồ hiện nay là công việc vô cùng cần thiết và cấp bách.
 



Làng tranh dân gian Đông Hồ là một làng nghề truyền thống có văn hóa lâu đời cần được bảo tồn


Theo đó, xét đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Công văn số 1236/BVHTTDL-DSVH ngày 25/3/2020, ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia (Công văn số 01/BC-HDDSVHQG ngày 04/3/2020), Thủ tướng Chính phủ đồng ý đệ trình tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) xem xét đưa "Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ" vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ủy quyền Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký Hồ sơ theo quy định; Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm các thủ tục cần thiết để gửi Hồ sơ tới UNESCO.

Như vậy, trong tương lai nếu hồ sơ này “thuyết phục” được UNESCO thì có lẽ nghề làm tranh dân gian Đông Hồ sẽ là nghề truyền thống đầu tiên của Việt Nam được ghi danh ở tầm thế giới. Có thể nói, đây sẽ là niềm vui, niềm tự hào của người Việt Nam nói chung và của các nghệ nhân làng tranh dân gian Đông Hồ nói riêng khi qua bao năm bền bỉ ,gắng gỏi giữ lửa giữ nghề. 

Mặt khác, nếu được UNESCO công nhận, đây sẽ là một bước đi thiết thực nhất để cứu vãn và vực dậy nghề tranh. Điều đó sẽ xác lập cơ sở pháp lý để Chính phủ, các cấp chính quyền, các cơ quan hữu quan quan tâm đầu tư bảo vệ di sản. Nó cũng tạo động lực ý thức cho cộng đồng và toàn xã hội chung tay góp sức giữ gìn di sản.

Theo các tài liệu cũ, nghề làm tranh dân gian đã được hình thành ở Đông Hồ vào thế kỷ XVI, đến năm 1945, có tới 17 dòng họ còn theo đuổi nghề làm tranh truyền thống, với vô số xưởng làm tranh trong làng. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, làng Đông Hồ chỉ còn 2 gia đình thật sự giữ được nghề là nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam (nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam đã mất năm 2017).

Theo các nhà nghiên cứu, Tranh dân gian Đông Hồ thuộc dòng tranh in từ ván khắc gỗ, do người dân làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh sáng tạo, sản xuất và phát triển thành làng nghềĐây là dòng tranh gắn bó và thể hiện sinh động xã hội nông nghiệp Việt cổ truyền, cuộc sống lao động của người nông dân bình dị, chất phác, phong tục, tập quán, sinh hoạt của người dân Việt. Người xem có thể tìm thấy những hình ảnh quen thuộc trong tranh Đông Hồ như: đám cưới chuột, những đàn lợn, đàn gà, những cô thiếu nữ hứng dừa hay cả cảnh đánh ghen của đôi vợ chồng trẻ…

Với những giá trị độc đáo, nội dung phong phú, đa dạng, mang nhiều giá trị nhân văn, dòng tranh dân gian Đông Hồ không chỉ là di sản vô cùng quý báu trong kho tàng nghệ thuật dân tộc, còn có một vị trí quan trọng trong lịch sử mỹ thuật thế giới.

Doanh nghiệp & Thương hiệu

http://doanhnghiepthuonghieu.vn/de-xuat-unesco-bao-ve-nghe-lam-tranh-dan-gian-dong-ho.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)