1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Văn hóa

Dấu chân Bác Hồ ngày thu tháng mười

12/10/2019
Ngày 12/10/1954, từ Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ đến ở và làm việc tại nhà ở trạm bơm nước thôn Phù Sa nay là phường Viên Sơn, thị xã Sơn Tây để chỉ đạo mọi hoạt động cho ngày giải phóng Thủ đô.

Nhân dân Hà Nội trang trí đường phố, chuẩn bị cho ngày tiếp quản Thủ đô năm 1954.

Ngày 12/10/1954, từ Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ đến ở và làm việc tại nhà ở trạm bơm nước thôn Phù Sa nay là phường Viên Sơn, thị xã Sơn Tây để chỉ đạo mọi hoạt động cho ngày giải phóng Thủ đô.

Ngày 15/10/1954, Người cải trang, đi ô tô về Nhà thương Đồn Thủy nay là Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô. Những ngày đầu sau giải phóng Thủ đô, đây còn là trụ sở của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Phủ Chủ tịch.

Ngôi nhà 2 tầng ven đường Trần Khánh Dư của Nhà thương Đồn Thủy được xây dựng từ năm 1910, tầng 2 có 8 phòng, được đánh số từ 7 đến 17. Lúc dọn phòng cho Bác Hồ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đề nghị Bác ở phòng số 13 vì phòng 14 ở đầu hồi, có cửa sổ lớn nhìn ra đường Trần Khánh Dư, sợ kẻ địch bắn lén, Bác bảo: ở phòng này (phòng 14) cho mát mẻ, còn việc bảo vệ thì Bác tự bảo vệ tốt hơn.

Ở hai nơi ấy, hơn 2 tháng với bút danh CB, trên báo Nhân Dân, Bác viết nhiều bài báo cùng chỉ thị, Nghị quyết.

Ngày 9/10/1954, Bác viết bài “Giữ gìn trật tự an ninh”. Trong đó Bác viết “Hiện nay, việc quan trọng nhất của Thủ đô là giữ vững trật tự, an ninh… Giữ vững trật tự, an ninh trước hết là việc của công an, bộ đội, cảnh sát… Việc giữ vững trật tự, an ninh càng phải dựa vào sáng kiến và lực lượng của nhân dân…”.

Ngày 13/10/1954, Bác viết bài: “Ổn định sinh hoạt”, biểu dương thành tích khôi phục các mặt hoạt động của Thủ đô Hà Nội những ngày đầu giải phóng và yêu cầu mỗi người dân Hà Nội cần cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình góp phần ổn định sinh hoạt của Thủ đô.

Ngày 16/10/1954, tại Bắc Bộ Phủ, Bác đã tiếp đoàn đại biểu Nhân dân Thủ đô Hà Nội. Tại buổi tiếp, Bác biểu dương những thành tích của bộ đội, công an, nhân dân… trong việc tiếp quản Thủ đô, trong khôi phục hoạt động và ổn định sinh hoạt của Thành phố. Bác chỉ rõ các công việc còn phải tiếp tục làm trong thời gian tới, khắc phục khó khăn, ra sức phấn đấu để đưa Thủ đô Hà Nội từng bước tiến lên, làm gương cho cả nước.

Ngày 27/10/1954, Bác viết bài “Công nhân gương mẫu và gương mẫu của công nhân”. Bài báo biểu dương thành tích của công nhân một số nhà máy ở Hà Nội trong việc khôi phục sản xuất và ổn định sinh hoạt”.

 

***

Đúng 8 giờ sáng ngày 10/10/1954, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô thuộc Đại đoàn 308 diễu binh trên các đường trung tâm của nội thành, rồi tiến vào Cửa Đông quận Hoàn Kiếm và Ba Đình. 8 giờ 45 phút, cánh quân phía Nam diễu binh ở khu vực quận Hai Bà Trưng rồi chiếm lĩnh toàn bộ khu vực Đồn Thủy và Nhà Đấu xảo nay là Cung văn hóa Hữu Nghị. Trên các ngả đường đoàn quân diễu binh đi qua, nhân dân Hà Nội dâng hoa, cờ đỏ sao vàng, ảnh Bác Hồ, hát ca và hô khẩu hiệu mừng đoàn quân giải phóng, mừng Bác Hồ, Trung ương, Chính phủ… trở về, mừng Thủ đô sạch bóng quân thù.

15 giờ ngày 10/10/1954, tiếng còi Nhà hát Lớn nổi một hồi dài. Hàng chục vạn nhân dân Thủ đô và cán bộ, chiến sĩ quân đội trang nghiêm dự lễ chào cờ Tổ quốc tại sân vận động Cột Cờ. Trong buổi lễ chào cờ, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“8 năm qua, Chính phủ đã phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhưng lòng Chính phủ luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ ta lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết”.

Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ cố gắng quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ thì nhất định chúng ta vượt qua mọi khó khăn và đạt được mục đích chung làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, vui tươi và phồn thịnh”.

Tháng 10/1954! Mùa thu cách mạng ấy gợi thư cảm cho nhiều văn nghệ sĩ.

Phạm Hổ ngắm con ngủ viết: “Hà Nội đã về ta”

Tiếng giầy giặc sang Long Biên sáng nọ

Trong ngực con mỗi phút mỗi xa dần

Nhìn mặt con ngủ im hàng mi nhỏ,

***

Nghe niềm vui cả đất nước quây quần, Tố Hữu (Nguyễn Kim Thành) viết “Lại về”:

 

Hồ Gươm xanh thắm quanh hồ

Thiên thu hồn nước mong chờ bấy nay

Bây giờ đây lại là đây

Quốc kỳ đỉnh Tháp, sao bay mặt hồ…

Nguyễn Đình Thi xúc động “Ngày về” cũng bên Hồ Gươm:

 

Ta đứng khóc giữa trời mưa hắt

Leng kheng chuông xe điện đổ hồi,

Lòng ta bỗng như dòng suối mát

Ta đã về đây, Hà Nội ơi.

 

Ngân Giang (Đỗ Thị Quế) hồi hộp bởi: “Chín mùa mong đợi”

Kìa bệ Kỳ đài, đây Cửa Bắc

Hoa vườn Bách Thảo, Tháp Hồ Gươm

Sóng dồn Trấn Quốc, chuông Văn Miếu

Như cũng reo vui, vợi oán hờn.

Văn Hậu/Báo Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)