1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Văn hóa

Cao Sơn Đại Vương

30/05/2020
(Thành hoàng làng Ô Cách, phường Đức Giang, quận Long Biên, TP. Hà Nội)

UBND phường Đức Giang cùng bà con nhân dân long trọng rước Bằng Di tích lịch sử đình làng Ô Cách 

Vào thời Hùng Vương thứ 18, ở động Lăng Sương, phủ Long Hưng, Sơn Tây, có người họ Nguyễn, tên Sùng. Cha là Lĩnh, mẹ là Cao Thị Nham, gia tư giàu có. Một hôm, người cha lên núi Tam Đảo hái thuốc; đang lúc mùa hạ nóng bức, bỗng thấy một phiến đá dài rộng bằng mấy chiếc chiếu, bèn nằm nghỉ. Trong lúc mơ màng, ông mơ thấy một vị thần dắt theo một người đầu đội mũ hở đầu, mình khoác áo bào đỏ sẫm, giáp bạc bài vàng, tự xưng là Cao Sơn thần vương, lại có một người chít khăn thất bảo lưu tinh, mặc áo gấm xanh thẫm, tự xưng là Quý Minh thần vương, cùng bước tới trước mặt sụp lạy nói: “Anh em thần vốn sinh một bọc trăm trứng, 50 con theo mẹ lên núi, được Thượng đế sai thống lĩnh cai quản một dải sông núi. Nhà ông có đại âm công Thiên đình soi thấu nên sai chúng thần xuống đầu thai làm con để báo đáp hồng ân”. 

Từ đó, người vợ có mang. Sau 14 tháng, vào ngày 15 tháng 9 thì sinh ra hai người con trai. Một người trên đỉnh đầu có một vết bớt đỏ, vuông như hình cái ấn, trước ngực có hàng lông dài tới rốn, hai gò má có nốt ruồi hình hai chữ Cao Sơn, khi lớn lên, hai nốt ruồi mới mất, nên cha mẹ đặt tên là Sùng, hiệu là Cao Sơn. Một người tay dài quá gối, tiếng sang sảng như chuông, đặt tên là Quý Minh. Khi trưởng thành hai người rất giỏi săn bắn. Năm 12 tuổi, cha mẹ đều mất, hai ông làm lễ an táng chu đáo. Phàm đi săn bắt được con thú nào, hai ông đều dâng cúng cha mẹ hưởng trước, sau đó mới thụ lộc, cứ thế suốt 3 năm như lúc cha mẹ còn sống. Bấy giờ người anh họ là Tản Viên Sơn Thánh thấy tình cảnh ấy càng yêu thương, quý trọng bèn mang về nuôi, coi như ruột thịt. Nhà nghèo, ba anh em đều nương nhờ vào bà Ma Y thần nữ, hàng ngày chuyên lấy việc kiếm củi làm kế sinh nhai. Kịp khi Sơn Thánh được cây gậy trúc của Thái Bạch thần tinh và cuốn sách ước của Long Đình Thủy Đế; có thể cứu thế độ dân, bèn phong cho hai em: Cao Sơn là Tả Kiên thần, Quý Minh là Hữu Kiên thần, chia nhau sơn phận cai trị, gọi là “Tam sơn thần”. 

Lúc bấy giờ, ở trang Quán Chuỗi, xã Cổ Linh, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc có người họ Phạm tên gọi là Hòa, vợ là Trần Thị Diệu, ăn ở hiền lành, phúc hậu nhưng chỉ hiềm một nỗi ông bà đã ngoài 40 tuổi mà vẫn chưa sinh được mụn con nào, nên thường buồn rầu và lo lắng. Thế rồi, ông bà bàn nhau làm việc thiện, dựng một am nhỏ trước sân, ngày đêm thắp hương cầu nguyện. Một hôm, lập đàn cúng tế, đạo sĩ dâng biểu tâu với Thượng đế. Thượng đế bảo rằng: “Trẫm đã xem biểu, vừa sai hai thanh đồng là Chiêu Minh và Chiêu Văn giáng trần”. Quả nhiên, đêm ấy bà mơ thấy hai thiếu niên anh tuấn đứng dưới thềm xin được đầu thai. Người vợ từ chối không nhận. Hai người nói rằng: “Chúng tôi vâng mệnh Thượng đế giáng xuống trần để làm sáng phúc đức của nhà ta”. Từ đó, bà thấy trong người chuyển động. Ngày mùng 9 tháng Một, bà sinh hạ được hai người con trai khôi ngô, tuấn tú. Khi đầy năm, nhân lời đạo sĩ, bèn đặt người anh là Minh, em là Văn. Năm 12 tuổi, hai ông tài năng xuất chúng. Năm 18 tuổi, hai ông thường nghĩ tới việc thụ lập công danh làm vẻ vang cho cha mẹ. 

Một hôm, hai ông lên kinh đô học tập, ngụ ở phía tây Phong Châu, đang lúc luận bàn thế sự thì gặp Vua Hùng lập đàn kén rể ở Bạch Hạc. Bấy giờ, có ba anh em Tản Viên Sơn Thánh và Cao Sơn, Quý Minh đều là đệ nhất anh tài, nghe tin đều kéo đến trường thi. Khi Sơn Thánh đến, vua thử tài, thấy có phép hô gió gọi mưa, lại đem đồ sính lễ đến trước, vua bèn gả công chúa cho Sơn Thánh. Cao Sơn đến sau, vừa ra khỏi viên môn thì gặp hai người ở ngoài bãi cát, vạch đất bày cờ ung dung trò chuyện. Một người nói: “Nhà ngươi bày sĩ tốt theo lệnh của ta”. Và người kia cũng nói: “Hai người này chí khí phi phàm, tất sẽ lên xe xuống ngựa, nắm giữ binh quyền”. Đoạn hỏi duyên do, Cao Sơn bèn đưa về nuôi dưỡng, tuy là con nuôi nhưng yêu quý như con đẻ.

Lại nói, Sơn Thánh sau khi thành hôn, nhà vua giao cho quốc chính, vinh phong cho hai người em, Cao Sơn là Tả đô đài đại phu, Quý Minh là Hữu đô đài đại phu. Nhà vua lại phong cho hai người con nuôi, một là Hoàng Triều, một là Hoàng Bá. 

Ít lâu sau, có người ở đất Ba Thục họ Thục, tên Phán đem trăm vạn hùng binh chia làm 5 mũi đánh chiếm Văn Lang. Vua Hùng phong Cao Sơn làm Dũng liệt đại tướng quân, mang 5 vạn đại tinh binh, 300 chiếc thuyền đi tập kích các cửa biển. Phong Quý Minh làm Hùng uy tướng quân, dẫn 5 vạn quân, 3.000 khinh kỵ tiến đánh Bố Chính. Phong Lục Lang làm Hiệu úy mang 2.000 quân cung nỏ đi phá đạo Mai Sơn… Lập tức Cao Sơn lệnh cho Hoàng Triều, Hoàng Bá xin với Sơn Thánh ban cho quân hiệu tòng chinh. Sơn Thánh phong cho Hoàng Triều là Tuần kiểm hiệu, Hoàng Bá là Phòng nhung úy được đi theo cha nuôi thành một đạo đánh dẹp. Các tướng mổ ngựa tế cờ, chia đạo cùng tiến. Cao Sơn và Hoàng Triều, Hoàng Bá theo cửa sông thuận dòng đi xuống. Hoàng Triều, Hoàng Bá xin với Cao Sơn cho trở về Quán Chuỗi ít ngày. Hai ông Hoàng bèn biện lễ vật mang đến từ đường làm lễ bái yết rồi mời dân làng đến cùng dự yến ẩm. Tiệc xong lại trở về lạy mừng Cao Sơn. Cao Sơn thấy nơi đây trước mặt sông vòng, sau lưng nước chảy, thật là nơi hiểm yếu, bèn sai lập đồn trại tại thôn dân để ứng tiếp. Lại chiêu mộ 40 tráng đinh làm gia thần. Được Hoàng Triều và Hoàng Bá giúp sức. Cao Sơn đã đánh lui quân Thục. Các tướng về triều báo tin thắng trận. Cao Sơn trở về hai trại Hoa Khê và Mỹ Khê bày tiệc yến hưởng, rồi cùng Hoàng Triều, Hoàng Bá trở về Quán Chuỗi khao quân. Vua Hùng phong cho Cao Sơn làm Quyền chưởng quốc, phong cho Hoàng Triều là Hữu đô lang, phong cho Hoàng Bá làm Tả đô lang. Lúc này cha mẹ Hoàng Triều và Hoàng Bá vừa mất, nhà vua cho hai ông trở về quê làm lễ chôn cất, và cho phép dân Quán Chuỗi được miễn thuế khóa, phu dịch để thưởng cho công lao của hai ông. 

Lại nói, Hùng Vương ở ngôi 105 năm, các hoàng tử lần lượt qua đời, vua muốn nhường lại cho Sơn Thánh nhưng Sơn Thánh nhất quyết không nhận, vua lại vời Vương Thục đến để nhường ngôi. 

Từ đó, cơ nghiệp nhà Hùng đã vào tay nhà Thục. Cao Sơn từ bỏ chức vụ trở về nơi cũ ẩn cư tại Tung Sơn. Một hôm, tiết trời ấm áp, Cao Sơn cùng sáu, bảy đồng tử tay cầm bầu rượu, tay cắp quạt lông tản bộ, leo núi ngắm cảnh trên đỉnh ngọn núi này. Bỗng nhiên trời đất tối sầm, gió bão ào ạt. Trong khoảnh khắc, trời quang mây tạnh, các đồng tử đi tìm nhưng không thấy dấu vết của đại vương, chỉ thấy một áng mây lững lờ trên đỉnh núi, rồi bỗng biến thành một cái mống trắng.

Nhân dân địa phương nơi đó dựng miếu phụng thờ, coi đó là ngôi chính từ. Thục chúa coi Cao Sơn là bậc trung thần, tức thì ban một đạo sắc phong là Cao Sơn Đại Vương Thượng Đẳng Thần, xuống chiếu cho thiên hạ chỗ nào ngày xưa Cao Sơn lập đồn sở thì đều phải rước sắc phong về, dựng miếu phụng thờ. Bấy giờ, hai ông Hoàng Triều, Hoàng Bá trở về Quán Chuỗi và nói với dân rằng: “Cao Sơn Đại Vương là bố nuôi của chúng ta, là bậc có công với dân, nay phải dựng miếu, đề thần hiệu phụng thờ để báo đáp ơn trạch của ngài”. Nhân dân vâng lời, bèn trùng tu đồn sở thành ngôi từ vũ, đề miếu hiệu là “Cao Sơn Đại Vương”. 

Từ đó, hai ông ở lại Quán Chuỗi, lấy nhân nghĩa để cố kết nhân tâm, lấy tín để xây thành mỹ tục; lại hay xuất tiền của giúp trẻ nghèo khó, người đói cho cơm, người rét cho áo, nên mọi người trong ấp đều đội ơn. 

Thấm thoát đã trải qua ba năm, một hôm hai ông bỗng nhiên bị bệnh nặng, nhân dân sợ hãi cầu cúng đủ cách mà mà cuối cùng vẫn không thuyên giảm. Hai ông bèn vời nhân dân đến nói rằng: “Nay số mệnh ở trần gian của chúng ta đã hết, đến lúc Thượng đế có sắc triệu về, không được dùng dằng đam mê thế tục. Thảng hoặc sau khi chúng ta hóa rồi, được phối thờ ở cạnh bố nuôi ta thì may mắn lắm vậy. Nay chúng ta còn mấy chục lạng bạc và 300 quan tiền đồng, giao cho dân xã mua ruộng đất, dùng để chi dùng vào việc đèn hương”. Nói xong, hai ông trút hơi thở cuối cùng. Hôm ấy là ngày mùng 10 tháng 2. Nhân dân làm lễ chôn cất ở ven ấp. Sau đó, theo lời dặn, dân lập thần lập hiệu là “Hoàng Triều Thần Vị, Hoàng Bá Thần Vị” và rước vào thờ cùng một đền Cao Sơn Đại Vương.

Đến thời Đường Cao Tông, Cao Biền phát quân đánh Nam Chiếu, vừa mới qua Quán Chuỗi, bỗng gặp sóng gió, thuyền không tiến được, bèn lệnh mổ trâu cúng tế chư vị đại vương, cầu xin phù hộ. Bỗng nhiên sóng gió êm ả, Cao Biền mang quân tiến đánh thu được toàn thắng, cho là linh nghiệm, lập tức ban tặng sắc phong Đệ nhất vị thần hiệu như cũ, lại gia phong tám chữ Đôn Ngưng - Hiển Hách - Bảo Quốc - Phù Tộ, Hoàng Triều gia phong bốn chữ Thông Thành - Chiêu Ứng, Hoàng Bá gia tặng bốn chữ Uy Linh - Trợ Thuận.

Năm Hưng Long thứ 20 (1312) đời Trần Anh Tông, gia tặng Đệ Nhất Vị Anh Uy - Cương Đoan - Phu Hóa - Đôn Nghĩa.

Phong: Cao Sơn Đại Vương Thượng Đẳng Thần.

Phong: Quý Minh Đại Vương Thượng Đẳng Thần.

Phong: Hoàng Triều Tôn Thần.

Phong: Hoàng Bá Tôn Thần.

Ngày thánh đản thần Cao Sơn: Ngày 15 tháng 9.

Ngày thánh hóa: Ngày 10 tháng 2.
 

Ngày Hoàng Triều, Hoàng Bá cùng sinh: ngày 9 tháng Giêng; ngày hai vị cùng hóa: ngày 10 tháng 2.

Quán Chuỗi là tên nôm của thôn Ô Cách, nay thuộc phường Đức Giang, quận Long Biên, TP. Hà Nội. Hiện thôn Ô Cách vẫn còn ngôi đình thờ Cao Sơn Đại Vương và Hoàng Triều, Hoàng Bá.
 

Hàng năm vào ngày 10 tháng 2 âm lịch, nhân dân tổ chức lễ hội tưởng niệm công đức bốn vị thần.

Đình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.

Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/cao-son-dai-vuong_261336.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)