1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Văn hóa

Báo Người Hà Nội: Diễn đàn và mái ấm hội tụ lực lượng sáng tác Thủ đô

01/05/2020
Báo Người Hà Nội: Diễn đàn và mái ấm hội tụ lực lượng sáng tác Thủ đô


 

Nhà văn Tô Hoài - người sáng lập và là Tổng Biên tập đầu tiên của báo Người Hà Nội cùng nhà thơ
Bằng Việt - nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội

 

 

Năm 1983, tôi đang công tác ở tạp chí Tác phẩm mới của Hội Nhà văn Việt Nam, thì được đồng chí Mười Hương, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, thông qua nhà văn nữ Lê Minh giới thiệu, đến thăm và đặt vấn đề muốn đưa tôi về Hà Nội để tăng cường xây dựng cho phong trào văn hóa văn nghệ Thủ đô. Thời đó, ở Hội Văn nghệ Hà Nội đang thiếu người, nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn sắp nghỉ hưu, chưa có ai thay. Nghe đồng chí Mười Hương nói chuyện rất sôi nổi, nhiệt tình, đồng thời đưa ra viễn cảnh về một phong trào văn nghệ rất bề thế, đầy lạc quan và mong nó phải có vị trí xứng đáng với tầm vóc Thủ đô, tôi vui vẻ nhận lời ngay. 

 

Thế là, tôi về làm Tổng thư ký Hội Văn nghệ Hà Nội từ năm 1983. Sau khi ổn định được tổ chức Hội, tôi ráo riết đề xuất việc xin một trụ sở cho Hội, để có nơi “an cư lạc nghiệp” và trình bày với Thành ủy để làm sao được ra một tờ báo – cơ quan ngôn luận của Hội. Khỏi phải nói, hai việc này là thiết thân đến thế nào cho mục tiêu “khởi nghiệp” của Hội. Trước đó, trụ sở Hội chỉ là một phòng nằm trong Sở Văn hóa, còn ấn phẩm của Hội chỉ là mấy số tập san sáng tác ra không đều kỳ cũng xin giấy phép tạm của Sở Văn hóa. Hai nhà văn Vũ Bão và Hà Ân còn cộng tác với Sở Văn hóa để ra được một tập san cho thiếu nhi lấy tên là Ngựa Gióng, cũng không đều kỳ. May mắn, là thời kỳ này, nhạc sĩ Trần Hoàn lại vừa được tăng cường về Thành ủy Hà Nội, làm Phó Bí thư, vì thế các đề xuất của Hội Văn nghệ được các đồng chí Mười Hương và Trần Hoàn rất ủng hộ và phát huy hiệu quả ngay: Trụ sở 19 Hàng Buồm thì được chuyển cho Hội Văn nghệ từ quyền quản lý của Mặt trận Tổ quốc, sau khi người Hoa về nước (trước là hội quán Việt-Hoa). Còn giấy phép xuất bản tờ báo chính thức của Hội cũng được nhanh chóng hoàn tất, ngay trong mấy tháng đầu mùa xuân năm 1985. 

 

Thời kỳ này, tôi cũng mời được cả bác Tô Hoài về hẳn Hà Nội, làm Chủ tịch Hội. Bác Tô Hoài vốn là cây bút gắn bó rất lâu năm với Hà Nội, ngay từ 1966, trong Đại hội thành lập Chi hội Văn nghệ Hà Nội, đã từng là hội viên sáng lập chủ chốt. Đến nay, thấy ở Hà Nội không khí quây quần đông vui, Chi hội cũng được nâng lên thành Hội, có cơ “ăn nên làm ra”, bác Tô Hoài rất vui bảo chúng tôi nhờ Ban Tổ chức Thành ủy sang Hội Nhà văn Việt Nam “đánh tiếng”, để Hội Nhà văn đồng ý cho bác về ở hẳn luôn biên chế Hà Nội.

 

Trước ngày xin phép ra báo, chúng tôi ngồi lại với nhau để tìm ra một cái tên thích hợp. Anh Triệu Bôn, chị Phan Thị Thanh Nhàn, anh Nguyễn Anh Biên, anh Chử Văn Long, anh Như Mạo… cùng bác Tô Hoài và tôi, cùng suy nghĩ đưa ra nhiều cái tên. Nhưng cuối cùng, không ai nghĩ được cái tên nào hay hơn bác Tô Hoài.  Bác nói: “Cái chất thanh lịch, cái “phông” văn hóa của người Hà Nội chính là cốt lõi làm nên ưu thế của đất kinh kỳ, không đâu sánh nổi. Văn nghệ Hà Nội có sang trọng và nổi đình đám được, thì cũng phải nhờ ở con người, nhờ cái chất người, cái tầm vóc trí tuệ, phẩm cách con người ở nơi “đất lề quê thói” nghìn đời này, vậy sao ta không lấy ngay “Người Hà Nội” làm tên báo, nó gợi nhiều ý nghĩa lắm đấy!”. Chúng tôi đều cho là phải, và thế là tên báo được định hình.

 

Lại đến cái tiêu đề ở trên măng-sét báo. Một số ý kiến bảo: Cứ lấy ngay cái tiêu đề “Vì Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội” như trên báo Văn nghệ là ổn. Tôi bèn nói: Văn nghệ là phải sáng tạo, đổi mới, không nên lười nhác ăn sẵn. Thơ với truyện của các anh các chị còn không ai muốn lặp lại chính mình nữa kia, huống chi là một câu khẩu hiệu. Tôi thấy trong một lời kêu gọi của Trung ương, sau ghi trong Nghị quyết của Đảng về Hà Nội, có nêu rằng, Hà Nội là Thủ đô, nên phải làm đầu tàu cho cả nước, làm điều gì cũng phải nghĩ đến cả nước. Ngược lại, cả nước cũng luôn nhìn vào noi gương Thủ đô và hết lòng ủng hộ cho Thủ đô luôn xứng tầm mình. Ta nên lấy ý đó, là: “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, là rất phù hợp với Thủ đô. Tiêu đề này cũng được tất cả thông qua.

 

Đêm ngày 7/5/1985, tôi và nhà văn Triệu Bôn (là Trưởng Ban biên tập) lọ mọ thức cả đêm ở nhà in báo Hà Nội Mới, lúc ấy ở phố Nhà Chung. Chúng tôi mượn một cái ghế dài. Ngồi ở hành lang xưởng in, đón từng trang báo thơm mùi mực, đem ra chỉnh sửa lỗi mo-rát, chỉnh bát chữ không xô, chỉnh màu, chỉnh độ đậm của mực in… ưng ý, rồi mới đưa vào cho chạy máy. Máy in hồi đó là máy in ti-pô, đâu có hiện đại như bây giờ, nên công sửa bài rất vất vả, sửa xong, tay chân cũng lem nhem toàn mực. Nhưng thật vui khi được trông thấy tờ báo mới tinh “ra lò”, khiến chúng tôi quên hết mệt, quên cả việc đã thức trắng đêm không ngủ!

Tờ báo ra đời được anh chị em văn nghệ rất chú ý. Cả Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội cũng dành nhiều quan tâm. Được in bài trên báo của Hội lúc đó là cả một vinh dự. Anh chị em hội viên đến mua báo khá đông, lại gửi bài cho báo cũng đông vui, sôi nổi. Báo Người Hà Nội đầu những năm 90 thế kỷ trước có thể coi là ở thời hoàng kim, vì có số lượng phát hành khá, lên đến trên 1 vạn bản/số. 

 

Tờ báo rất có ý thức thu lượm ý kiến đóng góp xây dựng của cộng tác viên và bạn đọc. Các ý kiến được Ban biên tập phản hồi nhanh và đặc biệt Ban biên tập luôn có thiện chí muốn cải tiến tờ báo hay hơn, đẹp hơn, phù hợp với nhu cầu độc giả hơn. Hàng tuần đều có rút kinh nghiệm, giải quyết và xử lý những thắc mắc hoặc đề nghị của cộng tác viên và bạn đọc. Báo cũng luôn nghe ý kiến các văn nghệ sĩ lão thành tên tuổi, đến tòa soạn góp ý là thêm mục này, bớt mục kia, hoặc đưa ra các đề nghị nên ủng hộ xu hướng nào trong quan điểm sáng tác, ủng hộ những khuynh hướng tìm tòi, đổi mới hay cách tân nào, chống chủ nghĩa tự nhiên sống sượng, chống chủ nghĩa hình thức giả tạo, chống tâm lý thương mại hóa rẻ tiền. Những việc này làm cho tờ báo gần gũi hơn với độc giả, tạo được mối quan tâm thường xuyên của anh chị em hội viên với tòa soạn, làm không khí tòa báo lúc nào cũng vui, cũng hấp dẫn anh chị em sáng tác, vì họ thấy ở đấy thực sự là một mái nhà ấm cúng, còn tờ báo thực sự trở thành một diễn đàn văn nghệ.

 

Tính năng động của tờ báo cũng còn thể hiện ở chỗ luôn mở một hai mục tranh luận về một tác phẩm nào, khi có dư luận khác biệt lúc mới ra đời. Các ý kiến được đăng tải rộng rãi, sau đó, Ban biên tập cử ra một số tác giả có uy tín đứng “cầm chịch” cuộc thảo luận và cuối cùng có kết luận rõ ràng, có chủ kiến.

 

Một điểm nóng hồi nữa khi mới sang thời Đổi mới,  là có rất nhiều vụ việc phức tạp về đời sống xã hội khi chuyển sang kinh tế thị trường và việc một số cơ quan quản lý quen như thời bao cấp, xen vào quá sâu nội bộ các doanh nghiệp, xảy ra va chạm, rồi tạo ra hình sự hóa không đúng trong kinh doanh, hoặc thương mại hóa tầm thường trong quan hệ văn hóa… Thời kỳ này đang là môi trường tốt cho việc đi viết phóng sự, điều tra, cũng như dễ hình thành nên nhiều vở kịch ăn khách, có kịch tính cao. Kịch Lưu Quang Vũ nắm bắt được thời cơ, nên rất nổi tiếng trong thời kỳ này. Còn ở báo Người Hà Nội, các phóng sự của nhà báo Hương Trâm cũng luôn được hồi hộp đón đọc hàng tuần, ngay khi báo phát hành.

 

Về hình thức trình bày, Ban biên tập báo cũng đề nghị các họa sĩ phải luôn học hỏi, rút kinh nghiệm và cải tiến cách trình bày ngày một đẹp hơn, hợp lý hơn. Thậm chí, đến măng-sét của báo, nếu chưa đẹp, thì tòa soạn cũng sẵn sàng thuê vẽ lại, thậm chí đặt hàng một số họa sĩ để có được măng-sét ưng ý nhất. Tôi nhớ là trong vòng khoảng mươi năm đầu, báo cho thay đến 6-7 măng sét, trước khi đi đến ổn định như hiện nay (măng sét hiện tại là của họa sĩ Vũ Tiến). Có một lần, báo còn đổi cả khổ báo nhỏ đi, để bán chạy hơn và cũng được độc giả thích hơn.

 

Về chất lượng và tư thế của tờ báo, chúng tôi luôn luôn nói với anh chị em phóng viên, biên tập và cả cộng tác viên rằng Hà Nội là Thủ đô, nên chúng ta không nên tự coi mình là báo tỉnh lẻ, tùy tiện hạ thấp chất lượng báo. Trái lại, khi ta bày báo trên sạp là đứng ngang hàng với tất cả các tờ báo lớn của Trung ương. Vì vậy, phải ra sức nâng tầm tờ báo lên, ngang tầm một tờ báo Trung ương, tức là nâng mình ngang vị thế tờ báo tầm quốc gia, chứ không phải tầm địa phương. Đây không phải là yêu cầu có tính sĩ diện, mà rất thiết thực, vì nếu hạ tầm tờ báo xuống thấp hơn các báo Trung ương bán cùng trên sạp, thì bao giờ bạn đọc cũng mua tờ báo của Trung ương trước, còn tờ báo mình “thấp cấp” hơn, thì hãy đợi đấy, họ chẳng thừa tiền mà mua đâu! Vậy là sự cạnh tranh thực tế trên sạp báo buộc mình phải tự nâng tầm lên để cứu mình, chứ đâu phải chỉ để huênh hoang.

 

Những năm đó, Hội có tổ chức một số lớp bồi dưỡng viết văn trẻ, trung bình một khóa bồi dưỡng 2 - 3 tháng. Báo tổ chức các cuộc thi viết cho anh em trẻ, đăng một số tác phẩm xuất sắc của anh chị em học viên lên báo, nên không khí tìm đọc văn học trẻ, đổi mới, cách tân, tìm tòi thể hiện… cũng lan tỏa trên báo và thu hút nhiều bạn viết trẻ tìm đọc. Các nhà văn tên tuổi có đến giảng bài, có khi Hội còn mời được cả các tên tuổi lớn như Nguyễn Tuân, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Anh Thơ, Xuân Diệu, Kim Lân, Tô Hoài… đến giảng bài, phân tích tác phẩm và cũng cho in trên báo một số bài giảng bổ ích có phân tích sâu sắc. Nhờ vậy, tờ báo thực sự trở thành một diễn đàn cuốn hút, chứa đựng các vấn đề cập nhật và bổ ích về chuyên môn cho các thế hệ sáng tác, nhất là lớp trẻ. Từ đó, thì vai trò của Hội – nói như nhà thơ Huy Cận, là một vườn ươm các tài năng trẻ, cũng được nâng cao lên. Đương nhiên là tờ báo của Hội có vai trò xúc tác khá uy tín, là một mái ấm thân thiết và hữu ích cho mọi người, già cũng như trẻ.

 

Tờ báo của chúng ta nay đã bước sang tuổi 35. Ôn lại một số chuyện cũ, chúng ta vẫn mong muốn là nếu Hội muốn mạnh lên, tăng thêm nhiều ảnh hưởng và tác động xã hội hơn nữa bằng văn hóa đọc, cũng như đáp ứng được vai trò là một vườn ươm tài năng trẻ kế cận, thì luôn phải có một tờ báo mạnh ra đều kỳ, một diễn đàn văn nghệ mạnh, dành nhiều chỗ cho sáng tác. Chỉ trên cơ sở như thế, tờ báo mới thực sự là nơi tập hợp, là mái ấm quây quần, hội tụ văn nghệ sĩ, cũng là nơi nuôi dưỡng lực lượng sáng tác trẻ một cách thuận lợi. Đấy cũng là điều mà mỗi anh chị em yêu mến báo Người Hà Nội hôm nay đều tâm niệm và ghi nhớ.

 

Bằng Việt/ Báo Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/bao-nguoi-ha-noi-dien-dan-va-mai-am-hoi-tu-luc-luong-sang-tac-thu-do_258997.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)