1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Văn hóa

Bắc Giang: Ngôi chùa linh thiêng, nghìn năm tuổi mang tên ''Bổ Đà''

05/04/2021
Người Bắc Giang có câu: “Thứ nhất là Chùa Đức La Thứ nhì chùa Bổ, thứ ba chùa Tràng” chẳng thế mà từ nhỏ, mẹ vẫn thường dẫn tôi đi lễ chùa, đặc biệt là ngôi chùa Bổ Đà linh thiêng và huyền bí này.

Chùa Bổ Đà trong tôi

Không biết tự bao giờ sự linh thiêng, huyền bí của chùa Bổ Đà được lan truyền, du khách thập phương đổ về lễ tạ. Thực hư thế nào, và được kiểm chứng ra sao thì chắc cũng chỉ có những du khách, người dân đã đến đây, mới có câu trả lời. Tôi vẫn nhớ như in, lời của mẹ khi tôi về thăm quê cách đây gần 20 năm. Vợ chồng cậu Trung (là cậu thứ 2 em của mẹ tôi) có thêm bé trai rồi đấy, ơ thế cậu mợ lại sinh thêm em nữa ạ, tôi giật mình hỏi lại. Hồi đó, thấy bảo là cậu mợ làm lễ to lắm, để lễ tạ trên chùa Cao (Chùa cao là một trong 3 ngôi chùa trong quần thể chùa Bổ Đà gồm chùa Cao, chùa Quán Âm, chùa Tứ Ân tự).

Cổng vào của chùa Bổ Đà, hai bên là bức tường được xây ngang đầu người, phủ rêu xanh, cổ kính.

Người dân ở quê tôi, đặc biệt là người dân sống gần ngôi chùa đồn rằng, tất cả các cặp vợ chồng hiếm muộn, mong muốn sinh được con trai thì cứ lên chùa Cao lễ lạt, thành tâm là sẽ “cầu được ước thấy”. Tôi không có quan điểm mê tín, chắc là sự trùng hợp ngẫu nhiên thôi, nhưng mẹ tôi thì chắc mẩm rằng, nhiều người đã đến xin lộc và lễ tạ đều được “toại nguyện”. Nếu sự linh thiêng ngôi chùa Cao tại chùa Bổ Đà là có thật, thì có lẽ vợ chồng cậu tôi sẽ là một “minh chứng sống” cho những lời đồn đó…

Sau này, khi tôi lấy chồng và có con, tôi vẫn thường đưa các con về quê thăm ông bà, cho bọn trẻ được tìm hiểu và cảm nhận về nơi mà mẹ chúng đã lớn lên. Tôi đưa các con đi nhiều nơi, cả những địa điểm mà ngày nhỏ mẹ vẫn thường đưa tôi đến. Và một trong những nơi không thể thiếu đó là đi vãn cảnh tại chùa Bổ Đà. Ngày đó, cứ cho rằng là mẹ mê tín, chuyện của cậu mợ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng trong một lần khi đến chùa Cao, tôi cũng thử cầu xin, “nếu sau này con có sinh thêm, thì xin lộc Đức Phật ban cho con một cậu ấm…”

Một góc sân chùa với những kiến trúc cổ kính, trong những ngày Tết đến, xuân về.

Bây giờ, tôi cũng đã có 3 đứa con, đủ nếp, đủ tẻ. Ngẫm lại, không biết có phải lời cầu xin của tôi tại chùa Cao năm nào đã linh ứng… Cho dù thế nào, với những gì mà tôi biết, thì sự linh thiêng của ngôi chùa Cao không phải tự nhiên mà có, rất nhiều cặp vợ chồng đã đến đây, cầu xin một phép màu nhiệm và được “ứng nghiệm”. Nguồn cơn của những tin đồn đó, được thể hiện qua “Sự tích ông Tiều phu” đã cầu xin Đức Phật "Nhược bằng đức Phật quan âm phù hộ cho tôi sinh con trai, tôi xin dựng chùa thờ". Sau lời cầu xin đó, ông Tiều phu có con trai thực và ngôi chùa cũng có từ đó. Các bạn có thể tìm đọc để hiểu thêm về những điều bí ẩn và linh thiêng tại ngôi chùa nghìn năm tuổi này. Tuy nhiên, không nên quá mê tín. Cá nhân tôi vẫn nghĩ, mọi sự đến đều là nhân duyên, là sự ngẫu nhiên của số phận.

“Trăm năm vối đã già nua

Như vào cổ tích mà chưa bạc đầu.

Bổ Đà tên gọi từ đâu?

Nghe trong sự tích nhuốm màu thời gian:

Rằng xưa kiếm củi trên ngàn

Tiều phu hiếm muộn được ban đồng tiền

Gốc thông, ông bổ, khấn liền

“Quan thế âm Phật” mà nên nhiệm màu.

Ba hai điều ứng cần đâu

Chỉ xin một mụn con cầu mà thôi.

Con trai ông có được rồi

Góp công, góp của dựng ngôi chùa thờ.

Quan Âm pho tượng đơn sơ

Dân gian cầu tự vẫn nhờ chùa thiêng.

Bổ Đà dùng gọi tên riêng

Tận tình ông Bổ, linh thiêng Phật Đà”.

Nguồn gốc và những giá trị văn hoá lịch sử

Chùa Bổ Đà còn được người dân quê tôi gọi với cái tên thân thuộc, là chùa Bổ (là vì chùa thờ vị Phật Đà đã ứng hiện giúp ông Tiều phu). Theo các nhà nghiên cứu, tên gọi “Bổ Đà” là cách gọi chệch của từ “Bu – da”, theo tiếng phạm gọi Bụt là Bu- da và gọi chệch đi thành Bổ Đà. Chùa còn có một tên gọi khác, chùa Quán Âm, là nơi đức Quán Âm Bồ Tát ứng hiện cứu đời. Chùa thuộc thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Ngôi chùa nằm cách thị trấn Bích Động, nơi tôi ở khoảng 10 km về phía tây. Từ nhà tôi đi chùa rất gần, nên vì thế mà ngày nhỏ, mẹ thường đưa tôi tới đây. Chùa Bổ còn được xếp vào những ngôi chùa cổ kính, độc đáo nhất, là trung tâm Phật giáo lớn nhất của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Hình ảnh thiếu nữ trong chiếc áo tứ thân, đi vãn cảnh chùa. (Ảnh chụp năm 1999)

Điều đặc biệt tại ngôi chùa này, là lối kiến trúc độc đáo, thể hiện rõ nét qua khu mộ tháp cổ kính, nằm trên một bãi đất nằm nghiêng, theo độ cao của núi Bổ Đà với diện tích gần 8.000 m². Chùa có nhiều điểm khác biệt so các ngôi chùa truyền thống tại miền Bắc. Ở khu mộ tháp, là nơi tàng lưu xá lị, tro cốt nhục thân của các vị hòa thượng dòng thiền Lâm Tế. Với cấu trúc là đá núi, gạch chỉ và đất thô, xây lên một bức thành dài bao quanh vườn tháp, khiến khu vườn toát lên sự thanh tịch, sâu lắng.

Với gần 100 ngôi tháp, vườn tháp chùa Bổ Đà được đánh giá là đẹp và lớn nhất trong số những ngôi chùa cổ ở Việt Nam, là nơi yên nghỉ của hơn 1.000 vị cao tăng đã từng tu hành tại chùa qua các thời kì lịch sử. Mỗi cây tháp an táng từ 4 thi hài đến 26 thi hài được xây 3 - 4 tầng tháp có độ cao 3 – 5 m, những ngôi tháp sư tổ còn cao và rộng hơn nữa.

Các ngôi mộ tháp xếp thành hàng, lớp lớp dầy đặc theo những quy định riêng và rất chặt chẽ của thiền môn. Ngoài lối kiến trúc độc đáo, độc nhất vô nhị, chùa Bổ Đà còn chứa đựng nhiều cổ vật có giá trị và là kho tàng di sản Hán – Nôm phong phú.

Một góc trong khu hậu viện của chùa, nơi lưu giữ, chứa đựng nhiều cổ vật có giá trị.

Bao quanh ngôi chùa là hình ảnh sơn thuỷ hữu tình, giao hoà giữa không gian và đất trời theo thế nhìn sông tự núi tạo nên cảnh sắc như chốn bồng lai tiên cảnh, bao bọc bởi đồi núi, làng mạc. Ngoài ra, trong chùa, còn lưu giữ một kỷ lục được xếp vào cổ nhất thế giới, đó là bộ ván kinh Phật (Bộ mộc bản kinh phật khắc trên gỗ thị của thiền phái Lâm Tế) được khắc năm 1741. Ngày nay tại chùa, bộ kinh vẫn còn khá nguyên vẹn. Cùng với chất liệu gỗ thị, kinh được khắc nổi bằng chữ Hán, bằng những nét chữ tinh xảo, rõ nét, bền đẹp, xuyên thời gian. Đặc biệt, bộ kinh gỗ này, nói đến những đặc trưng của Phật giáo Trung Hoa khi được truyền giáo vào Việt Nam với 3 tông phái (Thiền tông, Tịnh Độ tông, Mật tông), nói đến nỗi khổ của con người và sự giải thoát. Trong đó tiêu biểu nhất là Tứ Diệu đế - 4 chân lý kỳ diệu của đạo Phật - gồm: Khổ Đế, Nhân Đế, Diệt Đế và Đạo Đế.

Hội nhiếp ảnh Hà Nội về chụp tại chùa Bổ Đà năm 1999. Trong ảnh, người đứng thứ hai từ bên phải vào là nhà báo Vũ Hoàng Thương, nguyên Phó trưởng Đài phát thanh huyện Việt Yên cùng tác giả đứng thứ tư từ trái sang.

Với sự cổ kính của một ngôi chùa nghìn năm tuổi, Chùa Bổ Đà được cho là một trung tâm Phật giáo lớn của Việt Nam nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng. Theo sử sách và Đại đức Thích Tục Vinh, trụ trì chùa hiện nay, thì chùa đã được trùng tu và mở rộng. Ngoài vị sư Phạm Kim Hưng từ quan về chùa tu hành, còn có 18 vị quan khác. Khi còn làm triều chính, trong 18 vị quan đó, có người theo đạo Phật, người theo đạo Nho, người theo đạo Lão, nhưng khi từ quan về chùa thì tất cả đều theo đạo Phật. Tuy nhiên, trò nào thì cũng phải nhờ thầy (Phụ mẫu tại đường, chư phật tại thế) có lẽ vì thế mà chùa Bổ Đà thờ Tam giáo, đây là điều đặc biệt mà ít có ở các ngôi chùa khác tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chùa còn có đền thờ Thạch tướng quân (Tức Thạc Tướng Đại Vương – Người có công giúp vua Hùng thứ 16 chống giặc ngoại xâm). Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, Mỹ chùa Bổ Đà cũng được lựa chọn làm căn cứ cách mạng của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhiều cuộc chiến tranh đã đi qua, đất nước đã được hoà bình, độc lập, những dấu vết của thời gian đã được tu bổ, nhưng chùa Bồ Đà vẫn giữ nguyên được vẻ cổ kính, trầm mặc.

Hàng năm, cứ vào mỗi dịp 16 đến 18 tháng 2 âm lịch, lễ hội giỗ tổ khai sơn lập ra chùa Bổ Đà được tổ chức long trọng, rất đông khách thập phương về dự. Trong lễ hội còn diễn ra các màn hát giao duyên mượt mà, tái hiện khung cảnh quê hương thanh bình, giàu tình cảm của các liền anh, liền chị trong làng. Năm 2016 chùa được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

“Ai ơi mười tám tháng hai

Nhớ đi chùa Bổ, chùa Bài Việt Yên.

Bổ Đà toạ lạc đất Tiên

Chùa lưng chừng núi, chùa liền rừng thông”.

Với sự cổ kính nhuốm màu thời gian mà nhiều du khách và các nhiếp ảnh đã chọn ngôi chùa này là nơi làm tư liệu và lưu giữ những khoảnh khắc. Dưới đây là những bức ảnh được Hội nhiếp ảnh Hà Nội chụp vào những năm 1999 - 2000. (Tư liệu được cung cấp bởi nhà báo Vũ Hoàng Thương, nguyên Phó trưởng Đài Phát thanh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Bài viết còn thiếu sót và chưa đầy đủ thông tin, nhưng là cái tình mà tác giả muốn gửi gắm tới quê hương của mình, mong được bạn đọc đón nhận.

Hình ảnh tái hiện phụ nữ xưa, một góc trong khuôn viên chùa

Sắc màu thời gian được thể hiện rõ nét, vết ố và việt loang của rêu phong in hằn lên bức tường, cùng hình ảnh thiếu nữ tạo nên một bức tranh toàn cảnh không gian xưa cũ. (Ảnh chụp tại chùa Bổ Đà năm 1999)

Chiếc khăn mỏ quạ, Yếm đào thể hiện vẻ đẹp thanh tao của người con gái đất kinh bắc xưa cùng những nét rêu phong, cổ kính.

Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu

http://doanhnghiepthuonghieu.vn/bac-giang-ngoi-chua-linh-thieng-nghin-nam-tuoi-mang-ten-bo-da.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)