1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Văn hóa

Ả Lã công chúa

06/03/2020
Thần tích lưu tại đình làng Đường Yên do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào năm Hồng Phúc thứ 3 (1574), hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kể rằng, Ả Lã là con của ông Lã Tiến và bà vợ họ Triệu, quê ở trang Phả Lại, huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc.

Đình làng Đường Yên thờ nữ tướng Lê Thị Hoa - người đã có công phò giúp Hai Bà Trưng dẹp tan quân Tô Định

Thần tích lưu tại đình làng Đường Yên do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào năm Hồng Phúc thứ 3 (1574), hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kể rằng, Ả Lã là con của ông Lã Tiến và bà vợ họ Triệu, quê ở trang Phả Lại, huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc. Hai ông bà làm nghề đánh cá trên sông Nguyệt Đức, ở quãng sông từ An Phú đến Hương La, dù đã có tuổi mà chưa có con. Hai người thường bảo nhau làm việc thiện tích đức. Nghe đồn quãng sông ở huyện Đông Ngàn có nhiều hoa lợi, cá tôm, họ liền tìm đến nơi này. Đến nơi thì trời tối, họ xin nghỉ lại trong đền.

Đến cuối canh tư, người chồng  nằm mơ thấy một người con gái từ trên điện bước xuống, hình ảnh yểu điệu tựa Hằng Nga, tự xưng là con trời xuống hạ giới làm thần linh và ngự tại ngôi đền này. Ông tỉnh dậy, biết trong giấc mơ có nữ thần giáng trần. Đến canh năm, người vợ lại mơ thấy có con chim nhỏ từ trên điện bay thẳng vào miệng, bà liền nuốt lấy rồi giật mình tỉnh giấc. Hai vợ chồng đem hai giấc mơ ghép lại với nhau, đoán tất sẽ sinh con gái. Hai ông bà bèn vái tạ rồi trở ra về.

Quả nhiên, ngày 2 tháng 2 năm Quý Mùi, bà họ Triệu sinh được một người con gái có tư cách khác lạ, dung mạo tuyệt trần, đặt tên là Ả Lã. Đến năm 16 tuổi Ả Lã đã là một người con gái sắc sảo, thông minh, tài trí, dũng mãnh hơn người. Bỗng một đêm cả cha và mẹ nàng đều qua đời. Sau khi làm lễ an táng cha mẹ, thấy khí trời không tốt, nhân dân mắc nhiều bệnh, nàng đi tìm thuốc quý người. Khi đến đền Việt Tỉnh trên núi Châu Sơn, nàng gặp được vị tiên hiệu là Ma Cô và được truyền cho  thuốc quý cùng một chiếc áo có thể giúp người mặc tàng hình được. Về quê, nàng trở nên nổi tiếng với tài chữa bệnh. Một lần đến trang Đường Yên, thấy nơi đây có tiếng về lễ nghĩa, phong tục thuần hậu nhưng nhân dân chịu nhiều cực khổ, nàng lại giúp đỡ và được nhiều người theo làm thần tử. Giữa lúc đó, nhà Hán sang xâm lược nước ta, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, kêu gọi anh tài đứng lên cứu nước.

Theo lời hiệu triệu, Ả Lã tập hợp được mấy nghìn binh lính nam nữ tiến đến vùng đất Hiệp Kí, huyện Chu Diên, đạo Sơn Tây hợp binh với Hai Bà Trưng để tiến đánh Tô Định. Bà Trưng biết nàng là người có tài hơn người nên dùng làm mưu thần. Ả Lã mặc chiếc áo màu sặc sỡ và tàng hình đi vào trại giặc để xem xét tình hình. Nhờ đó, quân của Hai Bà Trưng chỉ đánh một trận là đã tiêu diệt được quân địch, chiếm được các thành trì và bắt sống Tô Định đem chém đầu ở núi Ngũ Lĩnh (?). Sau khi dẹp xong quân giặc, Bà Trưng lên ngôi và phong cho Ả Lã là Nữ tướng mưu thần, ban cho hưởng thực ấp ở huyện Đông Ngàn. Nàng trở về xây dựng dinh thự tại trang Đường Yên. Một hôm, nàng mở tiệc mời các bậc phụ lão và nhân dân đến dự. Trong lúc ăn uống bỗng có đám mây vàng xuất hiện.

Ả Lã bước lên đám mây mà bay đi. Hôm đó là ngày 2 tháng 11. Biết tin, Trưng Vương liền sai người về hành lễ và ban cho nhân dân trang Đường Yên là nhân hộ nhi phụng thờ. Khi Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân có đến đền bà làm lễ, được âm phù linh ứng lạ thường. Từ đó hàng năm đều sai người về tế lễ, tặng phong là Ả Lã Công Chúa, gia tặng Từ Tĩnh Phu Nhân. Thần rất linh ứng nên nhiều bậc đế vương sau này ban tặng mĩ tự. Đời Trần Thái Tông, giặc Mông Thát sang xâm lược nước ta, Trần Quốc Tuấn vâng mệnh đi cầu đảo bách thần và được một vị công chúa hiển linh phù hộ. Sau khi dẹp xong giặc, Trần Thái Tông phong tặng mĩ hiệu là Diệu Quang linh ứng. Thời Lê Thái Tổ, nhà vua lại phong cho thần là Nhan Uyển cương nghị anh linh, sắc cho trang Đường Yên tu sửa miếu điện phụng thờ.

Truyền thuyết địa phương còn kể rằng Ả Lã khi theo Hai Bà Trưng ra trận đã lấy tên là Lê Hai, mặc áo mo cau để giả trai và chống lại mũi tên hòn đạn của kẻ thù. Sau khi trở về làng, nàng cùng các chị em từng theo mình ra trận trút bỏ áo mo, trở lại là người con gái của đồng ruộng. Đối với nhân dân nơi đây, tên gọi Lê Hai dường như quen thuộc hơn và sử dụng để gọi tên thần trong các ngày cúng tế cũng như dịp lễ hội.

Hội Đường Yên từ xưa được tổ chức từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 5 tháng 2 âm lịch, trong đó ngày mùng 2 là chính hội. Đặc biệt trong lễ hội có múa mo, còn được dân làng Đường Yên gọi là múa “cởi vú mo”, hay còn gọi là múa phỗng. Điệu múa này tái hiện sự kiện sau khi thắng trận trở về, nàng trút bỏ áo mo, trở lại người thục nữ. Để tưởng nhớ nàng, mỗi năm mở hội, dân làng Đường Yên đều diễn lại sự tích nàng cởi áo mo. Trong lễ hội dân làng kiêng tên húy thần: Lê Hai đọc là Lê Hoa. Trong làng ai có vợ hai thì phải gọi là vợ “bé”.

Đình làng Đường Yên đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Thành phố năm 2012.

Nguyễn Thị Tô Hoài/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/a-la-cong-chua_257422.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)