1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Truyện - Chân dung

Ông và cháu

06/09/2019
Ông cụ Trung được người nhà đưa vào viện dưỡng lão hơn một tháng nay, nhưng xem ra ông chưa hòa nhập với cuộc sống mới.
Ông và cháu
 

 Ông cụ Trung được người nhà đưa vào viện dưỡng lão hơn một tháng nay, nhưng  xem ra ông chưa hòa nhập với cuộc sống mới. Trong khi những người bạn cùng phòng với ông chơi đánh cờ, buôn chuyện, nghe nhạc... vui vẻ thì ông tách nhóm ra ngồi một mình ở ghế đá khuôn viên để đọc sách. Có những buổi trưa, cái nắng gay gắt dường như muốn làm bỏng rát gương mặt già nua nhưng ông vẫn ngồi ngay ghế đá dưới góc cây điệp trơ trụi lá chỉ để nhìn đâu đó về phía xa xăm. Có lẽ ông đang hoài niệm về quá khứ.
 

Trước đây, ông từng là một người có tiếng lừng lẫy trên thương trường ấy chứ. Ông đã miệt mài lao động cả đời để có được một cơ ngơi khang trang. Rồi vì tuổi già sức yếu, ông giao quyền điều hành cho con trai mình để an hưởng tuổi xế chiều với vợ. Vậy mà ông chẳng được yên thân. Người con trai duy nhất của ông đã bao lần gây nợ. Ông vì thương con mà đi vay bạn bè, cầm cố gia sản để con mình đứng lên bước tiếp. Cô con dâu của ông vốn là một người tiêu pha phung phí, lại bướng bỉnh, chẳng chịu nghe lời cha mẹ chồng. Vì quá tức giận mà vợ ông đã lên cơn đau tim qua đời. Ông  không trách con dâu mình, có lẽ bà cụ đã tới số nên phải về với đất. Ai mà chẳng trải qua sinh - lão - bệnh - tử. Nhưng sau đám tang đau lòng ấy, sự vị tha trong lòng ông dường như vơi dần khi con dâu ông tiếp tục xúc phạm cha chồng. Anh con trai thì ngó lơ chuyện này, xem như chẳng có gì là quá đáng. Ông buồn, xin vào viện dưỡng lão ở cho thanh thản tấm thân. Cứ ngỡ khi ông đưa ra lời đề nghị đó, con ông sẽ ngăn lại, nhưng không ngờ con trai ông nói: “Nếu ba thấy trong đó thoải mái thì cứ vào ở. Chứ giờ ở nhà cũng không ai chăm sóc, làm vướng bận người khác”. Cô con dâu gật đầu lia lịa. Ông sầm mặt lại, quay về phòng thu xếp đồ đạc.
 
Hoàng hôn buông nhanh đến nỗi ông chưa đọc xong một chương sách, khi nhìn lại thì trời đã tối mịt. Ông đứng lên định quay về phòng thì có người gọi:
 
- Ông nội!
 
Hóa ra thằng Hưng, “cục vàng” của ông đây mà. Ngày nào nó cũng tranh thủ học xong là chạy đến thăm ông. Thi thoảng Hưng  xoa tay, đấm vai, bóp chân cho ông giãn gân cốt.
 
- Cháu làm gì mà thở hổn hển vậy? Mệt thì về nhà nghỉ ngơi, hôm nào khỏe hẵng đến thăm ông.
 
- Không được! Cháu nhớ ông lắm.
 
- Thằng này, cứ khéo nịnh. Mà có chuyện gì gấp hả cháu?
 
- Dạ, cũng không có gì đâu ông. Ba mẹ bảo cháu tối nay đi ăn tiệc. Nhiều lúc cháu chẳng thích bạn bè của ba mẹ chút nào. Họ dường như không thật hay sao ấy. Nói toàn những điều sáo rỗng để lấy lòng nhau. Mẹ thì buộc cháu phải tập làm quen, xã giao để sau này ra trường làm ăn dễ dàng. Nên cháu muốn đến thăm ông trước rồi tranh thủ về.
Ông thở dài thườn thượt khi nói đến việc kinh doanh:
 
- Thương trường mà cháu, phải thế thôi. Ngày xưa ông cũng đã từng như thế. Nếu cháu đã chọn ngành kinh tế thì phải chấp nhận cuộc chơi thôi.
 
- Ông cũng biết cháu không ưa gì ngành này mà, tại ba mẹ ép buộc thôi.
 
- Nếu tiếng nói của ông có trọng lượng là ông đã can thiệp giúp cháu rồi.
 
Thằng cháu nội khó chịu, vội rẽ sang chuyện khác:
 
- Thôi mình đừng nhắc đến những chuyện đó nữa. Nói chuyện của ông đi. Mấy bữa nay ông ăn ngủ có ngon không ông?
 
- Thằng này, nhìn ông đi, vẫn khỏe. Chỉ có điều...
 
- Ông nhớ nhà chứ gì? Hôm nào cháu xin phép viện chở ông về nhà chơi.
 
- Không được cháu ơi! Phải có sự đồng ý của ba mẹ cháu thì viện mới chấp nhận.
 
- Cái gì cũng ba mẹ cháu. Con không hiểu hai người có xem ông là cha không nữa, đối xử với ông tệ bạc quá!
 
- Thôi, cháu không nên nói như vậy, vô phép đó….
 
Chợt chuông điện thoại của Hưng reo inh ỏi.  Hưng  thảng thốt:
 
- Chết, mẹ gọi cháu. Thôi cháu về nha ông. Hôm sau cháu đến nữa.
 
Đoạn Hưng vụt đứng dậy, tay cầm điện thoại nghe máy, chân chạy vội ra nhà giữ xe. Ông nhìn theo cười mỉm: “Nó lớn nhanh quá, lại có hiếu nữa. Phải chi ba nó được một phần như vậy thì hay biết mấy”. Ngước nhìn vào bóng đêm, vài giọt mưa lất phất bay. Suốt đêm ông không ngủ được vì lo cho thằng cháu nội, không biết có bị ướt mưa không, có cảm lạnh không... ôi thôi đủ thứ chuyện. 
 
Hôm sau, mới sáng sớm, trong khi những người bạn ông chăm tập thể dục thì ông chạy vội lên phòng hành chính xin gọi điện một tí. Bên kia đường dây bắt máy là ông hỏi ngay:
 
- Hôm qua về cháu có bị mắc mưa không? Có cảm lạnh không?
 
- Dạ cháu không sao ông ơi, có áo mưa mà. Nghe lời cháu, ông gìn giữ sức khỏe của mình nè, ăn uống điều độ nè và nhất là không được lo lắng nhiều. Thôi cháu cúp máy, giờ cháu phải chạy đến trường. Bye ông nội!
 
Ông buông điện thoại xuống, lòng thanh thản, nhẹ nhõm vì những lời an ủi của thằng cháu nội. Ông quay về khuôn viên, tập dưỡng sinh một chút rồi làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng. Thấy ông ăn ngon, người bạn nằm gần giường nói:
 
- Ông ăn khỏe vậy là tốt đó. Còn tôi, ăn uống không được. Lòng cứ lo nghĩ đâu đâu.
 
- Chậc, chúng mình sắp gần đất xa trời hết rồi, ráng mà giữ gìn sức khỏe được ngày nào hay ngày ấy. Ông không ăn càng mệt thêm.
 
- Biết làm sao hơn, nuốt chẳng trôi ông ơi. Ông thì may mắn rồi, còn có thằng cháu nội hiếu thảo thường xuyên thăm hỏi. Như tôi đây, cô độc, chẳng có ai thương xót. Nhiều lúc nghĩ chết còn sướng hơn. Sống thế này vui sướng gì chứ!
 
-  Thôi, ông đừng có bi quan. Có gì buồn cứ nói với tôi, chúng ta cùng chia sẻ. 
 
- Ông cũng khá gần gũi đấy chứ. Vậy mà lúc đầu tôi cứ tưởng ông là ông lão khó tính. Bạn bè nhé!
Thế là hai ông lão bắt tay nhau như kiểu kết nghĩa huynh đệ.
 
***
Một buổi chiều, có đôi vợ chồng trung niên ăn mặc sang trọng bước vào viện dưỡng lão. Nhìn thấy họ, ông lão chau mày, định bước vào phòng thì họ đã kịp lên tiếng trước.
 
- Ba! Tụi con đến thăm ba đây.
 
Đoạn họ ngồi xuống ghế đá đối diện rồi nói tiếp:
 
- Ba sống ở đây ổn chứ? Họ đối xử với ba ra sao? Nếu họ xúc phạm người già thì ba điện về cho con hay, con sẽ làm việc với họ.
 
Ông lão đằng hắng một tiếng thật mạnh rồi bảo:
 
- Không cần hai đứa quan tâm đâu. Ở đây họ đối xử với ba còn tốt hơn ở nhà nữa kìa. Con cái chưa làm tròn nghĩa vụ thì kiện cáo ai kia chứ!
 
Cô con dâu cảm thấy “nhột”, vội giả lả:
 
- Ba này, nói thế cứ y như là con ngược đãi ba vậy. Tụi con vẫn yêu thương và hiếu thảo với ba kia mà.
 
- Ba không nói hai đứa bất hiếu. Ba chỉ trách mình bất tài không dạy dỗ con cái nên người thôi.
 
- Lại nữa - Cô con dâu ra vẻ ngọt ngào - Chúng con thương ba lắm, ba ạ! Hôm nay vợ chồng con đến là xin phép để đón ba về nhà ở chung với chúng con luôn. Ba đồng ý nha ba?
 
Ông lão suy nghĩ hồi lâu, dường như muốn khóc nhưng kịp kiềm nén cảm xúc:
 
- Hai đứa về trước đi, cho ba suy nghĩ một đêm. Dù gì ở đây cũng quen rồi, xa thì nhớ mấy bạn già.
 
- Ba suy nghĩ nhanh rồi về với chúng con nhé! - Anh con trai hớn hở ra chiều lễ phép - Thưa ba, chúng con về.
 
Hai người sánh vai nhau ra về. Ông lão ngồi thẫn thờ như kẻ mất hồn hồi lâu. Phải nhờ cô điều dưỡng lay vai ông mới giật mình. Ông lầm lũi đi về phòng, lòng và đôi chân nặng trịch, đau như có đá ghè. Ông khóc như mưa. Người bạn thân ông:
 
- Chuyện gì mà ông khóc?
 
- Tôi buồn, ông ạ! Con trai đến xin đón tôi về.
 
- Thế thì ông phải vui lên chứ! Không có gì thoải mái bằng sống ở nhà mình.
 
- Tôi cũng chẳng biết mình nên vui hay nên buồn.
 
Sáng sớm, ông xin nghỉ tập dưỡng sinh để gọi điện cho thằng cháu thì nó đã xuất hiện ở ghế đá. Ông lão thảng thốt:
 
- Cháu đến sớm thế, không học hành gì sao? 
 
- Dạ, cháu có chuyện muốn nói với ông. Tối qua cháu nghe ba với mẹ bàn nhau đưa ông về nhưng có vẻ gì mờ ám lắm, ông ạ! Khi cháu xuất hiện, ba vội rẽ sang chuyện khác.
 
- Thật ra sáng nay ông cũng định gọi điện bảo cháu tới để bàn chuyện này. Hôm qua ba mẹ cháu có ghé thăm ông và xin rước ông về.
 
- Ông ơi, đừng về - Hưng phản ứng dữ dội - Mặc dù cháu rất muốn ông về sống với cháu, nhưng cháu nghĩ nơi đó không thuộc về ông nữa. Cháu thấy ông sống ở viện sẽ tốt hơn.
 
- Cháu nghĩ thế sao?
 
- Dạ! Cháu thấy ba mẹ không thật lòng đâu. Họ có tính toán gì đó mà cháu không biết. Cháu buồn quá ông ạ!  Phải chi cháu có một ngôi nhà riêng, cháu sẽ đón ông về ở với cháu, không ai nặng nhẹ ông nữa hết.
 
Nghe Hưng nói đến đây, ông ứa nước mắt. Trời đang nắng ửng hồng nhưng cứ như đổ mưa rào. Ông lão vuốt tóc cháu nội, bảo:
 
- Thôi đừng có khóc nữa, ông hiểu ba mẹ cháu đang nghĩ gì mà.
 
- Chuyện gì vậy ông?
 
- Chuyên bí mật, rồi sau này cháu sẽ hiểu.
 
- Nếu ông không nói thì cháu sẽ không điều tra. Mà ông ráng sống thật lâu nha ông. Không lâu nữa cháu ra trường, đi làm dành dụm mua nhà rước ông về.
 
Thằng cháu nội lại làm ông nghẹn lòng…
 
Trưa đó, ông lão lôi hộp sách ra xem. Lần này ông không đọc sách mà xem ảnh. Nhiều ảnh lắm cơ. Ông đưa cho người bạn già của mình hàng loạt tấm ảnh chụp các khoảnh khắc của gia đình ông, con cháu ông.
 
- Nhìn gia đình ông hạnh phúc thế này mà ông lại vào đây thì thật là một nghịch lý.
 
- Ông bạn, đôi lúc hình thức dễ đánh lừa nhãn quang của con người đấy.
 
- Ông triết lý quá, tôi chịu thua. Tôi sống và nghĩ đơn giản hơn ông nhiều.
 
- Ông này, tôi có một việc nhờ ông.
 
- Ông cứ nói, chuyện gì giúp được tôi sẽ làm.
 
- Không có gì khó khăn cả. Ông giữ giùm tôi hộp sách này và đưa tận tay cho thằng cháu nội tôi được chứ?
 
- Sao ông không tự tay đưa? Dù gì mai ông cũng về nhà rồi kia mà.
 
- Ông cũng biết rồi đấy, tôi không muốn con trai tôi thấy hộp này. Đó là bí mật của hai ông cháu tôi.
 
- Ờ... ông làm ra vẻ trinh thám quá. Tôi đồng ý.
 
- Cảm ơn ông nhiều. 
 
Tối đó, người ta thấy ông lão Trung ngủ ngon giấc vô cùng.
 
Hôm sau, ba mẹ Hưng nhận được cuộc gọi điện thoại từ viện dưỡng lão. Cả ba người vội đến. Ông Trung qua đời từ đêm hôm qua. Vài viên thuốc an thần còn rơi vương vãi trên giường. Dường như ông đã quyết định số phận của mình trước khi vào viện. Ba mẹ Hưng chết điếng, đứng lặng hồi lâu không nói nên lời. Chẳng biết họ đang ân hận vì những gì mình đã làm với đấng sinh thành hay lo lắng về số nợ khổng lồ không thể trả nổi. Riêng Hưng, cậu chỉ biết ôm ông nội mình mà khóc. Người bạn già của ông lão trao cho Hưng hộp sách. Hưng run rẩy mở ra xem. Bên trong là vài quyển sách, nhật ký, album gia đình, bản di chúc trao quyền tài sản hai mẫu đất cho Hưng và một tờ giấy với dòng chữ: “Cháu nội của ông! Hãy nghe lời ông, sau này nên đối xử hiếu thảo với cha mẹ. Đừng để cái vòng oan nghiệt cứ lẩn quẩn mãi. Ông thương cháu nhiều lắm”.
 
Hưng nhét mảnh giấy vào tay ba mình rồi chạy vội ra sân. Mặt trời đang ló rạng. Cái nắng ấm áp của buổi bình minh không làm Hưng quên đi nỗi đau này. Nhưng cậu tự nhủ, sẽ ghi khắc lời ông nội dạy để nơi xa xôi đó ông luôn mỉm cười. 
 
Đặng Trung Thành/ Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)