1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Truyện - Chân dung

6 tháng cơ quan Thuế thanh tra, kiểm tra gần 36,7 nghìn doanh nghiệp

05/09/2017
Bộ Tài chính cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Thanh tra Bộ Tài chính triển khai 16 cuộc thanh tra, kiểm tra, ban hành 25 kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý về tài chính 1.496 tỷ đồng.

Theo kết quả thực hiện nhiệm vụ tài chính – Ngân sách Nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng cuối năm 2017, 6 tháng đầu năm nay cơ quan Thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra gần 36,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 23,5% so cùng kỳ năm 2016, kiến nghị thu vào ngân sách trên 7,6 nghìn tỷ đồng, tăng 34% so cùng kỳ năm 2016 (đã thực nộp vào ngân sách trên 3,4 nghìn tỷ đồng).

 

Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Tài chính đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm

Cơ quan Hải quan đã thực hiện gần 3,9 nghìn cuộc kiểm tra sau thông quan, thu vào ngân sách 861 tỷ đồng; các cơ quan Kho bạc Nhà nước, Dự trữ Nhà nước, Chứng khoán Nhà nước, Quản lý và giám sát bảo hiểm cũng tích cực triển khai triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch đề ra, góp phần siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN và tài sản công.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã làm tốt vai trò Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia; tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tính đến tháng 6/2017, đã bắt giữ, xử lý trên 6,8 nghìn vụ buôn lậu, gian lận thương mại, xử lý tăng thu cho ngân sách 151 tỷ đồng; cơ quan Hải quan đã khởi tố 20 vụ và chuyển các cơ quan khác khởi tố 37 vụ.

Tăng cường quản lý thị trường, giá cả, kiểm soát lạm phát

6 tháng qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & PTNT, Bộ Xây dựng,... ban hành các văn bản hướng dẫn về giá đối với các dịch vụ để kịp thời áp dụng ngay khi Luật phí và lệ phí có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Tiếp tục thực hiện quản lý, điều hành giá các mặt hàng quan trọng, thiết yếu (như xăng dầu, than, sữa,...), điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2017.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá; giám sát chặt chẽ hoạt động đăng ký, kê khai giá của doanh nghiệp, kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá và được mua sắm từ NSNN; kiểm tra, xử lý các hành vi mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về giá trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Các địa phương đã tăng cường công tác quản lý giá cả, bình ổn thị trường trên địa bàn theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Tình hình giá cả thị trường trong 6 tháng đầu năm cơ bản ổn định, không xảy ra tình trạng đột biến về giá. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 4,15% so cùng kỳ năm 2016.

Về công tác đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, trong 6 tháng đầu năm, NSNN đã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời theo tiến độ các nhiệm vụ chi bảo đảm an sinh xã hội đã bố trí trong dự toán cho các đối tượng chính sách. Ngân sách Trung ương đã hỗ trợ kịp thời các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, hạn hán và xâm nhập mặn, hỗ trợ khôi phục sản xuất sau thiên tai. Bên cạnh đó, đã xuất cấp trên 62,8 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu đói, cứu trợ cho nhân dân và hỗ trợ học sinh vùng khó khăn; chi trả kịp thời kinh phí bồi thường thiệt hại do sự cố về môi trường biển 4 tỉnh miền Trung từ nguồn đền bù của Formosa (tổng số đã cấp cho 4 tỉnh gần 6,6 nghìn tỷ đồng).

Về công tác hợp tác quốc tế và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác tài chính khu vực ASEAN, ASEAN+3. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường thu hút đầu tư trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh; đàm phán ký kết 20 Hiệp định vay ODA và ưu đãi với tổng giá trị khoảng 1,8 tỷ USD. Tiếp tục thực hiện lộ trình cắt giảm thuế trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành Tài chính đã chủ động đề xuất, tập trung thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp tài chính - NSNN; điều hành quyết liệt thu, chi, đảm bảo giữ bội chi NSNN và nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, còn phát sinh nhiều khó khăn, thách thức, tác động không thuận đến việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2017; đáng chú ý là tăng trưởng kinh tế đạt thấp; tiến độ thu NSNN, đặc biệt là thu ngân sách Trung ương đạt thấp; công tác quản lý thu NSNN ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa quyết liệt, chưa theo sát tình hình thực tiễn, diễn biến hoạt động sản xuất kinh doanh (SX – KD) của doanh nghiệp; nợ đọng thuế có khả năng thu còn lớn.

Đến hết tháng 6/2017, tổng thu NSNN ước đạt 563,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46,5% dự toán, tăng 13,9% so cùng kỳ năm 2016; trong đó: thu nội địa đạt 45,6% dự toán, tăng 12,4%, không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại và thu bán vốn cổ phần sở hữu nhà nước, thì đạt 45,5% dự toán, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2016, cơ bản sát với tăng trưởng kinh tế. Do ảnh hưởng bởi khó khăn trong hoạt động sản xuất - xây dựng nên tiến độ một số lĩnh vực như thủy điện, khai khoáng, sản xuất lắp ráp ô tô, điện thoại di động, chế biến thực phẩm,... đạt thấp so với yêu cầu; thu từ dầu thô đạt 60,1% dự toán, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016 (do giá dầu cao hơn giá dự toán, bình quân 54,6 USD/thùng, cao hơn 4,6 USD/thùng); thu cân đối từ XNK đạt 49,2% dự toán, tăng 22,2% so cùng kỳ năm 2016, chủ yếu nhờ hoạt động XNK 6 tháng đầu năm tiếp tục đà tăng trưởng.

Trong tổng thu NSNN nêu trên, thu ngân sách Trung ương ước đạt 41,5% dự toán; thu NSĐP 54% dự toán; trong đó, có 45 địa phương thu đạt từ 48% dự toán trở lên (không kể tiền sử dụng đất thì có 11 địa phương đạt trên 52%); 54 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2016; vẫn còn 18 địa phương thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán (dưới 48%) và 9 địa phương thu đạt thấp so cùng kỳ, chủ yếu do một số ngành sản xuất công nghiệp có đóng góp số thu lớn cho ngân sách như khai khoáng (dầu thô, khí thiên nhiên, than,...), thủy điện, sản xuất, lắp ráp ô tô, sản xuất điện thoại di động, sản xuất, chế biến thực phẩm, tăng trưởng thấp, thậm chí giảm so với cùng kỳ năm trước.

Tổng chi NSNN ước đạt 582,96 nghìn tỷ đồng, bằng 41,9% dự toán, tăng 8,3% so cùng kỳ năm 2016. Chi NSNN được tổ chức điều hành chặt chẽ, đúng chính sách, chế độ, trong phạm vi dự toán được giao và phù hợp với tiến độ thực hiện. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi, thực hiện chi, mua sắm tài sản công theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và trong phạm vi dự toán được giao. Bên cạnh đó đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chi NSNN; qua đó, phát hiện, kịp thời chấn chỉnh và xử lý các sai phạm, góp phần nâng cao kỷ luật tài chính và hiệu quả sử dụng NSNN.

Trong 6 tháng đầu năm, đã sử dụng khoảng 1,6 nghìn tỷ đồng nguồn dự phòng NSTW, chủ yếu để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão lũ, hạn hán và xâm nhập mặn, hỗ trợ giống khôi phục sản xuất sau thiên tai. Cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp địa phương 6 tháng đầu năm được đảm bảo; trong đó bội chi ngân sách Trung ương bằng khoảng 43,5% dự toán.

Nguồn: Kim Phương/ Báo Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)