1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Truyện - Chân dung

Vẻ vang nhân cách nhà văn: Anh hùng Lao động Sơn Tùng

29/09/2021
Văn học là nhân học - Cách định nghĩa của nhà văn M.Gorki sao đúng với trường hợp nhà văn Sơn Tùng (1928 - 2021) đến thế. Ông vừa đi xa, ngoài việc tôn vinh những tác phẩm văn học nổi tiếng, nhiều người còn ca ngợi cá tính và nhân cách của ông.
Vẻ vang nhân cách nhà văn:  Anh hùng Lao động Sơn Tùng
Nhà văn Sơn Tùng - Tranh của họa sĩ Văn Len vẽ năm 1995.
 
Anh hùng Lao động đầu tiên 
 
Theo quy định của Luật Thi đua khen thưởng, những nhà văn phải có “tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị đặc biệt mang lại hiệu quả cao trong phạm vi toàn quốc” mới có thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Năm 2011, nhà văn thương binh ¼ Sơn Tùng đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý này. 
 
Đến nay, xét đến công lao đóng góp cho nền văn học nước nhà để từ đó phong tặng Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới thì trong giới nhà văn nước ta chỉ có nhà văn Sơn Tùng. Nhà văn  Đặng Vũ Khiêu được phong Anh hùng Lao động dựa vào chức danh Giáo sư cho những công trình khoa học xã hội. Nhà văn Hữu Ước được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động do có thành tích trong công tác phát triển báo Công an nhân dân. Còn với những nhà văn, chiến sĩ, liệt sĩ như Nguyễn Thi, Chu Cẩm Phong, Lê Anh Xuân được truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, tức là xét ở khía cạnh người lính, chứ không phải Anh hùng Lao động. 
 
Thế mới biết, danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới đối với giới nhà văn nói riêng, văn nghệ sĩ nói chung thực cao quý và khó khăn biết bao, khác hẳn với các ngành khác, có hàng chục người được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Và kể cũng lạ, khi nhà văn đầu tiên được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho những “tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị đặc biệt mang lại hiệu quả cao trong phạm vi toàn quốc” lại chưa hề được xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh hay Nhà nước về văn học nghệ thuật.
 
Nghèo mà vui đạo
 
Nghèo thường đi đôi với hèn. Và người thường sẽ buồn khi nghèo. Nhưng với nhà văn Sơn Tùng thì ông không buồn, cũng không hãnh diện vì mình nghèo. Bởi vì ông đã lựa chọn cho mình một cách sống. Ông coi viết báo, viết văn là sự nghiệp của đời mình. Ông bỏ công sức, vật chất và tinh thần vì việc viết. Những năm tuổi trẻ, công tác ở quê hương Nghệ An là điều kiện thuận lợi để ông gặp gỡ và trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm là chị và anh ruột Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1955, khi có điều kiện sang Vácsava (Ba Lan) và Liên Xô để dự Đại hội Thanh niên sinh viên thế giới lần thứ V thì ông tranh thủ tìm tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một phần tư liệu của chuyến đi, năm 2000 được nhà văn Sơn Tùng viết thành bài ký sự dài Nguyễn Ái Quốc qua hồi ức của bà mẹ Nga. Đó là câu chuyện của một người phụ nữ Nga - bà Vêra - một nhà cách mạng hoạt động với Nguyễn Ái Quốc trong những năm tháng Người ở Quốc tế Cộng sản. Đọc những tài liệu được kể trong bài viết về cuộc đời hoạt động cách mạng thăng trầm của Bác, người đọc thấy từng trang giấy như đang thấm đẫm nước mắt và niềm tự hào. 
 

Vẻ vang nhân cách nhà văn:  Anh hùng Lao động Sơn Tùng

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm nhà văn Sơn Tùng Ảnh: Từ Khôi 
 
Những năm làm ở báo (Nông nghiệp và Tiền phong), với chiếc xe đạp cà tàng, nhà báo Sơn Tùng đã đặt chân lên khắp các nẻo đường phía Bắc và miền Trung của Tổ quốc. Rồi ông vào chiến trường miền Đông Nam Bộ làm báo Thanh niên giải phóng. Năm 1971, khi đang tổ chức cho số kỷ niệm 10 năm thành lập Hội Liên hiệp Thanh niên giải phóng miền Nam, ông bị trúng mảnh đạn của Mỹ từ máy bay phóng xuống. 
 
Bị thương nặng, nhiều mảnh đạn găm khắp người, có 3 mảnh găm sát sọ não không lấy ra được, tay phải bị liệt, ngón co quắp… nhà báo Sơn Tùng được đưa ra Bắc. Sau đó, ông được đưa sang Trung Quốc điều trị. Lúc sinh thời, nhà văn Sơn Tùng kể, bác sĩ Trung Quốc đã lên kế hoạch phải mất 3 năm mới có thể khôi phục được nên ông lấy cớ về nước chuẩn bị và không sang nữa. Về nước, sau 11 năm ông tự tập luyện, tay phải duỗi ra được nhưng các ngón tay bị co quắp chỉ có 3 ngón cử động được. Dù chữ nghệch ngoạc nhưng nhà văn Sơn Tùng vẫn kiên trì luyện tập. Ông buộc cây bút vào ngón cái và ngón trỏ để viết, dần dà quen không cần dùng dây buộc nữa…
 
Có ai ngờ bị thương nặng hạng ¼ mà ngay khi đất nước thống nhất, nhà văn Sơn Tùng đã cùng vợ gom tiền vào Nam để tìm tư liệu về Bác. Ông đã gặp nhiều nhân chứng và lấy được nhiều tài liệu quý. Chính trong lần vào Nam đó ông đã được bà Út Huệ - người bạn gái của Nguyễn Tất Thành (Bác Hồ thủa thanh niên) kể và cung cấp nhiều thông tin vô giá. Bà Út Huệ đã xuất gia, không muốn mang tiếng “thấy người sang bắt quàng làm họ” nên đề nghị nhà văn Sơn Tùng cam kết khi nào bà qua đời mới được công bố. Chính vì thế nên hai năm sau, tiểu thuyết Búp sen xanh mới xuất bản. 
 
Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản tiểu thuyết Búp sen xanh năm 1982 đã gây một cơn địa chấn không chỉ trong làng văn. Trong khi 8 vạn bản sách hết veo ngay khi phát hành, chuẩn bị tái bản thì lập tức một luồng những bài báo phê phán cuốn sách gay gắt. Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều quan tâm. Trước cơn bão, nhà văn Sơn Tùng vẫn an nhiên. Cái an nhiên đó mười mấy năm sau ông còn ký thác dặn dò vào lời đề từ cho tôi trong cuốn Con người và con đường viết về bà Đặng Quỳnh Anh - một lão thành cách mạng có công nuôi dưỡng nhiều cán bộ cách mạng ở Thái Lan: “Vạn biến như lôi, nhất tâm văn đạo”. Nghĩa là: Dù cho sự việc có như sấm sét giáng xuống thì cũng một lòng theo con đường văn chương.
 
Không ít người cho rằng cái khí chất “thầy đồ gàn xứ Nghệ” đã chiến thắng phong ba dư luận. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Chính cách làm việc nghiêm túc, cẩn thận, cần mẫn như một con ong đã giúp ông lập nên thành tựu và chiến thắng những dư luận và bịa tạc.
 
Vị lãnh đạo đầu tiên mời nhà văn Sơn Tùng lên hỏi chuyện là Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Cuộc làm việc diễn ra ngày 10/4/1982. Tại buổi nói chuyện, nhà văn Sơn Tùng đã mang theo cuốn Tất Đạt tự ngôn, để “phòng thân” nhỡ khi Thủ tướng hỏi để chứng minh. Bản thảo cuốn sách này do chính cụ Nguyễn Sinh Khiêm, anh ruột của Hồ Chủ tịch viết và trao lại cho nhà văn với một niềm tin tưởng. 
 
Những năm sau, tin tưởng ở nhà văn Sơn Tùng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhờ nhà văn đọc giờ đầu tác phẩm của ông với tiêu đề Hồ Chí Minh, quá khứ, hiện tại và tương lai.
 
Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông rất trân trọng nhà văn Sơn Tùng, có lần còn mời nhà văn dự cơm trưa và luận đàm. Tổng bí thư Đỗ Mười cũng từng mời nhà văn Sơn Tùng đến mạn đàm nhiều câu chuyện về Bác, về vấn đề chống tham nhũng.
 
Nếu không có sự nghiêm cẩn của một nhà khoa học, của một nhà báo điều tra trong công tác thu thập tư liệu, xét nguồn tư liệu thì làm sao ông có thể thuộc nằm lòng tư liệu mà đứng diễn thuyết hơn 500 cuộc. Trong cuốn sổ do bà Phan Hồng Mai – vợ nhà văn thống kê, có những cuộc nói chuyện  tới 2, 3 ngày. Cuộc nói chuyện ít nhất cũng hơn 4 giờ đồng hồ. Trong những lần nói chuyện như thế, một thương binh nặng như ông chỉ đứng trên bục, nói càng ngày càng lôi cuốn người đến nghe. 
 
Nghèo tiền nhưng giàu kiến thức và nhân cách. Ngay cả khi các con có điều kiện kinh tế, vợ chồng nhà văn Sơn Tùng vẫn không muốn để các con chu cấp thêm. Bà Hồng Mai kể: “Hàng chục năm trước, bác trai đã dặn dò bác: Nếu em túng thiếu, cứ lấy chai rượu bán đi mà tiêu, không phiền đến các con”. Tính đến nay, sau mấy chục năm tích lũy, bà Hồng Mai vẫn gìn giữ 60 chai rượu ngoại. Đó là những chai rượu được bạn hữu biếu mỗi khi có sự hỷ. 
 
Về với quê hương
 
Làng Kim Lũy, quê hương nhà văn Sơn Tùng nằm trên cánh cung bờ biển Bắc Diễn Châu, chuyên nghề chài lưới, nông tang. Phía Bắc có cửa lạch Thơi (huyện Quỳnh Lưu), phía Nam có cửa Hiền và đền Cuông thờ Thục Phán - An Dương Vương. Làng Kim Lũy nằm giữa hai cửa lạch Thơi và cửa Hiền nên có câu ca rằng: 
 
Cửa Thơi, cửa Vạn, cửa Hiền
Ba lạch nối liền sóng vỗ bãi ngang.

 
Từ khi có người từ Kinh đô Phong Khê - Cổ Loa chạy theo hộ vua Thục Phán đến Kẻ Lũy định cư, một thời gian sau có tên mới là Lũy Hoa. Mãi tới thời nhà Trần mới có tên là trang Kim Hoa. Sang thời nhà Lê, đổi là Hoa Lũy, thường gọi là Làng Hoa.
 
Quê hương nghĩa nặng tình sâu. Nhà văn Sơn Tùng trăn trở suốt cuộc đời tích lũy để viết trường thiên tiểu thuyết Ông biển, tiểu thuyết về Nguyễn Du mà rốt cuộc không thành.
 
Mộ của ông nằm dưới chân đê chắn biển. Vậy là nhà văn Sơn Tùng đã về yên nghỉ gần với núi Câu, gần với lăng mộ của thần Đông Hải Thái thú đại ngư ông (cá Ông voi), xa xa về phía Nam là lạch Vạn, ứng với câu ca : 
 
Bao giờ rung kêu trên Câu
Thì em lấy gạo lấy trầu cho anh
Bao giờ rung kêu dưới Gành (cửa lạch Vạn)
Em thời trải chiếu cho anh đi nằm.
 
“Rung kêu” chính là tiếng sóng biển vỗ bờ về phía hòn núi Câu (địa phận Diễn Hải) báo hiệu trời yên, biển lặng để các chàng trai ra khơi đánh cá. Còn tiếng “Rung kêu dưới Gành, báo hiệu biển động, hay sắp có giông bão… “Em thời trải chiếu cho anh đi nằm”. Có lẽ nhà văn Sơn Tùng đã nghe thấu tiếng “Rung kêu cuối Gành” gọi ông về yên nghỉ
 
Bái phục trước nhân cách của nhà văn Sơn Tùng, tôi đã kính cẩn bái biệt bác đôi câu chữ Hán:
 
Nhất sinh thanh bạch lưu nhân cách
Hùng văn chính trực hiện liên hoa 
Dịch nghĩa:
 
Một đời thanh bạch lưu giữ lại nhân cách.
Những áng hùng văn chính trực 
hiện rõ chất hoa sen.
 
Anh hùng Lao động, nhà văn Sơn Tùng tên thật là Bùi Sơn Tùng, sinh ngày 8/8/1928 tại làng Hoa Lũy, xã Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An, mất ngày 22/7/2021 tại Hà Nội. Ông là nhà văn nổi tiếng với hàng chục tác phẩm viết về Bác Hồ, trong đó có: Búp sen xanh - (1982 đến 2014) in 35 lần, 2 lần in song ngữ Việt - Anh; Bông sen vàng - (1990 đến 2007) in 8 lần; Trái tim quả đất (1990 đến 2004) in 3 lần; Mẹ về - (1990 - 2005) in 4 lần; Từ làng Sen (truyện tranh - họa sĩ Lê Lam) (1990 - 2005) in 6 lần và được dịch ra các thứ tiếng tiếng: Pháp, Anh, Nga, Trung, Tây Ban Nha… Ngoài ra, ông còn có nhiều tác phẩm viết về đề tài chiến tranh, đề tài danh nhân và sáng tác văn vần, thơ, viết kịch bản phim như: Bà mẹ làng Kim (văn vần - 1964); Trần Phú (1980 - 2004) in 3 lần, Nguyễn Hữu Tiến - Người vẽ cờ Tổ quốc (1981- 2004) in 3 lần; Anh thương binh tạc tượng Bác Hồ (phim chân dung, 1987), Bên khung cửa sổ - 1974, Gửi em chiếc nón bài thơ xứ Nghệ (thơ - 2013)
 
Người Hà Nội
http://nguoihanoi.com.vn/ve-vang-nhan-cach-nha-van-anh-hung-lao-dong-son-tung_268108.html
 

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)