1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Truyện - Chân dung

Quán dốc cầu

21/09/2020
Quán dốc cầu

Minh họa của Vũ Khánh
 

Ở dốc cầu, kế bên gốc gỗ chiều tàn xòe to như chiếc dù khổng lồ, gốc xù xì hai người ôm mới xuể, có quán tạp hóa nho nhỏ không treo biển đề những tên mỹ miều như: tạp hóa Kim Quyên, tạp hóa Phát Thịnh, … dân trong vùng quen miệng gọi là quán tạp hóa bà Tư Ù. Chẳng hiểu sao người ta lại gọi cái tên đó vì nhìn ngoại hình rõ ràng bà Tư chẳng ù tẹo nào, dù bà đã già, tóc ngả màu khói và đôi mắt hằn dấu chân chim hai bên khóe chằng chịt. Người ta bảo càng già thể trọng càng dễ tăng, bà thì không, dáng nhỏ nhắn, vừa người. 

 

Bận cũng có nhỏ Triều Ca tò mò hỏi ủa chớ xưa Tư ù dữ lắm hả? Bà Tư rổn rảng “mồ tổ cha bây, Tư ù hồi nào, xưa Tư “huê hậu” à nghen!”. Thông tin bà Tư từng là “huê hậu” lan rần khắp xóm, tuy nhiên xác thực có hay không thì không ai dám chắc, ngay mấy ông già bà lão cũng lắc đầu nguầy nguậy khi được hỏi tới bởi Tư là dân miệt khác xuôi tới đây, không phải dân miệt này. Năm Tư xuôi tới thuê người dựng nhà mở quán, tuổi cũng đã quá nửa đời người. Hồi đó ai cũng thắc mắc sao người đàn bà bé nhỏ kia lại ở một mình, không họ hàng thân thích, không chồng con chi hết. Nhiều kẻ để trong lòng không đặng nên vờ sang mua đồ rồi hỏi dò cho thỏa lòng hiếu kỳ nhưng Tư đánh trống lảng sang chuyện khác. Thành ra cho tới giờ cũng chẳng ai hiểu ngọn ngành, mà riết rồi người ta quen thấy Tư một mình, giờ mà có người thứ hai xuất hiện chắc họ đồn bội đa!

 

Quán nhỏ nhưng thứ gì cũng có, từ chai dầu ăn, lít nước mắm, cục xà phòng, cho đến giấy tiền vàng mã, khẩu trang, bao tay, thậm chí cả rau cỏ, trứng gà vườn. Mỗi lần quán có mặt hàng mới là nhỏ Triều Ca đi quảng cáo khắp xóm “Đã có thêm mặt hàng made in bà Tư, ghé mua, ghé mua bà con ơi!”. Hỏi hàng mới là gì nhỏ chỉ cười chọc quê “Bí mật, muốn biết thì ghé qua!”, rồi cười hà hà bỏ đi mất biệt. Ai chớ dân xóm này là chúa tò mò, mà nó nói vậy biểu sao không tò mò ghé qua cho đặng, ghé xong bao cái miệng trề ra “Tưởng gì không, ai dè…”. Ờ thì mấy món “made in bà Tư” khi là ổ trứng gà mới đẻ, khi thì mớ khẩu trang tự cắt tự may, lúc thì rổ cà pháo mới hái sau vườn, bó cải vừa nhú ngồng vàng ươm mới nhổ,… Hễ thứ gì nuôi, trồng ăn không hết là bà Tư lại mang ra bày bán. Mà bà bán buôn tức cười lắm, hễ ai tới mua trước thì được khuyến mãi thêm một món, cho thêm bây cái kẹo cho thằng Ri, hay cho bây gói bánh cho con bé Su Su. Thành ra mấy bà mấy cô trong xóm khoái lắm, hễ mỗi lần nghe nhỏ Triều Ca rao là lật đật ù té qua quán, người chậm chân chẳng mua được hàng tiếc công đi ráng nghĩ ra thứ gì mua cho bõ. Bởi vậy quán bà Tư hơi bị đắt hàng. Bởi vậy mới rộ tin đồn nhỏ Triều Ca ăn tiền “pi-a” (Pr) của bà Tư. “Tui chỉ nhận có cây kem quế thôi chớ bộ”, nhỏ Triều Ca ấm ức thanh minh mỗi khi có người biểu nó vậy.

 

Ai cũng thích ghé quán bà Tư bởi giá rẻ hơn chỗ khác vài trăm đến vài ngàn, tùy theo món. Mỗi lần vài ngàn, năm dài tháng rộng cộng lại cũng kha khá tiền đó hơ. Những lúc dịch bệnh như vầy, khách ghé quán càng tăng. Hỏi sao không tăng khi bà chủ treo biển “Ai cần cứ lấy” bên dưới là rổ đựng mớ khẩu trang vải tự cắt, tự may. Thời này, giá khẩu trang trên trời dưới đất, bà Tư lại cho không, cũng lạ thiệt. Nhiêu đó ấm lòng bao nhiêu người. Chú Năm xe ôm mỗi sáng ghé xin một cái, anh Tám thợ hồ lâu lâu lại ghé quán. 

 

- Tư hỡi khẩu trang hư mất rồi!

 

- Lấy đi chớ thông báo gì hơ!

 

 Ờ thì lấy, mà lấy nhiều ngại quá nên thể nào cũng mua món đồ gọi là có qua có lại. Thời dịch, thứ gì cũng tăng giá, riêng bà Tư vẫn giữ giá cũ, lại còn đem cho những thứ vườn nhà trồng được chứ không nhờ nhỏ Triều Ca rao bán như trước. Nhỏ Triều Ca “thất nghiệp” buồn quá quay sang gạ “Để con rao bán nha Tư” thì bị nạt “Bậy, để ai cần người ta lấy, bán buôn gì tầm nầy mầy!”.

 

Tiếng lành đồn xa, bữa có người ghé quán đề nghị chụp hình đăng báo cho mọi người biết người tốt việc tốt. Bà Tư nhất quyết không chịu, việc nhỏ nhặt viết chi, bao nhiêu người làm việc to tát, chú đi mà viết, tui giúp người ta không phải để được lên báo. Năn nỉ hết lời câu trả lời vẫn là không. Chuyện này lan ra khắp xóm, người trong xóm đi kể khắp nơi, mỗi lần kể là mỗi lần vênh mặt tự hào “Xóm tui đó nghen!”. Từ bữa đó, khách vãng lai ghé quán kha khá, lạ quen gì bà Tư cũng nhiệt tình hỏi han, chuyện trò. Hễ nghe kể hoàn cảnh nào khó khăn lại chắc lưỡi “Tội heng, kêu nó ghé Tư cho đồ nghe tụi!”.

 

Xởi lởi là vậy chớ bà Tư cũng có nguyên tắc riêng, khắt khe lắm đó à. Ai ghé quán lỡ không đeo khẩu trang là bà nhăn mặt chỉ qua rổ khẩu trang miễn phí biểu “Lấy đeo liền nha tụi, đang dịch nha tụi”. Khách nào phản ứng là y rằng bà xách chổi chà đuổi như đuổi tà, không bán buôn gì sất. Có cậu thanh niên kia ghé quán không đeo khẩu trang, nghe “luật” của bà Tư cười ha hả “Dịch đã tới mình đâu mà lo, bà già rồi còn sợ chết gì nữa?”. Bà Tư hầm hầm xách “bửu bối” ra xua “Mồ tổ cha bây, qua quán khác mua nha, ở đây không bán buôn với mấy người coi thường luật pháp”. Anh chàng chạy trối chết, bỏ luôn chiếc dép rớt, không dám ghé quán lần hai.

 

Cũng kha khá người ghét bà Tư bởi cái tật lo chuyện bao đồng của bà. Ai đâu, mấy tay chủ quán tạp hóa gần đó chớ xa xôi gì. Hỏi chớ thời dịch bệnh, giá cả leo thang, phải tăng giá chớ giữ giá cũ thì huề vốn rồi lấy gì ăn? Vậy mà bả cứ bán giá cũ, ai mua thiếu cho nợ, còn bày đặt may khẩu trang cho miễn phí, có đồ gì trồng được cũng cho miễn phí, thành ra dân tình ùa tới, quán mình lưa thưa vài người ghé, hỏi ức không? Buôn bán kiểu đó là “phá giá”, cái đó luật nước ngoài xử nặng lắm đa, bị tù chớ không giỡn à. Vậy mà người ta kém hiểu biết quá, thấy bả làm vậy không lên án lại còn tung hê kêu bả tốt bụng. Tốt bụng cái con khỉ, tốt với người ta, ai tốt với mình?

 

Mấy tay chủ buôn hè nhau lập nhóm, bàn mưu tính kế triệt hạ bà Tư. Đầu tiên là treo biển khuyến mãi, mua 1 tặng 1. Được vài ngày đắt khách rồi lại ế nhớt. Hỏi sự tình, khách trề môi “Mua 1, tặng 1, tính tiền cả hai, mắc như quỷ, về quán bà Tư mua sướng hơn!”. Thành thử chẳng cần nhỏ Triều Ca “pi-a” chi, khách tới quán cứ nườm nượp đến độ hết hàng, bà Tư phải lấy bìa các tông ghi biển “Đã hết mặt hàng a, b, c xin quý khách thông cảm mua quán khác”. Nhìn cảnh đó hội chủ buôn thêm ứa gan.

 

Đường chính không đi được thì ta đi đường vòng. Mấy bữa sau hễ nửa đêm là đá rơi rần rần trên mái nhà. Bà Tư mở cửa ra chửi “Mồ tổ cha bây, đứa nào lỡ nghịch dại thì bỏ đi nha, bằng không bà báo chánh quyền đó à”. Chửi thì mặc chửi, đá tuôn không sót đêm nào. Thành ra đống đá bên hông quán ngày một cao thêm. Dân xóm ái ngại tụi nào chơi ác dữ thần, để tụi tui phụ Tư bắt nha. Khổ, thói đời trộm thường canh chủ, chớ có khi nào chủ canh được trộm. Thành thử dù cả xóm cắt phiên nhau canh mà vẫn không bắt được kẻ “ném đá giấu tay”. Bắt thì chưa bắt được mà tai họa lại ập tới, số là nửa đêm bà Tư lén mở cửa rình bắt kẻ ném đá, bà mới thấy cái bóng đen chưa kịp la lên thì đã bị ai đó từ phía sau đập mạnh vào đầu té bất tỉnh. Tảng sáng xóm mới phát hiện ra lật đật đưa bà đi cấp cứu, bác sĩ biểu chậm chừng nửa tiếng thôi là khó mà cứu được. Hỏi người thân đâu ký giấy mổ gấp, người xóm chớ ớ, người thân ai biết là ai? Chú Năm xe ôm giựt tờ giấy ký vô cái rẹt, giờ mà còn tìm người thân gì nữa, ký đại cho người ta mổ hổng ký!. Vậy là bà Tư lên bàn phẫu thuật, người xóm cắt cử chia người canh trong viện. Lúc mình khó khăn bả giúp nhiệt tình, giờ bả gặp nạn bỏ sao đành. Khi bà Tư được đẩy từ phòng cấp cứu ra, nhỏ Triều Ca ôm chầm lấy khóc ré “Tư ơi, tỉnh lại Tư ơi, đừng bỏ con mà Tư ơi!”. Nó khóc rần rần đến độ cô y tá phải nạt “Khóc nữa khỏi cứu bả luôn” nó mới chịu im.

 

Hai ngày sau bà Tư mới tỉnh. Khi mở mắt bà thấy nhỏ Triều Ca đang chòng gọc bó gối dòm qua khung cửa sổ ngó khoảnh sân phía dưới. Bà thở dài, nhiêu đó cũng đủ hiểu ra mọi chuyện. Tội con nhỏ, chắc nó thèm được bay nhảy dữ lắm đa. Bà Tư không dám gọi nó, sợ làm nó mất hứng. Bà dòm một lượt, phòng bệnh nhỏ chỉ có bốn giường, ai cũng thiêm thiếp. Cái màu ga giường trắng toát sao nó buồn dữ thần. 

 

- Tư tỉnh rồi hả Tư! - Nhỏ Triều Ca hỏi làm bà giật bắn người.

 

- Suỵt, nhỏ thôi cho người ta ngủ.

 

Nó rụt đầu biết lỗi, rồi liến thoắng bao nhiêu là chuyện trong xóm bữa giờ, cứ như thể nó chờ lâu lắm rồi mới có cơ hội được kể. Nào là chuyện công an tới điều tra. Tiền bạc còn nguyên, hàng hóa còn nguyên nha Tư. Họ soi từng ngóc ngách kỹ lắm, biểu từng người khai rõ ràng, xong bắt cả xóm ký biên bản đàng hoàng nghen. Bữa giờ quán vẫn bán như thường nha Tư, chú Năm xe ôm nghỉ ở nhà bán dùm Tư á, chú nói dịch bệnh vầy chạy xe chi nữa, ở nhà ngồi không cũng buồn nên bán dùm Tư dành dụm tiền đóng viện phí chớ. Bữa cả xóm hùm nhau người chút ít để đóng tiền mổ cho Tư, tội nghiệp ông Năm vé số lắm, ổng móc túi còn có tám chục ngàn mà góp hết vô luôn, rồi tiền đâu ăn hổng biết, chắc ổng mượn bạn quá. Nó thở dài thiệt dài kết thúc câu chuyện.

 

Cái bộ nó thở dài nhìn như già lắm rồi, cái con nhỏ thiệt! Tội xóm mình quá, ai cũng không có tiền vậy mà… Bà Tư thở dài trăn trở, cái tình này chắc tới chết bà cũng không quên được.

 

- Tư làm phiền mọi người quá ha con!

 

- Phiền gì đâu Tư ơi!

 

Nhỏ Triều Ca xua tay. Miệng nó lại tía lia “Thường ngày Tư giúp mọi người thì giờ mọi người giúp lại chớ có gì đâu. Ai chẳng biết từ hồi dịch tới giờ Tư bán giá vốn, bởi vậy mới bị người ta ghét. Ủa mà Tư ơi, Tư nằm bệnh viện vầy có nên thông báo cho người thân của Tư hông?”. “Còn ai nữa đâu mà thông báo, chết hết rồi!”. “Sao chết Tư?”. “Chiến tranh. Đại bác nó dội cái uỳnh, rồi, chẳng còn gì nữa. May Tư đi chợ nên thoát”. “Hèn gì!” nhỏ Triều Ca gật gù ra bộ biết hết trơn rồi. Nó đem xâu chuỗi lời Tư mới kể với hàng lô hàng lốc thông tin nghe được hồi giờ từ mấy ông già bà lão trong xóm, xong nó kết luận:

 

- Giờ con biết sao Tư bỏ xứ đi rồi, vì không muốn ở nơi tang thương đó chớ gì!

 

- Hông phải! Tư đi vì người ta phụ Tư, ở lại thấy người ta hạnh phúc mình rầu lắm con ơi!

 

- Ủa, vậy Tư cũng từng yêu nữa hả Tư?

 

Bà Tư lườm nó, mầy làm như tao xấu lắm vậy mày. Kể nghe Tư. Thôi chuyện xa lắc rồi kể chi. Mà Tư bệnh vầy hại bây bó chân trong phòng, chắc bây buồn dữ đa? Buồn gì đâu Tư ơi, con vui muốn chết, đâu phải lúc nào cũng được chăm Tư. Mà Tư ơi, Tư có một mình, mốt già yếu đi hổng nổi lấy ai chăm ha? Bây lo chi, Tư cầu ông trời mốt Tư già hung rồi, cho Tư nhẹ nhàng ra đi trong đêm đừng bắt bệnh đau, rồi Tư để tiền mai táng sẵn, chết rồi xóm làng có cái lo hộ. Hai giọt nước trong veo trườn ra nơi khóe mắt, bà Tư vội chùi sợ nhỏ Triều Ca thấy. Bà đâu biết cổ họng nó nghẹn nãy giờ. Nó vòng tay ôm, áp má vào lồng ngực già nua lắng nghe trái tim bà nức nở. Mắt nó nhòe nhoẹt nước từ bao giờ chả rõ, câu nói ngắt quãng bởi bao tiếng xịt mũi giữa chừng, bà Tư ráng nghe ráp lại được vầy:

 

- Mốt con hổng lấy chồng ở vậy nuôi Tư nghen!

 

- Mồ tổ cha bây, con gái lớn phải lấy chồng. Bây còn cha mẹ, đừng có mần cha mẹ buồn nghen bây!

 

- Cha mẹ con đâu còn. - Nó quẹt nước mắt cãi.

 

Bà Tư ớ người. Xưa giờ bà đâu biết chuyện nầy. Bà trách mình sao vô tâm quá đỗi, con nhỏ ngày nào cũng qua quán xúm bán phụ, vậy mà chả đời nào bà hỏi về gia đình nó một câu.

 

- Con trẻ mồ côi chớ bộ. Mốt về cho con dọn qua ở với Tư nghen. Con sẽ kêu Tư là bà ngoại. Con thèm được kêu bà ngoại muốn chết luôn hà mà hổng ai cho kêu.

 

- Ờ! 

 

Bà Tư vuốt mái tóc suôn mềm của con nhỏ. Trái tim bà rộn rã đập khúc hoan ca. Vậy là từ nay bà có người để lâu lâu chửi. 

 

Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/quan-doc-cau_262399.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)