1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Truyện - Chân dung

Ông và cháu

12/05/2020
Ông Mạnh chầm chậm lôi trong cái hòm tôn ra mấy thứ cũ kĩ từ những năm xa lắc xa lơ, thời ông còn là một anh lính đi B.

Minh họa của Vũ Khánh

Ông Mạnh chầm chậm lôi trong cái hòm tôn ra mấy thứ cũ kĩ từ những năm xa lắc xa lơ, thời ông còn là một anh lính đi B. Một con dao nhỏ dài chừng ba chục cen-ti-mét, to bằng hai ngón tay được bọc trong tờ giấy xỉn màu cánh dán, một chiếc mũ tai bèo cũng đã bạc màu, chiếc bình tông bị trầy tróc sơn, bộ quần áo quân phục không còn rõ là màu xanh được gấp gọn gàng, tấm ảnh đen trắng đã loang lổ đi nhiều, có những gương mặt không còn nhìn rõ được nữa… Ông cứ đưa tay mân mê từng món đồ, đôi mắt già nua nheo nheo nhìn vào từng vật. Ông không hề hay biết thằng Tính đã đứng bên từ khi nào. Nó nhìn những thứ ông nội bày ra một cách chăm chú, đôi mắt tỏ rõ sự tò mò, ngạc nhiên. Tính sà xuống bên ông. Nó đưa tay đỡ lấy cái bình tông. Chiếc bình tuy cũ nhưng chạm vào vẫn cảm nhận được chất mát lạnh chạy vào da thịt. Ông Mạnh nhìn chiếc bình trên tay cháu, chậm rãi kể:

- Ngày đi lính, ông và đồng đội mỗi người sẽ được cấp phát một bình như này để đựng nước. Vậy mà có những đợt hành quân giữa rừng bị thiếu nước uống. Chiếc bình có khi chẳng còn giọt nước nào. Trong một chuyến trinh sát, ông được giao đi tìm nguồn nước uống cho mình và đồng đội. Cháu biết không, mệt, khát, cổ họng cứ khô rang. Lúc gần như tuyệt vọng ông tìm thấy một con suối. Chưa kịp mừng thì ông phải bật khóc, đôi chân khuỵu xuống khi nhìn thấy con suối cạn khô, trơ đáy. Ông tức giận đã ném chiếc bình xuống lòng suối.

Ông Mạnh chỉ tay vào chỗ hơi bị móp của chiếc bình nói đó là do bị đập vào hòn đá dưới suối. Rồi ông trầm ngâm:

- Cũng nhờ lúc đó ném nó. Khi bình tĩnh lại, ông đi xuống nhặt chiếc bình. Tự nhiên, có một linh cảm gì đó, lạ lắm khiến ông nằm xuống, áp tai vào những viên đá cuội đang nằm lổng chổng dưới chân mình. Lòng suối khô mà sao nghe chất mát lạnh từ đá, lại như nghe có tiếng nước nhỏ giọt. Ông vội vàng đưa mắt nhìn khắp nơi tìm kiếm. Chẳng thấy gì ngoài một con suối khô chạy dài và tiếng lá rừng reo. Lúc đó ông nghĩ chẳng lẽ do khát quá mà mình bị ảo giác, liền cúi xuống nghe lại thật bình tĩnh. Khi xác định đúng là tiếng nước, ông nhặt từng viên đá vứt ra một bên, ngay chỗ ông ném chiếc bình tông xuống dần lộ ra một hố nhỏ bằng bắp chân, sâu chừng hai gang tay bị chèn bởi những viên đá. Những giọt nước thi thoảng từ các kẽ đá lại nhỏ xuống. Có lẽ đó là nước của cả khu rừng dồn hết cả vào cái vũng này rồi, ông vui mừng nghĩ vậy. Nhưng làm thế nào để lấy được nước? Vũng đó quá nhỏ và nước cũng không nhiều đến độ ông có thể cho chiếc bình xuống mà múc. Sau một hồi loay hoay, ông nghĩ ra cách lấy chiếc lá cuốn lại như cái chén uống nước, rồi múc từng chút nước đổ vào bình.

- Chắc tìm thấy nước ông mừng lắm.

- Mừng chứ. Mừng rơi nước mắt. Khó khăn nhất của những người lính bọn ông không phải là cầm súng ra trận, không phải đi xuyên rừng bao ngày đêm mà là thiếu nước. Thật là đáng sợ.

Ông Mạnh cười, nhìn thằng cháu.

- Cháu không thể hiểu được cảm giác của ông lúc đó đâu. Khi phát hiện ra hố nước, ông mừng như lập được một chiến công. Lúc đó nghĩ mình có thể uống hết cả hố nước kia cũng được. Nhưng nghĩ đến đồng đội cũng đang khát, đang chờ, ông không thể uống trước một mình. Ông múc cẩn thận, tránh để rơi vãi ra ngoài. Ông vét đến những chút nước cuối cùng. Cho tay xuống hố, để chất mát lạnh của nước thấm vào tay rồi cho lên miệng.

- Làm vậy để làm gì ông?

- Để đỡ khát chứ sao?

Thằng Tính tròn xoe mắt ngạc nhiên.

- Thực ra đó chỉ là cách đánh lừa cảm giác thôi.

- Vậy sao ông không uống nước trong bình.

- Còn đồng đội đang chờ. Ông mang bình nước về, ai cũng mừng run. Ai cũng khát, nhưng bọn ông không dám uống nhiều, chia nhau từng ngụm một. Còn để dành cho chặng đường phía trước nếu chưa tìm được nước.

Ông nhìn tấm ảnh trên tay cháu nội rưng rưng như nhìn suốt vào những kí ức năm nào. Hơn mười người trong đội trinh sát của ông hi sinh gần hết. Đất nước giải phóng, chỉ vài người trở về, còn lại các đồng chí lần lượt ngã xuống trong những lần làm nhiệm vụ, trong các trận đánh. Trong tổ của ông có bốn người, còn mình ông may mắn trở về. Ông đưa tay run run chỉ vào người đứng ngoài cùng, dáng người cao, miệng cười tươi, vẻ rất thư sinh:

- Đồng chí Minh. Vì cao nhất nên bọn ông hay gọi là Minh kều, hát hay, vui tính. Đồng chí hi sinh trong một đợt tổ trinh sát của ông bị trúng ổ phục kích của giặc. Khi biết mình bị thương có thể không qua được, một mình đồng chí ấy đã nhử bọn địch, đánh lạc hướng của chúng cho các đồng chí còn lại trong tổ rút.

- Sao lúc đó, các ông không yểm trợ…?

- Có những tình thế không cho phép mình được lựa chọn cháu ạ. Bọn ông bắt buộc phải rút lui để đảm bảo bí mật, an toàn.

Ông lại chỉ vào một người bên cạnh:

- Tâm hếch. Bình thường nói rất nhiều, hay pha trò chọc cười mọi người nhưng khi thực hiện nhiệm vụ thì lại vô cùng nghiêm túc.

Ông Mạnh lặng người đi khi nhớ đến người đồng đội của mình. Sống mũi ông cay xè và những giọt nước mắt nóng hổi rỉ qua hai hốc mắt, lăn trên đôi gò má nhăn nheo, rỉ thấm vào kẽ miệng. Mặn chát. Đôi mắt ông hấp háy nhìn vào người đồng đội năm nào, ông nói nhỏ, như thủ thỉ cùng bạn. Nhưng chậm, rõ từng lời:

- Đó là bài học vô cùng đau đớn và đắt giá Tâm ạ. Đắt bằng cả mạng sống của cậu. Bữa đó cậu đừng có tốt bụng quá, đừng động lòng thương thì...

Hình ảnh năm xưa như hiện ra trước mắt ông Mạnh. Ông và hai người nữa trong tổ trinh sát được cử đi thăm dò tình hình. Đang di chuyển thì cả ba cùng giật mình khi đụng phải một tên Tây to lớn, hắn ngồi dựa vào một gốc cây, cạnh con suối lớn. Nghe tiếng đạn lên nòng, hắn vội quay người lại chắp tay lia lịa, lắp bắp xì xà xì xồ. Nhìn kĩ thì thấy hắn đang bị thương, bắp đùi bên phải máu bết lại. Đôi mắt xanh dại đi vì mệt, vì sợ. Tâm buông súng xuống, bước tới xé cánh tay áo của thằng Tây đó, băng bó vết thương trên đùi nó. Bị chạm vào vết thương, thằng lính đó có vẻ đau, nhưng nó không dám kêu rên. Chắc nó rất ngạc nhiên khi một người lính bộ đội Cụ Hồ lại đi giúp nó, đôi mắt nó cứ nhìn chằm chằm vào Tâm tỏ vẻ biết ơn.

- Ông và đồng đội không ngờ bọn nó còn một thằng nữa. Thằng kia để thằng này ngồi đây và đi xuống suối. Lúc nó lên, bọn ông quá bất ngờ. Rồi nó điên cuồng xả súng về phía bọn ông. Quân bị thương ở cánh tay. Tâm trúng hai viên, một ở bụng và một ở cổ họng. Máu phun ra, bắn cả vào mặt thằng Tây. Nó ngồi đó kêu ú ớ, ôm lấy Tâm. Thằng Tây dưới suối lên cũng bị trúng đạn, ngã lăn xuống. Ông vội đến cõng Tâm. Máu chảy nhiều quá, phải chạy thật nhanh về căn cứ…

Ông Mạnh lặng đi. Cổ họng ông nghẹn lại.

- Nhưng vẫn không kịp cứu cậu. Cậu hi sinh một cách oan uổng, Tâm ạ.

Ông lại chỉ vào một người khác trong tấm ảnh, hình đã bị nhòa, nửa khuôn mặt không còn nhìn rõ.

- Quân, quê ở Kẻ Sặt. Hẹn ông khi nào hòa bình sẽ về quê nhau chơi. Cậu ấy hi sinh trong trận đánh ở Xuân Lộc.

Ông Mạnh cầm lên mấy món đồ khác trong hòm: Một mảnh giấy đã cũ ghi lời bài hát, một chiếc bút máy, vài vỏ đạn,… món nào cũng gợi cho ông nhớ lại những kỉ niệm đã qua với bao người đồng đội đã gắn bó với ông trong những năm chiến tranh khói lửa. Ông lại kể cho thằng cháu nghe. Tiếng ông nhè nhẹ, êm êm như vọng về từ kí ức. Thằng Tính nghe ông kể cũng không giấu nổi vẻ xúc động. Nó nắm lấy đôi bàn tay nhăn nheo của ông:

- Các ông ngày xưa đúng là những tấm gương yêu nước, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn mà chẳng toan tính điều gì.

- Mỗi thời mỗi khác cháu ạ. Này nhé, bây giờ như sinh viên, học sinh các cháu, yêu nước là cố gắng học tập cho thật tốt, sau này đem tài trí của mình mà giúp cho đất nước ngày càng giàu mạnh; người nông dân sản xuất thật giỏi là yêu nước; chấp hành luật, đấu tranh loại trừ các tệ nạn xã hội… cũng là yêu nước. Đâu cứ phải ra trận mới là yêu nước đâu cháu.

- Vâng, cháu hiểu rồi ông ạ. Như chúng ta bây giờ ở trong nhà là yêu nước phải không ông?

- Đúng rồi. Trong khi cả nước gồng mình chống dịch. Các quân nhân, bộ đội, y bác sĩ ngày đêm vất vả trong các khu cách ly, các bệnh viện để chiến đấu ngăn chặn con vi rút corona đó thì chúng ta ở nhà là yêu nước.

Nói rồi ông lại chầm chậm xếp lại các kỉ vật vào trong hòm, vừa xếp ông vừa đọc câu thơ: Ngày xưa đánh giặc xông ra/ Bây giờ đánh giặc ở nhà mới ngoan.

Tính nghe ông nói thì cười thích thú, rồi nó bỗng giật mình:

- Thôi chết, cháu đến giờ học trực tuyến rồi ông.

Ông Mạnh gật đầu, xua tay ra chiều nói cháu vào học. Ông cười thầm, đó dịch bệnh không ra ngoài tụ tập, ở nhà học hành chăm chỉ, không sao nhãng; lúc rảnh rỗi lướt “phây búc” thì chia sẻ, tuyên truyền cách phòng chống dịch, chia sẻ những điều tốt đẹp,… thế cũng là yêu nước rồi.

Lê Phượng/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/ong-va-chau_259014.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)