1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Truyện - Chân dung

NSNA Hồng Trọng Mậu: Người mang chất thơ vào trong ảnh

30/08/2021
Hồi chưa có máy ảnh kỹ thuật số, nhớ có lần sau một chuyến đi sáng tác vùng cao về Hà Nội, từ số phim được chọn lựa, tôi đến Láp in ra ảnh cỡ 9x12 làm maket đưa Hồng Trọng Mậu xem. Trong đó có ảnh chụp hai người phụ nữ Dao đỏ chăn hai con ngựa đang gặm cỏ bên cây mận hoa nở trắng ngần dưới bầu trời xanh biếc, xa xa có ngôi nhà tranh, tường đất màu nâu. Anh khen ảnh đẹp và hỏi tôi tên bức ảnh là gì. Tôi bảo “Chiều xuân Tây Bắc”. Anh góp ý nên đặt tên là “Xuân về mái ấm vùng cao” nghe có vẻ thơ hơn.
NSNA Hồng Trọng Mậu: Người mang chất thơ vào trong ảnh
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồng Trọng Mậu
 
Đó là câu chuyện hơn hai mươi năm về trước khi mà các cuộc triển lãm còn ít, trường lớp dạy nhiếp ảnh cũng vậy. Hồi ấy có những nhiếp ảnh trẻ hoặc mới nhập môn chơi ảnh nghệ thuật, sau mỗi chuyến đi sáng tác, thường hay đưa ảnh nhờ Hồng Trọng Mậu thẩm định giúp xem có nên phóng đại bức ảnh đó để đem thi thố hay không. Họ coi anh như là người giám khảo đầu tiên. Nay, Hồng Trọng Mậu đã ở tuổi bát tuần, anh vẫn giữ thói quen cùng nhóm người chơi ảnh chia sẻ quan điểm nghệ thuật hoặc rong ruổi trong những chuyến đi sáng tác gần xa.
 
Hồng Trọng Mậu kể, hơn một nửa thế kỷ khoác máy ảnh đi “lang thang” cũng lắm kỷ niệm. Một trong những chuyến đi từ tháng 10 năm 2002 anh vẫn nhớ đến hôm nay. Đó là chuyến đi cùng Đặng Ngọc Thái (ở Hà Nội) và hai nhà nhiếp ảnh Sài Gòn đến Thuận Châu - Sơn La. Hôm ấy, đến Sìn Hồ, thấy một cô gái mặc trang phục người dân tộc, có mái tóc xù trên đầu, quấn theo một kiểu rất đặc trưng của các cô gái H’Mông vùng Lai Châu đang đi ven quả đồi bên đường, anh cùng các đồng nghiệp dừng lại. Cô có khuôn mặt tròn xinh xắn, nước da bánh mật, đôi mắt lá răm... - đúng là một chân dung ao ước của các nhà nhiếp ảnh.
 
Vào nhà cô gái, anh bày tỏ mong muốn được ghi lại hình ảnh của cô. Khi anh chuẩn bị chụp, theo phản xạ tự nhiên, cô gái cứ nhìn vào anh và máy ảnh đang chĩa về phía cô. Thấy cô gái không được tự nhiên, anh cười nói: “Cô nhìn ông này này!” rồi chỉ tay sang phía bạn đồng nghiệp đứng cách mình độ hơn một mét. Ông bạn phản ứng - “Cái ông này!”, khiến cô gái mới vừa kịp liếc mắt, vội phì cười. Tách! Chớp cơ hội, anh bấm máy luôn, đúng cái khoảnh khắc rất hồn nhiên của cô.
 
Tác phẩm Lúng liếng được ra đời như thế. Tấm ảnh đã đoạt Huy chương Vàng đồng hạng (tổng số 30 giải) trong cuộc thi Một chặng đường nhiếp ảnh chào mừng 50 năm ngày truyền thống nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2003); được tác giả chọn in trong cuốn sách Yên ả quê hương và được tạp chí Nhiếp ảnh chọn in trang bìa.
 
NSNA Hồng Trọng Mậu: Người mang chất thơ vào trong ảnh
Gác chuông chùa Trăm Gian - Ảnh: Hồng Trọng Mậu
 
Hồng Trọng Mậu kể, sau đó anh có gửi tạp chí qua đường bưu điện tặng cô “người mẫu”. Tôi nghĩ rằng, khi cô gái H’Mông ấy thấy mình chính là cô gái trong ảnh chắc là cô vui lắm và giây phút ấy cô lại nở nụ cười xinh tươi, mắt nhìn lúng liếng...
 
Mong muốn mỗi tấm ảnh nghệ thuật luôn mang đậm chất thơ, đã thôi thúc Hồng Trọng Mậu luôn nỗ lực, tìm tòi, sáng tạo trong suốt cuộc hành trình sáng tác ảnh của mình. Cuốn sách ảnh có tên gọi Yên ả quê hương của anh là một minh chứng. Ngay từ tên gọi, nó đã có vẻ thơ rồi và bức ảnh bìa cũng cho thấy rõ ý tưởng ấy. Bức ảnh chụp các em học sinh phổ thông cắm trại trên một khoảnh đất rộng. Từng tốp tha thẩn, đứng ngồi chuyện trò dưới tán cây cổ thụ, bên hồ nước lăn tăn gợn sóng, bức ảnh cân đối đẹp hài hòa, khi bên phải ảnh lại có ngôi thủy đình trên hồ. Đây chính là khuôn viên chùa Sài Sơn, (hay còn gọi là chùa Thầy, nay thuộc huyện Quốc Oai, Hà Nội). Bức ảnh mang tên Vui trong ngày hè, tác giả ghi năm chụp 1973. Như vậy là tác phẩm cũng đã có tuổi đời một nửa thế kỷ.
 
NSNA Hồng Trọng Mậu: Người mang chất thơ vào trong ảnh
Họa tiết nhà nông - Ảnh: Hồng Trọng Mậu
 
Cùng với Vui trong ngày hè, Hồng Trọng Mậu chọn lựa ra những tác phẩm ảnh của mình sau một đời cầm máy, mà như anh viết ở trang đầu cuốn sách: “Kỷ niệm 65 năm cầm máy, tôi đã dấn thân vào chốn đam mê trên con đường nghệ thuật nhiếp ảnh trong suốt cuộc đời”.
 
Hồng Trọng Mậu sinh năm 1940, cầm máy ảnh từ năm 1954, tức là 14 tuổi anh đã đến với nhiếp ảnh. Đối với thời đại ngày nay chuyện đó không lạ. Nhưng nếu đặt vào bối cảnh năm 1954, cách nay đã gần bảy mươi năm mới thấy là chuyện đáng nói. Và năm 1958, ở tuổi 18 anh đã có tác phẩm đầu tay Gác chuông chùa Trăm Gian. Tác phẩm được giới thiệu tại triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc lần thứ 2, năm 1959 tại Hà Nội, do Ban Liên lạc Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (tiền thân của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam ngày nay) tổ chức. Có thể coi đây là sự kiện trình làng ngoạn mục của Hồng Trọng Mậu, là bài thi nhập môn đạt điểm cao của anh. Trong tác phẩm, gác chuông chùa Trăm Gian được đặt giữa hai cây đại cổ thụ trầm tư càng tôn lên những mái cong gác chuông ở giữa, phía chân cúp chặt càng làm hiện lên vẻ trầm mặc uy nghi của gác chuông cổ kính.
 
Ảnh của Hồng Trọng Mậu có phong cách riêng, dù là những tác phẩm chụp phong cảnh, như: Vui trong ngày hè, Vàng dát trên sông Hồng, Cầu Thê Húc. Tấm ảnh Họa tiết nhà nông, anh có góc chụp lạ. Từ đường nét ruộng bậc thang tạo như hình chiếc lá khổng lồ, trong “cái lá” ấy có hai người nông dân đang bừa ruộng, rất sinh động, trông như một bức tranh thêu mà nghệ nhân đã kỳ công thực hiện. Chính tác giả đã phải thốt lên bằng cái tên “Họa tiết…”
 
Ở mảng ảnh chụp chân dung, Hồng Trọng Mậu thường lấy rộng khung cảnh chứ ít khi “cúp” chặt như nhiều nhà nhiếp ảnh khác, với dụng ý muốn tả môi trường sinh hoạt, lao động của con người ấy, dân tộc nào, ở đâu. Có thể kể tới: Công việc nhà, Nữ tướng, Hai chị em người Thái, Cô gái Trung Hoa. Hoặc như những tấm ảnh chụp cảnh đời: Giã gạo (Mường), Nhà người Mông ở phố Cáo, Sau mùa thu hoạch…
 
Người xem cũng thấy thấp thoáng đâu đây chất thơ trong những bức ảnh: Cổ thụ và mầm non, Đô-mi-son, Qua sông Mỹ Hà, Trên dòng Lô Giang… Không biết có phải từ tên một tác phẩm Yên ả trung du chụp cảnh em bé dắt trâu đi dưới rừng cọ thanh bình mà tác giả liên tưởng và phát triển ý tứ ấy thành một chủ đề và đặt tên cho cuốn sách là Yên ả quê hương dân dã, mộc mạc. 
 
Hồng Trọng Mậu sinh tại Hà Nội, là người Việt gốc Hoa, nguyên quán ở Phúc Kiến (Trung Quốc). Ngay từ năm bước vào lớp một cho đến hết lớp sơ trung (tương đương lớp 9 ngày nay), anh học ở Trường Trung học Trung Hoa tức là học ở trường phổ thông do người Hoa mở. Người dạy và người học đều dùng tiếng Trung Quốc. Với vốn Hoa ngữ có được, anh đã dịch nhiều bài từ tạp chí Trung Quốc nhiếp ảnh và Đại chúng nhiếp ảnh để in trên tạp chí Nhiếp ảnh Việt Nam như bài: Cái đẹp - câu chuyện của ngàn năm của Hàm Tử Thiện, Bàn về tạo hình trong nhiếp ảnh của Ngô Ấn Hàm, Sự khác biệt giữa nghệ thuật nhiếp ảnh Trung Quốc và phương Tây của Ngô Cường… Bên cạnh đó, Hồng Trọng Mậu còn có nhiều bài viết chân dung các nghệ sĩ nhiếp ảnh như: Vũ Năng An - nhân chứng lịch sử, Triệu Đại - Người chép sử chiến thắng Điên Biên bằng ảnh, Võ An Ninh - nặng tình quê hương…
 
Trừ một số ảnh chụp ở Trung Quốc và những ảnh Hồng Trọng Mậu chụp ở Úc trong những dịp đi du lịch thăm người thân, còn lại phần lớn ảnh anh chụp ở Việt Nam và chủ yếu là Hà Nội, vùng ngoại thành, tỉnh lân cận, vùng cao Tây Bắc. Nhưng dẫu gì, qua cuốn sách ảnh Yên ả quê hương của Hồng Trọng Mậu cũng ít nhiều phản ánh được một số nét sinh hoạt, lao động phong phú, bình dị của người Việt Nam và phong cảnh nên thơ, hữu tình của Việt Nam mà anh có dịp đi đến.
 
Có thể nói, Hồng Trọng Mậu cùng với Khâu Hồng Nho, Lâm Hồng Long là những nghệ sĩ nhiếp ảnh ngoại kiều thành công và ghi dấu ấn trong sáng tác trên đất nước Việt Nam. 
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồng Trọng Mậu là thành viên sáng lập Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (1965), thành viên sáng lập Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội (1966). Ông đã được trao tước hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh có công ES.VAPA, Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc E.VAPA và từng giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội nhiệm kỳ 2011 - 2016. 

Một số tác phẩm tiêu biểu của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồng Trọng Mậu: Mây trên Trường thành - giải Nhất cuộc thi Trung Quốc trong con mắt người nước ngoài năm 1997, tại Bắc Kinh - Trung Quốc; Mạ xuân giải thưởng Văn học nghệ thuật Thủ đô năm 2010 của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội; Vươn tới trời cao - giải Nhì cuộc thi Những công trình làm đẹp đất nước năm 1998, do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức…

Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/nsna-hong-trong-mau-nguoi-mang-chat-tho-vao-trong-anh_267758.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)