1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Truyện - Chân dung

Niềm hy vọng

17/10/2020
Truyện của Slawomir Mrozek (Ba Lan)

Có lần tôi nhận được một lá thư. Lá thư này sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu không vì cái nội dung kỳ quặc của nó, nói cách khác là không có nội dung. Tôi bóc phong bì như thường lệ và lôi ra một tờ giấy trắng, trắng tinh, cả mặt bên này lẫn mặt bên kia đều không thấy một chữ nào. Ngoài bì thư đề mỗi địa chỉ của tôi - không có địa chỉ người gửi - và dấu bưu điện của một địa phương quen biết. Chẳng biết đây là do đãng trí hay là một trò đùa ngu ngốc của kẻ nào đó.

 

Vài hôm sau tôi lại nhận được một phong bì y vậy. - Thế này thì có lẽ chẳng phải là đãng trí, mà là một trò đùa thực sự rồi, - tôi lẩm bẩm, cay đắng trong lòng, quẳng lá thư vào sọt rác. Cử chỉ khinh bỉ ra mặt, kẻ cả và bề trên đó khiến tôi lập tức sinh nghi. Tôi làm vậy là để phản đối 


 

ai cơ chứ? Bởi kẻ viết thư, tác giả của trò đùa, làm gì có mặt ở trong phòng để mà mục kích hành động phẫn nộ của tôi. Nhưng cử chỉ đó lại gây tác động nội tâm đối với tôi, từ đáy lòng tôi cảm thấy đúng là mình lẩm cẩm khi bận tâm không đúng lúc, tưởng rằng mình bị kẻ khác lừa. Quả tôi là một thằng điên, khi để mình tự lừa dối mình.

 

Tôi quyết định sẽ không bao giờ bóc những lá thư như vậy nữa. Nhưng làm sao để mà nhận biết được, lá thư là như vậy hay là lá thư bình thường để đừng bóc ra? Vả lại, đa phần thư từ gửi đến có phong bì không trong suốt.

 

Tôi sẽ nhận ra chúng theo tên địa phương ghi trên dấu bưu điện, - tôi nghĩ bụng.

 

Khốn nỗi cái địa phương này lại là một thành phố khá lớn. Rất có thể một người nào đó thực sự muốn nói điều gì đó với tôi, nên gửi thư cho tôi từ đó. Sẽ chẳng khôn ngoan tí nào khi chỉ vì một kẻ thích đùa mà để mất liên lạc với thế gian.

 

Như vậy là tôi còn nhận được ba tờ giấy trắng nữa. Cứ mỗi lần như vậy tôi lại ê chề thất vọng. Chúng ta, ai cũng biết, con người ta mừng biết nhường nào trong phút giây, khi ta nhận từ tay nhân viên bưu điện phong thư, tuy chưa biết của ai, nhưng cũng chỉ giữa chúng ta với nhau mà thôi. Cũng có thể nghĩ, có kẻ nào đó nhẫn tâm, toan làm cho tôi hết thói tò mò, thói mong đợi, qua đó triệt hạ ý nghĩa cuộc đời trong tôi, tức thị giết mà vẫn để tôi như còn sống...

 

Bực bội trong lòng, tôi tận dụng ngay cơ hội đầu tiên để đi về thành phố đó. Tôi nghĩ bụng, biết đâu mình sẽ gặp được những người quen mà qua thái độ của họ, qua sự lúng túng hiện trên nét mặt, qua hành động hoặc lời nói lộ ra, họ tự thú nhận mình là tác giả của những bức thư khó chịu nọ. Chẳng tiết lộ với một ai, tôi lẳng lặng thực hiện ý đồ của mình.

 

Tại nhà ga, tàu vừa dừng bánh, tôi đảo mắt quan sát sân ga với vẻ ngờ vực, cứ như là trong đám khách bộ hành kia, mà không nhất thiết họ phải là dân thành phố này, có kẻ đang bị tôi lùng tìm. Tại khách sạn, khi tôi làm thủ tục khai báo, người thường trực sau khi nghe họ tên tôi liền nói: - Ở đây có thư cho ngài đấy - đoạn anh ta với tay vào ô tủ lấy phong thư. Tôi mở bì thư theo phản xạ, bởi không thể nghĩ rằng mình lại vớ phải một tờ giấy trắng ở chốn này. Thế mà lại là một tờ giấy trắng thật.

 

- Mình bị theo dõi rồi, - tôi thầm nghĩ. Có điều, ngày ghi trên dấu bưu điện cho hay, thư gửi cách đây đã vài hôm. Cũng theo dấu bưu điện tôi suy ra, lá thư được gửi đi từ địa phương mà cách đây vài giờ tôi đã từ đó ra đi.

 

Không hề gì. Cả ngày, cả dấu vẫn có thể giả mạo cơ mà. Nhưng làm sao người ta lại biết là tôi sẽ đi tới đây? Người thường trực khẳng định, thư đã nằm đó chờ tôi từ hôm qua. Người ta đã không trả lại lá thư, vì nghĩ rằng tôi quen người gửi và chính tôi cho người đó biết tên khách sạn tôi sẽ nghỉ lại. Lại nữa, có biết ai là người gửi đâu mà trả lại.

 

Cũng có thể người thường trực thông đồng với bọn họ. Tiến hành một chiến dịch phức tạp như thế này đòi hỏi phải có sự tham gia không chỉ của một người, mà là của nhiều người. Đây chẳng còn là chuyện đùa nữa rồi. Một khi không phải là chuyện đùa, thì là gì nào?

 

Tôi đã cố tìm câu trả lời cho câu hỏi này ngay trong cái đêm con tàu đưa tôi quay trở về, và trong mấy ngày sau đó nữa. Tôi hiểu thế này: một khi chuyện đùa đã bị loại trừ thì khả năng lá thư chẳng có nghĩa lý gì, nó chỉ là một phương tiện, thư để mà thư, chẳng có ý gì, cũng không còn nữa. Cho nên phải quay trở lại với giả thuyết, mỗi tờ giấy trắng đều hàm chứa một nội dung riêng, hoàn toàn riêng. Đúng là mực hóa học rồi. Phải bôi hóa chất thích hợp thì chữ mới hiện lên. Tôi lao ngay tới phòng thí nghiệm. Song các thử nghiệm đều cho kết quả chẳng ăn nhằm gì: đó chỉ là những tờ giấy trắng, không hơn, không kém.

 

Dù sao những tờ giấy trắng này nhất định phải ẩn chứa nội dung gì đó. Một khi tìm cách đọc chữ không xong, thì đành phải xác định bản chất của chúng bằng phương pháp quy nạp, đi tới những kết luận về tâm lý, động cơ khả dĩ của người gửi.

 

Phải chăng đó là một sự bộc lộ tình yêu? Dễ như vậy lắm. Có lẽ là muốn tỏ tình, nhưng mà xấu hổ không dám nói ra, người đàn bà tôi chưa biết mặt đã gửi tới tôi những tờ giấy trắng này. Sự thoả hiệp giữa tình cảm và tính lịch thiệp được biểu đạt dưới dạng những tờ giấy mẫu chưa điền. Phát hiện này làm rạo rực lòng tôi. Tôi sắm ngay một chiếc cà vạt mới và hai ngày liền tôi hát thầm lúc cạo râu. Đối với cô nàng chưa biết mặt nọ tôi cảm thấy mình có cái gì đó thương thương thực bụng, rất khó nói và phấn khích. - Tội nghiệp cô bé... - tôi thầm nghĩ, miệng nở nụ cười tinh khôn, bao dung, - nàng tuy rụt rè song say đắm, đầy cảm hóa.

 

Một cô bé hả? Tôi ngẫm nghĩ. Không, có kẻ nào đó điều khiển các phương tiện như thế này, mà có khi cả một tổ chức cũng nên, nhưng họ không nêu tên. Hay đó là một bậc mệnh phụ, tầm cỡ quốc tế. Một trường hợp hiếm hoi? Niềm xúc cảm tác động vào người đàn bà không phải bình thường đó mãnh liệt tới độ đã biến bà ta thành một nữ sinh trường nội trú. Phải đi sắm một đôi giầy cao cổ nữa mới được.

 

Niềm hứng khởi của tôi tan dần rồi mất hết, khi tôi tiếp tục nhận được ba tờ giấy trắng nữa. Chuyện tình này dai dẳng quá lâu, khiến lòng tôi băn khoăn, chung cục đây có thực là chuyện tình hay không. Ngay đến một cô gái tuổi dậy thì nhút nhát nhất cũng chỉ có thể gửi cho người mình yêu một, cùng lắm là hai lá thư để giấy trắng như vậy, và hẳn cô nàng không kìm nổi trước sự bộc lộ ít ám chỉ hơn ở lá thư thứ hai hoặc thứ ba. Lúc này tôi chợt nảy ra một ý, thực đáng tiếc, hoàn toàn khác.

 

Đây là một vụ tống tiền! Kẻ gửi thư đòi tiền chuộc. Nguyên việc các tờ giấy hoàn toàn để trắng đã nói lên sự khôn ngoan, cái tinh đời và sự cẩn trọng của lũ bất lương. Đó đâu phải là những lời đe doạ tầm thường ám chỉ theo kiểu: “Ông mà không đặt ở chỗ nọ, chỗ kia khoản tiền thế này thế kia thì...”. Nhẽ ra tôi đã phải chạm trán với một băng tội phạm từng trải, chưa bao giờ bị tóm cổ. Niềm phấn khích trong tôi không còn nữa. Nỗi lo sợ xuất hiện.

 

Đêm nào tôi cũng chặn cửa. Cho tới khi tôi nghĩ, làm như vậy mãi đâu có được. Rằng, tôi bắt đầu trở thành nạn nhân của những lời mê sảng của chính mình. Rằng, tôi mà không tỉnh táo suy ngẫm, tôi mà không có những biện pháp thích hợp, thì ai mà biết được, tôi sẽ còn chuốc lấy những gì nữa trong những bức thư câm này.

 

Hay hơn cả là hãy quên béng chuyện này một thời gian. Ôi, giá mà một trong những lá thư để giấy trắng kia có viết, dẫu chỉ là: “Này mi, thằng nhãi con kia!” - thì tôi ắt cảm thấy dễ chịu ngay. Tôi sẵn lòng đón nhận thậm chí cả những lời nhục mạ, cốt sao chúng được thốt ra.

 

Những lá thư này lại chẳng nói gì cả, tuy nhiên, nhờ thực chất của mình, chúng đã buộc tôi phải làm cái điều chính bản thân tôi cũng chưa thể nghĩ ra. Bởi lẽ trong những lá thư đó dứt khoát phải có một thông tin nào đó, hoặc một yêu cầu, hoặc một lời kêu gọi, hoặc người ta muốn gì đó, đòi hỏi gì đó, cần gì đó ở tôi, nhưng tôi chẳng thể đáp ứng được những thứ đó, nên tôi cảm thấy mình có lỗi. Trách nhiệm không hạn chế, cưỡng bức không mệnh lệnh - toàn là những chuyện cực mệt.

 

Bởi thế cho nên tôi vội vàng nhận lời tham dự một cuộc đi săn vịt trời tại trung tâm của một vùng sình lầy rộng lớn, ở nơi tận cùng đất nước. Tại vùng nước rộng gần bằng cả một tỉnh này, người ta chỉ có thể đi lại bằng xuồng mà thôi. Cuộc sống đầy gian lao, lắm hồi hộp, cộng với việc thiếu vắng nhà bưu điện lại thích hợp với tôi.

 

Chúng tôi ngồi phục trên đảo nhỏ, mặt trời đang lặn dần và một đàn vịt trời theo đội hình mũi tên nhọn bay tới. Người dẫn đường, vốn rất am tường đời sống của các loài chim muông, đưa tay che mắt.

 

- Quái lạ, - rốt cuộc anh ta cất lời, - mình không dám tin, con bay trước con cuối cùng, phía bên trái, lại là con vịt trời.

 

Tôi căng mắt nhìn, nhưng tôi chẳng thể phân biệt được như đôi mắt tinh tường của nhà thiện xạ. Tôi chộp lấy ống nhòm, đoạn ngắm vào đàn chim. Con bay trước con cuối cùng, phía trái, là một con bồ câu đưa thư.

Không để mất thì giờ, tôi đặt ống nhòm xuống, vớ vội khẩu súng săn, ngắm thật chính xác, đoạn bóp cò. Con bồ câu rời khỏi đội hình của đàn chim trời và quay tròn rơi xuống, chết đứ đừ trên mặt hồ, ở ngoài xa... Đàn vịt trời hoảng sợ, đổi hướng bay, rồi khuất bóng tít tận phía chân trời. Mấy anh bạn, vì phát súng ăn non của tôi đã bị hỏng mất cuộc đi săn, chửi toáng lên.

 

Mặt trời đã lặn, tiếng sóng vỗ bờ kêu oàm oạp, rong rêu nổi lềnh bềnh và con chó săn trung thành của tôi đã lôi lên từ đó, đang ngậm trong mõm, con bồ câu đưa thư đã bị hạ sát. Tôi trườn ngay về phía xuồng.

 

- Này. Thư của cậu! - mấy anh bạn gọi to, tay vẫy vẫy chiếc phong bì màu xanh. - Chính chiếc túi nhỏ bằng vải sơn đã giữ cho bì thư không bị ướt.

 

Làm ra bộ muốn được đọc thư một mình, tôi đi ra rìa bờ. Đúng, lại cái phong bì y vậy. Do đã quá quen nét chữ ghi địa chỉ trên tất cả các bì thư nên tôi không dám ảo tưởng gì. Không thèm mở ra, tôi vò bì thư nát ra từng mảnh rồi tung xuống đám sậy.

 

Trời tối sầm. Chúng tôi nằm bên đống lửa cháy bập bùng.

 

- Thư có gì quan trọng không đấy? - mấy người bạn hỏi tôi.

 

- Không, chả có gì đâu, - tôi đáp và thình lình nghĩ trong đầu, chẳng biết mình vừa nói dối hay là nói thật. Tôi vụt đứng dậy, chạy ra phía bờ. Tôi lao xuống nước. Tôi lội, nước ngập đến thắt lưng, rồi đến vai, tôi vội vàng gạt sậy, tìm kiếm. Quá muộn mất rồi. Trời mỗi lúc càng tối đen, các mảnh giấy sũng nước đã chìm xuống đáy và nước chảy lờ đờ đã lôi chúng ra ngoài đầm lầy, quấn vào các gốc sậy.

 

Chả sao, có lẽ trong thư chẳng có gì, chắc chắn là không... Tại sao lần này trong thư lại phải có cái gì đó mới được cơ chứ?

 

- Chẳng có gì đâu.

 

- Nhỡ ra có thì sao?

Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/niem-hy-vong_262566.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)