1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Truyện - Chân dung

Nhớ thầy Hoàng Thiếu Sơn

22/01/2021
PGS - NGND Hoàng Thiếu Sơn (1920 - 2005) là một trong những tấm gương sáng của nền giáo dục nước nhà. Bên cạnh công tác nghiên cứu và giảng dạy bộ môn địa lý, ông còn là người truyền bá văn học nước ngoài vào Việt Nam với những tác phẩm dịch công phu, những cuộc nói chuyện hấp dẫn, kiến văn sâu rộng. Với không ít người, ông như một nhân vật huyền thoại về sở học, về trí nhớ và nghệ thuật truyền bá tri thức.
1. Năm 1971, ngay những ngày đầu nhập học khoa Địa lý trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, chúng tôi lần đầu tiên được nghe một buổi nói chuyện… mê ly. Người thuyết trình là thầy giáo Hoàng Thiếu Sơn - người mà tôi từng ngưỡng mộ qua các tác phẩm văn học dịch: Những linh hồn chết hay Chiến tranh và Hòa bình.
 
Tại buổi nói chuyện hôm đó, thầy Sơn kể và bình luận truyện Tam quốc diễn nghĩa của tác giả La Quán Trung. Với giọng miền Trung thủ thỉ, không một mảnh giấy trên tay, bằng trí nhớ tuyệt vời, thầy điềm tĩnh kể rành rọt, chi tiết từng nhân vật, từng cuộc đối thoại, từng cuộc đối đầu nảy lửa nhưng đầy trí tuệ giữa Khổng Minh Gia Cát Lượng với các đối thủ; mô tả các cuộc chiến với những trận đồ bát quái, lần lượt khiến các bên đối phương trở tay không kịp,… Trong câu chuyện kể, từ lúc nào không biết thầy “biến” tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa thành pho sách với những bài học đậm màu sắc địa lý và nhân văn, giải thích ngọn ngành nguyên nhân thắng - bại của từng trận đánh bằng tri thức thiên văn… 
 
Sự cuốn hút từ tác phẩm văn học kinh điển, hóa ra chỉ là cái cớ để thầy “dẫn dụ” chúng tôi đến với… địa lý - bộ môn khoa học mà đa số học trò ngồi nghe còn rất mờ mịt. Thú thật, ngày ấy nhận giấy báo nhập học, trong chúng tôi, chẳng mấy ai phấn khởi… Thế mà, chỉ một buổi nghe thầy giáo Hoàng Thiếu Sơn nói chuyện, dường như tất cả đều cảm thấy con đường mình sắp trải qua trong bốn năm học tới sẽ rất gập ghềnh nhưng không kém phần quyến rũ… Nghệ thuật nói chuyện của thầy đã cuốn hút tôi ham mê tìm hiểu địa lý. Và, dần dà tôi hiểu: địa lý là khoa học liên quan tới hầu hết các ngành khoa học và văn học - nghệ thuật.
 
Hai tập giáo trình Địa lý tự nhiên đại cương do thầy giáo Hoàng Thiếu Sơn biên soạn (năm 1964 được chọn làm tài liệu giảng dạy chính thức trong các trường đại học, cao đẳng có bộ môn địa lý), hay các bài giảng chuyên đề về địa lý tự nhiên và địa lý nhân văn, về lịch sử địa lý của thầy, đều toát lên tinh thần bất biến của các mối quan hệ, liên hệ hữu cơ giữa địa lý với lịch sử và văn học, với các ngành khoa học khác. Đây là một đóng góp quan trọng của PGS-NGND Hoàng Thiếu Sơn vào việc khẳng định địa lý là khoa học liên ngành, hay nói cách khác địa lý là khoa học kết nối các ngành khoa học, để giải quyết những vấn đề lý thuyết và thực tiễn trong nhận thức và sử dụng, khai thác các nguồn lợi từ môi trường địa lý phù hợp với các quy luật tự nhiên và xã hội. Đó cũng là lý do vì sao không nên coi môn địa lý ở bậc học phổ thông là môn phụ, bởi thiếu kiến thức địa lý học trò không có cơ hội phát triển toàn diện như chiến lược giáo dục mà Đảng và Nhà nước đã đề ra và mong muốn.  
 
Khi Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới, công cuộc chấn hưng văn hóa và phát triển kinh tế đất nước đòi hỏi phải đẩy nhanh các nghiên cứu cơ bản, PGS-NGND Hoàng Thiếu Sơn có nhiều ý kiến đề xuất và là người đầu tiên biên soạn giáo trình Địa lý du lịch, phục vụ công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành kinh tế mũi nhọn non trẻ; biên soạn các sách về “địa chí” (loại sách nghiên cứu về địa lý địa phương đã một thời gian dài gián đoạn), điển hình là bộ Địa chí Hà Bắc và Bách khoa thư Hà Nội (thầy chủ biên phần địa lý). Đây là những công trình khoa học có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
 
2. Con đường trở thành nhà giáo và nhà địa lý học của PGS-NGND Hoàng Thiếu Sơn thật không bằng phẳng, song lại rất… có lý!
 
Hoàng Thiếu Sơn sinh năm 1920, trong một gia đình có truyền thống khoa bảng tại làng Trung Bính, tổng Võ Xá, phủ Quảng Ninh, nay thuộc xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Ông nội của thầy là cụ Huỳnh Côn (Hoàng Côn - 1850 - 1925), đậu Phó bảng năm 1887, làm Thượng thư từ bộ Lễ đến bộ Hộ, bộ Công trong triều đình nhà Nguyễn. Khi làm Thượng thư bộ Lễ, vì rất giỏi về giáo dục nên triều đình cử cụ ra Hà Nội tham gia cải cách giáo dục quy mô cả nước, lập thêm bộ Học (tức là bộ Giáo dục). Cụ để lại tập thơ Hà Nguyên Thi Khảo bằng chữ Nôm, nhiều câu đối và nhiều bài thơ đăng trên báo Nam Phong từ 1914 đến 1925. Khi còn làm Phụ chánh, cụ đã soạn thảo tập Chiêm Thành Khảo dùng làm giáo trình giảng văn sách cho vua Duy Tân. Tại Huế, cụ sáng lập và làm chủ nhiệm tờ báo gia đình mang tên Tràng An. 
 
Tốt nghiệp tiểu học trường Đồng Hới, Hoàng Thiếu Sơn vào Huế ở cùng ông nội và theo học trường Quốc học. Ngày đi học, đêm về cậu học trò nghe ra-đi-ô ghi chép tin tức và biên tập, sáng sớm nộp cho ông nội để kịp đưa in, trong đó có cả tin về các trận bóng đá, nên sau này Hoàng Thiếu Sơn viết tường thuật bóng đá như một bình luận viên thực thụ. Những tư liệu sơ giản trên đây phần nào cho thấy tuổi niên thiếu của Hoàng Thiếu Sơn chịu ảnh hưởng sâu sắc từ ông nội Hoàng Côn, cả về sở học cùng nhân cách người thầy giáo.
 
Ra Hà Nội, Hoàng Thiếu Sơn vào học trường Thăng Long. Sau khi tốt nghiệp trung học toàn phần, đỗ tú tài, ông học luật rồi chuyển sang học kiến trúc. Đồng thời, ông theo học văn học qua thư gửi từ Pháp; năm 1945 là năm ông tốt nghiệp, nhưng chứng chỉ văn khoa không tới tay ông, vì đường bưu điện bị gián đoạn khi quan hệ Pháp - Việt tạm thời đình trệ. Đường học vấn của ông không hề suôn sẻ. Nhưng, trình độ học vấn của ông không ngừng nâng cao và hoàn thiện nhờ khả năng tự học - con đường mà thế hệ trí thức thời ấy nhiều người thực hiện và thực hiện thành công trong sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy. Tự học, trước hết là ngoại ngữ. Với vốn tiếng Pháp ban đầu, ông tiếp tục tự học các ngôn ngữ Anh, Nga, Thụy Điển, Đức, Tây Ban Nha, Italia, Hy Lạp và cả La tin. Đó là những cánh cửa rộng mở để ông đi sâu vào các lĩnh vực quan tâm và yêu thích, đặc biệt đối với công việc chuyển ngữ các tác phẩm văn học nước ngoài - loại lao động âm thầm và khó nhọc, đòi hỏi phải am hiểu thấu đáo không chỉ ngôn ngữ nguyên tác, tiểu sử tác giả cũng như bối cảnh lịch sử ra đời tác phẩm, mà còn là trình độ sử dụng nhuần nhuyễn và tình yêu sâu sắc tiếng Việt. Dịch giả Hoàng Thiếu Sơn là một trong những người thực thi công việc ấy vào bậc xuất chúng.
Nước Việt Nam giành độc lập, Hoàng Thiếu Sơn được cử giữ chức Chánh Văn phòng Bộ Quốc gia Giáo dục. Toàn quốc kháng chiến, lên Chiến khu Việt Bắc, ông đệ đơn và được Chủ tịch nước cho từ chức ở Bộ Quốc gia Giáo dục. Ông từng dạy học ở các trường trung học kháng chiến, như Tân Trào (Tuyên Quang), Hùng Vương (Phú Thọ), Hàn Thuyên (Bắc Ninh). Hòa bình lập lại, ông về Hà Nội công tác tại Ban Văn - Sử - Địa và sau đó tham gia sáng lập khoa Địa lý trường Đại học Sư phạm Hà Nội cùng các giáo sư Nguyễn Đức Chính, Trần Đình Gián, Đào Bá Cương (năm 1956). Ông hiến dâng trí tuệ và sức lực cho sự nghiệp giáo dục nước nhà từ đó cho đến ngày nghỉ hưu. 
 
Tiếp sau giáo trình Địa lý tự nhiên đại cương (2 tập), thầy giáo Hoàng Thiếu Sơn tiếp tục biên soạn (hoặc đồng tác giả) các sách địa lý bậc phổ thông: lớp 1, lớp 5, lớp 8; và biên soạn các sách tham khảo về địa lý, như: Thế giới động vật, Tìm hiểu nguồn gốc người vạn đảo, Sao chổi và sao chổi Halley, Các chủng tộc trên thế giới đều bình đẳng… 
 
3. Về công tác dịch thuật và giới thiệu các tác phẩm văn học nước ngoài đến bạn đọc Việt Nam, PGS-NGND Hoàng Thiếu Sơn có nhiều cống hiến quý báu. Ông cùng Cao Xuân Hạo, Trường Xuyên và Nhữ Thành (tức Phan Ngọc) biên dịch tác phẩm Chiến tranh và hòa bình của Lev Nikolayevich Tolstoy. Ông dịch và viết lời giới thiệu công phu cho các tác phẩm: Những linh hồn chết của Nicolai Gogol, Trường ca Iliad và Trường ca Ôđixê của Homer, Truyện cổ Yơxta Becling và Cuộc lữ hành kỳ diệu của Nilx Hôlyerxôn qua suốt nước Thụy Điển của Selma Lagerlop và đặc biệt tác phẩm Những tấm lòng cao cả của Edmondo De Amicis, được đông đảo độc giả trong nước hâm mộ.   
 
Có thể nói, PGS-NGND Hoàng Thiếu Sơn là một trong những người có số buổi nói chuyện nhiều nhất và hay nhất, giới thiệu các kiệt tác văn học của thế giới với những kiến giải thâm hậu, để lại dư ba không chỉ trong giới sinh viên mà cả trong giới khoa học, trong cán bộ và nhân dân cả nước. Với mỗi đối tượng, thầy thu hút người nghe bằng cách riêng, cốt sao sự tiếp nhận ở họ dễ dàng và đầy đủ nhất. Chẳng hạn, nói chuyện về cuộc đời và thành tựu khoa học của nữ bác học Marie Curie cho cán bộ và sinh viên khoa hóa, người nghe cảm tưởng diễn giả là chuyên gia hóa học thực thụ. Hay, thầy giới thiệu cuốn sách Làm mẹ, khiến các bà, các chị xuýt xoa, ngẫm ngợi…
 
Gắn liền với công việc dịch thuật, PGS-NGND Hoàng Thiếu Sơn rất quan tâm và đề xuất cách phiên âm đúng các ngôn ngữ nước ngoài sang tiếng Việt, hoặc tham gia viết bài cho mục Dọn vườn trên báo Văn nghệ trong nhiều năm. Thầy cũng là một trong các tác giả của loại sách Người tốt việc tốt xuất phát từ gợi ý của Bác Hồ.    
 
Tôi nhớ, năm 1986, Ban biên tập sách địa lý Nxb Giáo dục có nhờ thầy hiệu đính bản thảo cuốn Thủ đô các nước anh em. Là cuốn sách biên soạn đầu tay và lúc ấy trình độ ngoại ngữ của tôi rất hạn chế, nên bản thảo đầy lỗi phiên âm những tên riêng. Thầy đã bỏ nhiều thời gian chữa từng lỗi và giải thích cách phiên âm từng ngôn ngữ. Tôi coi đây là một kỷ niệm, một bài học tạc lòng, là sự quan tâm đặc biệt của thầy đối với học trò, với người chập chững vào nghề cầm bút. Nhiều sinh viên trong khoa Địa lý cũng được thầy quan tâm như tôi…
 
***
Căn phòng trên tầng hai nhà số 3 phố Hàng Chuối, Hà Nội, suốt mấy chục năm đêm đêm ngọn đèn bàn soi sáng những trang sách, những dòng chữ nắn nót đều đặn. Cũng từ đó, sáng sáng đi ra một dáng người tầm thước, ăn mặc giản dị, khoác trên vai chiếc túi vải, cuốc bộ tới thư viện đọc sách hoặc lên xe buýt vào khoa lên lớp. Đó là PGS-NGND Hoàng Thiếu Sơn - người đã truyền cho các thế hệ sinh viên khoa Địa lý Đại học Sư phạm tình yêu nghề nghiệp, người gieo vào lòng bao người tình yêu văn học với tấm lòng cao cả và sự hy sinh vô giá…
 
Người Hà Nội
 
http://nguoihanoi.com.vn/nho-thay-hoang-thieu-son_263555.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)