1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Truyện - Chân dung

Người con riêng của bác tôi

23/04/2020
Mỗi lần giỗ bác cả, tôi lại thấy chị Hòa. Chị ngồi rửa bát ở cái bể nước sau nhà. Chỉ lúc đó, tôi mới thấy chị, có lẽ rất nhiều người hàng năm vẫn đến ăn giỗ bác Lâm cũng chưa từng thấy mặt chị. Như cô Tấm hiện ra lặng lẽ, dọn dẹp xong xuôi, lắm khi bác gái đang bận khách khứa, chị lại lặng lẽ mất hút sau lũy tre cuối xóm cho đến tận năm sau.


Minh họa của Nguyễn Văn Đức

Mỗi lần giỗ bác cả, tôi lại thấy chị Hòa. Chị ngồi rửa bát ở cái bể nước sau nhà. Chỉ lúc đó, tôi mới thấy chị, có lẽ rất nhiều người hàng năm vẫn đến ăn giỗ bác Lâm cũng chưa từng thấy mặt chị. Như cô Tấm hiện ra lặng lẽ, dọn dẹp xong xuôi, lắm khi bác gái đang bận khách khứa, chị lại lặng lẽ mất hút sau lũy tre cuối xóm cho đến tận năm sau.
 

Chị là con riêng của bác. Cả họ chỉ biết đến chị khi bác đã nằm dưới ba thước đất. Tôi nhớ mãi ngày ấy, chị dỏng người, da xanh, hình như ăn chỉ để nuôi mớ tóc xoăn. Khuôn mặt chị đúng ra chả được nét nào đẹp. Đã thế, lại còn cái mũi ngắn và hếch. Cái mũi oái oăm trên khuôn mặt của bất kì đứa con gái nào. Chị mặc một bộ quần áo hoa màu vàng đã cũ, tóc buộc dây cao su. Bà ngoại chị đưa chị đến nhà bác tôi sau một trăm ngày của mẹ chị. Nhìn chị ngồi trên cái ghế đẩu mà bác Lâm đóng từ những mảnh thùng đạn cũ. Có lẽ là chiếc ghế cuối cùng bác đóng trước khi ngã bệnh. Chả cần nói, bác dâu tôi và những người con nhìn chị như muốn thích chữ vào mặt. Có điều, cái mũi ấy thì đúng là của bác cả rồi, chẳng chối vào đâu được.
 

Năm tháng qua đi, những cái giỗ của bác cả cũng bớt nặng nề. Cỗ bàn đều thuê nhà hàng. Sớm ra, bác dâu tôi chỉ việc quét sạch cái sân xi măng. Gần trưa, các anh, các chị phóng xe vào thắp hương, hóa vàng rồi đánh chén. Chẳng còn bát cho chị Hòa rửa. Nhìn chị lủi thủi, còn tội hơn mấy đứa nhân viên nhà hàng đứng chờ người ta sai vặt. Đến lúc bác dâu gọi cả nhà vào họp bàn thì chị lại một mình lủi thủi đi tắt qua cánh đồng về trên xóm đồi.
 

Bỗng dưng, năm nay nhà bác cả họp trước đám giỗ một ngày. Chị Hòa được anh Nghiệp, con cả bác tôi mời đến dự đàng hoàng. Tôi đứng bên này rặng chuối nghe anh oang oang:
 

- Bà ủy quyền cho anh mời cô về họp bàn việc gia đình. À, mà cô đi phương tiện gì? Nhớ đến đúng giờ nhé, tôi còn trăm công, ngàn việc.
 

Vẫn cứ người nào xe ấy. Hơn bốn mươi năm rồi chị Hòa vẫn đi bộ đường đồng, nón lá đội đầu, khác là không bị chó cắn rách tả tơi gấu quần. Vào họp, cũng lại là chuyện bổ đầu tiền giỗ chạp, tiền thanh minh. Nhưng nhìn nét mặt cánh phụ nữ thì đến đứa trẻ trong làng này cũng biết, năm nay chắc là… cuối chầu. Cái công ty mà năm anh em họ Phạm mở ra đã qua hồi thua lỗ đến mức phải bán cả đất hương hỏa ông bà tôi để lại để trả nợ. Anh Nghiệp lớn tiếng:
 

- Cuối cùng xin báo cho cả họ một tin mừng. Có một thằng cha từ nước ngoài về, chả biết bị “ngáo” hay sao mà đâm đầu vào mua mảnh đất nhà mình, cả vườn ao, đồi ngót ba tỷ. Nó lại không thèm mặc cả. 
 

Chị Doanh, em kề ngay anh Nghiệp không giấu được vẻ tiếc rẻ:
 

- Nó máu thế sao bác không hét lên ba tỷ rưỡi…
 

- Tham vừa (anh Nghiệp nạt), “ăn mày đòi xôi gấc”, chắc bố phù hộ “đỡ”  cho mới được thế. Coi như là hòa. À, nhắc đến hòa mới nhớ. Mọi người đã có ý kiến cả rồi, cô Hòa có ý kiến gì khoản đóng góp không?
 

Chị Hòa đứng dậy, phải mất đến mấy phút cái miệng chị mới mấp máy được mấy câu thưa gửi. Chẳng ai thèm nghe chị nói, đám đàn bà oang oang giá mâm bàn, đám đàn ông hả hê sang năm ai cúng ở nhà đấy. Nhưng rồi tất cả đều lặng đi bởi một câu không thể tin nổi của chị:
 

- Dạ, thưa các bác, các cháu em xin mạo muội, có thể giữ lại ngôi nhà mà bố và mẹ cả đã từng tự tay xẻ gỗ, đóng gạch xây nên này không ạ? Còn vườn tược, ao chuôm các cụ…
 

Mọi ánh mắt lại nhìn về chị. Chả lẽ, lại hỏi chị vừa rớt từ đám mây nào xuống? Nhưng ba tỷ bán gì ra bây giờ nếu không phải là cái thế giới tuổi thơ mà ai cũng tiếc này. Tưởng làm ăn phất, xây cái dinh thự, còn đến nước này, không lẹm vào túi tiền nhà nào là may. Thôi, giải tán.
 

Sớm hôm sau, khác với mọi khi, mấy cô con dâu đon đả quét sân, phụ mấy ông chồng xẻ thịt, nấu nướng. Bác gái tôi tai nặng và mắt đã mờ nhưng nhìn thấy cảnh nấu nướng đầm ấm thì vui lắm. Bác đâu có biết rằng, giờ chả còn tiền đặt cỗ bàn. Ai cũng mong làm vui lòng bác để rước bác đi chơi vài bữa, đợi tay “ngáo” ở nước ngoài về giao nhà coi như xong. Nếu còn chút yếu mềm trong lòng thì họ cũng mong lần cuối cùng được tự tay làm lễ cúng lên cha mình. Âu cũng là…
 

Thế mà, lần này thì chị Hòa lại đến muộn. Khi mọi người đã vào mâm rồi, cái mỏ của mấy bà con dâu phải gọi là dài hơn vòi rồng cứu hỏa để nguýt. Người ta bảo năm ấy, chả biết khi đi đo đạc làm thủy điện trên mạn ngược, bác tôi bị tai nạn ngã xuống bờ bực. Lại có người bảo bác cao to, vạm vỡ nên bị bà người thổ chài. Gần năm trời, từ khi về bác tôi không nhớ ra nhà, ra tên mình, cứ ngẩn ngơ. Những năm sau chiến tranh, người ta lo cơm ăn, áo mặc, lo vượt biên, đầu cơ… bác dần hồi phục nhưng không đủ sức khỏe và minh mẫn đành về hưu sớm, đôi gánh trên lưng bác gái càng nặng.
 

Đùng cái, sau ngày bác mất, có người cùng làng ra nằm bệnh viện huyện gặp một bà người miền núi đưa con gái đi viện. Lân la thế nào, bà dẫn đứa cháu nhỏ tìm đến nhà bác tôi. Ngồi ở cái sân gạch bà bảo:
 

- Cán bộ Lâm không biết có con bé này đâu. Tưởng là người chưa có vợ nên mẹ nó mới có nó đấy. Định không xuống nhà cán bộ đâu, nhưng mẹ nó cũng lên đồi nằm rồi, giờ tôi già vẫn nuôi được nó, nhưng sợ tôi chết rồi không ai dẫn nó về nhà cán bộ. Cho nó nhìn cái nhà tí rồi tôi đưa nó đi thôi. Nó ăn cơm trên rừng quen rồi…
 

Đám giỗ bác Lâm cuối cùng cũng vãn người. Năm nay không mâm cao cỗ đầy mà lại chả thấy ai vắng mặt. Có người họ hàng ở xa đến còn góp ý, năm sau nên đặt cây cảnh chỗ này, nên đắp cái phù điêu, cái bình phong kia cho hợp phong thủy. Trong khi mấy anh chị em như đàn kiến đang bò trên cái chảo đặt trên bếp nóng. Chắc họ chỉ còn đợi chị Hòa rút tiền ra đóng nữa là giải tán. 
 

Anh Nghiệp cứ thấp thỏm, mấy lần có cuộc gọi đành tắt âm coi như bỏ qua, đúng lúc ấy thì chị Hòa lên tiếng, giọng ề à:
 

- Thưa với các bác, hôm nay hơn bốn mươi năm ngày bố mất. Cũng là lần đâu tiên em xin được có lời tâm sự. Trước là để các bác hiểu hoàn cảnh của em…
 

Bà Doanh chắc không thể kìm chế được nữa:
 

- À, cô Hòa này, hoàn cảnh của cô thì chúng tôi biết. Nếu khó khăn quá cô đã có lời. Ngần ấy năm qua chúng tôi còn chả trách cô nữa là…
 

- Thưa bác, được bác nói vậy, mẹ con em cảm động quá. Nhưng bác để em được nói tiếp được không ạ.

Thấy không ai nói gì, chị Hòa tiếp lời:
 

- Em thì học hết có lớp 7, phải bỏ học, may là cũng biết đọc, biết viết. Ở trên đấy thì chỉ đi bò, đi nứa, quanh năm chẳng được đi đâu xa chỉ loanh quanh trong rừng. Nhưng mà em được về nhìn nhà mình từ nhỏ, nay em xin các bác cho em được giữ lại ngôi nhà này. Mong các bác đừng bán ngôi nhà này đi lên phố hay xây nhà to làm gì nữa.
 

Anh Nghiệp bực dọc, không biết phải nói thế nào để cái cô con lai này hiểu được hoàn cảnh bây giờ. Nhưng ngẫm ra, cái đứa cả năm chỉ dám đến một lần rồi ngồi lủi thủi sau nhà rửa bát nó còn yêu cái mảnh đất hương hỏa của tổ tiên này đến thế. Bao năm trời, chả ai hỏi thăm xem nó sống ra sao, nó lấy ai? Lấy cái gì ăn? Con cái thế nào… Bỗng dưng, điện vụt tắt, những cánh quạt im phăng phắc trong cái nắng trưa đầu hè. Điện thoại lại đổ chuông, anh Nghiệp đành bắt máy: “… Thôi được, thế cậu đến ngay nhé”. Tắt máy, anh ngẩng lên như thanh minh:
 

- Đấy, thằng ở Tây về nó đòi xem nhà ngay. Mà bà nó đưa tờ báo đây cho tôi quạt, còn chúi mũi vào đọc cái gì, nóng đến rồ cả người đây này.
 

- Ôi ông ơi (bà vợ ông Nghiệp hốt hoảng), đây là cô Hòa nhà mình còn gì, đúng cô Hòa rồi, hơ hơ, điển hình làm kinh tế giỏi trồng rừng.
 

Chị Hòa lặng đi trước hai tiếng “nhà mình”, anh Nghiệp giằng lấy từ tay bà vợ, lần này thì đến lượt anh lại thốt lên:
 

-Thế cái cậu chụp cạnh cô Hòa là cháu nhà mình à. Dồi ôi sao cô không nói sớm… thằng, à cậu ở Tây về đấy.
 

- Dạ, các bác có để em nói hết câu đâu, các bác lo quá. 
 

Thằng Mạnh bước vào, nó xin phép cô bác được thắp nén hương cho ông ngoại. Lần đầu tiên nó được bước vào căn nhà ấy. Nó không biết rằng sau lưng nó, chị Hòa mẹ nó đang khóc nhưng bằng những giọt nước mắt hạnh phúc của một người phụ nữ đã nỗ lực cả đời mình để tìm lại những điều bình thường nhất như bao người đang thản thiên đã có, ấy là có một gia đình.

Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/nguoi-con-rieng-cua-bac-toi_258871.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)