1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Truyện - Chân dung

'Ngược dòng' để sống!

29/12/2020
Tai nạn y học đã khiến cho Hà Bích Hảo không có được tuổi thơ bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa. 6 tuổi Hảo được coi là người khuyết tật, nhưng đến 26 tuổi cô bé ngày ấy đã dang rộng vòng tay giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh…
Từ một cô gái yếu đuối, tự ti và mặc cảm Bích Hảo đã trở thành một con người đầy bản lĩnh, tự tin và nhân ái.
 
Tuổi thơ hòa trong nước mắt 
 
Hà Bích Hảo sinh ra ở Nam Định trong một gia đình làm nông nghèo. 6 tháng tuổi cô đã phải lên bàn phẫu thuật vì một cái bớt đỏ được chẩn đoán là u máu ngoài da. Thế nhưng trong quá trình phẫu thuật cô bị bỏng laser, kéo lệch toàn bộ một bên mặt phải từ tai đến mắt xuống tận cổ, khiến gương mặt bị biến dạng. Sau tai nạn, Hảo được nuôi bằng nước cơm của bà nội vì không thể tự bú mẹ.
 
Phải lên tận lớp 2 Hảo mới được chính thức đi học, bởi trước đó em được xem là học sinh khuyết tật nên chỉ… đi học dự thính. Tuy nhiên, mọi việc cũng không khấm khá hơn khi mỗi ngày đi học đã trở thành một cơn ác mộng của cô trò nhỏ. Các bạn học của cô không chỉ cười nhạo chỉ trỏ mà trêu chọc ném giẻ lau, sách vở vào người… Lúc ấy Hảo chỉ biết chấp nhận mà không hề phản kháng, bởi trong suy nghĩ non nớt của cô gái nhỏ thì khi lớn lên khuôn mặt của mình chắc chắn sẽ  khác, sẽ trở nên lành lặn, bình thường như mọi người.
 
Nhưng phép màu ấy đã không xảy ra, lên cấp 2 Hảo vẫn bị bạn bè xa lánh, vẫn bị coi là “con quỷ xấu xí”, là “xác sống”… Nhưng lần này thay vì cam chịu cô bé đã đánh trả bạn. 4 năm học cấp 2 là 4 lần bố mẹ Hảo được nhà trường gọi lên vì đánh bạn và thành tích học tập luôn đứng dưới trung bình. 
 
Lên cấp 3, Hảo đỗ vào một trường dân lập của huyện, nhưng cô vẫn bị bạn bè xa lánh vì khuôn mặt xấu xí của mình. Hảo nhớ lại, những ngày đầu đến lớp cô liên tục bị các bạn ném giày dép vào người và đuổi ra khỏi lớp, họ cho rằng cô không xứng đáng có mặt trong lớp học. Cô quyết định nghỉ học, bởi không thể chịu đựng thêm được nữa… Một tuần nghỉ học trôi qua, một hôm mẹ nhìn cô khóc và nói: “Nếu như mẹ có thể thay con chịu đựng tất cả điều này, mẹ sẵn sàng, kể cả chấp nhận cái chết". Cô lặng người… rồi quay lại trường học. Từ đó Hảo bắt đầu thay đổi và nỗ lực miệt mài học tập. Từ học sinh trung bình, cô trò nhỏ Bích Hảo đã vươn lên đạt học sinh tiên tiến và sau đó thuộc top đầu của lớp. Cô thành cán bộ lớp và bạn bè cũng dần cởi mở hơn.
 
Ám ảnh bởi những lời từ chối vì ngoại hình
 
Cuối năm học lớp 12, Hảo đăng ký thi và đỗ vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhưng rồi một năm sau, cô nhận thấy không phù hợp với sư phạm Văn nên quyết tâm thi lại. Năm 2015, cô trúng tuyển vào khoa Giáo dục đặc biệt của Đại học Sư phạm Hà Nội vì thích các hoạt động công tác xã hội.
 
Học đại học được một năm, Hảo xin làm tình nguyện viên cho một trung tâm trẻ tự kỷ. Thế nhưng, vừa mới làm được 2 tháng thì người quản lý gọi cô ra trước tất cả giáo viên khác và nói: "Tất cả phụ huynh đều không thích em có mặt trong trường vì sẽ làm con họ sợ. Từ mai, em không cần phải đến đây nữa. Vì nếu em đến sẽ “lây” cho các con". Cô bàng hoàng… tại sao một tai nạn y học có thể lây bệnh cho những đứa trẻ?
 
Lời nói cay nghiệt của người quản lý đó khiến Hảo từng có ý định tự vẫn, nhưng khi leo lên thành cầu để nhảy xuống dòng nước xiết Hảo chợt nghĩ đến gia đình, bố mẹ - những người yêu thương và đặt niềm tin vào cô con gái bé nhỏ của họ. Và rồi cô leo xuống, đạp xe quay trở về phòng trọ.
 
Những năm tiếp theo Hảo chăm lên thư viện đọc sách, học thêu tranh, nghe nhạc… Cho đến một hôm tình cờ xem một chương trình truyền cảm hứng của Nick Vujicic, Hảo nung nấu mong ước trở thành một diễn giả, đứng ở vị trí cao nhất để truyền cảm hứng và hơn hết sẽ được mọi người công nhận. Hảo tham gia nhiều hơn các hoạt động tình nguyện, tiếp tục làm nghề giáo viên dù vẫn bị ám ảnh bởi những lời từ chối vì ngoại hình. "Rất nhiều nơi săn đón, nhiệt tình mời tôi đến phỏng vấn khi đã trao đổi qua điện thoại. Nhưng chỉ cần nhìn thấy tôi trực tiếp, họ lại lắc đầu", Hảo kể.
 
Nỗ lực giúp đỡ những người kém may mắn
 
Sau khi tốt nghiệp đại học, Bích Hảo xin đến làm việc cho một trung tâm dạy trẻ tự kỷ ở quận Hai Bà Trưng (TP. Hà Nội). Mọi thứ dần trở nên tốt đẹp hơn, và Hảo lại thấy mình may mắn hơn bao giờ hết, bởi trong xã cô có tới 7 người khuyết tật nhưng Hảo là người duy nhất không những đỗ cấp ba mà còn đỗ tới hai trường đại học và hiện giờ cô đang theo học Thạc sĩ khoa Tâm lý học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
 
Để viết tiếp ước mơ của mình, cách đây một năm Hảo đã thành lập quỹ "Mầm và những người bạn" với mong muốn hỗ trợ những đứa trẻ kém may mắn có nguy cơ không được đến trường. Hảo cho biết, trước đây cô cũng rất khó khăn mới được đến trường học, sau này khi thấy những đứa trẻ có nguy cơ nghỉ học cô đã tự mình đi tìm các mạnh thường quân để giúp các em. Chính vì vậy mà đến ngày 16/6/2019 quỹ  “Mầm và những người bạn” do Hảo khởi xướng đã được ra đời. Nguồn tài trợ của quỹ không nhiều, phần lớn là do cô tự trích tiền lương của mình cùng với tiền kêu gọi từ bạn bè, người quen. Tuy mới hoạt động không lâu nhưng đến cuối năm 2019, quỹ “Mầm và những người bạn” đã tổ chức tặng quà Tết cho các em bệnh nhân tại Bệnh viện K3 Tân Triều trong chương trình “Tết hy vọng”. Đầu năm 2020 , trong đợt dịch Covid -19 quỹ đã hỗ trợ người lao động nghèo không có tiền về quê. Giữa năm 2020, quỹ đã tiếp tục kêu gọi và trợ giúp một số hoàn cảnh tai nạn giao thông, gia đình khó khăn. Hiện quỹ đang hoàn thiện hồ sơ bảo trợ giáo dục cho một số học sinh khuyết tật có nguy cơ bỏ học… Cách đây không lâu Hảo còn tự nguyện đăng ký hiến tạng với mong muốn dành những gì còn lại cho người kém may mắn. 
 
Lao vào những ước mơ, những hoạt động xã hội thiện nguyện nhưng Hảo vẫn khát khao được đi thẩm mỹ để lấy lại khuôn mặt bình thường nhưng bao người khác. Nhưng khi có cơ hội được hiện thực ước mơ ấy cô lại nhường cho một bạn ít tuổi hơn. Cũng có lần cô được đưa qua Hàn Quốc để phẫu thuật, thế nhưng vì vết bỏng đã quá lâu, khó có thể hoàn thiện, hành trình phẫu thuật có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, Hảo quyết định từ bỏ. Hảo muốn dành thời gian ấy để hoàn thiện tri thức và nhân cách của bản thân. Với Hảo, khiếm khuyết về tâm hồn đáng sợ hơn nhiều, những điều trải qua đã giúp cô tôi luyện và cứng rắn hơn bao giờ hết để luôn đối diện mọi việc bằng thái độ sống tích cực nhất. Đó là cách để tự bảo vệ bản thân khỏi những lời cay độc, những ánh nhìn từ mọi người xung quanh dù là ở quá khứ, thực tại hay tương lai… như cô vẫn thường nói “Tôi chỉ là đang ngược dòng để sống với mong muốn cống hiến...”
 
Vượt qua sự kỳ thị, đi lên từ những khó khăn, vất vả, Hà Bích Hảo từ một cô gái yếu đuối tự ti mặc cảm trở thành một con người đầy bản lĩnh tự tin, tích cực hoạt động thiện nguyện đem đến niềm vui, nụ cười cho nhiều hoàn cảnh khó khăn. Mong rằng, Bích Hảo sẽ luôn vui vẻ, tràn đầy năng lượng và hoàn thành tốt những ước mơ phía trước của mình. 
 
Người Hà Nội
http://nguoihanoi.com.vn/nguoc-dong-de-song_263728.html
 

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)