1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Truyện - Chân dung

Một thoáng với nhà viết kịch Giang Phong

07/05/2021
Một thoáng với nhà viết kịch Giang Phong
 
Tôi tiếp cận với tác phẩm của Giang Phong lần đầu tiên vào năm 1982. Hơn mười năm sau tôi mới được gặp anh. Tác phẩm đầu tiên của Giang Phong mà tôi được đọc là truyện ngắn Màu trắng tinh khiết. Truyện này tôi đọc ở thư viện tổng hợp Lômônôxốp (Liên Xô cũ). Cô kỹ sư hóa trong truyện tên là gì bây giờ tôi không còn nhớ nữa. Tôi chỉ nhớ rằng, cô đã mang đứa con nhỏ 2 tuổi đi theo, xuống vùng sú vẹt tỉnh Nam Định, Ninh Bình để nghiên cứu, tìm ra chất keo dính trong cây sú vẹt. Hai năm trời, cô đã chặt, đã băm, đã giã bao nhiêu tấn sú vẹt để chưng cất, tìm ra nhiệt độ chuẩn để lấy ra được chất keo dính, phục vụ cho công nghiệp. Thành công ấy là của cô! Thế mà khi công bố công trình khoa học ấy cô không được mang tên. Họ nói rằng, công trình ấy là của tập thể…
 
Sau đó mấy năm Liên Xô sụp đổ, họ chuyển sang cơ chế thị trường, nhưng cả truyện ngắn Màu trắng tinh khiết của Giang Phong vẫn còn trong thư mục của trường đại học Lômônôxốp. Giá trị tinh thần chân chính ấy, dù ở hoàn cảnh nào cũng không bị sụp đổ.
 
Giang Phong quê ở làng Lỗ Xá, tỉnh Nam Định. Anh sinh năm Giáp Thân. Theo Giáp Thân nam mạng, là một người đàn ông bản lĩnh, mạnh mẽ, khôn ngoan, biết nắm bắt thời cơ cho bản thân mình, dễ dàng tiến xa trong sự nghiệp, tình cảm, là người đa tài. Thực tế, cuộc đời của anh không được như thế. Anh là người con độc nhất trong gia đình cách mạng. Bố anh là trí thức, tốt nghiệp trường Thành Chung thời Pháp thuộc, tham gia Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, bố anh tham gia Vệ quốc đoàn và hy sinh năm 1949 tại mặt trận Tam Đảo. Cô ruột anh là biệt động Sài Gòn, hy sinh trong cuộc nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Hơn 30 tuổi, mẹ anh trở thành vợ liệt sĩ, tần tảo nuôi anh ăn học. Sau này, trong những tác phẩm của anh: tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch nói về những bà mẹ, đều thấp thoáng bóng dáng của mẹ anh. Năm 1961, Giang Phong  tốt nghiệp phổ thông, được Nhà nước cử đi học bác sĩ ở Liên Xô, nhưng không thành, vì những năm ấy Liên Xô xét lại, nên các sinh viên đang học cũng bị dồn về nước. Tổ chức chuyển anh về học khoa toán Trường Đại học Sư phạm. Giai đoạn này anh say mê sáng tác văn học nhiều nhất. Ngoài giờ lên lớp, anh thường ngồi ở thư viện trường để đọc các sách văn học trong và ngoài nước. Lần nào vào thư viện, giáo sư Nguyễn Khắc Phi chuyên gia văn học Trung Quốc của trường cũng đều bắt gặp anh ngồi đọc sách. Có lần thấy Giang Phong đang ngồi đọc, thầy Phi lại gần, cầm cuốn sách anh đang đọc, cuốn Ly tao của Khuất Nguyên. Thầy hỏi: Em học khoa nào? Thưa thầy em học khoa toán. Khoa toán mà em thích Ly tao hả? Vâng, thưa thầy, em rất thích văn học. Vậy em có muốn chuyển sang khoa văn không? Thưa thầy nếu được vậy thì em mong lắm ạ. Sau đó Giang Phong được chuyển sang khoa văn. Có lẽ bắt đầu từ sự đổi thay thuận lợi này đã tạo cho Giang Phong đi vào sáng tạo văn học sau này một cách bài bản, chắc chắn. Thời gian này, anh đã có truyện ngắn in ở báo Văn nghệ, đó là truyện Con của gia đình liệt sĩ. Sau này được tuyển in ở tập truyện cùng tên do Nxb Thanh niên ấn hành.
Tốt nghiệp ra trường anh được về dạy ở trường cấp 3 Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Những năm này, anh thường xuyên cộng tác với báo Văn nghệ và Nxb Thanh niên.
 
Khi Hội Nhà văn Việt Nam mở trường đào tạo bồi dưỡng các nhà văn trẻ năm 1968 - 1969, địa điểm học sơ tán về Bình Đà, rồi Bình Xuyên, Giang Phong được chọn vào học trường này. Hiệu trưởng là nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, nhà văn Nguyên Hồng phụ trách tổ văn. Khi đi thực tế, Giang Phong được nhà trường cử vào ngã ba Đồng Lộc cùng với nhà văn Nguyễn Đa Văn và nhà thơ Huyền Sâm. Ở Đồng Lộc, Giang Phong đã từng theo La Thị Tâm đi đánh bom từ trường, bom nổ chậm. Thời gian này, Giang Phong còn cùng với các thanh niên xung phong đi chôn 10 cô gái hy sinh ở ngã ba này. 10 ngôi mộ được chôn dưới chân núi Trọ Voi. Giang Phong đã ngắt những bông hoa kiều kiều cắm trên những nấm mồ những người nữ anh hùng. Sau này Giang Phong đã lập tứ cho vở kịch mang tên loài hoa thiêng liêng này. Hoa kiều kiều nói về sự hy sinh anh dũng của quân và dân ta, để có ngày hòa bình hôm nay.
Tốt nghiệp trường viết văn, nhà văn Ngôn Vĩnh xin Giang Phong về phòng văn nghệ Bộ Công an, dưới sự điều hành của nhà văn Lê Tri Kỷ. Nhưng nhà văn Chu Văn trưởng ty văn hóa tỉnh Nam Hà lại xin nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh để Giang Phong về làm biên tập tạp chí Sáng tác Nam Hà, giữ phần việc: sân khấu và lý luận phê bình của tạp chí này. Khi thành lập Hội văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh, Nam Hà, Nam Định, Giang Phong được nhà văn Chu Văn đưa về Hội làm trưởng ban đào tạo bồi dưỡng và sau này làm trưởng phòng xuất bản. Tháng 2 năm 1979, Giang Phong được cử đi mặt trận Lạng Sơn với tư cách phóng viên mặt trận trong chiến dịch biên giới phía Bắc.
 
Giang Phong viết nhiều thể loại: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện phim, kịch bản, kịch bản con rối và thể loại nào anh cũng gặt hái được nhiều thành quả. Có thể kể tới: Mầu trắng tinh khiết -  tập truyện ngắn, Nxb Thanh niên 1967; Trang sách học trò - tập truyện ngắn, Nxb Thanh niên 1970; Chú lùn tốt bụng - truyện cổ tích, Ủy ban thiếu niên nhi đồng Nam Hà xuất bản 1980; Nước mắt về chiều - tiểu thuyết, Nxb Hà Nội 1981; Cạm bẫy -  tiểu thuyết, Nxb Hà Nội 1990; Chuyện riêng của em - tiểu thuyết, Nxb Lao động 1990; Tình yêu thung lũng hoa - tiểu thuyết, Nxb Hội Nhà văn 2017; Tiếng trống trường -  tập kịch con rối, Ty văn hóa  Nam Hà xuất bản 1966. Gió từ đồi bạch đàn - tập kịch, Hội Văn nghệ Hà Nam Ninh xuất bản 1979; Sương mù - tập kịch, Ty văn hóa Nam Hà xuất bản 1974; Phía sau ông ấy - tập kịch, Ty văn hóa Nam Hà xuất bản (1978); Búp bê nhựa - tập kịch, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam  xuất bản 2003; Họa mi lại hót - tập kịch, Nxb Sân khấu 2010; Quê nghèo đón Bác - tập kịch, Nxb Sân khấu 2014; Trường ca đồng chiêm - Ty văn hóa Nam Hà xuất bản 1966; kịch bản phim Quan đầu tỉnh dài 40 tập do Hãng phim Vàng miền Nam đặt hàng.
 
Khi Giang Phong về sinh hoạt với Hội Sân khấu Hà Nội anh đã được giải của Hà Nội với 3 vở kịch dài: Hoàng cung buổi xế chiều, Mưa rừng, Tình yêu hay quyền lực và anh đang in tập kịch dài 10 vở, khoảng 700 trang…
 
Một thoáng với nhà viết kịch Giang Phong

Một thoáng với nhà viết kịch Giang Phong

Một thoáng với nhà viết kịch Giang Phong
 
Nhìn chung, những tác phẩm của Giang Phong đều lấy hướng thiện làm chủ đạo, nên tính nhân văn bao giờ cũng là khát vọng trong những tác phẩm của anh. Với Giang Phong, cái ác không bao giờ để người xem, độc giả phải sợ, mà là sự khinh bỉ.
 
Trong văn học, Giang Phong luôn là cây bút phát hiện, dự báo. Một thời người ta bài xích lên đồng, bắt dẹp bỏ, thì Giang Phong lại viết Giá đồng nhìn từ góc độ nghệ thuật. Anh bênh vực và bảo vệ giá đồng. Anh khẳng định đây là viên ngọc quý của trình thức văn nghệ dân gian. 
Năm 1973, anh viết vở Sương mù tham gia hội diễn văn nghệ, vở diễn tại Nhà hát nhân dân thành phố. Vở kịch kể về chuyện tham nhũng của một ông quyền trưởng phòng tổ chức cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, vẫn mang hơi thở của cuộc sống.
 
Năm 2002, anh gửi kịch bản Vô đề tới Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam dự thi. Vở Vô đề được giải Nhì về kịch bản (không có giải Nhất). Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật - Đạo diễn - Nghệ sĩ nhân dân Doãn Hoàng Giang còn nói rằng không có giải Nhất, thì giải Nhì là giải Nhất rồi! 
 
Giang Phong viết nhiều thể loại song anh đam mê hơn cả là viết kịch bản. Anh nói rằng chỉ có kịch bản mới nói được hết ngọn nguồn niềm vui, nỗi buồn, xảo trá, lừa lọc, nhân đức, hạnh phúc, chỉ có kịch bản mới tìm ra được tài hoa đích thực. 
 
Kịch của Giang Phong thường lấy cái đức hy sinh làm nguồn cảm hứng. Giang Phong  lý  giải: Hạnh phúc có hai kiểu: một là được hưởng lạc, hai là biết hy sinh. Bao giờ anh cũng lấy sự hi sinh để lập tứ cho vở diễn. Một số vở như: Vô đề, Búp bê nhựa, Hoa kiêu kiều, Bên kia sông là thành phố, Gió từ phía biển, Gió từ đồi bạch đàn... là một minh chứng. 
 
Giang Phong là cây bút cần mẫn. Anh lặng lẽ trong công việc sáng tạo, lặng lẽ trước những thành công của chính mình. Sự lặng lẽ khiêm nhường của anh, ấy vậy mà mọi người đều biết. Anh cũng may mắn vì luôn nhận được sự chia sẻ những nỗi niềm sáng tác từ người bạn đời. Anh thường nói, có được những thành quả hôm nay, công vợ tôi quá nửa. Tôi và anh cách xa nhau hàng trăm cây số, một vài năm mới gặp nhau một lần. Tôi mến và quý cái tài văn học của anh, góp nhặt viết dăm ba dòng trình cùng bạn đọc. 
 
Người Hà Nội
http://nguoihanoi.com.vn/mot-thoang-voi-nha-viet-kich-giang-phong_265324.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)