1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Truyện - Chân dung

Màu của gió

07/11/2021

Màu của gió
Minh họa của Lê Huy Quang
 

Gói bưu phẩm nhân viên bưu điện chuyển đến nhà tôi là cuốn tiểu thuyết có tên: Màu của gió, của tác giả Lam Thùy. Bức tranh trang trí bìa vẽ theo trường phái lập thể khá hiện đại, nhìn bắt mắt. Tôi mở Facebook, vào trang của Thùy, nhắn tin hộp thư messenger: “Cảm ơn em đã tặng sách. Tôi rất vui vì em vẫn tâm huyết với văn chương. Em đang ở đâu?”. Thùy nhắn tin: “Em ở trong đoàn bác sĩ, hộ lý từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh tham gia cứu chữa bệnh nhân nhiễm Covid-19. Nơi em làm việc là một bệnh viện dã chiến.

Thầy có nhận ra em không?”. Trong màn hình điện thoại của tôi hiện lên hàng chục con người mặc đồ bảo hộ y tế màu trắng trùm kín từ đầu xuống chân, khẩu trang bưng kín nửa dưới gương mặt, tôi vẫn nhận ra Thùy nhờ đôi mắt đen huyền ẩn sau cặp kính cận gọng đen. Tôi nhắn tin: “Em đang đứng bên chiếc xe cáng thương đầu tiên, đúng không?”. Thùy nhắn lại: “Vâng, đúng là em đấy”. Tôi nhắn: “Tôi không muốn làm mất thời gian của em nữa. Mong em hoàn thành thật tốt công việc, an lành vượt qua đại dịch, trở về.  Bây giờ em không chỉ là bác sĩ mà còn là bạn đồng nghiệp với tôi. Xưng anh - em cho đỡ khách sáo” - “Vâng, nếu được thầy cho phép. Em ngắt máy nhé”.

 
Hè năm 1995, trong trại sáng tác văn học dành cho lứa tuổi học trò của Hội Văn nghệ tỉnh H mà tôi tham gia quản lý có một cô bé diện bộ áo váy rất thời trang, cặp mắt đen lấp lánh sau cặp kính cận 1,5 đi-ốp hài hòa với gương mặt trái xoan xinh xắn. Bên hông cô bé đeo một cái túi vải thô màu trắng, mặt ngoài thêu phong cảnh mà người am hiểu văn học Pháp sẽ nhận ra, người thêu bức tranh lấy cảm hứng từ truyện ngắn Những vì sao của Alphonse Daudet. Đám bạn đứng ngoài sân cứ chỉ trỏ về phía cô bé, nói với nhau: “Trông nó tiểu thư thế đủ biết con nhà giàu rồi”. Cô bé Dạ Lan nói: “Nhà nó có ngôi biệt thự xây từ thời Pháp thuộc, mang một vẻ đẹp rất cổ kính. Ông nội nó làm bác sĩ trong nhà máy dệt từ thời chủ nhà máy là người Pháp.

Bố nó làm bác sĩ thời ta, hồi chiến tranh đi chiến trường cứu chữa thương binh, bây giờ làm ở bệnh viện đa khoa thành phố. Cả ông nội nó và bố nó đều thích văn học. Thỉnh thoảng nó vẫn cho tớ mượn truyện mang về nhà đọc” - “Tên nó là gì?” - “Thùy. Nguyễn Lam Thùy”. Thùy nói chuyện với đám bạn mấy câu làm quen rồi bước đến trước mặt tôi: “Em chào thầy. Cảm ơn thầy đã cho đăng hai bài tản văn của em trong tạp chí”. Tôi nói: “ Em viết khá, hãy tự tin nhé!”. 

 
Chúng tôi thuê chiếc xe ca loại nhỡ chở cả thầy và trò xuống khu nghỉ mát ven biển. Ngoài nhà văn D, nhà thơ T và tôi là người “sở tại”, còn có mấy nhà văn viết cho thiếu nhi có “thương hiệu” từ Hà Nội được mời về tham dự.
 
 Buổi sáng hôm ấy, chúng tôi mời nhà văn K nói chuyện với các em về cách viết truyện ngắn. Các em đều chăm chú nghe ông giảng, ghi chép cẩn thận. Buổi chiều, các em tự đọc những truyện ngắn tiêu biểu của nhà văn K để sáng hôm sau thảo luận. Lam Thùy không ngồi đọc trong phòng như các bạn, em ra bãi biển vơ lá phi lao khô rải dưới gốc cây ngồi đọc cuốn Trái tim trong túi. Phát hiện ra điều này, tôi ngồi xuống bên Thùy, hỏi: “Tại sao em không đọc truyện ngắn của nhà văn K để sáng mai thảo luận?”. “Bởi vì em không thích truyện ngắn của bác ấy!”, Thùy đáp rất thản nhiên. “Cho dù thế thì em cũng không thể không tham gia buổi thảo luận, vì đó là quy định của ban tổ chức trại”. “Thầy cho phép em vẫn đến tham dự nhưng không phát biểu có được không?”. Nhận thấy nếu cứ gò ép Thùy sẽ không thoải mái, tôi nói: “Thầy chấp nhận việc em không tham gia thảo luận sáng mai, nhưng em vẫn nhớ lịch hội thảo cuối tuần chứ? Em chuẩn bị đến đâu rồi?”. Thùy giơ cuốn Trái tim trong túi lên như để tôi nhìn cho rõ: “Em sẽ thuyết trình về tác phẩm này!”.

Hình như tôi khẽ giật mình. Cuốn tiểu thuyết Lam Thùy đang cầm trên tay của Christine Aventin, nữ nhà văn người Pháp tôi cũng mới đọc, nhận thấy nếu Thùy nói về nó trong hội thảo, rất có thể sẽ có người phản ứng, tôi nói: “Em nên nói về tác phẩm khác. Trái tim trong túi sẽ rất khó cho em”. “Bố em mua về đọc thấy hay mới ký tặng em”, Thùy nói cứng. “Thầy biết, bố em là một bác sĩ giỏi, nhưng về văn học có lẽ ông có cái nhìn thoáng đãng quá chăng?”. “Cứ cho là như thế. Nhưng thầy nghĩ sao khi nhân vật chính trong tiểu thuyết là cô bé Alexandra đúng bằng tuổi em?”. Thùy vênh mặt lên tranh cãi. Tôi nghiêm mặt nói: “Nhưng Alexandra lại được sinh ra từ một người mẹ làm gái điếm. Suốt tuổi ấu thơ, Alexandra thường đi về cái khu phố ổ chuột có cái nhà thổ nhơ nhuốc, bẩn thỉu…”. “Hoàn cảnh buộc cô ấy phải như vậy. Cô ấy cứ qua lại nơi ấy để gặp mẹ và cũng để ngó mặt những người đàn ông thường qua lại với mẹ cô ấy xem có bộ mặt nào giống mặt mình không. Alexandra cũng có nhu cầu muốn biết bố của cô ấy là ai, đúng không ạ?”. Lời tranh biện của Thùy đã khiến tôi miễn cưỡng “xuống thang”, nói: “Thôi được, thầy đồng ý. Nhưng thầy đề nghị em khi thuyết trình không nên nói nhiều về những chuyện nhạy cảm của người lớn!”. 

 
Ngày cuối tuần, hội thảo với nội dung: mỗi thành viên tham dự trại sáng tác sẽ thuyết trình về một cuốn sách mà mình yêu thích. Hầu hết các em nói về Dế mèn phiêu lưu ký, Đất rừng phương Nam, Quê nội, Tuổi thơ dữ dội, Truyện cổ Andersen, Cánh buồm đỏ thắm… Lam Thùy phát biểu sau cùng. Cô nói: “Các bạn đã phát biểu cảm nhận về những tác phẩm nổi tiếng mà nhiều người đã biết, còn em, em xin nói đôi điều về một cuốn tiểu thuyết mà chưa mấy người biết. Tác phẩm này của nước ngoài mới được chuyển ngữ và xuất bản ở ta chưa được bao lâu…”. Lam Thùy kể vắn tắt cốt truyện, phân tích giá trị tác phẩm, cuối cùng cô nói: “Tóm lại, nhân vật cô bé Alexandra được sinh ra từ người mẹ làm cái nghề hạ đẳng và người cha là một kẻ chuyên mánh mung đã từng bị bắt đi tù (tất nhiên gần cuối tác phẩm cô ấy mới biết cha mình là người ấy); hoàn cảnh sống đã tạo cho cô ấy một vẻ mặt bất cần đời, một thái độ luôn sẵn sàng phản kháng, tự vệ, nhưng giấu kín bên trong sự thô nhám ấy là một trái tim nhạy cảm, vị tha, nên tác giả đặt tên cho cuốn sách là Trái tim trong túi”…
 
Trong hội trường nổi lên những tiếng xì xào. Tôi nghe rõ tiếng Dạ Lan: “Nhưng cuốn ấy không phải là văn học thiếu nhi!”. “Bạn Thùy đi lạc chủ đề cuộc hội thảo rồi!”, Tiến Văn, từ một trường THPT dưới huyện về tham dự trại, đế vào. “Tôi hiểu ý các bạn vừa nhắc nhở”, Lam Thùy tỏ ra lúng túng trong giây lát rồi nhanh chóng lấy lại sự bình tĩnh, nói tiếp: “Để tránh bị hiểu nhầm, xin phép các thầy và các bạn cho tôi được phát biểu hết ý kiến của riêng mình. Tôi cho rằng, bất cứ tác phẩm văn chương nào mà chúng ta đọc thấy hay, xúc động, giúp ta suy nghĩ về một vấn đề gì đó của cuộc sống thì đều có thể đưa ra đây để thảo luận. Có tác phẩm khi sáng tác nhà văn mang ý đồ viết cho thiếu nhi nhưng khi nó chào đời, người lớn lại thích đọc; ngược lại, có tác phẩm nhà văn viết cho người lớn nhưng thiếu nhi đọc lại rất say mê. Khái niệm văn học viết cho thiếu nhi và văn học viết cho người lớn nó có một ranh giới rất mong manh, mờ ảo. Cũng như khái niệm “nhà văn trẻ” cũng chỉ là một cách gọi hàm chứa một tình cảm thân thương, trìu mến của những người lớn tuổi mà thôi. Nhà văn Nam Cao mà gia đình ông hiện đang sinh sống trong cùng thành phố với chúng ta, khi viết truyện ngắn Chí Phèo mới ngoài hai mươi tuổi; ông kết thúc sự nghiệp ở tuổi ba mươi bảy, nhưng có ai gọi ông là “nhà văn trẻ” đâu. Vũ Trọng Phụng khi giã biệt cõi đời thì mới 27 tuổi, nhưng ông đã để lại một di sản văn chương dầy dặn, cũng không ai gọi ông là “nhà văn trẻ”. Nếu chúng ta phân biệt một cách rạch ròi, máy móc để phân biết đối xử thì vô tình chúng ta tự làm xơ cứng trong nhận thức của chúng ta. Các bạn ạ, nhà văn Christine Aventin chỉ hơn tôi và các bạn khoảng mười tuổi; bà sáng tác tiểu thuyết Trái tim trong túi khi bà mới 15 tuổi, nghĩa là bằng tuổi chúng ta bây giờ. Vậy lẽ nào chúng ta lại không được phép đọc và thảo luận tác phẩm của bà? Trong thư viện của gia đình tôi còn có một tiểu thuyết tên là Buồn ơi chào nhé cũng của một nữ nhà văn người Pháp, tên là Francoise Sagan. Sagan viết cuốn tiểu thuyết  này khi bà mới 16 tuổi. Cuốn sách thật kỳ diệu! Người lớn đọc thấy cái hay của người lớn; trẻ vị thành niên đọc cũng tìm thấy cái hay dành cho họ. Buồn ơi chào nhé vừa chào đời đã gây chấn động văn đàn nước Pháp và ngay lập tức nó được chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng, trong đó có Việt Nam. Các bạn nghĩ sao về hiện tượng này? Các bạn hãy đọc, sẽ tự tìm ra câu trả lời. Tôi xin hết ý kiến”.
 
Lam Thùy ngồì xuống. Các nhà văn là khách mời thì vẫn đưa mắt nhìn nhau chưa hết ngạc nhiên. Đã từng được mời dự nhiều trại sáng tác dành cho tuổi học trò, có lẽ lần đầu tiên họ gặp một đối tượng có cốt cách khác lạ như Lam Thùy. Các em dự hội thảo thì lặng lẽ quan sát thăm dò thái độ của tôi, với vai trò người phụ trách. Tôi liền đưa hai bàn tay lên vỗ rất kêu. Thế là tất cả hội trường đều vỗ tay theo, cho dù có những tiếng vỗ tay nồng nhiệt, có những tiếng vỗ tay rụt rè…
 
Gần cuối buổi chiều, cả thầy và trò ra tắm biển. Biển hôm nay nổi sóng to hơn mọi ngày. Tôi cùng nhà văn D và nhà thơ T bảo nhau đứng thành hàng phía ngoài che chắn cho các em tắm bên trong. Chừng như Lam Thùy hãy còn hưng phấn về buổi hội thảo sáng nay cô được nói về cuốn sách mình thích? Khi ra biển, “máu nghệ sĩ” nổi lên, cô chỉ tắm trong vòng “kiềm soát” của chúng tôi một nhoáng rồi thừa lúc chúng tôi không để ý, cô nhoài ra khỏi “hàng rào bảo vệ” để bơi ra ngoài xa. Khi chúng tôi phát hiện thì Thùy chỉ còn như một cái chấm đen nhấp nhô theo những con sóng. Tôi đưa hai bàn tay lên miệng làm loa, gọi:
 
- Thùy ơi, em bơi trở lại đi! Nguy hiểm lắm!
 
Tất cả mọi người cũng đồng thanh hét lên gọi theo tôi. Thùy vẫn không quay lại. Những con sóng cứ nhấn chìm Thùy xuống rồi lại đánh bật cô lên. Thùy bám vào một cái thuyền nan có dây cột cố định vào một cây sào. Thùy leo mãi không lên được thuyền. Con thuyền cứ muốn lật nhào chụp lên người cô. Nhận thấy tính mạng Thùy bị đe dọa tôi vội vớ một cái phao bơi ra trao cho Thùy rồi yêu cầu cô cùng bơi bên tôi vào bờ. Đến bữa cơm chiều, Thùy ngồi cùng mâm với các bạn bên cạnh mâm chúng tôi. Tôi nghe tiếng Dạ Lan: “Sao cậu liều thế? Dám đùa với tử thần! Chẳng nhẽ sóng ở ngoài xa hấp dẫn cậu hơn sóng trong bờ?”. “Hơn nhiều chứ”, Thùy nói, “Sóng ở ngoài ấy lượn theo hình sin chứ không đổ ập vào bãi cát, tạo nên cái màu trắng xóa như những cái đầu bạc! Còn gió thì ngoài ấy to hơn. Tớ nhìn thấy màu của gió?”. “Bịa! Gió mà có màu? Cậu giỡn chúng tớ đủ rồi đấy”, Dạ Lan trách. “Tớ không giỡn!”, Thùy khẳng định. “Vậy gió màu gì, cậu nói đi!”, đến lượt Tiến Văn chất vấn. Thùy không đáp mà hỏi lại: “Các cậu có thừa nhận với tớ rằng bãi biển bao giờ cũng có cát và có sóng không?”. “Điều ấy thì hiển nhiên như hai với hai là bốn rồi, còn gì phải tranh cãi!”. “Nhưng trong bài hát Chuyện tình của biển nhạc sĩ Thanh Tùng lại viết: “Ngày xưa biển không có cát như bây giờ/ Ngày xưa biển không có sóng vỗ bờ”, chẳng nhẽ  ông viết xằng bậy? Các cậu có thừa nhận rằng, trong thực tế khi trời mưa, hạt mưa có màu trắng, còn không gian thì mang màu xám ủ dột không? Thế mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại sáng tác một bài hát có tên là Mưa hồng. Các cậu nói gì về điều này?”. Nhóm bạn ngớ ra một thoáng. Thùy nói tiếp: “Tớ cho rằng người cầm bút sáng tạo nghệ thuật cần phải có cái nhìn không giống như sao chép hiện thực; hiện thực trong con mắt người nghệ sĩ có thể biến hóa, khúc xạ, cách điệu cho lấp lánh, huyền ảo hơn hiện thực, như thế mới làm lay động, đánh thức tâm hồn người đọc, người nghe, người xem... Cho nên xin các cậu đừng hỏi tớ gió màu gì! Màu gì là tùy ở tâm trạng tớ lúc ấy ra sao…”. Đám bạn cùng mâm quay sang nhìn tôi, thăm dò. Tôi đứng dậy nói: “Có thể ý kiến của Lam Thùy còn những khác lạ, song các em đừng vội phủ nhận mà hãy cùng bạn ấy suy ngẫm, chiêm nghiệm! Bản chất của văn học là sáng tạo mà!”.
 
Hết thời gian ở khu nghỉ mát, chiếc xe ca lại đón chúng tôi về thành phố làm lễ tổng kết trại, liên hoan chia tay. Mấy ngày sau, ông cấp trên của tôi cho cô văn thư gọi tôi. Ông mời tôi chén nước trà rồi hỏi: “Trại sáng tác thành công chứ?”. “Cũng có thể coi là thành công, anh ạ”. “Chúc mừng! Nhưng tớ có nghe nói, cậu bật đèn xanh cho cái cô bé tên Thùy hay Thủy gì đó đưa cái cuốn sách có chuyện làm điếm, chửa hoang vào tham gia hội thảo; như vậy khác nào dạy cho trẻ em biết cách mang bầu, hả?”. “Dạ thưa anh…”. “Không thưa gửi gì nữa! Tôi biết hết rồi. Để chống ô nhiễm môi trường văn hóa, tôi yêu cầu cậu phải loại ngay tên cô bé ấy ra khỏi danh sách bồi dưỡng, đào tạo của hội!”.
 
Ngày ấy tôi mới chuyển ngành từ quân đội về, còn nguyên máu lính, định phản ứng: “Nhưng chắc sẽ không ô nhiễm bằng việc anh làm cho cô diễn viên mười sáu tuổi mang bầu đến tháng thứ năm anh còn dắt cô ấy đến bệnh viện phụ sản phá thai đâu nhé!”. Nhưng lời nói chưa kịp bật ra khỏi miệng tôi đã kịp nuốt vào trong, bởi sực nhớ, với quyền lực và phe cánh của ông ta, tôi có thể bị di chết như một con rệp. 
 
Trại sáng tác vào năm tiếp theo, đương nhiên Lam Thùy không được mời. Ba năm sau, Thùy thi đỗ vào trường đại học y khoa, cô có đến cơ quan chào tôi. Từ bấy đến nay, tôi theo dõi báo chí không thấy Thùy đăng bài gì. Cách đây hai năm nhờ Facebook mà tôi và Thùy liên hệ được với nhau. Biết Thùy đang làm việc ở một bệnh viện lớn của Thủ đô, nhưng thời gian của tôi và Thùy đều rất eo hẹp, lại hoạt động trên hai lĩnh vực khác nhau nên thỉnh thoảng chúng tôi mới vào messenger hỏi thăm nhau mấy câu. Cho đến khi Thùy gửi tặng cuốn tiểu thuyết thì tôi không thể lãnh đạm với cô được nữa. Tôi nhắn tin: “Lam Thùy ơi, anh đã đọc xong cuốn tiểu thuyết em tặng. Em viết rất hay”. Thùy nhắn lại: “Anh! Không phải anh nói cho đẹp lòng em đấy chứ?”. “Em biết tính anh không thích nói những điều hoa hòe hoa sói rồi mà. Trong những ngày giãn cách chống dịch Covid ở nhà, tâm trạng của anh nhiều khi khá trì độn. Chính cuốn tiểu thuyết của em đã khơi dậy trong anh một nguồn cảm xúc tươi mới, một năng lượng sống rất tích cực. Thì ra cái trại sáng tác văn học cách đây hơn hai mươi năm, trong cái buổi chiều đi tắm biển em đã nhìn ra “màu của gió” để hôm nay em dùng hình tượng ấy đặt tên cho cuốn tiểu thuyết của mình. Anh nhận ra nhân vật chính - nữ bác sĩ trưởng khoa trong tiểu thuyết - có một phần nguyên mẫu từ em. Nếu không phải là bác sĩ, từng có 18 năm điều trị căn bệnh quái ác cho con người, em sẽ không viết được những trang văn về ngành y sống động và chân thực đến thế. Những trang em mô tả tâm trạng con người khi mang trọng bệnh và cái chết treo lơ lửng trước mặt họ thật là ấn tượng, ám ảnh”.  “Lời nhận xét của anh làm em thấy có động lực hơn rồi đấy. Rất có thể sau đợt đi hỗ trợ chống dịch ở phương Nam trở về em sẽ viết cuốn tiểu thuyết tiếp theo.

Ba tuần lễ làm việc cật lực ở đây, em đã trực tiếp cứu được nhiều người sống, nhưng cũng bó tay chứng kiến nhiều người từ giã cõi đời. Thế giới dường như chưa hề chuẩn bị để đối phó với đai dịch khủng khiếp này. Em nghĩ rằng, vượt qua cái đại dịch quái ác này, loài người sẽ phải nghĩ khác về trái đất, về con người…”.  “Tôi tin điều em đang trải nghiệm và chiêm nghiệm sẽ được đưa vào cuốn tiểu thuyết mới. Cố gắng lên em nhé”. Lam Thùy xin phép ngắt máy bởi đã đến giờ cô vào phòng bệnh nhân để chăm sóc, chữa trị cho họ.
 
Người Hà Nội
https://nguoihanoi.com.vn/mau-cua-gio_270224.html
 

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)