1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Truyện - Chân dung

Hạnh phúc muộn

25/05/2020

Minh họa của Nguyễn Văn Đức

Thằng bé ọ ọe cựa mình làm anh thức giấc. Cố bật người dậy để với tay vỗ về thằng nhỏ. Đôi chân không theo ý anh, nó giật lên làm anh suýt ngã ngửa ra giường. Vội vàng vịn tay vào cái bàn bên cạnh anh mới ngồi vững.

Anh nhẹ nhàng với bình sữa để pha. Vợ anh đã cẩn thận để mọi thứ trên bàn, nếu có mệt ngủ quên, anh sẽ giúp vợ pha sữa cho con.

Thằng bé mới sinh, chưa quen với đồng hồ sinh học, nó cứ ngủ ngày, quấy đêm làm vợ anh mệt lử, cô ngủ say mà không hề biết con đã dậy. Anh pha xong sữa thì bế thằng nhỏ lên cho nó bú. Dưới ánh đèn ngủ không quá sáng, anh nhìn thằng bé trìu mến. Mắt nó vẫn nhắm nghiền nhưng miệng thì mút sữa tòm tọp. Cái mũi nó cao giống anh, khuôn mặt bầu bĩnh của mẹ với cặp mắt một mí nhưng không hề nhỏ.

Tay anh rung nhẹ, vỗ về con, hình bóng anh bế con hắt lên tường thành một bức tranh mà có lẽ nó đẹp nhất với anh từ nhỏ tới giờ. Trong đầu anh chợt nghĩ, nếu không có bố mẹ, không có cô ấy thì có lẽ… Anh không nghĩ nữa, anh mỉm cười ngắm con ngủ, mọi đau đớn khi trời trở gió với người chấn thương tủy sống dường như tan biến hết.

***

Mười sáu năm trước, khi sắp thành một trưởng phòng kinh doanh của ngân hàng thì cuộc đời anh sang một ngã rẽ khác, một ngã rẽ cụt chẳng có đường ra. Hai mươi tám tuổi với tình yêu cùng cô bạn học đã bốn năm, chỉ chờ ngày đẹp trời cuối năm là họ về chung một nhà. Vừa lúc chiều, bà trưởng phòng tổ chức thông báo, việc anh lên trưởng phòng kinh doanh đang được lấy tín nhiệm, chắc chỉ đầu tuần là có quyết định chính thức. Anh mừng lắm, sự cố gắng trong công việc của anh sắp được đền đáp. Anh định bụng sẽ khoe với bạn gái đầu tiên khi tối nay hai người gặp nhau. Nhưng chợt nhớ chiều nay anh phải về quê đón bố lên, chẳng là ông cụ về quê giỗ họ, thôi để khi nào lên sẽ nói với nàng.

Anh xin phép về sớm để chuẩn bị đồ về quê, tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần anh muốn thăm họ hàng luôn. Từ ngày cả nhà lên Hà Nội sống, anh ít có dịp về quê, phần vì bận công việc, lại thêm lớp học nâng cao buổi tối, rồi những cuộc hẹn hò cuối tuần khiến anh chẳng còn thời gian nào nữa.

Mâm cơm tối ở quê thật đầm ấm, cả nhà chú thím cùng bố con anh quây quần bên cái chiếu nhỏ trải ở hiên nhà. Trời mùa hè nóng nhưng hiên nhà chú anh mát rượi, ánh trăng thanh đã lấp ló sau ngọn tre bên ao nhà. Tiếng chuyện trò rôm rả, tiếng thằng cháu nội của chú anh bi bô. Nó ngồi trên lòng ông nội, thỉnh thoảng lại kéo má ông thơm một cái, chú anh lại trìu mến vỗ về thằng nhỏ. Anh cảm thấy thật hạnh phúc, bất chợt anh nghĩ, chỉ vài năm nữa thôi, bố anh cũng sẽ hạnh phúc bên con cháu như thế.

Cơm nước xong, chuyện trò một lúc là mọi người đã bắt đầu giục nhau đi ngủ. Ở quê ngủ sớm lắm, chín giờ tối đã nhiều nhà tối om, không như thành phố, tấp nập tới nửa đêm. Anh nằm cùng thằng em họ, hai anh em tâm sự to nhỏ về chuyện học hành, chuyện yêu đương rồi anh thiu thiu ngủ lúc nào không rõ.

Anh trở mình, bỗng thấy nhói một cái rất đau ở sống lưng, cơn đau khiến anh không trở mình được, đau tới tận xương tủy. Anh muốn ngồi dậy mà không thể, chân anh cứng đơ lại, không co lên được, cái nhói đau lan khắp sống lưng, tê dại. Anh vội vàng lay thằng em họ gọi nó dậy, rồi ú ớ gọi bố, anh đau tưởng như muốn ngất đi, mồ hôi vã ra như tắm.

Bố anh rồi chú anh, thằng em họ vội vàng bật dậy chạy lại xem anh gặp chuyện gì, anh nói trong hơi thở thều thào, con đau quá. Cả nhà cuống cuồng hỏi han rồi đỡ anh ngồi dậy, vừa buông tay anh đã đổ sầm xuống giường. Anh không thể ngồi vững, chân không thể theo sự điều khiển của anh, mặt anh tái dại đi và không nói được gì nữa.

Ở quê, lại đêm hôm khuya khoắt nên khó gọi xe, sau mấy cuộc điện thoại, chú anh mới gọi được ông lái xe cùng làng. Mọi người vội vàng cho anh sang võng và khiêng ra xe, làm gì có cáng, ở quê chỉ khiêng bằng võng thôi.

Xe chạy thẳng một lèo lên bệnh viện Việt Đức. Nghe nói qua tình hình và bác sĩ khám lâm sàng, anh đã chuẩn bị được đưa vào phòng mổ cấp cứu. Bác sĩ nói anh bị viêm tủy ngang, phải mổ ngay không là liệt vĩnh viễn. Anh vào phòng mổ, bên ngoài bố và chú anh sốt ruột đi đi lại lại, mẹ anh cũng vừa kịp tới sau khi nghe cuộc điện thoại của bố anh. Nước mắt ngắn dài, mẹ anh khóc, miệng mếu máo, sao con tôi khổ thế này.

Chẳng ai nói với ai câu gì, chỉ tiếng bước chân đi đi lại lại, mẹ anh ngồi thẫn thờ, mắt hơi nhắm, miệng cầu khẩn Nam mô a di đà phật, Nam mô a di đà phật.

Chín giờ sáng hôm sau anh mới lơ mơ tỉnh, hé mắt nhìn thấy dây rợ, máy móc quanh mình. Anh cố rướn người định ngồi dậy mà không thể, người anh như đeo một tảng đá khổng lồ, bên cạnh là mẹ anh đang ngồi xoa tay anh, mắt bà ngân ngấn nước.

- Con tỉnh rồi à, đói không con?

- Con không đói - anh thều thào

- Sao có mình mẹ?

- Thì chỉ mình mẹ được vào thôi, mọi người phải ở dưới sân, ở đây quy định thế.

Bác sĩ tiến vào kiểm tra tình hình của anh, ông nói:

- Người nhà có thể cho bệnh nhân uống sữa được rồi, nếu ăn thì cháo thôi nhé, mai khỏe hơn sẽ ăn cơm. Không lo đói đâu vì chúng tôi vẫn cắm truyền mà.

- Cảm ơn bác sĩ

Anh muốn nói, muốn hỏi nhiều lắm nhưng thuốc gây mê chưa hết, anh lại thiếp đi.

Mở mắt ra lần này thì Hạnh đang ở bên cạnh anh, nét mặt cô lo lắng nhưng vẫn an ủi anh:

- Ca mổ thành công rồi anh à, anh cứ an tâm điều trị, khoảng một tháng là anh hồi phục thôi.

Anh chán nản, chỉ nhắm mắt, lặng buông tiếng thở dài.

- Có bệnh nhân nào đi vệ sinh mà mùi quá - tiếng một người nhà bệnh nhân bên cạnh anh thốt lên.

Anh cũng thấy mà không biết từ ai, mẹ anh lật đật mở tấm ga đang đắp cho anh ra xem xét, thì ra là anh đi vệ sinh. Bà vội lau dọn và xin lỗi những người xung quanh, tại cháu nó không có cảm giác, cháu nó không biết…

Anh chết lặng, sao lại như thế chứ, anh kéo tấm ga trắng lên trùm kín mặt, nước mắt ứa ra, anh cảm thấy xấu hổ, thấy nhục nhã, chỉ muốn chết quách đi cho rồi. Trưa đó anh bỏ bữa, tối cũng không muốn ăn cho dù mẹ anh năn nỉ hay Hạnh ngọt nhạt dỗ dành, anh cứ kéo ga trùm kín mặt.

Những ngày ở viện là những ngày nặng nề, anh lầm lì không nói, cả ngày cứ kéo chăn trùm kín. Thỉnh thoảng mẹ thấy vai anh rung lên, anh sụt sịt, mẹ anh chỉ biết quay mặt đi chấm nước mắt, có lúc bà không chịu được phải vào nhà vệ sinh của bệnh viện để khóc. Hạnh ngày đi làm, tối lại vào để thay phiên cho mẹ anh. Những lúc Hạnh lúi húi lau dọn vệ sinh cho anh, anh tưởng như tim mình bị ai bóp nghẹt, nước mắt nghẹn đắng, anh ước gì mình chết đi để không phải chịu đựng cái cảm giác nặng nề này.

Cũng kết thúc những ngày ở viện, anh trở về nhà trên chiếc cáng của bệnh viện, vẫn phải nằm cố định một thời gian nữa cho cột sống của anh ổn định sau ca phẫu thuật. Bác sĩ dặn dò về nhà ăn uống cho có sức khỏe rồi tập phục hồi chức năng, thời gian vàng của anh là sáu tháng.

Một tháng, hai tháng, rồi ba tháng, bạn bè, đồng nghiệp cũng thưa dần những cuộc thăm viếng, không ai tới thăm anh lại thấy bớt ngại, không còn phải nghe những lời động viên, những lời xuýt xoa hay những lời giới thiệu ông thầy lang này, ông thầy cúng kia. Anh cứ lặng im trong bốn bức tường, không nghe bất cứ cuộc điện thoại nào, không xem tivi hay nghe đài, cả ngày chỉ nghe thấy, vâng, dạ, có ạ, không đâu, những từ anh trả lời câu hỏi của bố mẹ anh. Ông bà gợi chuyện anh cũng không nói, Hạnh hàng ngày vẫn tới chăm sóc anh khi hết giờ làm việc, anh cũng chẳng nói một lời với cô.

Anh tập phục hồi chức năng, tập ngồi rồi cố gắng tập đi mà đôi chân anh không thể điều khiển. Nó cứ khuỵu xuống mỗi khi anh muốn đứng dậy, có lúc ngón chân bị kẹt vào bàn nẹp, tóe máu mà anh cũng chẳng biết gì. Những cái nẹp cứng ngắt cả lưng, cả chân mà không giúp gì được. Nhục nhất là khoản vệ sinh, lúc nào nó thích ra thì ra, chẳng giờ giấc. Người đàn ông gần ba mươi tuổi mà phải đóng bỉm như một đứa trẻ. Anh chẳng dám ra khỏi phòng, ghét nhất là có người hỏi tình hình thế nào rồi, sắp đi làm được chưa?

Cái chân không theo sự điều khiển của anh, lúc nó duỗi thẳng băng, lúc lại co quắp, anh phải nhờ bố kéo mạnh mới duỗi ra. Những lúc nhìn mẹ già ngồi xoa bóp chân cho anh, tay mẹ mỏi, thỉnh thoảng phải dừng lại vẫy vẫy, anh thấy xót xa. Nhìn ánh mắt của bố mẹ lúc nào cũng buồn rầu, giấu tiếng thở dài, anh lại nghĩ tới cái chết.

- Hưng ơi, Hưng ơi, con sao thế này? Hưng ơi, ông ơi…– tiếng mẹ anh thảng thốt, bà gọi anh đến lạc giọng, bà gào lên gọi chồng, tiếng Hưng ơi không ngớt.

Bố anh lật đật chạy vào phòng, mẹ anh thì lay người anh gọi, không một tiếng trả lời. Bố anh dường như đã hiểu ra chuyện gì, ông run run bấm điện thoại gọi cấp cứu.

Chiếc xe lao nhanh tới bệnh viện gần nhà, y tá, bác sĩ vội đưa anh vào phòng cấp cứu.

- Đã súc rửa ruột cho cậu ấy, may mà lượng thuốc không quá nhiều nên tính mạng chưa bị đe dọa, chúng tôi đang truyền cho cậu ấy, cả nhà chú ý nhé.

Mẹ anh chỉ vâng dạ sau tiếng dặn dò của bác sĩ. Bà vào ngồi bên con, miệng vẫn không ngớt: sao con lại dại dột thế Hưng, dù thế nào vẫn còn bố mẹ, con có mệnh hệ nào mẹ biết phải làm sao? Nước mắt bà tuôn dài trên khuôn mặt đã hằn những nếp nhăn của thời gian.

Hạnh ngồi cạnh, im lặng nắm bàn tay anh, mắt cô cũng đỏ hoe vì khóc, cô tưởng đã mất anh thật rồi.

- Anh tỉnh rồi à? Sao anh lại định bỏ em, anh đừng thế nữa nhé, cố gắng khỏe đi anh rồi mình… rồi mình… tổ chức đám cưới anh nhé. Dù thế nào em cũng sẽ luôn bên anh.

(Còn nữa)

Lê Hà/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/hanh-phuc-muon_260149.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)