1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Truyện - Chân dung

Gặp mặt

22/07/2020
Gặp mặt


Minh họa của Lê Huy Quang
 

Câu chuyện xảy ra từ khá lâu ở một nông trường toàn phụ nữ mà thời gian gần đó diễn ra việc lình xình về sinh hoạt. Vị giám đốc là một người lính từ trong rừng Trường Sơn ra, đang đối mặt với án kỷ luật từ việc làm xóa bỏ nguyên tắc. Nghe theo lời anh bạn, cũng là một người lính từng ở trong rừng, sau đó du học và trở nên giàu có, vị giám đốc đồng ý để bạn chở những người đàn ông lên nông trường làm một việc lạ lùng, đó là sinh ra những đứa trẻ. Người bạn bảo chúng nó toàn đàn bà con gái đang sắp hết tuổi thanh xuân, sống sót từ trong bom đạn, bây giờ họ trở lại rừng thì phải cho người ta một niềm vui chứ... Thế là có chuyến xe chở đàn ông lên nông trường. Họ ở đó một tuần. Một tuần ấy giám đốc và bạn say bí tỉ. Những người đàn ông và đàn bà cũng say... Sau này, trong những bản kiểm điểm, đám chị em đều đồng loạt nói mình đã tự nguyện. Họ vây quanh giám đốc của mình bảo nếu cấp trên cử một ai đó về đây thay anh, chúng em sẽ chẳng để yên. Thôi tôi lạy các cô, cứ để tôi nhận kỷ luật, họ không điều chuyển tôi đâu. Chả ai hơi đâu lên đây, nơi rừng xanh núi đỏ với các cô cả. Nói rồi ông chấm nước mắt. Nhưng đậu đứa nào thì phải nuôi nấng cho tốt, giấy khai sinh, các cô cứ ghi tên tôi, tôi già rồi, còn biết đi đâu được nữa. 

 

Những người phụ nữ nhìn nhau khóc. Họ tản dần đi với niềm vui đang nhen lên của mình. Thế là hơn một trăm thiên thần được sinh ra, không ai bỏ đi khỏi nơi hẻo lánh ấy nữa, cái nơi mà ngót một nghìn con người đã bỏ đi vãn, chỉ còn lại già hai trăm. Biện pháp giữ người của vị giám đốc gây tranh cãi, lình xình miên man đến cả khi những đứa trẻ đã lớn, đã đi học. 

 

Đó là việc của mười năm trước. 

 

Thung lũng giờ ồn ào như một khu phố nhỏ, trường học được xây gấp, trạm y tế, khu chợ tạm do những người đàn bà dựng lên bày la liệt quần áo trẻ con, rau cỏ, kẹo bánh như một vương quốc. Vị giám đốc già đang luôn tay ký cót đủ mọi loại giấy tờ. Này sởi đậu, tã lót, mấy cân ngô, một yến phân bón, trẻ con đánh nhau, đứa bé trẹo tay, cao dán, lược bí, su hào giống... Trước đó, khi cấp trên biết chuyện, mọi liên lạc ở nông trường bị cắt đứt hoàn toàn. Vị giám đốc tổ chức một cuộc sống khác. Phải lo cho hơn trăm đứa bé chuẩn bị chào đời trong khi mình chỉ hai bàn tay trắng và cấp trên thì gọi về kỷ luật. Khi hạnh phúc, con người ta có thể lao động gấp ba bốn lần. Cả khu rừng náo loạn cả lên, chim chóc chẳng hiểu từ đâu kéo về làm tổ, ca hát suốt ngày, các mẹ cháu (bây giờ đã có thể gọi là mẹ) vô cùng nhiều sáng kiến, tổ quân y, tổ nhà bếp, tổ hộ sinh, tổ trực ban, tổ điều dưỡng, tổ cấp cứu, tổ thông tin... được thành lập cấp tốc, kiện toàn và kiêm nhiệm đâu vào đấy, cứ như chuẩn bị có một cuộc chiến tranh, còn giám đốc thì trở thành người hùng, thủ lĩnh của đám người đang châng lâng ở trên mây ấy. 

 

***

Thốt nhiên chị rùng mình. Trời ơi, đúng là anh ấy! Tại sao lại như thế được? Hóa ra anh vẫn còn sống. Còn sống sao không tìm về với chị? Hay anh đã tìm về, đã đến ngôi đình, nghe người ta kể về người con gái hoang thai, sinh ra ma quỷ rồi bỏ trốn khỏi làng, và anh ghê tởm chị, đã xóa đi những kỷ niệm tốt đẹp về chị, những thề bồi ở trong rừng? Ngày ấy, sau hành vi bênh vực chị, anh đã bị điều chuyển vào tuyến trong và nghe đâu đã hi sinh. Chị chôn chặt điều ấy bao nhiêu năm. Bây giờ anh còn sống, đang làm những điều tốt đẹp. Nhưng chị không sao giải thích được tại sao anh không tìm đến chị. Đàn ông có những khi rất kỳ quặc và khó hiểu, mãi mãi là một bí ẩn truyền kiếp của đàn bà. Khi rời khỏi khu rừng, điều đầu tiên chị nghĩ đến là anh. Có hai khả năng xảy ra. Anh đã hy sinh, điều này hoàn toàn có thể, và câu chuyện của anh chị sẽ mãi mãi chìm trong ký ức, tự chị sẽ niêm phong nó lại. Hoặc anh còn sống, sẽ phức tạp hơn cho tâm hồn nhạy cảm của chị. Khi ấy, anh phải đi tìm chị chứ? Thế mà bao nhiêu năm điều đó không đến? Có điều gì khác thường ư? Chị tự nhủ, nhất định sẽ đi tìm anh. Trong chị nhen thêm một niềm tin. Anh, người đàn ông đã từng đứng về phía chị trong cánh rừng, chuyện cũng vì nhan sắc của chị. Anh là người lính có học, một sinh viên đang trên giảng đường đại học đã khước từ tất cả để xung phong vào cánh rừng chết, cũng như chị từng chối bỏ quay trở lại thủ đô khi điều đó được đánh đổi bằng nhân phẩm. Anh bênh vực chị để rồi nhận một quyết định điều chuyển vào nơi sâu hơn, nhiều bom đạn hơn và cơ hội trở về mong manh hơn. Cái đêm chia tay nhau, chị quyết định trao cho anh tấm thân con gái của mình, nhưng thật lạ lùng, chính anh, trong cơn khao khát lên tới đỉnh điểm đã vùng bỏ chạy. Chị càng quý trọng anh, quý trọng tư duy và phẩm cách của anh. Chúng ta đấu tranh với sự đê tiện không phải rồi để làm việc đó. Đã có lúc chị nghĩ điều đó mới ngu ngốc làm sao. Hay là anh sợ chết, những người trong hoàn cảnh như anh sau khi thực hiện những hành vi ấy thường vĩnh viễn không về, đó là một sự thực ở chiến trường. Nhưng anh không sợ chết, sau đó không lâu, tin đồn anh hi sinh đến tai chị. Chị như kẻ vô hồn đến hàng tháng và thầm ân hận. Rồi những khắc nghiệt của chiến tranh ập đến triền miên, nhưng lúc nào chị cũng nghĩ đến anh, đến linh hồn anh (khi ấy chị đinh ninh là anh đã chết) ở bên chị, che chở cho chị. 

 

Bây giờ anh còn sống, đang hạnh phúc với công việc của mình. Anh có uẩn khúc gì chăng? Một uẩn khúc không thể giãi bày? Hay anh cũng như chị, đúng rồi, chắc chắn chỉ có thể là nó, chắc chắn cái chất quỷ quái kia cũng đã nằm trong máu huyết của anh và đó là lý do khiến anh không đi tìm chị, trốn chạy khỏi chị. Một người thông minh và có học như anh ắt hiểu được điều đó và biết cách dập tắt những dục vọng để khỏi liên lụy mọi người. Ôi sao anh vẫn mã thượng như ngày nào, chỉ chuyên tâm lo lắng cho người khác. Ngày còn ở trong rừng, anh hay ao ước khi hết chiến tranh được trở về sống bên một dòng sông. Anh bảo quê anh vùng Kinh Bắc, nơi có con sông nhỏ hiền hòa trong xanh suốt bốn mùa. Dòng sông nhỏ luôn bình lặng chảy. Hết chiến tranh anh sẽ trở về dòng sông ấy. Thế mà bây giờ, chính anh lại trốn chạy nó, trốn chạy chị. Anh không coi chị như một dòng sông ư? Anh đã chả từng bảo chị như dòng sông nhỏ luôn chảy trong anh đó sao? Thế mà bây giờ, tất cả chỉ như cơn gió thoảng, không tung tích, không dấu vết. 

 

Chị vẫn còn nhớ lắm. Khi anh vùng chạy khỏi vầng ngực thanh tân của chị và quay trở lại, anh đã khóc. Anh khóc như một đứa trẻ. Và anh kể về cuộc đời mình cũng như là thanh minh cho sự không thể của anh. Chị bỗng thấy cuộc đời rộng hơn, thăm thẳm, khôn cùng, bao nhiêu bước ngoặt định mệnh. Bố anh là du kích ở vùng có mấy nhánh sông Lục Đầu lau lách, cỏ tranh um tùm. Đang học ở một trường có tiếng tại Hà Nội, ông đã sớm giao du với giới trí thức tiến bộ. Ông viết báo, viết văn. Ông mau chóng đứng hẳn về một phía. Phía dòng giống ông đang quằn quại, rên xiết từ lâu. Đương nhiên ông lọt vào tầm ngắm, vào họng súng của phía bên kia. Khi tình hình phát triển phức tạp, quân giặc gầm ghè, toan tính, thương lượng, mà cả bắn giết nhau, ông được tổ chức chỉ định trở về quê chuẩn bị vũ trang cướp chính quyền. Thời các ông, dường như ai cũng nhận mệnh lệnh từ đất nước, non sông. Người du kích xuất thân trí thức ấy đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Cách mạng tháng Tám có công sức của rất nhiều người, hàng triệu người, trong đó có ông. Bên cạnh niềm vui chiến thắng là nỗi đau ập xuống. Ông đau đớn, chết đi sống lại nhiều đêm ngồi hóa đá bên nhánh sông Lục Đầu. Nhưng nỗi đau thì không hóa đá. Nó như nước sông, chảy đến vô cùng. Chảy đến đặc quánh máu ở trong tim. Khi ông đang cùng các đồng chí chuẩn bị cho công cuộc lớn cũng là lúc đại họa ập xuống gia đình. Mẹ ông bị giặc làm nhục trong một buổi sang bên kia sông thăm dò tin tức con mình. Đó là buổi chiều thê lương nhất trong cuộc đời bà. Buổi chiều định mệnh đã cướp đi tất cả. Bố ông, một nhà nho tiết tháo đã im lặng như hóa đá, đớn đau, lặng lẽ bên người vợ tấm cám đang mê sảng. Rồi người vợ không ăn uống gì nữa, im lặng mãi mãi trong vòng tay gầy guộc của người chồng. Sự im lặng như đáy biển. Đám ma không kèn trống được tổ chức trong sự câm lặng tuyệt đối. 

 

***

Chị quyết định phải lập tức đến nông trường. Suốt đêm trước, chị không sao ngủ được. Nếu đúng là anh thì sao nhỉ? Chị sẽ ăn nói với anh ra sao? Còn mọi người nữa chứ? Biết đâu, ở đây có cả những đồng đội cũ của chị? Hồi còn ở trong rừng, chị nổi tiếng về sắc đẹp và giọng hát trời phú. Sắc đẹp chị, sau bao nhiêu năm đã khác đi rồi, chắc gì anh nhận ra? Còn giọng hát? Kể từ ngày rời bỏ ngôi làng, rời bỏ thềm sông, chị chưa một lần cất tiếng. Nó là của riêng chị? Hay của cả anh? Nếu khi gặp, anh đề nghị chị hát thì sao? Đồng đội đề nghị chị hát thì sao? Và, những đứa trẻ, chúng cũng muốn nghe chị hát? Điều này chị xử lý được. Chị sẽ hát. Vẫn sẽ hát những bài ngày xưa, bài hát chị thuộc, không phải trong trí óc, mà là trong trái tim. 

 

Khi còn ở trên xe, chị đã nhìn thấy anh qua cửa kính lờ mờ. Chị xuống xe sau cùng. Khi chị bước đến để chào thì mọi người đã ôm chặt lấy nhau. Chị lặng lẽ nhìn, nước mắt tự nhiên chảy ra. Đúng là anh rồi! Đúng là anh! Chị đứng ngây ra, không thốt được một lời. Chị lảo đảo tiến về phía trước. Mọi người còn chưa hiểu ra chuyện gì tiếng khóc nghẹn ngào đã vỡ òa ra. Đến mấy phút, những bó hoa mới ùa đến vây xung quanh họ.

 

***

Đêm khuya, họ ngồi bên nhau trong căn phòng nhỏ. Mọi người dường như đã chìm vào giấc ngủ. Anh lặng lẽ nhìn chị. Từ chiều, họ nói với nhau những lời bâng quơ, đứt gãy. Khi dẫn mọi người ra thăm khu nghĩa trang chôn cất những đứa trẻ không được làm người, anh đã cố tránh ánh mắt của chị. Nghĩa trang buổi chiều vô vàn tia nắng từ sườn núi chiếu rọi xuống. Sỏi lạo xạo dưới chân. Cỏ bò lan man, tinh nghịch trên những nấm mộ. Theo quy định ở đây, mọi người lần lượt tiến đến chân tượng đài, nơi có tấm bia khắc những dòng chữ của mười tám cặp mẹ con đặt những bông hoa xuống. Hôm nay, họ đặt rất nhiều hoa. Ở đây không thắp hương, điều này đã được nhất trí ngay từ khi mọi người tiễn những đứa trẻ trở về thế giới khác. Không có khói hương, những bông hoa bớt nhói buốt hơn, chúng như một hiến tặng. Những giọt nước mắt rịn ra, khe khẽ thấm vào da thịt. 

 

Hình như trời đang chuyển về sáng. Họ vẫn chưa nói điều gì với nhau. Nói gì đây? Chả lẽ kể lại những khổ đau cơ cực của mình? Điều đó có nghĩa gì đâu? Không kể ra cũng có thể đoán biết được. Họ đều thông minh và nhạy cảm. Anh định nói với chị về những người đàn bà ở đây nhưng rốt cuộc anh đã im lặng. Anh biết chị vẫn dành những suy nghĩ tốt nhất cho anh, từ lâu, từ cái ngày anh đột ngột lên tiếng bênh vực chị và vào tuyến sâu hơn, từ lúc anh không thể vấy bẩn thân thể chị. Bao nhiêu năm nay, anh vẫn nghĩ đến chị, dù công việc có bận bịu đến mấy. Càng nhìn những đứa trẻ sinh ra, lẫm chẫm tập đi tập nói, rồi i tờ lớp một lớp hai anh càng nghĩ đến chị. Anh luôn đinh ninh chị còn sống, đã xum xuê cành la cành bổng với một người đàn ông của riêng mình. Người đàn ông ấy phải là người có học, biết mang hạnh phúc đến cho chị, cho chị những đứa con khỏe mạnh, chứ không thể là anh, vì điều tối giản này, anh đã không làm được, nguyên nhân chính của việc anh không đi tìm chị, hãy cứ để chị nghĩ là anh đã hi sinh. 

 

Chị im lặng trong im lặng của anh. Nói gì bây giờ cũng là thừa, vô nghĩa lý. Hai người ngồi im lặng. Thỉnh thoảng, người đàn ông với tay cầm bao thuốc. Tiếng bật lửa lách cách vang trong đêm tịch mịch. Chiếc gạt tàn đầy ắp mẩu thuốc, tàn tro tràn ra xung quanh. Những độc thoại của hai người vương sang nhau, như khói thuốc đang lẫn vào sương đêm lạnh.

 

   

Phùng Văn Khai/ Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/gap-mat_261899.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)