1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Truyện - Chân dung

Điều ước Trung thu

21/09/2019
Toàn ngồi bó gối nơi góc sân, dưới gốc ổi găng có tán rộng. Nó ngẩn ngơ nhìn mấy chùm ổi sai trĩu cành lấp ló trong tán lá. Hình như có ổi chín. Nó phát hiện cặp chim chào mào đang ríu rít cãi nhau sau cành ổi bị che khuất. Nó đảo mắt, đưa mũi hít hà.

Minh họa của vũ khánh

Toàn ngồi bó gối nơi góc sân, dưới gốc ổi găng có tán rộng. Nó ngẩn ngơ nhìn mấy chùm ổi sai trĩu cành lấp ló trong tán lá. Hình như có ổi chín. Nó phát hiện cặp chim chào mào đang ríu rít cãi nhau sau cành ổi bị che khuất. Nó đảo mắt, đưa mũi hít hà. Đúng là có hương ổi đã dậy mùi thơm thơm! Hương ổi tự dưng nhắc nó nhớ về những ngày cả nhà nó tuy rất nghèo nhưng được nói cười vui vẻ, được ở bên ba mẹ huyên thuyên đủ điều.

Nó nhớ ngày nó lên 8 tuổi. Dưới gốc cây ổi găng này, nó chỉ việc giơ vạt áo ra hứng ổi chín ba nó trên cây thả xuống. Nó chọn quả vàng nhất, thơm nhất,  xoa xoa một chút rồi há hốc miệng cắn một miếng thật to cho đã thích. Ba nó từ trên cây ổi nhìn xuống thấy thế chỉ biết lắc đầu cười  khà. Mẹ nó đi làm về, ngồi nghỉ mát dưới gốc ổi, ăn quả ổi chín nó đưa, thấy khỏe cả người. Nhưng bắt đầu từ mùa ổi chín sau đó, chẳng còn ai trèo hái ổi cho nó nữa. Nó cũng không trèo lên cây hái, phần vì bà nó cấm, sợ ngã gãy chân, phần vì những trái ổi chín không còn thơm ngọt và quyến luyến với nó nữa.

- Toàn ơi, sao ngồi đấy một mình hả cháu? Sao không sang rủ bạn Dũng, bạn Thanh chơi cho vui! Bà Áy nói với Toàn.

- Cháu thích ngồi một mình. Ai thèm chơi với một đứa có ba mẹ đi tù như cháu cơ chứ! Nghe giọng buồn bã tự ti của cháu, bà Áy bước đến bên Toàn an ủi:

- Cháu đừng nói vậy. Các bạn vẫn thích chơi với cháu mà. Chỉ tại cháu…

- Toàn ơi, ra suối bắt cá không? Bà Áy đang dở câu nói thì nghe giọng thằng Dũng, thằng Thanh gọi Toàn ngoài ngõ. Bà liền mỉm cười:

- Đấy! Cháu thấy không? Các bạn đến rủ cháu chơi kia kìa!

- Nhưng cháu không thích. Cháu không muốn làm bạn với ai hết. Toàn xẵng giọng. Nó đứng bật dậy chạy tọt vào nhà. Bà Áy hiểu rõ nỗi lòng của cháu nên càng thương chứ không nỡ trách. Lòng bà trĩu nặng, đôi mắt sâu hoắm chứa đầy tâm sự khó nói thành lời.

Vợ chồng anh Tùng, chị Mến, con trai và con dâu bà Áy vốn lương thiện. Kể từ khi lấy nhau, cả hai cũng chỉ biết làm công làm mướn. Cuộc sống khó khăn, lại ở vùng núi hẻo lánh nên quanh năm chỉ đầu tắt mặt tối hết lên nương rẫy rồi lại về nhà.

- Tôi ước có công việc gì làm ra nhiều tiền, chứ cứ quay quắt thế này chỉ có mà đói rũ xương.

- Biết kiếm việc gì bây giờ. Mình ở vùng xa xôi hẻo lánh, tù mù có biết phố xá thế nào, việc gì, ở đâu mà tìm. Nghe chồng nói, chị Mến cũng trăn trở.

Thế rồi một ngày, người làng hớt hải chạy đến báo với bà Áy, vợ chồng Tùng bị công an còng tay, chuẩn bị đưa về đồn. Mặt bà xanh xám, chân tay bủn rủn. Bà đâu hay biết vì cả tin, vì muốn nhanh giàu nên vợ chồng Tùng đã nghe lời kẻ xấu vận chuyển hàng cấm. Khi bà Áy cùng thằng Toàn dắt díu nhau ra đến nơi cũng vừa lúc công an đưa vợ chồng Tùng lên xe. Bà Áy khóc vật vã. Thằng cu Toàn níu lấy áo ba mẹ cứ thế nức nở. Anh Tùng chỉ kịp nói với bà một câu xin lỗi rồi gửi gắm, nhờ mẹ ở lại chăm sóc thằng Toàn, sau đó cùng vợ  bước lên xe. Cả làng kéo đến xem. Người xì xầm trách vợ chồng Tùng ham giàu dẫn đến kết cục đau lòng. Người thương xót bà cháu Toàn cây non bóng cả biết nương tựa vào đâu.

Từ ngày ba mẹ thằng Toàn bị bắt cũng đã 5 năm. Đó là khoảng thời gian cả bà Áy lẫn Toàn sống trong nỗi tủi cực vì chịu lời dèm pha của xóm làng. Dù vậy, bà cũng không để vợ chồng anh Tùng phải buồn lòng khi trở về thấy con trai mình chịu cảnh thất học. Bà chắt chiu để cho cháu ăn học. Vậy nhưng thằng bé vẫn mặc cảm, thiệt thòi.

- Bà ơi, Toàn lên lớp, cứ nằm úp mặt xuống bàn. Hỏi gì cũng không nói. Đã thế… cô giáo Vinh buồn bã. Nhìn đôi dép Toàn đi mà thương cu cậu quá bà ạ. Dép gì đâu mà cũ mèm, vàng ố bụi đường, chằng chịt vết dính vết cột. Buổi trưa, trong khi các bạn trong lớp xuống nhà ăn ăn cơm, Toàn lại ra về. Cháu hỏi thì Toàn bảo nhà em không có tiền nộp tiền ăn. Em về, chiều em lại tới lớp. Nghe cu cậu nói, cháu thương quá. Cô giáo Vinh hôm gặp được bà Áy liền trao đổi về chuyện của Toàn.

- Cô thông cảm. Cũng chỉ vì... Bà Áy lại trải lòng với cô giáo Vinh. Từ khi chủ nhiệm lớp Toàn, cô Vinh vẫn hay gần gũi, quan tâm giúp đỡ thằng bé. Cô xin cho Toàn bộ sách giáo khoa cũ, cái áo cũ, cái mũ cũ. Nó biết ơn cô bằng tiếng cảm ơn lí nhí trong cửa miệng.

- Bà ơi, mấy bữa nay trăng tròn và sáng quá bà ạ. Sao lại thế bà nhỉ? Toàn ngồi gục đầu vào lòng bà nội, mắt hướng lên phía ông trăng sáng trên nền trời xanh ngắt, ngạc nhiên hỏi. Dường như cái nghèo, cái đói đã kéo vuột đi những điều tưởng như bình thường nhất của một đứa trẻ. Bà Áy vỗ về cháu:

- Tháng này là tháng 8 âm lịch. Đến ngày rằm, tức là ngày 15 tháng 8 âm, trăng sẽ sáng và tròn nhất trong năm, và người ta gọi đó là tết Trung thu. Vào ngày này, những ai ở xa thường trở về sum họp, cùng nhau ăn bữa cơm đoàn viên bên gia đình. Người lớn sẽ chuẩn bị cho trẻ con một mâm cỗ có đủ bánh trái. Trẻ con sẽ có đèn ông sao, sẽ rủ nhau cùng đi rước đèn dưới trăng… Trong đôi mắt của Toàn, bà Áy thấy hiện lên bao ao ước đến tội nghiệp. Rồi bà kể chắp nối nhiều câu chuyện nhỏ liên quan đến trung thu cho Toàn nghe. Thằng bé nhìn bà, tò mò:

- Thế tết Trung thu, trẻ con có được mơ ước không bà? Và mơ ước có khi nào trở thành hiện thực không ạ?

- Có chứ! Ai cũng được mơ ước. Và nếu ước mơ là chính đáng có khi nó  sẽ trở thành hiện thực. Nghe bà nói như thật, Toàn thấy vui vui. Nó đã nghĩ đến một ước mơ của riêng nó. Nhưng nó chưa dám nói cho bà biết. Tối đó, trước khi đi ngủ, nó lấy một mẩu giấy nhỏ và ngồi nắn nót bên ánh điện tờ mờ viết ra ước mơ của mình: “Mình ước Trung thu ba mẹ sẽ về”. Nó mỉm cười, đọc lại dòng chữ rồi lén giấu ở dưới chồng sách vở cũ.

- Mày biết thằng Thống, con ông Phú ở làng mình có cái đèn ông sao chưa? Nghe nói đẹp lắm. Chiều qua, nó còn đem ra tận đầu làng đi khoe. Đứa nào cũng trầm trồ và muốn có một cái như thế để chơi dịp tết trông trăng này. Dũng hỏi Thanh.

- Tao thấy rồi. Nghe đâu ba nó mua tận dưới phố về cho nó. Mà cái đèn ấy đắt lắm. Chỉ có trẻ em dưới phố mới có. Còn ở trên mình, nhà ai giàu mới mua được. Bọn mình chỉ ngắm trộm, nhìn trộm thôi. Thanh phân trần.

- Hồi xưa, ba tao được ông nội tao làm cho cái lồng đèn từ cái lon đựng sữa đấy. Thay vì chiếc đèn lồng cầu kỳ, xa xỉ như của thằng Thống, mình sẽ làm chiếc đèn trung thu đặc biệt này… Nghe Dũng nói, Thanh cũng tỏ ra hứng thú. Cả hai thống nhất phương án bằng cái đập tay rồi nhanh chân đến trường.

Toàn lững thững bước vào lớp. Cô Vinh nói với lớp năm nay sẽ tiếp tục chủ nhiệm lớp của Toàn. Đặc biệt là, vì trường thiếu giáo viên nên lớp 7 năm nay phải dồn lớp. Thằng Dũng và thằng Thanh năm nay được chuyển sang học lớp Toàn luôn.

- Bọn mình chung lớp rồi. Từ nay bọn mình cùng chơi với nhau nhé! Hai đứa rủ nhau đến ngồi bên Toàn, mỉm cười:

- Mình… ừ. Giọng Toàn lí nhí.

Trong bộ quần áo rộng thùng thình cũ bẩn, chiếc cặp khoác trên vai cũng cũ kỹ, Toàn bước đi thất thểu. Đôi dép Toàn đi giờ đã được thay bằng đôi dép mới. Nói là mới nhưng chỉ lành lặn cả hai chiếc chứ thực ra bà Áy xin được ở cuối làng. Khuôn mặt Toàn đượm buồn. Từ ngày ba mẹ nó bị bắt đi tù, nó tự thu mình trong mặc cảm, tự ti.

- Toàn ơi, sang nhà tao làm lồng đèn đi! Giọng thằng Dũng và thằng Thanh lại réo gọi Toàn từ đầu ngõ. Đúng là trẻ con có khác. Trong khi người lớn vì một lí do nào đó mà trở nên xa cách thì những đứa trẻ lại rất dễ gần và đồng cảm với nhau. Chúng vẫn vô tư và trong sáng vô ngần.

- Mình… Toàn ngập ngừng, nửa muốn đi nửa lại không.

- Cháu đi chơi với các bạn đi! Bà Áy động viên Toàn. Toàn miễn cưỡng  bước đi.

Bà Áy nhìn theo bóng cháu đi cùng hai người bạn, đôi mắt ánh lên niềm vui thấp thoáng. Thằng bé sẽ lại hòa nhập với bạn bè, sẽ lại vui vẻ như ngày trước. Bà nghĩ và đinh ninh như thế. Bà nhớ đến mẩu giấy Toàn viết về điều ước của mình lén giấu dưới chồng vở cũ. Khóe mắt bà chợt đọng nước. Bà lại nghĩ đến vợ chồng Tùng. Năm năm, hai vợ chồng Tùng đi tù, bà cùng thằng Toàn đến thăm được 3 lần. Lần nào mấy mẹ con, bà cháu cũng chỉ biết ôm nhau khóc. Thấy vậy, vợ chồng Tùng bảo bà từ nay đừng xuống thăm nữa. Phần đường sá xa xôi, phần già cả, tiền bạc tốn kém. Rồi thì, mỗi lần gặp ba mẹ, thằng Toàn càng buồn, càng tủi thêm. Vợ chồng Tùng hứa với bà sẽ cải tạo tốt, sẽ sớm được về nhà, sẽ chăm chỉ làm ăn lương thiện. Thấy vợ chồng con quyết tâm, bà cũng an lòng. Thằng Toàn nó nhớ ba mẹ. Bà biết chứ. Nhưng sợ nhắc tới chuyện ấy chỉ khiến nó thêm buồn. Nên bà thôi. Bà đâu ngờ thằng bé canh cánh trong lòng điều mà bà cũng đang đau đáu.

Ba đứa trẻ ngồi tỉ mẩn làm đèn Trung thu từ ba cái vỏ lon sữa vừa xin được. Nào đinh, nào giấy, bút chì, kéo, băng keo, dây và cây nến nhỏ. Tất cả đã sẵn sàng. Mỗi đứa một việc. Đứa đục lỗ, đứa làm dây quai, đứa giữ hộp… Đã lâu lắm rồi, Toàn mới được cười nói như thế. Nó xách cái đèn Trung thu, thành quả của cả một buổi sáng hiệp sức đồng lòng của ba đứa dưới cây đa đầu làng. Lòng nó khấp khởi, chân nó nhanh bước như để về nhà khoe với bà. Bỗng thằng Dũng kéo tay Toàn lại, chỉ tay về phía đằng xa:

- Nhìn kìa! Kia… có phải là ba mẹ mày không Toàn?

- Rõ ràng là ba mẹ thằng Toàn mà. Thằng Thanh hô lớn. Toàn đứng ngẩn người nhìn rồi chạy như vắt chân lên cổ về phía trước. Vừa chạy, nó vừa gọi ba mẹ. Những giọt nước mắt hạnh phúc cứ thế lăn tròn xuống đôi gò má lem nhem của nó. Xa xa, anh Tùng, chị Mến cũng chạy tới ôm con vào lòng. Trong vòng tay ba mẹ, trái tim nó run lên vì hạnh phúc. Rồi nó chợt mỉm cười khi nghĩ đến điều ước của mình.

Lê Thị Xuyên/Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)