1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Truyện - Chân dung

Con chó tìm nhà

29/12/2020
Truyện ngắn của Wladyslaw Reymont (Ba Lan)
 
 
Wladyslaw Reymont (1867 - 1924), là văn hào kiệt xuất của Ba Lan. Ông để lại cho nền văn học Ba Lan nhiều tác phẩm vô giá, trước hết phải kể đến các tiểu thuyết: Nữ danh hài (1896), Sục sôi (1897), Đất hứa (1899), Nông dân (1904 - 1909), Năm 1794 (1913). Ông là tác giả của nhiều tập truyện ngắn và những thiên phóng sự trác tuyệt. Các tác phẩm của ông phản ánh cuộc sống cùng cực, muôn màu muôn vẻ của làng quê cũng như bộ mặt thị thành ở Ba Lan hồi cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Reymont quan sát kĩ lưỡng, nắm bắt tường tận tình cảnh của người nông dân, lắng nghe tiếng nói và hơi thở của họ để rồi tuôn qua ngòi bút của mình những sự thực phũ phàng, những cảnh cùng khổ và những quy luật nghiệt ngã chi phối xã hội nông thôn Ba Lan thời trước. Ông được mệnh danh là “Homer của sinh hoạt làng quê”. Với tiểu thuyết Nông dân, năm 1924 ông được tặng giải Nobel văn chương. 
 
Trời cuối thu, ẩm ướt và u buồn. Bầu trời thấp tè bởi những đám mây đen cuồn cuộn, giăng màn tang ảm đạm, nặng nề. Ngày tháng mười u ám, mịt mờ, run rẩy vì khổ đau; nỗi thất vọng nấc lên trong tiếng rít của gió, còn tiếng mưa tựa hồ tiếng rơi của những giọt nước mắt tuôn trào, không sao cầm nổi. Bởi bất kỳ nơi đâu trong tầm mắt ta nhìn chỉ thấy cảnh hoang tàn của làng quê, những vết tích tang thương của những cánh rừng bị tàn phá, những nhà thờ đổ nát, những gọng xương đen của những vườn cây ăn quả bị đốt trụi. Chiến tranh đã chà bàn chân sắt của mình lên khắp nước, khiến cho mọi miền trở thành một nghĩa địa khổng lồ, đây đó trồi lên những ống khói màu đỏ, nom y như những tấm bia mộ còn rỉ máu tươi. Thậm chí vẫn còn đó những bãi chiến trường nhơ nhuốc, tiêu điều, ngổn ngang những tàn dư ghê tởm của những cuộc giết chóc, những trận tàn phá và những đám cháy. Ngay đến cả khí trời cũng nồng nặc mùi xác thối và lửa thiêu. Trên xác người và trong cảnh hoang tàn, cái chết đang cất lên bài ca đắc thắng của sức mạnh. Ở phía đằng Đông vẫn còn thấy những cột khói đen ngòm cùng những ngọn lửa đỏ của những đám cháy. Những làng quê, những thành phố, những lâu đài ở nơi đó đang bị lửa thiêu và gió đưa về tiếng gầm mờ ảo, đơn điệu và ghê rợn của những cỗ đại bác dữ dằn. Còn trên con đường rộng chạy ngoằn ngoèo qua những cánh đồng mờ sương, những đoàn người hốt hoảng đang chạy trốn, nom tựa hồ một dòng bùn đen đang tuôn chảy. Người ta kéo những cỗ xe chất đầy đồ đạc và trẻ thơ, những con bò cái dắt theo bằng dây chão rống oang oang và những con chó lạc đường sủa não nùng. Dòng người chảy đi từ những vùng ven, từ những bãi tro tàn và gạch vụn, từ những cánh rừng và những ngôi nhà ổ chuột, trông y như một đám rước dài vô tận, họ trốn đi mọi ngả, miễn sao chạy thật xa. Chốc chốc lại một đội kỵ binh phi ngựa vu vơ ập vào dòng người. Chốc chốc lại một chiếc xe ô tô vụt qua gầm rú điên loạn. Dân chúng chạy tản ra mọi hướng và lát sau, khi hiểm nguy đã qua đi, họ lại tiếp tục đi về phía trước. Họ còng lưng vác những bao đồ, họ mệt bơ phờ, họ rách, họ đói, họ bước đi trong cái im lặng ghê rợn, thê lương. Mặt họ đanh lại bởi mệt mỏi vì hoảng sợ và tuyệt vọng. Có những con người chạy trốn đã hàng tuần nay mà chưa hề được nghỉ ngơi chốc lát, đầu óc họ chẳng còn tỉnh táo. Họ ngủ trong những hầm hào bỏ không, họ ăn bất cứ thứ gì ăn được, khi thì chút lương thực dự trữ còn lại, khi thì xác súc vật vừa mới tìm được, còn thường thì họ ăn những củ khoai tây hà thối, bới lên từ đất cóng. Cơn lốc chiến tranh đã quét họ khỏi những căn nhà truyền đời và như những chiếc lá khô họ bị xua chạy về phía trước trong hoảng loạn vì sợ hãi. Bỗng nhiên, chừng như thây kệ làn sóng người không gì chặn nổi, một con chó to bự, to như chó sói, nom y hệt một con chó sói, lông màu hung, mịn màng, nanh to và đầu nhọn hoắt, vụt chạy ra khỏi đội hình đoàn người đang chạy trốn, nó sủa liên hồi, đoạn chạy ngược trở lại. Người ta tưởng tự dưng nó sinh dữ tợn.
 
Chẳng ai biết con chó, chẳng ai giữ nó lại. Nó là con chó bị lạc, chẳng hiểu từ đâu. Mấy con chó khác rượt đuổi theo nó, nhưng một lát sau ngoan ngoãn quay trở lại. Còn nó lao đi như điên loạn. Một nỗi nhớ mạnh hơn tất thảy mọi thứ đang kéo nó đi. Nó lao đi tìm làng quê của mình, chuồng của mình và những người chủ của mình. Chạy được một hồi nó ngồi lên ven đường, đôi mắt ngầu đỏ của nó ngó nhìn chung quanh. Mọi thứ đều lạ lẫm đối với nó: những cánh đồng nhơ bẩn này xa lạ, những con đường xa lạ, những đống tro tàn và gạch vụn xa lạ, và bất thần nó vụt đứng dậy, chúi mũi xuống sát đất, lao thẳng về hướng Đông, về nơi có chiến trận, từ đó tiếng đại bác đang vọng về và dân chúng vẫn đang đổ ra đi. Nó chạy ngang qua những cánh đồng mờ ảo, mịt mù.
 
Và ngày lại ngày nó uổng công đánh hơi tìm kiếm. Nó lùng sục khắp cả một vùng bán kính rộng tới vài dặm, nó bước chân trên mọi nẻo đường, nó đánh hơi ở mọi làng quê bị thiêu đốt, nó nhập vào những đoàn người đang cắm trại trong rừng, nó lang thang ở khu gần trại, nó đánh hơi khắp bãi chiến trường, nó bị ù tai vì tiếng đạn nổ và tiếng hô, tiếng thét, nó coi thường mọi hiểm nguy. Thảng hoặc một bàn tay nhân hậu bớt cho nó một mẩu bánh mì, còn thường thì nó bị người ta đá cho một phát khi nó sủa xin ăn. Nó gầy đi đáng sợ, nó trở nên man rợ, và vì đói lòng nó không chê bất cứ thứ gì ăn được. (...) Và do vậy thiên hạ nghĩ rằng, chắc còn ối chuyện khủng khiếp hơn thế, cho nên hễ hắn toan xán lại gần người là gạch đá chào đón nó, gạch đá bay theo nó. Bởi thế nó khinh thường họ, nó tránh xa những làng quê để thoát nạn. Nó chẳng buồn đến với lũ trẻ con gọi nó. Nó chỉ còn mải miết đi tìm chủ của mình. Và rồi nó bắt gặp dấu vết quen thuộc, nó nhận ra chính nó đã đi trên con đường này, đã chạy theo dân chúng, làng nó ở mạn trên, cách đây vài dặm. Nó sủa mừng và dồn hết sức lực còn lại lao đi. Nó nhớ trong đầu, ngay phía bên kia quả đồi là làng của nó. Nó nhớ ở ngã tư đường có cây thánh giá dưới gốc mấy cây đại thụ, còn phía đàng sau là những dãy nhà màu trắng. Thế là nó lao về chỗ cánh đồng và ngồi ngẩn ra bên cây thánh giá: chẳng còn thấy những dãy nhà màu trắng, chẳng còn thấy cánh rừng bên kia sông, chẳng còn thấy ngôi nhà to cao ở giữa làng, thậm chí chẳng còn thấy những thửa ruộng nghiêng xuống lòng sông - chỉ thấy những đống gạch vụn, những bờ cát vàng dài vô tận, những vũng bùn, những ngọn cây trơ trụi trong những vườn cây ăn quả bị lửa đốt, gạch vỡ của những ống khói bị gãy gục và bầy quạ đang nhảy nhót trên những bãi hoang tàn và đổ nát. Những làn sương ẩm tựa hồ những mảnh dẻ rách quện chặt mọi thứ và rồi mưa đổ rào rào không ngớt. Dẫu mọi vật đã hoàn toàn đổi khác, song con chó vẫn nhận ra làng của nó. Nó lùng sục từng xóm nhỏ, nó đánh hơi, nó sủa đổng, nó tìm kiếm trong những đống gạch vụn, ở từng góc sân, trong từng cái hố, nó lần theo từng dấu vết của con người mà vẫn không tìm ra chỗ từng có ngôi nhà chủ của mình. Cả làng tan hoang, đổ nát như vừa qua một trận động đất. Đâu đâu cũng thấy hàng dãy chiến hào sâu thẳm, những lưới dây thép gai, những đống gỗ, những đống gạch, những đống rơm mục nát, những dãy mồ nhấp nhô, những cây thánh giá màu trắng, những lò lửa đã lịm tắt từ lâu, những mảnh giẻ rách và những mảnh sắt kinh khủng còn dính máu người.
 
Nhưng chẳng ở đâu thấy dấu vết có người, ngay cả dấu vết của hầm trú ẩn cũng không. Con chó hoảng hồn. Nó ngồi cong lưng, chống hai chân, lông dựng đứng, đuôi khoanh tròn và sủa. Nó sủa dai, não nùng và ghê rợn. Nó lao xuống bùn, bới đất bằng móng vuốt và rên ư ử vì nỗi đau không rõ nguyên do. Mấy con quạ theo dõi nó, khi thấy nó kiệt sức nằm thừ ra như đã chết, chúng liền rời khỏi cây, quệt mỏ, cất tiếng kêu, nhẩy về phía con chó. Chúng chĩa mỏ nhọn, từ từ vây quanh con chó, nom chúng rất dữ tợn. Mấy con bạo gan nhất giương móng vuốt bay lên; đàn quạ cánh đen, loài chim ăn thịt, mỏ cong, lúc này đã vây kín con chó. Những tiếng qua, qua, cụt lủn, khàn khàn mỗi lúc càng sát gần con chó bạc mệnh. Bỗng nó bật dậy và vụt chạy tới ngã tư có cây thánh giá, có những bụi cây gai và cỏ khô. Lũ quạ bay đuổi theo nó, rồi đậu trên cây thánh giá và những ngọn cây, kiên nhẫn đợi chờ. Con chó nằm sõng xoài, kiệt sức và dường như nó khóc khi nó sủa nấc lên từng tiếng từ cổ họng. Một nỗi tuyệt vọng ngân lên trong tiếng sủa lúc này của nó. Nó chẳng thể lết đi được nữa, cái đói đang cào xé ruột gan nó. Nó chẳng còn nơi nào để mà chạy đến, cũng chẳng còn gì để mà tìm.
 
Thần chết đang lởn vởn trên đầu nó, cả đàn quạ đã đậu kín mấy bụi cây gai.
 
Những giờ đồng hồ dài dằng dặc đã trôi qua như vậy và khi thình lình có mùi nhà và mùi người bay vào mũi nó, nó nhảy ra mặt đường, đoạn nó bò theo hướng có hơi người. Nó bắt gặp ở giữa làng, dưới đống gạch của bức tường nhà thờ bị đổ có mấy người nghèo đang nằm nghỉ. Một đống lửa lớn đang cháy ở đàng trước túp lều áp vào tường rào, dựng bằng những thanh gỗ và cành cây. Khoai tây nướng bốc mùi. Trên chiếc đệm rơm mấy đứa trẻ đang ngồi ôm lấy nhau, mấy người đàn bà ngồi quay mặt vào đống lửa, và một ông già đang dùng que sắt bới ra khỏi đống lửa những củ khoai tây nướng, đoạn lão quẳng cho mấy đứa trẻ và cả lão nữa cũng ăn ngấu nghiến. Con chó bò lại chỗ đống lửa, sủa nhỏ nhẹ.
 
- Cút đi! - lão già quát lớn, giương cao thanh sắt dọa con chó. Con chó nhảy sang bên, tuy nhiên cái đói cồn cào ruột gan và yêu cầu không cưỡng nổi là được đến với con người kéo nó trở lại. Thậm chí nó chẳng sủa, con chó ứa lệ van xin cho nó một chỗ bên đống lửa, van xin một lời nói ân huệ của con người. Lúc này lão già nhìn con chó bằng cặp mắt lạ kỳ đến nỗi khiến nó đứng sững lại, rồi nhìn thẳng vào mắt lão với vẻ nghi ngờ.
 
- Này, chú chó cưng của ta ơi. Đừng sợ, đồ ngu, - lão nói vỗ về, đoạn quẳng cho con chó miếng mồi khoai tây, cùng lúc đôi mắt đói của lão nhìn vuốt theo tấm lưng to của con chó. Chừng như thấu hiểu cái nhìn thèm thịt của lão, con chó từ từ lùi ra khỏi đống lửa.
 
- Các con ơi, gọi nó đi! - Con chó mới khôn làm sao! - và lão gọi theo nó, ra sức vuốt ve mồi chài nó.
 
Tuy nhiên, những lời dỗ dành đó chẳng ăn nhằm gì. Con chó thở hổn hển, sùi bọt mép, miệng nó run cầm cập, người nó run bắn, nhưng nó vẫn phải canh chừng. Những cặp mắt kia đang dõi nhìn như muốn nuốt tươi nó và những cánh tay kia dường như đang muốn tóm lấy họng nó. Thế rồi lão già bất thần nện thanh sắt vào lưng nó, trước khi lão kịp đập thêm cú nữa con chó vùng chạy, kêu ăng ẳng vì đau đớn.
 
Đàn quạ bay đuổi theo con chó, rồi đậu trên những bụi gai dưới cây thánh giá, chỗ con chó lẩn trốn và tắt thở trong đau đớn.
 
Mưa vẫn rơi, mưa quất vào cành cây, nước mưa tuôn chảy dọc cây thánh giá. Đức Jêxu bằng tôn, đầu đội vòng gai, lõa lồ, trên thân mình đầy những vết thương còn mới do đạn súng trường và đạn đại bác bắn vào, dường như đang giương mắt nhìn vào thế gian sầu thảm, rỉ máu, hoen ố vì những cuộc chém giết và thầm gọi:
 
- Hỡi đức cha, hỡi đức cha! Sao người nỡ bỏ con?
 
Từ những miền xa xăm tiếng đại bác vẫn không ngớt vọng về - tựa hồ những chiếc búa đang nện không thương xót vào quan tài của mỗi sinh linh.
 
Người Hà Nội
http://nguoihanoi.com.vn/con-cho-tim-nha_263725.html
 

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)