1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Thời sự

“Mong chờ một thế hệ vàng nữa lại xuất hiện trong đời sống văn học, nghệ thuật Việt Nam…”

06/02/2019
Trong những năm gần đây, giới văn học, nghệ thuật Việt Nam và công chúng yêu mến văn nghệ dường như vẫn đang loay hoay kiếm tìm những tác phẩm có chất lượng cao cả về nội dung tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh sinh động đời sống xã hội, công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Nhân dịp năm mới, báo Người Hà Nội đã có buổi gặp mặt với PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận và Phê bình Văn học nghệ thuật (LLPB VHNT) Trung ương, Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) để ghi nhận, chia sẻ với ông về vấn đề này.
“Mong chờ một thế hệ vàng nữa lại xuất hiện trong đời sống  văn học, nghệ thuật Việt Nam…”
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ
 
PV: Hội đồng LLPB VHNT Trung ương đã có một năm hoạt động hiệu quả. Xin ông vui lòng cho biết những kết quả nổi bật trong công tác hoạt động của Hội đồng năm 2018?
 
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Như mọi người đều biết, chức năng nhiệm vụ của Hội đồng LLPB VHNT Trung ương là cơ quan tư vấn, tham mưu cho Đảng và Nhà nước các vấn đề về văn học, nghệ thuật, trong đó chủ yếu tham mưu về đường lối quan điểm, chính sách pháp luật, những vấn đề vĩ mô và cả vi mô về văn học, nghệ thuật, những vấn đề về chuyên môn…
 
Năm 2018 là một năm hoạt động có nhiều khởi sắc và hiệu quả của Hội đồng. Trong năm, Hội đồng đã tổ chức hai cuộc hội thảo cấp quốc gia được đánh giá cao, liên quan đến những vấn đề lớn của văn học, nghệ thuật nước nhà.  Đầu năm, Hội đồng tổ chức Hội thảo khoa học “Một thế kỷ hình thành, phát triển của nghệ thuật cải lương ở Việt Nam (1918 - 2018) - Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển”. Hội thảo được đón đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo. Hội thảo thu hút đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý, văn nghệ sĩ tham dự, tham luận. Và gần cuối năm, Hội đồng tổ chức thành công hội thảo “Nhìn lại quá trình xã hội hóa các hoạt động VHNT ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay”. Hội thảo tiếp tục được đón đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Vũ Đức Đam, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đến dự và phát biểu chỉ đạo. Tham dự hội thảo còn có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam và nhiều hội văn nghệ chuyên ngành cùng nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, văn nghệ sĩ tham dự… Trong phát biểu kết luận hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đánh giá sâu, toàn diện hơn 20 năm thực hiện xã hội hóa, chỉ ra những ưu điểm, kết quả và những hạn chế, bất cập, khuyết điểm, định hướng thực hiện xã hội hóa đúng đắn và sáng tỏ hơn trong văn học, nghệ thuật thời gian tới.
 
Ngoài ra, trong năm 2018, Hội đồng cũng tổ chức hai lớp tập huấn cho đội ngũ những người làm công tác chỉ đạo, quản lý và hoạt động trong lĩnh vực lý luận văn học, nghệ thuật, gồm có lãnh đạo các ban Tuyên giáo các tỉnh, thành; lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các hội Văn học, nghệ thuật; lãnh đạo các cơ quan báo, đài, xuất bản có các mảng nội dung về văn học nghệ thuật; các văn nghệ sĩ Trung ương và địa phương… 
 
PV: Là cơ quan tư vấn, tham mưu của Đảng và Nhà nước về văn học, nghệ thuật, đặc biệt là công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, để tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương  sẽ tham góp gì cho Dự thảo văn kiện đại hội Đảng ở góc độ văn học, nghệ thuật?
 
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Năm 2018, là năm chúng ta tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Phát triển văn học nghệ thuật trong tình hình mới”; sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đó là những Nghị quyết rất quan trọng của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị về văn học, nghệ thuật. Để tham mưu cho Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII, Hội đồng sẽ trình tinh thần cốt lõi của Đề án cấp Nhà nước về xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam; đồng thời sẽ đóng góp tiếng nói sâu sắc về văn hóa, trong đó có văn học nghệ thuật… Nghị quyết 33-NQ/TW khẳng định đặt văn hóa ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội, nhưng nhiều khi, nhiều chỗ, vai trò văn hóa ở còn ở tầm mức thấp hơn. Nghị quyết khẳng định trong chính trị có văn hóa, trong kinh tế có văn hóa và trong văn hóa có chính trị và kinh tế. Với tư cách là bộ phận tinh hoa của văn hóa, thì văn học, nghệ thuật là con đường, là “phương tiện” đắc lực góp phần bồi đắp tâm hồn, xây dựng nhân cách và làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Vì vậy phải đặt chúng trong mối quan hệ hữu cơ, biện chứng để có định hướng phát triển văn hóa đúng đắn trong thời kỳ hội nhập.  
 
PV: Công nghệ 4.0 thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển rất nhanh, rất mạnh đối với xã hội. Phải chăng, trong văn học, nghệ thuật, có thể nó làm cho người nghệ sĩ (cũng như mọi thành viên xã hội) bớt cảm xúc, bớt rung động, đặc biệt số ít văn nghệ sĩ chạy theo xu hướng sáng tác nhanh trên Blog, Facebook  và các mạng xã hội khác mà ít đi sâu vào những khía cạnh, hơi thở của cuộc sống đương đại, ít có tác phẩm lớn.
 
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, người ta nói nhiều đến vai trò trí tuệ thông minh? Cái này thì nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã báo động cách đây hơn 20 năm. Người máy có trí tuệ nhân tạo thậm chí cũng có thể làm những cảm xúc nhân tạo, nhưng cảm xúc thật nhất, sinh động nhất vẫn là từ con người, của chính con người. Đặc biệt, trong sáng tác văn học, nghệ thuật nếu không có tâm hồn và cảm xúc thì không có những tác phẩm văn học nghệ thuật đỉnh cao lay động lòng người. Và một điều chắc chắn là, người nghệ sĩ phải cảm cuộc sống, cảm hết nỗi khổ, niềm thương của con người thì mới ra được tác phẩm tốt; người máy chỉ có một phần nào cảm xúc giống con người mà không thể thay thế con người được, nếu trong văn học, nghệ thuật mà sáng tác như người máy thì sẽ cho ra đời các tác phẩm giống nhau như một khuôn đúc. 
 
PV: Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, ông có gợi ý hay định hướng gì cho các văn nghệ sĩ hiện nay để có những sáng tác văn học nghệ thuật tốt, thậm chí mang tầm thời đại?
 
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Trong vài chục năm gần đây, giới văn học, nghệ thuật cũng như công chúng yêu văn học nghệ thuật cùng có một băn khoăn, một nỗi niềm: đất nước đi lên, kinh tế phát triển, văn hóa cũng có những bước phát triển, nhưng văn hóa phát triển không tương xứng với kinh tế, thường đi sau kinh tế. Văn học nghệ thuật phát triển còn chậm hơn nữa, chúng ta không có những tác phẩm ngang tầm thời đại, phản ánh không khí của một thời đại, sự vận động tích cực và xu thế đi lên của xã hội. Hằng năm số lượng sách xuất bản nhiều hơn trước kia gấp nhiều lần, tuy nhiên chúng ta ít bắt gặp những tác phẩm xuất sắc như “Vỡ bờ “ của Nguyễn Đình Thi, “Mùa lạc” của Nguyễn Khải, “Đất nước đứng lên”, “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành, “Hòn đất” của Anh Đức, “Rừng U Minh” của Nguyễn Văn Bổng, “Mẫn và tôi” của Phan Tứ, “Mùa lá rụng trong vườn” của Ma Văn Kháng, “Sóng ở đáy sông” của Đỗ Chu hay những tác phẩm đặc sắc khác về Hà Nội như của Tô Hoài, Vũ Bằng… và rất nhiều tác phẩm thơ của Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Xuân Diệu, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật… Chúng ta đều nhận thấy hình như có một thời đã có một thế hệ vàng xuất hiện và hiện nay hình như chưa đến thời điểm có một thế hệ vàng nữa lại xuất hiện trong đời sống văn học nghệ thuật, và chúng ta luôn mong chờ điều đó.
 
Bây giờ hình như người nghệ sĩ không dấn thân mạnh mẽ như trước đây và không nắm bắt được hơi thở của đời sống, nhất là mạch nguồn của đời sống những người dân nghèo, yếm thế trong xã hội cho nên không có những tác phẩm lớn. Tác phẩm văn học nghệ thuật mang tính thời đại chắc chắn phải tích lũy từ đời sống, phải có một nguyên liệu dồi dào là cuộc sống nhân dân, thân phận con người, thân phận đất nước thì mới tạo những tác phẩm tốt. Hơn nữa là phải có đầu tư thỏa đáng và đúng đắn cho văn học, nghệ thuật, có thể tranh thủ nguồn lực của xã hội, nhưng vẫn rất cần sự đầu tư của nhà nước, văn học - nghệ thuật chủ yếu sáng tạo ra các giá trị về mặt tinh thần và sự sáng tạo đó không thể đong đếm như vật chất. 
 
PV: Mặc dù rất bận rộn với vai trò quản lý, là Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, nhưng trong những năm qua ông đã có rất nhiều tác phẩm sân khấu đặc sắc, đặc biệt là vở cải lương “Hừng Đông” được công diễn tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước và được công chúng đón nhận và đánh giá cao. Ông có thể chia sẻ đôi điều với bạn đọc Thủ đô và cả nước về những tác phẩm này?
 
PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ: Cho đến hôm nay tôi có 5 tác phẩm được dàn dựng và công diễn. Tác phẩm đầu tiên là “Chuyện tình Khau Vai’ nói về câu chuyện tình trên cao nguyên đá Đồng Văn (huyện Mèo vạc, tỉnh Hà Giang). Tác giả hư cấu nhưng dựa trên đời sống, phong tục, tập quán của người dân các dân tộc thiểu số ở đây. Vở thứ hai là “Mai Hắc Đế”, ca ngợi anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan đầu thế kỷ VIII trong đó hình ảnh của Thành Tống Bình (Hà Nội xưa) rất rõ. Tiếp đó là vở “Hừng đông” được biểu diễn đầu năm 2016 nhân dịp khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII nói về nhà cách mạng tiền bối, trí thức yêu nước Phan Đăng Lưu. Vở thứ tư, được công diễn tháng 6/2018 có tên “Thầy Ba Đợi” viết về quan, nhạc sư Nguyễn Quang Đại. Cụ làm quan coi sóc về nhạc lễ của triều đình nhà Nguyễn, một ông quan yêu nước, yêu dân và đặc biệt yêu nghệ thuật. Chính cụ là người đã kết hợp nhã nhạc cung đình Huế, hát bội khu 5 và dân ca Nam Bộ, đờn ca tài tử Nam Bộ thành nghệ thuật sân khấu cải lương, cụ là ông tổ nghệ thuật cải lương hiện nay. Và vở gần đây nhất “Hoa lửa Truông Bồn” được viết nhân kỷ niệm 50 năm ngày hy sinh anh dũng của 13 Liệt sĩ Anh hùng “Tiểu đội Thép” Truông Bồn. Vừa rồi, Trung tâm Bảo tồn và phát huy Di sản dân ca xứ Nghệ đã dàn dựng, biểu diễn ở Vinh, ở huyện Yên Thành (Nghệ An) và tới đây, vào các ngày 20,21,22 tháng 1, sẽ được biểu diễn tại Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ, Hà Nội.
 
PV: Nhân dịp Tết Kỷ Hợi, qua báo Người Hà Nội ông có gửi gắm điều gì đối với văn nghệ sĩ Thủ đô?
 
PGS.TS Nguyễn Thế kỷ: Hà Nội trái tim của cả nước, trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, khoa học kỹ thuật, nơi giao lưu với các nước. Từ xa xưa đến nay, Hà Nội đã có rất nhiều danh nhân văn hóa, văn học nghệ thuật nổi tiếng, những năm gần đây cũng thế. Được sinh ra trong vùng đất kinh kỳ truyền thống từ bao đời nay, bao nhiêu tên tuổi lớn, từ văn học đến nghệ thuật cũng như âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, kiến trúc, hội họa, nhiếp ảnh... đã nở rộ tài năng. Tuy nhiên, cũng như tình trạng chung của cả nước, Hà Nội chúng ta vẫn luôn mong chờ văn nghệ sĩ và trí thức Thủ đô sẽ có những tác phẩm đỉnh cao, có thêm những tượng đài nghệ thuật… Tôi tin rằng trong thời gian tới, Hà Nội chúng ta sẽ có những tác giả, tác phẩm văn học nghệ thuật đặc sắc, được công chúng ngợi ca, có cả tác phẩm ngang tầm thời đại. 
 
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
 
Huệ Minh/NHN

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)