1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Thời sự

“Hình đám cỏ” - Sự thiêng liêng của một tình yêu kín đáo mà sâu nặng

02/08/2018
Mai Văn Phấn là một thi sĩ kì cục, bởi mỗi bài thơ của ông, dù viết về bất cứ điều gì đều khiến tôi hình dung ra có một nụ cười tinh quái sau đó, nụ cười thách thức và nhạo báng tất cả sự cố công của người đọc, nụ cười phơi bày nỗi thống khổ của ngôn từ và mối thù hận không thể nguôi ngoai của tiếp nhận đối với văn bản. Nụ cười ấy rõ rệt nhất ở cái không khí tình dục lồng lộng trong thơ tình Mai Văn Phấn.
Ở bài viết này, tôi chỉ nhắc đến một bài thơ dài: “Hình đám cỏ” (1) ra đời năm 2009. “Hình đám cỏ” với tôi  là câu chuyện về một cuộc ái ân miên viễn, nơi mà những tình nhân dìu nhau đi trong nhịp điệu của riêng họ, không giống ai, không cần giống ai, kể cả tạo hóa.
 
“Hình đám cỏ” - Sự thiêng liêng của một tình yêu kín đáo mà sâu nặng
Ảnh minh họa
Mở đầu bài thơ là “bước sơn dương gõ trên mặt đất”, kết thúc bài thơ là “những con sơn dương tràn xuống đồng bằng” và “bầu trời vỡ tiếng gọi đàn khoái cảm đêm đen/bước bước sơn dương”. Bài thơ như một cuốn phim chậm mà mỗi phân cảnh dường như chẳng ăn nhập gì với nhau, nhưng nó diễn đạt một cách không thể khác về nhịp điệu sống của một con người. Ta tưởng thời gian là liên tục, ta ngỡ sự sống là dòng chảy, nhưng sự thật sự sống là những sat-na (Khama) không nối kết. Sự đứt gãy của kết cấu bị chúng ta chối bỏ, chúng ta thích cảm giác về sự liên tục bởi nó đem lại ảo tưởng bền vững. Mai Văn Phấn đã khước từ sự tự lừa dối đó bằng cách đem những hằng hà sa số mảnh sống tãi vào nhau, càng rời rã bao nhiêu thì càng gần sự thật bấy nhiêu. Và trong đám hỗn độn ấy, có một thứ mỗi lúc một hiện rõ nét, nó là thứ duy nhất vẹn nguyên hình hài, nó là những kinh mạch khiến cho đời sống kia trở nên có lý. Nó là ái tình.
 
Nếu nói: “Hình đám cỏ” là một cuốn bí kíp ái tình trá hình liệu có quá không?
 
Không quá, bởi khó mà nghi ngờ sự gợi tình ngay từ câu thơ vô hại này: “Hơi thở truyền nóng qua điện thoại giây lát, hỏi anh ăn sáng chưa?”
 
Không quá, bởi sự ám gợi từ những biểu tượng cá nhân riêng tư. Biểu tượng thứ nhất: Chuỗi hạt - Choàng vai em như đeo chuỗi hạt…/…Chuỗi hạt lặng yên chờ em ngủ/ Lại xô đi lạo xạo quay tròn/…/ Lăn trơn anh chuỗi hạt xổ tung…
 
Biểu tượng cá nhân trong thơ hiện đại thú vị bởi nó là liên tưởng đặc dị, chỉ xuất hiện ở một chủ thể sáng tạo. Còn biểu tượng đó ở đâu ra thì chịu. Tôi đoán đây là nụ cười tinh quái của Mai Văn Phấn, bởi ông chắc chắn không kẻ nào giải mã nổi biểu tượng ấy. Biểu tượng “chuỗi hạt” trong “Hình đám cỏ” chính là một mã kiểu ấy. Hãy đọc lại những câu thơ trên, ta sẽ thấy người đàn ông kiêu hãnh phô diễn nam tính của mình trong bầu khí quyển ngây ngất dục tình bao bọc người đàn bà của anh ta. Chuỗi hạt như một phần không thể thiếu của nghi lễ, ái tình lập tức trở thành tôn giáo. Những kẻ yêu nhau đã tự lập ra thánh địa của mình.
 
Biểu tượng thứ hai: Nước
 
Biểu tượng nước trong “Hình đám cỏ” rõ ràng đến nỗi ngay cả những người đọc thờ ơ nhất cũng nhận ra sự ám gợi của nó:
Nước là đường dẫn của nối kết hai cực âm dương: Tiếng nước từ đỉnh thác êm/ đang nối hai đầu thế giới.
 
Nước mở đầu cho một cuộc hành lễ trang nghiêm: Nước ấm nóng mở đầu nghi lễ thanh tẩy.
 
Nước là chất đốt, là nguồn năng lượng của lò luyện kim rực cháy: Nước reo sôi con gấu hực lửa/ Tiết mật tổ ong/ Từng ngón chân thon.
 
Nước là một miền êm dịu khi bão tan, chớp lặng, khi cuộc tình dịu dàng buông xuống: Mình thiếp đi bên nhau/ Mơ cánh đồng có giếng sâu/ Tay nối tay kéo từng gàu nước/ Tiếng đất reo/ Rễ cây duỗi mềm mại/ Hoa trổ bông nơi mình vừa tưới/ Tưới thật lâu cho khắp cánh đồng/ Nghĩ và kéo nhanh hơn không biết mệt/ Mạch nước khai thông dòng thác/ Ướt bì bõm/ Len qua hàng lúa trĩu bông.
 
Nước reo múa trong mọi hình hài của nó, mà những hình hài ấy đều là sự biến thiên bất tận của ái tình.
 
Là mưa lai láng trên thân thể tình yêu: 
 
- Mưa cơ thể em sáng láng…
 
- Mưa mồ hôi tóc bết xanh bất tận
 
- Từng hạt mưa rây rây xuống cỏ
 
Đọt măng non căng mặt đất mềm
 
- Hơi thở mưa bay lất phất
 
- Sấm sét mắt nhìn đổ trận mưa rào
 
Là bão lũ dại cuồng không kiểm soát:
 
- Con đê vỡ toang tràn lũ đồng bằng
 
 Là biển:
 
 - Biển xô con đập mong manh
 
Là sóng:
 
- Anh u mê khôngchân em  tay anh
 
Hơi thở lạc trong làn tóc rối
Tung lên bọt sóng quay tròn
 
Và “sóng”:
 
 - Miết sóng cơ thể
 
Bấu vào lưng, cào xiết bờ vai
 
Nước, kì diệu thay mang con người đến bến bờ của sự sinh thành: Giữa em là anh/ một con hoẵng vừa sinh trên cỏ ướt/ một bát nước ngùn ngụt bốc hơi/ một thế giới đang vội vàng hoàn hảo.
 
Nước trong “Hình đám cỏ” là biểu tượng hai mặt: vừa là chân mệnh đàn bà vừa là vận số đàn ông.
 
Kẻ đàn ông được sinh ra lần nữa bắt đầu học cách cảm nhận thế giới trong sự dìu dắt trìu mến của người đàn bà của anh ta: Đặt tay lên anh/ Rễ mềm trong đất ẩm/ Mặt lá ngây thơ/ Dậy anh cách đánh vần đồ vật:/ đây bát đũa/ nền nhà, giày dép/ mặt trời/ rất nhiều tiếng nước.
 
Ngọt ngào thay kẻ đàn ông tự xem mình là đứa trẻ, nhận ân huệ của người đàn bà anh yêu. Tình yêu ấy như tình yêu Thiên chúa. Chú bê non dụi vào lòng mẹ/ Cún con quẩn quanh luồn lách chân người.
 
Có những biểu tượng mà ý nghĩa của nó rất quen thuộc:
 
- Quyền trượng rắn đanh vươn chiếm đoạt
 
Đất quanh đây chuyển động
Núi đồi, mặt nước nhấp nhô
 
- Trên cao em con cá trúng xiên, con chim trúng đạn
 
Vũ điệu nhịp nhàng nở đóa hoa
 
Tôi yêu những vần thơ này, chúng không bị khắc chế bởi bất cứ rào cản nào. Chúng phô diễn đến tận độ một cuộc ái ân đắm say. Và thật “nguy hiểm” khi những câu thơ mang màu sắc tính dục của Mai Văn Phấn dễ biến người đọc thành đồng lõa. Có lẽ không nhiều nhà thơ viết được như Mai Văn Phấn ở địa hạt này.
 
Cả bài thơ như một hành trình qua quá nhiều địa hình, khí hậu, những câu thơ tưởng giản đơn mà hóa ra là bẫy sập. Tôi mắc kẹt trong bài thơ, bị lôi cuốn bởi những bí mật của thi sĩ ngập tràn trong ấy. Tuy vậy, phải khẳng định ngay  tình dục trong thơ Mai Văn Phấn không phải là ẩn ức. Không có bất kì ham muốn bị dồn nén nào, chỉ có ham muốn đã thăng hoa. Đó là sự giãi bày, đơm hoa kết trái, là khoe ra một cách kiêu hãnh. Bởi thế, tình dục trong  “Hình đám cỏ” không phải là sản phẩm của trí tượng tượng, nó có thật. Những bí mật trong bài thơ chính là kho báu mà số phận trao cho thi sĩ.
 
Mai Văn Phấn mô tả những cuộc ân ái mãn nguyện tột cùng. Nơi ấy, đôi tình nhân tận hiến, nơi ấy họ điên cuồng…
 
Câu bất chấp quy tắc ngữ pháp, hình ảnh bất chấp quy luật liên tưởng, lời bất chấp quy ước hành ngôn. Nhưng chỉ có cái vô lối đến khó tin của diễn đạt mới đủ sức biểu thị được năng lượng ngang tầm vũ trụ của một cuộc ái ân. Đích đáng vô cùng!
 
Đích đáng hơn nữa là hình tượng người đàn ông trong bài thơ này. Anh ta là kẻ phụng sự, tôn  thờ và nâng niu vị nữ hoàng của mình. 
 
Viết về tình dục là thời thượng khi người ta muốn bứt khỏi những thiết chế thép từng trói buộc tâm thức. Thật lạ khi nhiều nhà thơ xem tình dục là bản năng, là phần con trong con người, là tội lỗi nhưng lúc muốn khai phóng, muốn làm mới, người ta lại bắt đầu từ tình dục. Bởi thế họ trượt từ cực đoan nọ đến cực đoan kia. Mai Văn Phấn là một trong những nhà thơ đã làm ra được một thế giới tình ái trong thơ đạt đến độ hài hòa của dục tình nguyên thủy và văn hóa tình dục. “Thơ tình dung tục khi nó chưa có cảm xúc và bị viết ra từ tâm thuật bệnh hoạn dung tục. Còn một khi nó được đặt trong ngôi đền thiêng thì tất cả bỗng thánh hóa” (Mai Văn Phấn). Bởi tình dục là thiêng liêng nên khi nghi lễ kết thúc, tín đồ đạt đến sự tinh tấn thuần khiết: Bên nhau lặng im nghe bông sen trắng/ đang nhói sáng/ vươn trong huệ tưởng.
 
Những dẫu sao, nếu chỉ có dục tình, hoan lạc chỉ là trò chơi có thưởng. Tình dục trong “Hình đám cỏ” là đóa hoa vươn lên từ gốc cây tình yêu ân cần: Lo em phải mang quá sức/ Anh đã chạy theo/ Lúc kiễng chân, lúc bám tay tay hờ/ Tà áo bay nắng sớm/ Nhạt hoa văn chiếc túi da nâu.
 
Có vài câu thơ tưởng như hơi nhạt, thấp thoáng một cái gì quen thuộc: Dặn chiếc túi nhỏ anh mang/ Có đồ ăn và chai nước uống/ Trên cao tít từng bầy đóm đóm/ Ngôi sao gần hơn vẽ mắt em/ (yêu nhau thường khi không nhớ mặt).
Nhưng khi đọc những vần thơ này trong dòng mạch của cả bài, tôi bỗng nhận ra điều gì khiến cho tình dục trong thơ Mai Văn Phấn thăng hoa đến thế: có một tình yêu kín đáo mà sâu nặng vô cùng ẩn sau đó. Không có tình yêu này, mọi thứ tình dục đều vô nghĩa. Bởi tình yêu ấy, “cỏ non kinh động, càng chồi lên mở lại những chân trời”. Rốt cuộc, không có điều thiêng nào lại không thăng sáng từ một cội mầm bình dị nhất. Tôi nghĩ vậy! n                                       
 
-----------------------
(1): Rút từ tập thơ “Bầu trời không mái che” - Nxb. Hội Nhà văn, 2010
 
Đinh Thanh Huyền/Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)