1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Hà Nội
  4.  › 
  5. Tin tức Hà Nội

“Xây dựng và phát triển kinh tế phải gắn với phát triển văn hóa, xây dựng con người”

12/11/2019
Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên báo Người Hà Nội nhân dịp đầu xuân năm mới xung quanh chương trình “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” (Chương trình 04 của Thành ủy).
“Xây dựng và phát triển kinh tế  phải gắn với phát triển văn hóa,  xây dựng con người”
Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội
 
PV: Ông có thể khái quát qua những kết quả cơ bản về tình hình KT - XH Hà Nội trong năm 2018. Là Phó Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy, ông nhận định thế nào về vai trò của văn hóa góp phần vào kết quả ấy?  
 
Đồng chí Nguyễn Văn Phong: Trên tinh thần đổi mới, thành phố đã xác định, thực hiện với quyết tâm chính trị cao chủ đề năm 2018 - “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, hoàn thành đạt và vượt 20/20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố tăng 7,61% với quy mô 906,5 nghìn tỷ đồng (theo giá hiện hành và cách tính mới), cao hơn mức bình quân chung cả nước (7,08%). Thu ngân sách trên địa bàn đạt 103,9% dự toán, tăng 16,5% so  với năm 2017. Năm 2018, thành phố có thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 324/386 xã, bằng 83,9%, về đích sớm 2 năm so với Nghị quyết HĐND thành phố là 80%…
 
Điều đáng lưu ý là, trong tỷ lệ 20/20 chỉ tiêu mà thành phố hoàn thành đạt và vượt có tới hơn một nửa là chỉ tiêu văn hóa - xã hội. Đây chính là thành tích nổi bật, đáng khích lệ từ sự nỗ lực, quyết tâm của Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU, các cấp, ngành về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Vị trí, vai trò của văn hóa cho thấy ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Hà Nội đang đi đúng hướng, đúng như đồng chí Hoàng Trung Hải - Bí thư Thành ủy đã nhận định “văn hóa là nền tảng, nếu được khai thác tích cực sẽ tạo động lực cho sự phát triển mạnh về kinh tế”. Điều này được quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực, là nguồn lực và sức mạnh nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội… Chính vì vậy, thời gian tới, việc tiếp tục phát huy xứng đáng tiềm năng, thế mạnh của văn hóa hơn nữa là yêu cầu tất yếu, đòi hỏi các cấp, các ngành của thành phố, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô cần có sự nhận thức sâu sắc quan điểm “xây dựng và phát triển kinh tế phải vì mục tiêu văn hóa”, có như vậy mới đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô.
 
PV: Ông có thể nói rõ hơn về những kết quả mà Chương trình 04-Ctr/TU đã đạt được trong năm vừa qua?
 
Đồng chí Nguyễn Văn Phong: Chương trình 04-CTr/TU là 1 trong 8 chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội (khóa XVI), luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. 
 
Trong năm 2018, Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU đặc biệt quan tâm thực hiện 2 quy tắc ứng xử với nhiều đổi mới, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh. Công tác tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao được đổi mới, nâng cao chất lượng, mang đẳng cấp quốc tế; nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật nổi bật, ấn tượng như: tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, dịp Tết Nguyên đán… Hoạt động giao lưu hợp tác với các tỉnh, thành phố trong nước, quốc tế được mở rộng. Công tác tổ chức và quản lý hoạt động lễ hội được Bộ VH,TT&DL biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao. Công tác GD&ĐT đã có những đổi mới căn bản; tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học, nâng cao số lượng, chất lượng trường chuẩn quốc gia. Thể thao chuyên nghiệp tiếp tục đạt thành tích cao tại các giải thi đấu quốc tế và trong nước. Công tác y tế, nhất là thái độ phục vụ bệnh nhân của các y bác sĩ có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ tiêu pháp lệnh về văn hóa; chỉ tiêu số lao động được giải quyết việc làm, tỷ lệ thất nghiệp thành thị; các chỉ tiêu về tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ xã có điểm luyện tập thể dục, thể thao... vượt kế hoạch. Các chỉ tiêu về đền ơn đáp nghĩa cho người có công đã hoàn thành mục tiêu trước quy định... 
 
PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến việc triển khai xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và 2 quy tắc ứng xử chưa tạo được chuyển biến rõ nét?
 
Đồng chí Nguyễn Văn Phong: Trước hết cần nhìn nhận khách quan, đó là do việc tăng dân số cơ học và cơ cấu dân số thay đổi liên tục (mỗi năm Hà Nội trung bình tăng 200 nghìn dân và có khoảng 2 triệu lao động tự do) gây khó khăn cho công tác triển khai thực hiện. Một bộ phận cấp ủy, chính quyền còn có biểu hiện xem nhẹ nên công tác triển khai chưa được chú trọng, có nơi, có lúc vẫn còn hình thức. Tính gương mẫu, tự giác trong việc thực hiện quy tắc ứng xử của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao. Sự tham gia của người dân còn hạn chế, chưa rõ. Việc sáng tạo cách làm hay, mô hình điểm, nhất là ở cơ sở chưa nhiều, chưa được quan tâm đúng mức. Công tác tuyên truyền chủ yếu là bề nổi, chưa thực sự đi vào chiều sâu, nhất là truyền thông, báo chí chưa phát huy được vai trò, thế mạnh. Việc phát hiện, biểu dương cái hay, cái đẹp, cũng như phê phán cái xấu, cái chưa đẹp còn hạn chế. Đặc biệt, chế tài xử lý các hành vi vi phạm còn bất cập, chưa tạo sức răn đe... 
 
Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Chương trình 04 sẽ đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, thực hiện, khuyến khích mỗi địa phương, đơn vị, nhất là ở khu dân cư, thôn, tổ dân phố có ít nhất một việc làm, mô hình cụ thể phù hợp, trong đó tập trung vào những vấn đề xã hội quan tâm: phòng, chống bạo lực trong gia đình, nhà trường, xã hội; xây dựng văn hóa, nếp sống văn minh trong chung cư; xây dựng ứng xử văn hóa trong du lịch, tham gia giao thông…; đồng thời, nghiên cứu, bổ sung chế tài phù hợp, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm quyết tâm đưa 2 quy tắc ứng xử vào cuộc sống.
 
PV: Để thực hiện Chương trình 04 đạt kết quả hơn, theo ông trong thời gian tới các cơ quan chức năng của thành phố cần phải tập trung những nhiệm vụ gì?
 
Đồng chí Nguyễn Văn Phong: Nâng cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo, người đứng đầu các địa phương, đơn vị là nhiệm vụ đầu tiên cần xác định. Ban Chỉ đạo cần tiếp tục đổi mới cách làm; rà soát các cơ chế chính sách thuộc lĩnh vực, bổ sung sửa đổi theo thẩm quyền; tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời nhắc nhở những mặt hạn chế, đưa ra các giải pháp hiệu quả. Các đơn vị liên quan chủ động rà soát lại các chỉ tiêu, nhiệm vụ, chương trình, đề án,… và có các giải pháp đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu, tiến độ đặt ra. Trong đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ mới và khó được Chương trình 04-CTr/TU xác định, như việc triển khai thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
 
PV: Ông có thể thông tin cụ thể hơn về việc triển khai thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội hiện nay?
 
Đồng chí Nguyễn Văn Phong: Năm 2016, Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Chính phủ, Hà Nội là địa phương đi tiên phong trong cả nước trong việc nghiên cứu, xây dựng Đề án “Đánh giá, đề xuất các giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Với mục tiêu đưa “Hà Nội trở thành 1 trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa lớn của cả nước”; xây dựng thương hiệu để Hà Nội trở thành “Thủ đô sáng tạo”, hướng tới trở thành “trung tâm sáng tạo của khu vực Đông Nam Á”. Phấn đấu năm 2020 doanh thu công nghiệp văn hóa của Thủ đô đạt 3% GRDP, đến năm 2030 đạt 7% GRDP. Có thể thấy, phát triển công nghiệp văn hóa chính là điều kiện căn cốt để chúng ta phát huy sức mạnh nội sinh - sức mạnh mềm văn hóa Hà Nội. 
 
Đề án được Thành phố ban hành, đã chỉ ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như: du lịch văn hóa, nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, nghệ thuật biểu diễn, các không gian văn hóa sáng tạo, tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật… là những lĩnh vực mà Hà Nội có tiềm năng, lợi thế để tạo ra ưu thế, thương hiệu riêng cho thành phố, thu hút đầu tư phát triển đóng góp vào tăng trưởng GRDP, tạo nhiều việc làm, quảng bá hình ảnh nâng cao vị thế Thủ đô, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị văn hóa tốt đẹp của Hà Nội trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế. Đây là một bước tiến rất lớn trong xây dựng và phát triển văn hóa cũng như thúc đẩy nền công nghiệp văn hóa sáng tạo phát triển trên địa bàn Thủ đô.
 
PV: Nhân dịp đầu xuân năm mới, ông có lời nhắn gửi tới đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô?
 
Đồng chí Nguyễn Văn Phong: Hà Nội là Thủ đô, trái tim của cả nước nên ở đây tập trung cao độ trí tuệ con người, những nghệ sĩ, nghệ nhân là tài sản vô giá không chỉ của riêng Hà Nội mà còn của cả nước. Các văn nghệ sĩ góp phần sáng tạo các giá trị văn hóa tinh thần; nuôi dưỡng sự bình yên, nhân văn… trong tâm hồn và mỗi nếp nhà người Hà Nội. Nhân dịp đầu xuân năm mới, tôi xin chúc đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và sáng tạo, tiếp tục có nhiều tác phẩm hay giàu giá trị tư tưởng và nghệ thuật đóng góp vào sự nghiệp phát triển của Thủ đô và đất nước. Chúc tập thể báo Người Hà Nội ngày càng phát triển, có nhiều bạn đọc trong và ngoài nước tin yêu.
 
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
 
Trần Chung/Người Hà Nội (Thực hiện)

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)